Các dấu gạch chéo, dấu arrow xuôi, ngược, chéo, hình tròn, một khổ nhạc chêm vào giữa bài thơ đầy ngẫu hứng, chữ in đậm bất ngờ, lối sắp dòng lạ lẫm v.v…có mặt dày đặc trong Thở [1] , dễ tạo cho nhiều người đọc phản ứng bất thuận: lại là thứ lập dị mới, trò chơi rẻ tiền thiên hạ đã thử, và ném sọt rác từ ba đời tám hoánh rồi!
Người ta đã nhẵn mặt các xảo thuật kia ở trường thơ Dada, thơ cụ thể, thơ hình họa…, đây đó. Thế nhưng các nhà thơ tiền phong ở thế kỉ trước chỉ thể nghiệm nó trên trang giấy. Và họ đã dừng lại. Nền văn hóa in ấn giới hạn thám hiểm của họ, không giúp họ tiến được bước nào thêm.
Hôm nay, tình hình đã khác, rất khác.
Phát minh máy vi tính và phát triển không ngừng của nền văn hóa điện tử đã làm đảo lộn cách viết của nhà văn hôm nay. Nhà văn thế hệ mới từ bỏ tờ giấy trắng để học tiếp cận với màn hình, một màn hình trong đó văn bản không còn cố định nữa mà chuyển di rất linh hoạt. Để người đọc có thể đọc từ trên xuống dưới hay ngược lại, phải/trái, sau/trước, ngay chính giữa trang đọc ra xung quanh v.v…!
Cách viết này đã được các thi sĩ Việt thể nghiệm đây đó, rõ nhất ở các tác giả trong Tạp chí Thơ …xuất bản tại Mĩ, mươi năm qua. Tuy nhiên, các thể nghiệm này tập trung và quyết liệt hơn trong Thở của Nguyễn Hoàng Tranh, có lẽ. Tập thơ xuất hiện như một làn gió mới. Thơ Việt cần có những làn gió mới, cần một thay đổi lớn. Nhưng nội dung chỉ có thể thay đổi trên nền một hình thức thay đổi.
Thở của Nguyễn Hoàng Tranh góp gió mang tới thay đổi cần thiết đó. Hình thức thơ như một biện pháp giải trừ thói quen đọc theo tuyến tính. Nó đòi hỏi người đọc có thái độ đọc mới: không thể [chỉ] thưởng thức hay cảm nhận văn chương từ những con chữ xếp hàng trên trang giấy, mà phải [còn] làm quen với nó qua màn hình, với những biến thiên đa diện đa chiều.
29 bài thơ, cả bài thơ khởi đầu và kết thúc được viết trên nền tảng của cấu trúc metafiction. Xuyên suốt tập thơ, hầu như ở một/một vài bài anh đã sử dụng một phong cách viết khác nhau, một cầu trúc [hình thức] thơ khác nhau. Do đó, Thở không phải là một tập thơ dễ đọc.
Một hình thức thơ chống lại thói quen thơ như thế không thể không gây ra những phản ứng/dị ứng từ giới độc giả truyền thống!
Lật mở và mổ xẻ kĩ thuật, cấu trúc, ngôn ngữ và Mĩ học trong thơ của nhà thơ trẻ này là điều thú vị. Ở đây tôi chỉ thử dọ dẫm vào vài phản ứng tiêu biểu của bạn đọc chung quanh Thở của Nguyễn Hoàng Tranh.
*
Nhận xét về Thở của Nguyễn Hoàng Tranh, một bạn thơ phán: tập thơ phản động – phản [động] dân tộc, phản [động] tôn giáo. Tôi thêm: phản [động] thi ca.
Mùa thu luôn gắn kết với thi ca. Từ Á sang Âu, từ Hà Nội đến Paris, từ Đường thi đến Lãng mạn, từ Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến đến tận Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư của Thơ Mới… Mùa thu luôn là bạn tình xứng hợp của thi ca, làm đẹp và tôn vinh thi ca. Nhưng từ hơn 50 năm nay, mùa thu đã khác. Với lười nhác của tư duy, nhà thơ chúng ta biến cảm nhận về mùa thu thành mớ ước lệ cũ rích, biến cái đẹp thuần khiết của thiên nhiên thành sáo mòn tồi tệ của chữ nghĩa. Đâu đâu người ta cũng nghe, hết: gió heo may, trời se lạnh, mây mù giăng lối, lá vàng rơi… đến: nỗi (lại nỗi) cô đơn, buồn tàn thu, nhớ nhung xa vắng [2] …. Lang thang đường phố Sài Gòn, Huế hay ngồi thu lu lan can nhà cao tầng tận California, Melbourne diệu vợi, chúng ta cứ thế mà thu. Một giuộc!
Nguyễn Hoàng Tranh chống lại điều đó. Hãy ném tất cả mớ nhảm nhí kia vào sọt rác văn chương! Trả lại mùa thu cho tờ giấy trắng, tờ giấy trắng cho thi ca:
Mùa thu và hàng nghìn bài thơ bị nghiền nát cho đến khi chúng trở thành những tờ giấy trắng.
Và như thế, cuối cùng tôi đã trả lại sự bình đẳng cho mùa thu bên cạnh những vật thể vừa xuất hiện.
(“Mùa thu, tờ giấy trắng”)
Nhà thơ đã “phản động” – một “phản động” có ích cho thi ca hôm nay. Bằng bài thơ ngắn này, Nguyễn Hoàng Tranh vừa góp tay “ám sát” mùa thu cổ điển và lật đổ Mĩ học sáo mòn về mùa thu trong thi ca Việt Nam.[3]
Cũng hệt vậy, với dân tộc!
và em sẽ trỗi dậy thân hình chữ S
(“Đen”)
Một hình ảnh tượng trưng (dù là dáng chữ cái Latinh có lẽ chỉ do một liên tưởng rất tình cờ của nghệ sĩ) được xem như biểu tượng đẹp của nước Việt Nam. Ngay từ lớp vỡ lòng chúng ta được dạy để biết nó, rồi lớn lên gần nửa thế kỉ thời gian đi qua cuộc đời, với bao thăng trầm cuộc thế, chúng ta yên tâm chấp nhận nó. Kèm theo đó: bao nhiêu là niềm kiêu hãnh dân tộc thức dậy trào dâng trong sâu thẳm tâm thức ta, một khi đọc nó lên hay nghe nhắc đến nó. Bất chợt, hôm nay, trong tập thơ in rất bề thế và sang trọng, đứa con của đất nước mang hình chữ S ấy đem nó ra đùa cợt!
tôi cấy những hạt giống vào em
và em sẽ trỗi dậy thân hình chữ S
(“Đen”)
Tự hào dân tộc bị vi phạm nghiêm trọng.
Đụng đến chữ S, Nguyễn Hoàng Tranh cố tình gây sốc độc giả. Xưa nay chúng ta ngỡ biểu tượng là sự kiện, tôn thờ và đồng hóa mình với biểu tượng. Biểu tượng càng lớn, càng kêu, càng “truyền thống lâu đời” thì sức tác động của nó càng sâu, mãnh liệt. Nhà văn hậu hiện đại chống lại và cương quyết phá bỏ tâm thế đó. Nó là một biến tướng của đại tự sự, vừa hời hợt vừa nguy hiểm. Lịch sử các cuộc chiến tranh (chủng tộc, ý thức hệ, tôn giáo…) trưng dẫn bao nhiêu là ví dụ. Mà phải chỉ có Việt Nam thôi đâu! Sức mạnh Mĩ, văn minh Pháp, đất nước mặt trời mọc, dân tộc thượng đẳng,…đâu đâu cũng thấy niềm tự hào đầy đại tự sự. Trung hoa xưa thì khỏi nói rồi, cả dân Inuit ở Bắc cực hay một số bộ lạc vùng Amazon và New Guinea sống trong rừng già châu Úc cũng đã nghĩ mảnh đất bé con của dân tộc mình là trung tâm của nhân loại nữa[4]!
Bày ra ánh sáng hình ảnh tượng trưng nhạy cảm của chính đất nước mình (chả trách ông bạn thơ vội vã chụp cho cái mũ phản động) – như mùa thu với/trong thi ca –, Nguyễn Hoàng Tranh muốn chúng ta nhìn gần các biểu tượng và ảo tưởng, tự cảnh tỉnh và cảnh giác chúng ta. Xới tung vô thức để nhận thức lại thực tại như thực. “Còn ai suy tư cái đã được suy tư?” – M.Heidegger. Nếu không, chúng ta nguy cơ rơi vào thứ “cách mạng ảo”, hay “chiến tranh: những ngộ nhận”.
Thơ như là một giải trừ những ảo tưởng, hoang tưởng.
Với tôn giáo (ở đây: Thiên chúa giáo) và giác quan (tính dục), Nguyễn Hoàng Tranh cũng ứng xử tương tự. Trích dẫn vài câu ngẫu nhĩ:
A: “thưa cha, đêm qua con làm tình thật phê trong nhà nguyện
và thật xin lỗi nếu điều này đã xúc phạm đến thánh thần hai bên
con hi vọng mọi tội lỗi sẽ được dội sạch như cách người ta bấm nước sau mỗi lần đi cầu…”
(“Đen”)
hay:
mùa xuân ấy
vị thánh lặng lẽ rời bỏ hàng ngũ
đi tìm phẩm hạng người chết bên kia chân núi
một ngày trở về quay mặt vào đá…
rồi hình ảnh của vị thánh biến tướng và hoà nhập vào hình ảnh của gã ma cô:
dưới vòm trời những gã ma cô đội vòng ánh sáng đi qua
những con cặc ngỏng cao trong đêm hội hoa rước mừng thánh lễ.
