Y PHƯƠNG: THƠ TRẦN PHƯƠNG VÀ TƯƠNG LAI MỞ

Y Phương – nhà thơ dân tộc Tày đương đại sáng giá nhất. Dân tộc mà hiện đại, đó là anh. Anh không phải nhà phê bình, tuy nhiên mỗi nhận định của anh về thơ đều mang đến cho người đọc sự thú vị riêng. Công tâm và sắc bén kì lạ, thế nên đó là những ý kiến rất đáng tin cậy.

Sau đây là nhận định của anh về Trần Phương, một giọng thơ cũng rất khác lạ.

Inrasara.

+

Đổi mới, sáng tạo – Tôi ưng cái bụng!

Làm thơ là một hành trình tìm kiếm cái mới, cũ mèm đâu có gì đáng nói? Gặp thơ Trần Phương tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Một dòng thơ hoàn toàn độc và lạ về hình thức và nội dung. Tôi tò mò đi tìm cái lạ và độc trong thơ ông?

Bộ sách thơ này gồm 07 tập: Tập 1:123 bài; tập 2:234 bài; tập 3:345 bài; tập 4:456 bài; tập 5:567 bài; tập 6:678 bài; tập 7: 789 bài. Tác giả nhờ cậy Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành theo khả năng sáng tác mỗi năm in một hai tập và xuất bản ba ngữ Việt – Anh – Pháp. Tên sách cũng khác lạ: “Thiên – Địa – Nhân – ký” in bạc cán nóng, chữ rất nổi, bìa cứng đẹp sang, khổ sách bỏ túi, tiện… Cái việc in đó cũng thường thôi, có tiền ai chẳng in được?

Điều đầu tiên tôi tâm đắc.

Tôi không thể tin một sự thật hiện diện bất ngờ!

Trần Phương trình làng một dòng thơ hoàn toàn độc và lạ về hình thức, không “đụng hàng” với bất cứ ai trong ngoài nước mà tôi đã đọc, đã nghe trong cuộc đời làm thơ của mình. Tôi được biết đề án: “Nghiên cứu Tiếng Việt Phái sinh”, Trần Phương khởi sự từ năm 2009 đến 2019 mới tự tin cho ra đời sản phẩm đầu tay “Thơ một câu Tiếng Việt”. Thú thật, tôi đọc niêm luật thơ, đọc các đặc tính cơ bản nổi trội của dòng thơ, cái gì cũng ngắn, cô đọng như nén và sáng nét rõ ràng. Chỉ ví dụ, các thể loại thơ hiện hành, định dạng tượng thanh, dòng thơ Một Câu Tiếng Việt, định dạng tượng hình.

Tôi chưa thực sự hiểu biết sâu sắc dòng thơ ngắn này, nên không dám phát biểu gì về công trình sáng tạo có một không hai; mà chỉ mon men đến nội dung, bằng những cảm nhận chủ quan của riêng mình. Tôi thực sự tôn trọng và mừng cho tương lai. Thơ như hoa, từ nay vườn thơ Việt Nam có thêm một loài hoa mới, mỗi loài hoa đều có vẻ đẹp riêng của nó, còn năng lực nội sinh của nó phụ thuộc môi trường nuôi dưỡng… Như vừa nói, tôi đi tìm cái độc và cái lạ trong ở ranh giới nội dung thơ Trần Phương.

Chủ đề Thiên nhiên:

1.

Cao nguyên Đà Lạt

cái gối

gió

Nước mình mỗi Đà Lạt, Sa Pa là nhiều gió lạnh và gió lạnh cứ ở mãi đó như cái gối trên giường nằm, chuyện cứ nhẹ như không.

2.

Ông Trời

nhuộm mỗi màu vàng

Nói thật đơn giản, không dùng từ mùa thu mà ai cũng thấy mua thu đang đến gần. Hình ảnh lá chuyển màu vàng khắp nơi đã khắc hoạ mùa thu đầy đủ.

3.

Đường làng dính bết mưa phùn

hoa xoan

nở

Cảnh làng quê, hoa xoan nở trắng ngõ, đi trong mưa phùn, mọi con đường dính bết bùn. Ta thấy ngay mùa xuân đang về ở quê hương thời chưa có đường nhựa, chưa có ô tô, chưa có những cô gái sang chảnh… Cần gì nói nhiều, tình người ẩn sâu trong cảnh chan chứa…

4.

Bản nhạc bất hủ

bốn mùa

gió

Đất nước một ngày có bốn mùa ở các vùng miền và đất nước lúc nào cũng có gió gieo như những bản nhạc tự nhiên bất hủ. Hay:

5.

Rét nàng bân

đếm từng manh áo

mẹ

Đời mẹ gặp cái rét nàng bân, phong phanh manh áo, bối cảnh đó khá phổ biến thời kỳ đầu mới dựng nước, giờ là ký ức thôi, vừa nói về thiên nhiên, vừa nói về kỷ niệm, tất cả nhẹ nhàng, cô đúc chìm sâu tâm thức người Việt.

Chủ đề Thế sự:

1.

Gió đổi chiều

mặt người

xoay

Người nông dân làm con rối bù nhìn doạ con sâu bọ khỏi làm hại hoa màu trên đồng ruộng. Mượn cảnh nói thế gian này lòng người xoay sở vì cái danh lợi tình, tầm khái quát lớn như một thông điệp sống!

