Nguyễn Đăng thực hiện, báo Đại đoàn kết, Xuân 1997.
Minh Tự thực hiện, báo Tuổi trẻ chủ nhật, ngày 13.12.1998
Sinh ra từ Chakleng Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận), nơi nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm, nhà nghiên cứu văn học Chăm Phú Trạm – Inrasara có may mắn thừa hưởng được những giá trị tinh hoa của một vùng quê văn hóa.
Inrasara còn trẻ lắm (sinh 1959). Sau 20 năm đi điền dã sư tầm tài liệu văn học cổ và hơn 8 năm làm việc biên soạn, trong vòng 3 năm qua, Inrasara đã liên tiếp cho ra mắt độc giả những cuốn sách nghiên cứu rất đáng chú ý, trong đó, tác phẩm Văn học Chăm I (khái luận) đã được tặng giải thưởng CHCPI (Sorbonne, Pháp) vào năm 1994; tác phẩm Văn học Chăm II (trường ca) được tặng giải thưởng của Hội đồng Dân tộc dành cho tác phẩm xuất sắc nhất trong năm 1996 của Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc.
Những gì đã làm được trong thời gian qua, với Inrasara là thể hiện khát vọng khám phá, sáng tạo của anh, nhưng mới là bước khởi đầu trên con đường vạn dặm tìm về quê hương. Inrasara nhận xét: “Từ một thế kỉ nay, chỉ có người phương Tây (nhất là người Pháp) nghiên cứu về dân tộc Chăm và văn hóa – văn minh Chăm; trong khi ở trong nước có điều kiện hơn, nhưng các học giả ta lại ít chú ý đến mảng đề tài này”. Inrasara cho rằng mảng đề tài văn học Chăm còn như một khu rừng nguyên sinh hoang sơ, chưa được khai phá.
– Minh Tự: Nhiều người yêu thơ đã biết đến Inrasara, một nhà thơ người Chăm vừa mới xuất hiện với một giọng điệu thơ giàu triết lí và khá độc đáo mà tập thơ đầu tay Tháp nắng của anh đã đoạt giải thưởng thơ của Hội nhà văn Việt Nam năm qua.
Hai tập thơ Tháp nắng và Sinh nhật cây xương rồng đã gây ấn tượng cao cho người đọc không phải là những cấu trúc, tứ thơ hiện đại, mà chính là hình ảnh một con người trung thực, cô đơn và mãnh liệt trên con đường tìm kiếm chân lí sống. Là tự sự của Đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp… và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao (“Đứa con của đất”), là thao thức về cuộc đời bao la đang chứa đựng những trí tuệ mà con người không thể dại dột chối bỏ. Inrasara bảo anh đang viết một cuốn tiểu thuyết ký sự Chân dung Cát. Đó là cuộc tìm kiếm ròng rã chân dung của văn học Chăm ở miền đất từng bị quên lãng, chân dung nàng Inrahani (tên người bạn đời của Inrasara, một nghệ nhân dệt thổ cẩm nổi tiếng) yêu dấu ở xứ sở Panduranga huyền thoại… và chân dung chính mình – cái bản lai diện mục của Inrasara.
Nhưng còn ít người biết một Inrasara lặng lẽ với công việc sưu tầm – nghiên cứu văn học Chăm. Anh nói rõ hơn về danh tính của mình:
Inrasara: Inra là họ của tôi, Sara là tên, tiếng Chăm có nghĩa là muối. Tôi còn có tên Việt là Phú Trạm. Phú là một họ do nhà Nguyễn đặt cho người Chăm. Tôi sinh năm 1957 tại làng Chăm Mỹ Nghiệp. Lớn lên đi học trường làng, trường tỉnh, rồi vào đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh. Vì một vài biến cố, tôi đã bỏ dở đại học về lại làng Chăm, và đã làm không thiếu một thứ việc gì: cày ruộng, trồng nho, thú y, dạy học, kế toán, đi buôn… Tôi đã có một khoảng thời gian rất dài để chỉ đi bộ lang thang một mình từ làng này sang làng khác. Năm 1982, Ban biên soạn sách chữ Chăm tỉnh Ninh Thuận mời tôi tham gia soạn sách giáo khoa chữ Chăm cho học sinh tiểu học. Năm 1986 lấy vợ, cũng là lúc tôi được trở lại và gắn bó với thổ cẩm Chăm, rồi cùng vợ mở xưởng dệt thổ cẩm. Bây giờ thì xưởng thổ cẩm Inrahani của tôi ở làng Mỹ Nghiệp lúc nào cũng tấp nập khách trong và ngoài nước. Năm 1992 Trường Đại học Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh mời tôi tham gia nghiên cứu về văn hóa Chăm. Tôi hiện đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp.Hồ Chí Minh.
– Nguyên Đăng: Vậy theo anh, với những tài liệu đã sưu tầm được, có thể đánh giá bước đầu về kho báu văn học Chăm như thế nào?
Inrasara: Có thể nói ngay rằng kho báu văn học Chăm rất đặc sắc và phong phú. Về văn học dân gian Chăm có tục ngữ, thành ngữ, câu đố, ca dao, đồng ca. Về văn học viết thì từ thế kỷ thứ V, người Chăm đã có văn bi ký. Đến nay đã biết được hơn 200 minh văn (bản) bi ký, tuy ít hơn, nhưng có trước nền văn học Khmer. Các trước tác thành văn, đến nay đã sưu tầm được 5 sử thi, 7 trường ca trữ tình, 10 tập thơ thế sự, 3 tác phẩm gia huấn ca. Có những trường ca như Akayet Dewa Mưno dài 472 câu, Ariya Bini – Cam 324 câu, hay ký sự bằng thơ như Ariya Ppo Parơng 216 câu. Có trường hợp như trường ca Pauh Catwai dài 137 câu mà mỗi câu đều hàm chứa một ý riêng như một câu châm ngôn. Hay Damnưy Cei Xit, kể về vị vua Ppo Klaung Girai (thế kỷ XIII), mà người Chăm tôn vinh là vị vua anh minh tài ba nhất trong lịch sử dân tộc. Tháp Ppo Klaung Girai, mang tên vị vua này, hiện còn giữ được ở Phan Rang là được trong những tháp đẹp nhất của nền kiến trúc Chăm. Một trong những nét đặc sắc trong kho báu văn học Chăm là 300 bài tụng ca (Damnưy) đã sưu tập được. Hàng năm, người Chăm có hàng cuộc lễ hội, trong mỗi cuộc lễ hội có hàng chục bài thi lễ, chứa đựng những nội dung hết sức phong phú về đời sống tinh thần của người Chăm.
– Nguyên Đăng: Với những việc đã làm được trong 3 năm qua, anh có thấy lạc quan?
Inrasara: Chưa, hoàn toàn chưa dám lạc quan. Người Chăm có truyền thống hiếu học, có được một số thành tựu, nhưng chưa có một sự đầu tư dài hơi. Vấn đề dạy và học tiếng Chăm thế nào? Các nhà nghiên cứu mảng đề tài Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Tp.Hồ Chí Minh… có một số, nhưng tản mác, mạnh ai nấy làm. Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm ở Ninh Thuận chỉ là một bộ phận thuộc Sở VHTT nên kinh phí hạn hẹp, không làm được gì nhiều. Trung tâm Nghiên Cứu Việt Nam – Đông Nam Á, thuộc Đại học Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh có một tổ nghiên cứu Chăm, nhưng hoạt động cầm chừng, không có chương trình đào tạo. Người Chăm nay đã có 500 sinh viên trên tổng số 100.000 dân, nhưng mới có mặt bằng mà chưa có đỉnh cao…
– Minh Tự: Qua quá trình nghiên cứu, anh tâm đắc vấn đề gì nhất của văn hóa Chăm?
Inrasara: Văn hóa Chăm có hai mảng lớn, đó là mảng tạo hình (bao gồm cả điêu khắc và kiến trúc) và mảng văn học. Nhưng lâu nay người ta chỉ biết đến và tìm kiếm nhiều ở nghệ thuật tạo hình. Văn học dường như không ai hay biết gì cả. Đến mức một giáo sư của Đại học Sorbonne, Pháp đã cho rằng: văn học Chăm có thể chỉ tóm tắt trong chừng 20 trang sách. Vì thế sau khi tôi cho ra cuốn Văn học Chăm – khái luận thì tác phẩm đã gây tiếng vang khá lớn. Công trình được tặng giải thưởng của CHCPI thuộc Đại học Sorbonne năm 1994.
– Minh Tự: Anh có thể nói rõ hơn về văn học Chăm, cũng như những giá trị đặc trưng của nó?