(“Vòng ánh sáng”)
Và cuối cùng:
Phục sinh: Giờ của thân xác tỉnh thức.
(“Phục sinh”)
Tất cả không gì hơn ý hướng thức giấc giác quan, tắm gội giác quan lâu nay đã mốc meo, chai lì trong cõi quen thuộc mòn chán do vô thức cá nhân lẫn cộng đồng đánh lừa: gây tội để rửa tội, hành ác rồi sám hối, gõ mõ và tụng kinh như một thói tật, tích đức dành cho con cháu mai sau, thậm chí hối lộ đấng tối cao để có một chỗ ngồi tốt tại thiên đường! Không tôn giáo nào thoát khỏi vòng luẩn quẩn ấy. Cứ thế. Thói quen giết chết giác quan chúng ta.
Thơ như là một giải phóng giác quan.
*
Nhưng tại sao lại là các hạn từ hàm nghĩa thiêng liêng với đức tin tôn giáo? Tại sao mùa thu? Tại sao hình chữ S? Nguyễn Hoàng Tranh không phải kẻ chống Chúa. Mang hình ảnh biểu tượng đất nước, ước mơ của cả dân tộc mình ra cười cợt, anh càng không dại dột vậy. Đấy là vài ước lệ cạnh tay, ước lệ thân thuộc với nhiều giới độc giả Việt. Nguyễn Hoàng Tranh sử dụng ước lệ có sẵn để phản ứng lại ước lệ, như dĩ độc trị độc. Giải trừ thói quen gây mê ngủ. Để trả lại ý nghĩa ban đầu cho mọi vật thể, mọi biểu tượng, mọi ý tưởng: trả lá vàng cho mùa thu, trả nét vẽ tinh khôi cho hình chữ S, sự tôn nghiêm linh thánh cho giáo đường, v…v…
Chúng ta thường xuyên sống trong cõi vô thức của thói quen.
Đức tin: thói quen.
Nhận thức: thói quen.
Làm thơ như là một thói quen.
Thói quen đen.
Tập thơ của Nguyễn Hoàng Tranh bắt đầu bằng chữ: ĐEN.
ĐEN xuyên suốt tập thơ, đen đến 87 lần, thực tại đen và giấc mộng đen, hôm qua đen và hôm nay đen. Không ít lần ĐEN phân thân thành từng đàn ngôn từ mang nghĩa tiêu cực, rất đen. Đó là nỗi cực nhọc của các nhà thơ thế hệ quá độ Việt hôm nay: gồng mình (gầy rọm) gánh dư sản quá khứ trên lưng đi băng qua mấy vạn dặm của lối mòn, với hi vọng sẽ tìm thấy miền đất hoang chưa khai phá của cõi sáng tạo.
Trong cuộc thơ lãng đáng, một lần tôi đã may mắn tiếp cận miền đất ấy:
Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu
gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham K C T, đầu này
nhúm chữ cái Latinh A B C
nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một
và tôi vui vẻ tắm với chúng.
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư)
Nguyễn Hoàng Tranh cũng vừa kinh qua lễ tẩy trần, tẩy rửa và giải trừ những thói quen, thói quen đen, của chính mình và cả kẻ xung quanh. Cuối cùng anh cũng đã tìm được khe hở thông thoáng để thở.
Tập thơ kết thúc bằng từ THỞ.
Swattik sidhik! Phúc thay cho Nguyễn Hoàng Tranh vừa giành được cho mình một chân trời để thở!
_________________________
Chú thích
(1) Thở là nhan đề của tập thơ đầu tay của Nguyễn Hoàng Tranh, do Tiền Vệ xuất bản tại Úc châu vào tháng 12 năm 2003. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên do Tiền Vệ xuất bản và phát hành.
(2) Xem thêm: Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn Nghệ xuất bản, Hoa Kì, 2000, tr. 152.
(3) “Ám sát mùa thu” là ý tưởng của Hoàng Ngọc-Tuấn trong một tiểu luận có nhan đề “Mùa thu trong thơ quốc tế đương đại”, in trong tập san Chủ Đề (số 3: “Mùa Thu trong Văn Chương”, tháng 8.2000), trang 66-74. Tiểu luận này đã được đăng lại ở Tiền Vệ.
(4) John Tomlinson, Globalisation and Culture, Polity Press, 1999. Dẫn lại theo: Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, Văn Nghệ xuất bản, Hoa Kì, 2002, tr.585.