Bùi Ngọc Ánh thực hiện
Báo Vũng Tàu chủ nhật, tháng 06.1995.
Lâu nay, trên lĩnh vực văn hóa có không ít lời kêu gọi trở về cội nguồn. Một vài hoạt động trong đời sống xã hội trong những năm trở lại gần đây đã biểu hiện khá sinh động tinh thần về nguồn đó. Song đó cũng chỉ là những hoạt động bề nổi. Thật ra vấn đề căn cơ vẫn là nghiên cứu, kế thừa, phát huy di sản văn hóa dân tộc, trên cơ sở đó mới truyền đạt được sự hiểu biết và giá trị dân tộc cho thế hệ sau này. Dân tộc ta bao gồm 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất Việt Nam, do đó mọi giá trị tinh thần của mỗi dân tộc, dù lớn dù nhỏ đều được dung nạp để trở thành di sản văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Văn hóa Chăm như vậy là một yếu tố cấu thành của văn hóa Việt – từ lâu nay cũng đã được nghiên cứu khá tường tận từ trong và ngoài nước. Tiếp tục con đường nghiên cứu đó, chúng tôi xin giới thiệu một tác giả trẻ đã có nhiều công trình nghiên cứu văn học Chăm – anh Phú Trạm với bút hiệu Inrasara.
– Xin anh cho biết về quá trình học tập và nghiên cứu của anh từ lâu nay.
Inrasara: Tôi sinh năm 1957 tại Mỹ Nghiệp, Phước Hải, tỉnh Ninh Thuận. Năm 1977 tôi vào học tại Đại học Tổng hợp Tp.HCM khoa Anh ngữ. Từ lúc ấy tôi đã có suy nghĩ là cần phải làm một việc gì đó cho những làng quê người Chăm, nơi tôi đã lớn lên, đã học tập. Tôi muốn chọn con đường nghiên cứu với mục đích giới thiệu và bảo tồn ngôn ngữ Chăm, đồng thời đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực văn học Chăm, một lĩnh vực không kém phần quan trọng bên cạnh lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc Chăm… Do đó từ năm 1982 đến 1986, tôi đã tham gia biên soạn sách giáo khoa tiếng Chăm (song ngữ) cho học sinh Chăm bậc tiểu học, cùng với Ban biên soạn sách chữ Chăm của tỉnh Thuận Hải lúc bấy giờ. Từ năm 1992, tôi làm việc ở Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á của Đại học Tổng hợp Tp.HCM. Từ lâu, tôi chú ý sưu tầm văn học Chăm theo như gợi ý từ trước đó của thầy tôi là Phạm Đăng Phụng lúc còn ở quê nhà. Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã viết nhiều bài báo trên các tạp chí Văn học, Văn hóa các dân tộc ở Hà Nội, và tờ kinh tế và văn hóa Chăm của Trường đại học Mở Tp.HCM.
– Anh cho biết động cơ thúc đẩy anh nghiên cứu văn học Chăm?
Inrasara: Tôi muốn tìm hiểu tâm hồn dân tộc Chăm và tôi cho rằng văn chương là biểu hiện trọn vẹn nhất. Do đó tôi nghiên cứu là để giới thiệu với thế giới bên ngoài về một nền văn học có bề dày truyền thống nhưng đang có nguy cơ thất truyền. Muốn nghiên cứu cho thấu đáo nền văn học này song điều kiện tiên quyết là phải nắm vững vốn cổ ngữ Chăm, do đó tôi đã chú ý tập trung nghiên cứu sâu lĩnh vực này. Văn học là một lĩnh vực chưa có nhà nghiên cứu nào chú ý đào sâu, chưa có một tác phẩm nào mang tính tổng hợp, mặc dù đã có những bài viết, các công bố quan trọng nhưng vẫn thấy xuất hiện những ấn bản vội vã, hời hợt dễ gây nên ngộ nhận đáng tiếc.
– Như vậy lâu nay anh đã có nhiều công trình nghiên cứu? Xin anh nhắc qua về những tác phẩm đã hoàn thành.
Inrasara: Tôi đã có một số tác phẩm viết về ngôn ngữ, văn học và sáng tác. Về ngôn ngữ Chăm, tôi đã viết Từ vựng học tiếng Chăm (1984) in ronéo, nghiên cứu về từ vựng và ngữ nghĩa tiếng Chăm, Tự học tiếng Chăm viết năm 1985 nhưng chưa in, Từ điển Chăm – Việt (1994), viết chung và đang in, cuốn Từ điển Việt – Chăm đang in.
Về văn học, đã xuất bản cuốn biên khảo Văn học Chăm – khái luận (1994), cuốn Trường ca Chăm (1995) với phần sưu tầm, dịch nghĩa và chú thích, ngoài ra còn có Tục ngữ và thành ngữ Chăm (1992) cũng gồm phần sưu tầm, dịch nghĩa và chú thích (đang in).
Về sáng tác, tôi có tập thơ Lãng tử, tình yêu và quê hương (1976-1995) chuẩn bị in. Dự tính sắp tới của tôi là sau khi đã in Văn học Chăm (tập 1), tôi sẽ in tiếp hai tập còn lại, tất cả chỉ mang tính chất khái quát. Tôi sẽ đi sâu vào từng bộ phận, từng khía cạnh của văn học Chăm và thâm nhập vào các mảng khác của nền văn minh Champa. Dĩ nhiên đây là những vấn đề chuyên biệt. Tôi còn có tham vọng gây phong trào sáng tác trong giới trẻ Chăm hiện nay.
– Anh suy nhĩ gì về công tác nghiên cứu dân tộc học hiện nay?
Inrasara: Tôi chỉ xin có một vài suy nghĩ về công tác nghiên cứu về dân tộc Chăm. Thời gian qua tôi thấy có những dấu hiệu tích cực như sau: lực lượng nghiên cứu không chỉ là công dân Việt Nam, cả người Kinh lẫn người Chăm, mà còn bao gồm cả người nước ngoài; đã có những thành tựu đáng mừng: các công trình đặc sắc về ngôn ngữ, văn học nghệ thuật và về văn hóa nói chung được xuất bản kịp thời, đap ứng nhu cầu tìm hiểu của quần chúng cũng như giới chuyên môn; có một cái nhìn mới, một quan điểm lành mạnh về dân tộc và chính sách dân tộc, công nhận các cống hiến của văn hóa dân tộc vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó có những điều chưa làm được như nghiên cứu còn tự phát, chưa có chương trình cụ thể và dài hạn; các công trình hoàn thành chưa được ưu tiên xuất bản dù chất lượng đã được thẩm định. Ví dụ cuốn Văn học Chăm của tôi đã nộp bản thảo hơn hai năm mới được in, còn cuốn Tục ngữ, câu đố thì sau hai năm mới chuẩn bị in. Điều tồn tại hiện nay vẫn còn có một số ấn phẩm được viết sơ sài và tắc trách.
Tôi muốn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nên có chương trình nghiên cứu dài hạn, cần có kế hoạch đào tạo nhân lực, có một nguồn vốn in ấn nghiên cứu về dân tộc, hỗ trợ một phần vốn cho tạp chí nghiên cứu và sáng tác dân tộc Chăm, đồng thời tạo cơ hội giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.
Xin cám ơn anh!