2.

Thời Virus Corona

Chúa Trời

già

Câu chuyện Virus Covid – 19 toàn cầu là một thông điệp nhân sinh về cái thiện và cái ác. Chúa Trời nhìn thấy nhân gian tranh chấp quyền lợi, cái ác nhiều hơn cái thiện, con người đã làm đau lòng… Nghĩ nhiều Đức Chúa Trời già nua. Thơ chỉ vài từ, đủ luôn bất cập bức xúc toàn nhân loại.

3.

Cái bóng thời gian

rơi chân

tôi

Bóng thời gian “rơi chân” phải chăng là cái bóng của chính mình? Quy luật nhân quả hiện thị ngay tức thì và đã có ai giấu được cái bóng của mình chưa? Lẽ thật khắc nghiệt là thế!

4.

Ngày tết cổ truyền

tấm chăn

hát

Tấm chăn nào có hát, anh thợ không có tiền về quê khi tết cổ truyền đến, tức cảnh thì hát thôi. Cảnh này thường diễn ra cuối năm và vẫn thường xuyên với người lao động khốn cùng. Nhờ phép ẩn dụ đẩy cái chất hài hước vào thơ nên gia tặng vị đắng chát đời người.

5.

Nỗi nhớ người bán rong

sét trời

vời

Tiếng rao của người bán hàng rong ở phố, ở làng hàng ngày ăn sâu trong tiềm thức, rồi bỗng vắng. Họ vắng vì nhiều lý do, có thể là đã ốm hoặc qua đời, dân tình thấy hẫng hụt như tiếng “sét trời” giáng xuống, đau đớn, mất mát.  Từ “vời” là chủ đề bài thơ này, mọi người chìa bàn tay yêu thương và đến cả trời cũng thế, xoát thương “vời” về cõi bồng lai.

Chủ đề Tình yêu:

1.

Chiếc áo trên giường

mồ hôi

lạ

Câu chuyện tình yêu chân chính là sự quen mùi, đâu có chuyện “mồ hôi lạ”? Hiện tượng này nhiều, thông điệp gửi xã hội là gì, giải pháp như thế nào thì nhường lại cho các cơ quan quản lý nhân văn.                    

2.

Ái tình                    

Sống đói – Chết no

đời

Ái tình – Cuộc phân rẽ chiếm tới hơn 1/3 thời gian nhân loại. Ở đây chỉ nói phạm vi hẹp, các mối tình dang dở rất đẹp thêu hoa phấn, sống mãi trong tâm thức, còn chết dở trong ngôi nhà hôn nhân hoặc đã chiếm đoạt thân xác. Đời là thế – Thông điệp mãi không cũ!                   

                    3.

                     Hạt gạo có mùi

                     mồ hôi

                     mẹ

Người nông dân, xác thực một nắng hai sương để làm ra hạt gạo, cả cái quá trình ấy, mồ hôi của mẹ thấm vào trời, vào đất… Tôi thích ý tưởng rất quen mà lạ này trong thơ Trần Phương, kiệm lời hết cỡ.

                    4.

                    Mưa ngâu

                    chân đê làng tôi

                    vỡ

Con đê làng ở đảo, sóng biển vỗ đã gầy mòn, mưa ngâu tháng bảy rớt xuống,  cảnh ấy làm lòng người rối bời, tê dại…

                    5.

                    Dòng sông

                    trai làng chen đò ngang

                    Thì con gái

Đời con gái ngắn ngủi chỉ có “thì”. Lấy chồng như tới cõi cô đơn, mọi người thì gọi là hạnh phúc, mỗi người một quan miệm. Bài thơ gợi mở một khái niệm “Thì” con gái – Một thực tiễn ít người thừa nhận nỗi đau, nỗi cô đơn…

Còn nhiều, còn vô cùng nhiều nữa. Đi qua gần hai ngàn bài thơ ngắn của Trần Phương như lạc vào mê cung… Những quy luật tự nhiên, quy luật xã hội được tác giải khám phá, khai thác và dâng tặng cho bạn đọc thật phong phú và trân quý. Đó là những đóng góp không phải đời tác giả nào cũng có thể làm được. Tôi không hiểu nhiều bài thơ thâm sâu theo nhiều tầng ý, hỏi trực tiếp mới ngộ ra… Quả thật, tôi rất vui, rất bất ngờ, chẳng mấy khi tôi phải dừng lại để ngộ ý tứ bài thơ, vì cả đời làm thơ, đọc thơ, mùi nào cũng tỏ. Đọc thơ Trần Phương, cả cái đầu cũng phải vất vả nghĩ ngợi, mãi rồi mới đến cái tay đập vào đùi… Thật sướng tê dại, thật thi vị…

Trở lại cái thác cao và dựng đứng: Niêm luật dòng thơ Một câu tiếng Việt; Như đã nói, tôi không dám châm chọc vào cái thành trì ấy và chỉ bày tỏ thái độ ngưỡng mộ. Nói nữa, nói mãi vẫn ngập tràn điều muốn nói, không cho muối vẫn mặn nồng, ấm áp…

Một lần nữa, cảm ơn Trần Phương.

Hà Nội, 2.9.2019

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *