Tuyết Nga & Hạt dẻ thứ tư tìm thấy

Đọc Hạt dẻ thứ tư, tập thơ mới của Tuyết Nga.

Các thi tuyển đủ loại đứng nơi tủ kính, luôn tạo khoảng cách. Khó gần. Nó trang trọng và trịnh trọng quá! Và đầy tự tin nữa. Nó như muốn thuyết phục người đọc rằng nó toàn bích! Nó không hiểu nó vừa gạt ra bao đứa con bất toàn đáng yêu. Bởi thơ không gì hơn là quả từ những dở dang, mấy chới với, hụt hẫng, bao thất thố, bất toàn. Tưởng có mà không, như được nhưng chợt mất. Và thi sĩ muôn đời mang tâm trạng lần lữa, khất lại. Cái toàn bích luôn khất lại ở phía trước. Ở bài/tập tiếp theo, tiếp nữa. Trong khi bản thân thi sĩ ngược lại, luôn rớt lại phía sau. Ngày vui vừa tàn, người bạn vời xa, cuộc tình đã qua. Ngày qua, tháng qua,…người thơ ở lại. Les jours s’en vont je demeure (Apollinaire). Ở phía sau. Luôn luôn là ở phía sau:
…trái tim đang đập ở đâu sau lửa, nước và sau tiếng nói
sau vầng trán bộn bề sau cái nhìn giông bão
sau chập chờn giấc mơ
(“Hạt dẻ thứ tư”)

Thời gian là một ám ảnh khôn nguôi của thi sĩ. Mọi nơi, mọi thời. Vừa thức nhận thời gian, thi sĩ đột ngột thấy mình bị quăng ném vào khoảng rỗng vô cùng, không nơi bấu víu. Hắn hối hả chạy đuổi thời gian. Với đôi mắt ham hố, bờ môi khát khao; biết mấy thứ muốn tận hưởng, mà hắn luôn là kẻ lỡ tàu. Với trái tim giàu sang, bàn tay đầy tràn; còn bao nhiêu điều để cho, nhưng hắn không tìm đâu ai mà nhận. Hắn cảm nghe bất lực, và đuối! Hắn “độc sảng nhiên nhi thế hạ”, hay “ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng” (Hoài Khanh). Hoặc như Rimbaud, hắn bỏ thơ ca đi buôn ngà voi, súng ống – để nguôi ngoai nỗi nhớ thời gian; hoặc, hắn cự tuyệt thời gian bằng cách chối bỏ luôn cuộc sống của chính hắn – như vài thi sĩ phương Tây thế kỉ XIX đã. Ở đây – Tuyết Nga, sau mấy bận “ngồi thu gom thử dở dang / chợt vướng một ý nghĩ nổi loạn (“Không đề”) bất thành, “đã khóc như đá, đã cười như đá”. Niềm tin có thừa mà không biết đặt vào đâu! Nhan sắc còn đấy, nhưng “nhan sắc chờ bóng tối đến mang đi”, đi mất:
em như đá
từng giọt buông thạch nhũ dưới vòm đêm
em như đá
bốn mặt vô tri bốn mặt im lìm.
(“Như đá”)

Tiếng thơ từng bật lên chưa vọng âm lời thanh khí. Bàn tay đưa ra không lấy một bàn tay hồi đáp. Thế là “em lang thang như một người thừa thãi niềm tin” (“Về một ngày Thánh Valentine”). Lang thang và chờ đợi và tin tưởng…“hạt dẻ thứ tư”! Nhưng liệu Tuyết Nga có tìm thấy hạt dẻ diệu vợi đó không? Tạ Ký vô gia cư đã “làm gió lang thang / mang linh hồn biệt xứ”. Bùi Giáng mang chính cuộc đời và thi ca của mình làm cuộc lang thang không tiền kháng hậu trong văn chương Việt Nam. Họ có tìm thấy miền quê hương không? – Chỉ có họ biết được, có lẽ!