Inrasara: Từ thế kỷ thứ IV-V, văn học Chăm đã có dòng văn học bác học bên cạnh dòng văn học dân gian, được ghi thành văn bản bằng chữ Chăm cổ. Văn học Chăm có những nét đặc trưng: chẳng hạng cổ tích, thần thoại Chăm không chỉ ảnh hưởng tư tượng Phật giáo mà còn có cả tư tưởng Bàlamôn giáo và Hồi giáo. Trong các cuộc tình bi đát mà văn học Chăm phản ánh, sự ngăn cách không phải từ các thế lực phong kiến mà bởi tôn giáo. Cuộc tranh giành quyền lực giữa Bàlamôn giáo và Hồi giáo trong suốt lịch sử Chăm đã phản ánh rất rõ trong các trường ca: Cam – Bini, Bini – Cam, Xah Pakei. Thơ Chăm rất gần với thơ hiện đại hôm nay và đậm đặc tính triết lí nhưng lại rất dễ thuộc. Tác phẩm triết lí nhất như Trường ca Glơng Anak dài đến 116 câu, ngay những người nông dân Chăm mù chữ cũng thuộc. Các tác phẩm văn học Chăm cổ điển đều khuyết danh, dù có tác giả cụ thể nhưng họ đều thống nhất không đề tên…. Chính sự độc đáo chưa được ai biết đến đó đã thôi thúc tôi quyết tâm khai phá vùng đất này, dù việc tiếp cận với chữ Chăm cổ rất khó nhọc.
– Minh Tự: Văn hóa Chăm có mối quan hệ như thế nào với văn hóa Việt?
Inrasara: Có sự giao lưu hai nền văn hóa lớn trên giải đất hình chữ S này, trong nhiều thế kỉ: ngôn ngữ, âm nhạc, văn chương, …và cả sự lai giống nữa. Các vùng đất có tên Sở ở Đại Việt (sau này là Bắc bộ)… là nơi từng có sự định cư của người Chăm. Thời đó những người Chăm bị bắt làm tù binh trong các cuộc chiến, một số đã lấy vợ Việt và đã sinh sống ở những làng Sở như thế. Hình ảnh Champa mà họ mang theo là cây dừa từ Đồ Bàn (Bình Định ngày nay). Vì vậy một vài nơi ở Đại Việt bấy giờ có trồng dừa chính là cây dừa thuở ấy. Trong các điệu hò Huế như Nam Ai, Nam Bình… có sự giao thoa với âm nhạc Chăm.
– Nguyên Đăng: Câu chuyện cuốn hút và những trăn trở của Inrasara đã lây sang tôi tự lúc nào. Tôi đồng cảm với mong muốn của anh: trẻ con Chăm hát được đồng dao Chăm, được nghe kể những câu chuyện cổ tích trong những đêm trăng thơ mộng nơi thôn trang xưa. Những cô gái Chăm được giáo huấn qua trường lớp Muk Thruh Palei và thanh niên Chăm được hun đúc bằng hào khí Ppo Klaung Girai, hay tư tưởng thâm trầm của Glơng Anak và của các trường ca Chăm.
Khi ngừng câu chuyện, Inrasara trao cho tôi một bài viết mới của anh về những suy nghĩ trong việc giữ gìn, phát triển nền văn hóa Chăm, trong đó anh đã trích dẫn lời Gs. sử học Phạm Huy Thông: “Văn hóa Chămpa, dù tiếp nối hay vượt lên văn hóa Sa Huỳnh nẩy nở ở đây trước đó, là một cống hiến xuất sắc vào kho tàng văn hóa Việt Nam xưa và nay (…) và người Chăm là một gạch nối nối liền nước ta với Đông Nam Á hải đảo, mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết”.
Và Inrasara bày tỏ quan điểm của mình: nền văn hóa Việt Nam có thể ví như một rừng hoa muôn sắc hương của 54 dân tộc anh em. Người Chăm muốn góp phần tô thắm vườn hoa chung đó thì trước hết, phải giữ gìn và phát huy được bản sắc riêng của chính mình. Phải đứng vững trên ba chân kiềng: bình đẳng đoàn kết giữa các dân tộc – bảo tồn bản sắc các dân tộc – hội nhập vào cuộc sống mới. Như lời thơ tha thiết của Inrasara trong trường ca Quê hương – sáng tác mới nhất của anh:
Ta đi suốt bề dọc, chiều ngang đất nước
Góp tượng nhà mồ, góp sử thi Khan
Vào Mĩ Sơn góp trăm ngon tháp Chàm
Ta góp trống đồng, góp thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi
Góp ngàn dòng ca dao, vạn câu tục ngữ
Góp niềm kiêu hãnh riêng, góp cả nỗi đâu chung.