1. Đôi nét về Inrasara
Tôi sinh năm con Gà. Gà thường chịu bươi, ông bà ta nói thế. Tôi cũng vậy. Có chăng là gà tôi nòi phiêu lưu trong bươi. Bươi vãi tung lên rồi bỏ đi, dù được hay không hạt thóc/nhiều hạt thóc. Nói cách văn vẻ: tôi sẵn sàng cởi bỏ mọi vướng bận cho cuộc đi. Tôi là kẻ lang thang, vào nhiều miền đất, nhiều nền văn hóa: Champa/Đại Việt, Ấn Độ/Trung Hoa, Đông phương/Tây phương, cổ điển/hiện đại, qua vài ngôn ngữ. Ngẫu nhiên, bất ngờ, từ khá sớm và, không theo bài bản nào cả.
Con người phiêu lưu và kẻ giữ kho trong tôi dường như nẩy ra cùng lúc, và song hành.
Tôi là kẻ yêu say mê ngôn ngữ. Độ vang của lời có sức lôi cuốn tôi đặc biệt, ngay từ thuở còn nhỏ. Nhưng chỉ qua tuổi 15 tôi mới ý thức sưu tầm văn chương-chữ nghĩa Chăm. Tôi bắt đầu công việc sưu tầm…Rồi sau hơn 20 năm miệt mài, bộ Văn học Chăm 3 tập ra đời.
Nhưng lẽ nào sống mà mãi ngoái sau lưng!? Kẻ sáng tạo trong tôi bắt đầu nổi loạn. Hơn một lần tôi đã cho đi những gì thu thập, ghi chép được, chỉ giữ lại vài cái nhẹ nhàng. Rồi khi bắt tay vào việc, tư liệu thiếu, tôi phải làm lại. Co kéo dằng dai, không thể giải quyết cho đến quá tam thập. Cuối cùng tôi cũng dàn hòa được chúng: sưu tầm – nghiên cứu là để trả nợ cha ông, và biết đâu nó còn giúp tôi xả hơi sau kì sinh nở vất vả nữa!
2. Công việc của Inrasara
Tôi từng làm nhiều việc: dạy học, đốn củi, thú y, câu cá, làm ruộng, đứng quán càphê, đi buôn lẻ, nghiên cứu văn chương-ngôn ngữ Chăm … nhưng chưa lúc nào chúng ngáng trở công việc làm thơ của tôi cả. Tình yêu tốt lành đủ mang đến cho chúng ta niềm vui. Yêu và làm việc hết mình thôi cũng đủ rồi.
Tôi xem việc làm khác như quãng thư giãn cần thiết, sau nhọc nhằn sáng tạo. Được nhìn cuộc sống từ nhiều góc độ, trường kinh nghiệm ta mở rộng, ngôn ngữ ta phong phú hơn. Tiếp xúc nhiều thành phần, giai cấp,.. ta dễ cảm thông với phận người hơn.
3. Về thơ của Inrasara
Tôi sáng tác từ năm 15 tuổi, không bao giờ gởi thơ đăng báo, mãi năm 40 tuổi tập thơ đầu tay mới ra đời.
Tôi ít khi cố ý tìm tòi mang tính hình thức. Tạng tôi thích nhiều loại thơ khác nhau. Đọc và ghi chú chi chít ngoài lề, dù là tập thơ dở. Tôi còn học làm thơ bằng cách dịch tác phẩm tôi ưa thích ở những thời điểm khác nhau: trường ca cổ điển Chăm sang tiếng Việt, thơ Việt hiện đại sang Chăm; cả vài trăm bài thơ tiếng Anh hay Pháp nữa. Dịch chơi và để học vậy thôi, chứ không có ý mang in. Rồi tôi quên tất. Tôi nghĩ mỗi tập thơ, thậm chí mỗi bài thơ nhất thiết phải mang một hình thức mới [lạ càng tốt], để diễn tả ý tưởng thích hợp. Nghĩ thì vậy. Bài thơ đều bắt đầu bằng từ đầu tiên, câu đầu tiên; sau đó nhịp điệu nội tại sẽ cuốn kẻ sáng tạo theo đi, đến không thể cưỡng lại. Quá trình đọc lại là soi mói tìm xóa bỏ các sáo mòn về câu chữ, ước lệ … Theo tôi, nhịp điệu nội tại và không khí thơ là rất quan trọng, bài nào cảm thấy thiếu vắng nó, tôi vứt. Câu ít giá trị nhất đối với nhà thơ là: tôi có kinh nghiệm.
Sau Tháp nắng, tập thơ Sinh nhật cây xương rồng như quyết toán cái cũ. Đáng lẽ Hành hương em bao quát cả tư tưởng Lễ tẩy trần tháng tư, khi đối mặt với phía tối của vấn đề, tôi đã nhảy lùi. Sau Lễ tẩy trần tháng tư, tôi tìm đến thơ Tân hình thức. 18 bài trong Chuyện 40 năm mới kể lần lượt ra đời. Theo tôi, Tân hình thức và Hậu hiện đại không chỉ là một thể thơ mới, một quan điểm thẩm mĩ mới, mà còn là một thái độ thơ.
4. Truyền thống và hiện đại
Bản sắc không như một cái gì bị đóng khung, khô cứng, tĩnh mà là một thực thể động, luôn luôn động. Cái chúng ta đang ra sức sáng tạo hôm nay, nếu hay, đẹp sẽ là bản sắc mới góp phần làm giàu sang nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam ngày mai.
Với Chăm, có khá nhiều đóng góp cái khác biệt vào văn chương tiếng Việt, nếu chúng ta biết tìm. Lục bát Chăm chẳng hạn. Đây là thể thơ như lục bát Việt, nhưng nó linh hoạt trong cấu trúc hơn, nên khả năng sáng tạo lớn hơn. Trong sáng tác thơ văn, giá trị là ở sự khác lạ. Nếu anh góp thêm một Truyện Kiều hay Đoàn Thị Điểm mới thì văn chương tiếng Việt chẳng vì thế mà mập lên. Nhưng đã ai nêu bật được cái “khác biệt” kia lên chưa? Chưa ai cả! Văn học Chăm với công chúng Việt Nam hôm nay vẫn còn là ẩn số.
Về nội dung và đề tài: 250 minh văn Champa được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ thứ XV bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ là cái được kể đầu tiên. 5 sử thi – akayet Chăm có xuất xứ từ/mang âm hưởng của Mã Lai hoặc Ấn Độ được viết vào thế kỉ XVI – XVIII, là sáng tác thành văn đặc trưng Chăm, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. 3 trường ca – ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa hai tôn giáo Hồi – Bàlamôn dẫn đến đổ vỡ tình yêu, chia ly hay cái chết của ba cặp tình nhân, cũng là một dị biệt khác. Vân vân…
5. Tagalau, tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm
Champa có một nền văn hóa truyền thống lâu đời và độc đáo, chuyện đó nhiều người biết, nói rồi. Sau hai thế kỉ biến cố lịch sử qua đi, khi Chăm đã hòa nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn học nghệ thuật ở cấp độ cao vẫn còn tồn tại nơi dân tộc này. Đó là cái chúng ta vẫn chưa thực sự nhận biết. Tiếng nói hằng ngày của Chăm đang ngắc ngoải. Ngôn ngữ dân tộc tồn tại và phát triển qua sáng tác văn chương, nhưng hôm nay có mấy ai/còn ai làm thơ, viết văn bằng tiếng Chăm?
Tagalau ra đời nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết thực đó.
Và nó đã đáp ứng được. Qua 6 kì, Tagalau đã giúp người đọc nhận biết vài nét tiêu biểu về sinh hoạt cộng đồng Chăm cũng như văn hóa Chăm, nhất là: đã có vài khuôn mặt văn nghệ trẻ đầy hứa hẹn.
6. Suy nghĩ về nghề văn:
Tôi nghĩ chỉ nên làm việc nào đó khi thực sự yêu nó thôi, chứ đừng vì cái gì khác. Nghiên cứu văn chương-ngôn ngữ Chăm, tôi không vì mục tiêu cao xa bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi làm chỉ vì yêu nó, không hơn. Làm thơ cũng vậy. Cùng đích của thi ca là gây cảm hứng cho cuộc đời, muốn thế nó phải mới lạ và, đẹp. Cái đẹp cho ngôn ngữ và bởi ngôn ngữ. Do đó, kẻ sáng tạo không dị ứng với cái mới. Mở, đón nhận mọi ngọn gió.
Mở, ta trưởng thành và, nó làm ta trưởng thành.
7. Về thơ trẻ
Cứ tạm gọi tất cả người viết văn, làm thơ là tác giả đi. Có thể chia họ làm 4 nhóm (tạm thời cho vào ngoặc nhà lí thuyết, nhà nghiên cứu, phê bình văn học):
Thứ nhất là Nhóm phục vụ: viết nhằm vào một đối tượng độc giả nhất định, như Nguyên Sa ngày trước hay Nguyễn Nhật Ánh hôm nay, chẳng hạn. Dẫu ít đóng góp cái mới vào phát triển văn học, nhưng tác phẩm họ vẫn có ích. Nhóm này hoạt động gần như độc lập, ít va chạm hay cãi vã qua lại nhưng lại chiếm “thị phần” cao nhất. Hầu hết tác phẩm best-seller đều sản sinh từ nhóm tác giả này.
Thứ hai là Nhóm nhai lại: chiếm số đông trong giới viết lách. Họ cày nát cái cũ mặc dầu vẫn ảo tưởng mình sáng tạo. Đại đa số tác giả thuộc Nhóm nhai lại rất siêng năng canh chừng và tìm mọi cách đẩy Nhóm sáng tạo ra ngoài lề sinh hoạt văn chương.
Nhóm kí sinh (hiểu theo nghĩa trung tính) thuộc bộ phận thứ ba: chủ yếu gồm các tác giả viết báo mang hơi hướng văn chương, các bài tạp bút, điểm sách, phỏng vấn,…Thỉnh thoảng họ cũng có viết văn, làm thơ. Nhóm này ít tham vọng và ảo tưởng. Chủ yếu họ bám cuộc sống văn chương và các giai thoại xung quanh tác giả.
Cuối cùng là Nhóm sáng tạo, gồm những kẻ yêu văn chương đúng nghĩa: trong đó có kẻ mở đường và con người tiếp nhận và thể hiện bằng nhiều cách khác nhau con đường đó. Sáng tác của họ thúc đẩy sự tiến bộ của văn học đất nước và thế giới.
Đây là nhóm tác giả đang cần đến các nhà phê bình nhạy bén với cái mới, tay nghề cao và tinh thần dũng cảm đủ khả năng tạo ra một thế hệ hệ độc giả mới. Bởi, chính họ chứ không phải ai khác, làm nên diện mạo văn chương mới của Việt Nam!
Viết vào năm 22 tuổi.
“Thật hiếm hoi con người tuổi trẻ hôm nay chịu nghe trong im lặng hơn là ba hoa ồn ào. Càng hiếm hoi hơn nữa con người tuổi trẻ của ngày hôm nay chịu suy tư trong cô độc hơn là thích làm nổi bật mình nơi đám đông.
Nếu có con người tuổi trẻ như thế, chắc chắn không phải là quái thai của tuổi trẻ mà là tuổi trẻ cư trú trong chiều kích sâu thẳm hơn.”