Heidegger: Ngôn ngữ là Ngôi nhà an cư của Tính thể. Thi sĩ và Tư tưởng gia là kẻ canh giữ Ngôi nhà ấy? Nhưng làm sao có thể gánh trách vụ nặng nhọc kia, khi thi sĩ cứ mãi dõi tìm một quê hương vô định? Vô gia cư, thi sĩ không có quê hương trong không gian, càng “không có quê hương trong thời gian”, như Rilke đã vỡ ra như thế, ở cuối chặng truy tìm. Tôi nghĩ tại sao chúng ta không thử một lần bóp nát nỗi ám ảnh thường trực, hủy phá sự dọa nạt của thời gian bằng cách “nằm ngang thời gian”?
Chỉ chúng ta kẻ cư ngụ ngang thời gian
là không rớt lại.
Chỉ chúng ta những thi sĩ cô đơn
bằng hơi thở của ngữ ngôn đạm bạc
dưỡng nuôi giấc mơ suối nguồn
làm tinh khôi mặt đất
.
(Inrasara, “Thi ca hôm nay”, trong Hành Hương Em)

Hay người thơ quá yếu đuối? Giữa cuộc người xô bồ đầy phi lí này, trước “thiên địa chi du du” bất khả tri kia! Tôi nghĩ, tại sao Tuyết Nga [và cả đám thi sĩ chúng ta nữa] không thử một lần nỗ lực làm một công trình thật toàn bích, nhất quán tư tưởng, giọng điệu? Như các triết gia đã từng dựng lên lâu đài triết học, để an nhiên ngụ cư trong đó. Dầu mai sau lâu đài kia chỉ còn là phế tích khi thế hệ triết gia đi tới đạp đổ để dựng lên lâu đài khác nữa. Bởi có gì toàn bích đâu, dẫu bao gắng sức, trui luyện. Con người tự bao giờ vẫn là nỗi bất toàn. Tác phẩm nào bất kì, cũng bất toàn. Dù chúng có là tuyển tập các bài thơ được cho là hay nhất. Chúng cứ là mấy thất thố, dở dang, bao chới với, hụt hẫng. Sợ hãi căn nguyên có mặt thường trực. Có đáo bỉ ngạn thơ, thi sĩ muôn đời vẫn là sinh thể yếu đuối tự thức nhận nỗi mỏng manh của mình. Mỏng manh phận thơ và yếu đuối phận nữ nhi phương Đông làm thơ. Tuyết Nga không là biệt lệ.

Thơ Tuyết Nga cứ chới với, hụt hẫng. Hụt hẫng mà đẹp. Hụt hẫng và đẹp. Cái đẹp giữa bộn bề cuộc thơ hôm nay, vẫn khả năng cứu chữa vết thương tâm hồn chúng ta, khi trái tim chúng ta tưởng hóa đá, chai cứng, trơ lì. Trước dọa nạt của thời gian và, giữa phi lí của cõi người, nó như là hạt dẻ thứ tư – hạt dẻ tìm thấy. May mắn cho Tuyết Nga, trong nỗi cô đơn và yếu đuối cùng cực, thi sĩ đôi lần tìm thấy góc khuất bình an:
em chẳng thể nào ngồi xuống bên người sớt lại hoang vu dỗ yên cay đắng
em chẳng thể như ta mặc mùa hóa đá
trái tim như bếp lửa cuối ngày.
ta lặng lẽ về ngồi với cỏ cây chia thêm cho em một ngày lắng gió
không em ta làm sao hiểu hết
hạnh phúc ta da thịt của đời thường
. (“Búp bê Baby”)

Phúc thay cho kẻ nào tìm thấy hạnh phúc, dẫu nhỏ nhoi nhất, giữa đời thường! Bởi hạnh phúc là gì, nếu nó không phải là một hiện thể qua tri nhận sâu thẳm khổ đau?

Sàigòn, ngày Phụ nữ Việt Nam 2007.

One thought on “Tuyết Nga & Hạt dẻ thứ tư tìm thấy

  1. Bao chờ đợi cho một bài thơ hay, hút hồn người đọc mà chờ mãi chẳng thấy ! Không hiểu vì sao ? Không phải thế đâu. Vấn đề là người đọc hiện tại có lẽ bận bịu quá với việc tạo cho cuộc sống vươn lên bằng Anh bằng chị trong cơ chế thi trường còn quá Sơ khai. Cảm ơn nhà thực tiễn THƠ Tuyết Nga đã sáng tạo ra những vần thơ, tuy ko mới , nhưng càng đọc càng thấy rằng, nó thấm dần ,thấm dần vào cõi lòng, tạo cho người đọc sự Chiêm nghiêm, thích thú với cuộc sống đương đại. Tôi không làm thơ, nhưng trong cảm nhận, thấy rằng bây giờ để thơ được cuộc sống quan tâm, không phải dễ dàng. Nhưng cũng dễ một khi thơ đồng hành thực sự với cuộc sống, nghĩa là một mớ mâu thuẩn ngồn ngộn được thơ nói hộ bằng thi pháp tư cõi lòng với trái Tim cháy bỏng, với khát vọng mãnh liệt, và với đam mê cuồng si ! Xin cảm ơn Nhà thơ Tuyết Nga.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *