Ngô Thị Kim Cúc, Inrasara – cái nhìn ngoái lại

Báo Thanh niên cuối tuần, 16.04.2000.

Tôi đốt lên hàng đống chữ
dưới tàn tro
bươi lấy vài lời…

Ơi tháp!
hai mươi năm tha hương
bề sau trang thơ tôi vẫn còn lãng đãng
số phận người

(“Những ý tưởng không mùa”)
Em lại trách anh mãi triết lí xa trong khi mắt mẹ buồn gần
Gót chân gái quê lấm lem mà tứ thơ anh cứ là sang trọng
Thì em trách!
Anh chỉ mong đưa thơ chắn che từ vòng xa, vòng rộng
Mai bão có thốc về cũng nguôi bớt rét vòng trong
.
(“Xa và gần”)
Tự trách móc của người làm thơ, biết rằng mình đang làm một việc gần như xa lạ với chính những gì thân yêu nhất của mình. Thế nhưng thơ không phải là thứ có thể đẩy lùi hay phủ nhận. Thơ là nỗi ám ảnh, là số phận, định mệnh, thậm chí là một nhà tù mà người ta bị giam cầm không tự giác. Một số người chọn thơ, còn thơ lại chọn một số người khác. Inrasara nằm trong số người bị chọn. Cái nhìn ngoái lại của đá, của quá khứ, của sự hủy diệt và bất diệt, của người chết và người sống, của sự bất an vĩnh viễn trong lòng những con người không thể nguôi quên những mong nhớ bí ẩn mơ hồ.
Những kẻ vắt kiệt mình cho vang vang đời tháp
ra đi mang theo niềm bí mật buồn…
Những kẻ không lời ra đi còn ngoái lại trông
gió thổi vào khoảng không họ bỏ lại…
Gió cứ thổi vào khoảng vô danh u tối
thổi vào miền lặng im ám cái nhìn ngoái lại
chưa một lần chớp tự nghìn năm qua
.
(“Cái nhìn ngoái lại”)

Trong tháp cổ có cả bí mật của lịch sử, của tài năng, của máu, của lời trối trăng và cảnh báo. Inrasara đọc được trong đá bài tụng ca nhói đau của mình:
Hiểu Glơng Anak nhưng tịt mù tiếng vỗ cánh của trái tim…
nỗi đau xay tôi làm tiếng hát

(“Tôi chẳng có gì trầm trọng lắm”)
Khóc ngàn lần cũng không trôi hết cụm đau qua
nước mắt làm nẩy mầm nỗi trống
tôi
vòm trán vươn đầu ngưỡng vọng
hành hương em

(“Hành hương em”)

Hành hương về một miền tít trên tầng xa nhất của trí tưởng người, Inrasara hiểu rõ nỗi bất lực của những gì thuộc về mình:
Dẫu thơ tôi không khuây khỏa khổ đau anh
Tiếng hát tôi không vực dậy khốn khó anh
Thì có hề chi
Nếu chúng một lần nhúm trong anh hi vọng…

Không vỗ ngực, không tranh hơn
Không trốn chạy trước phận đời thất bát
Những câu thơ buồn
Luôn có mặt nơi khổ đau có mặt

(“Ngụ ngôn viết cho mình”)

Nhà thơ là ai? Là chính mình hay là người khác, hay chẳng ai cả? Nhà thơ bẩm sinh không biết rõ về tất cả những gì anh biết, cái biết ấy mù mờ đủ để anh luôn luôn tìm cách bươn tới, bươn tới mãi, và không bao giờ đến được cái đích cuối cùng. Đó là con đường diệu vợi của thi sĩ – phận người.
Từ một khoảng tối sang một khoảng tối hơn
tôi lóe sáng…
Không phải hạt bụi đâu
mà là bể nước mắt ngàn năm khô đọng
anh muốn thấy nó ư? Xin cứ vỡ nỗi đau mình

(“Những ý tưởng không mùa”)
Trong nỗi mòn chán của ngôn ngữ chúng ta, lá vẫn thức…
mây vẫn lang thang qua ngọn đồi cũ mèm, và hát…
nắng vẫn nói vào ngõ tối của máu anh
gió vẫn không ngừng gõ cửa buồng phổi em
mà hơi thở cứ vô ưu cụt ngủn

(“Sông Lu và tôi”)
Có lẽ một thi sĩ Chăm có thừa tư cách để xưng tụng về “một Shiva hủy diệt tất cả và không ngừng nghỉ vmột sự hủy diệt gây phản tỉnh nơi tâm thức con người”… vì “kẻ sáng tạo chân chính bao giờ cũng là kẻ bảo dưỡng tuyệt vời”. Thần linh ở bên trong con người trần tục và người trần tục có thể đồng hóa với thần linh. Đó là một vế tôn giáo tâm hồn. Vế kia lại là:
Làm hành giả mù cả tin vào bàn trần và đốm lửa trái tim bị thương
xăm xăm vùng đất cấm
đàn trâu tuổi thơ bồn chồn gặm mộng
giáo đường em ở xa, ở tít bờ bên kia

(“Hành hương em”)
Lời tiên tri cho bản ngã của mình là “Ngày mai anh chết đi, tháp nắng, cây xương rồng… ở lại… – cho dẫu thế nào – trái đất sôi động mai này sẽ chẳng còn anh”.
Chớ mơ giấc mơ con cháu anh
Năm mươi năm, một trăm năm sau khi không còn anh nữa…
Những con đường, vòm trời khác mở ra
Dẫu còn mồ hôi, nước mắt tiếp mồ hôi, nước mắt hôm qua

(“Những ý tưởng không mùa”)

Đó phải chăng chính là “Cái nhìn ngoái lại” mà Inrasara muốn gửi đâu chỉ có ngày mai?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *