Mở, thì phải phá chấp. Nói vậy thì dễ quá, dễ nên mơ hồ. Bởi muốn “phá” thì phải BIẾT mình CHẤP vào đâu. Thao tác “chuẩn bị” sẽ tuần tự tháo gỡ mấy nỗi ấy.
1. Muốn đến cửa “Tư duy mở” không thể thiếu những bước chân phản biện.
Phản biện bày ra trước chúng ta SỰ THẬT không chừa góc khuất nào bất kì, mấy góc khuất mà ngụy biện tìm mọi cách để che đậy, đánh tráo, bẻ cong hay làm mờ đục. Muốn vậy đòi hỏi thao tác phân tích khoa học, và đẩy nó tới cùng.
Có khi sự đẩy kia chỉ cần đặt câu hỏi đúng, và rốt ráo.
Tội là ĐH Việt Nam chưa/ không dạy sinh viên biết hỏi. ĐH Việt Nam không muốn/ không dám cho sinh viên hỏi, mà chỉ đào tạo công dân tương lai thành những “Theo-ists”.
Thử nhìn một sự vụ nhỏ:
2. Hai năm trước, qua trao đổi, một bạn FB mỉa mai tôi “ông lên tiếng này nọ chỉ vì lợi ích cá nhân thôi”. Trước mệnh đề này, ta có thể đặt câu hỏi:
– Có lợi ích vật chất ở đó không? Chắc chắn là không rồi, bởi ở đây tôi bị thiệt là chính.
– Về tinh thần, để nổi tiếng chăng? Ừ, có thể, dù tiếng đó không để làm gì cả, chưa nói nó còn phương hại không ít tới lợi ích tôi. Câu hỏi tiếp theo:
– Nếu “nổi tiếng” là giá trị, vậy tại sao bạn không làm thế để “nổi tiếng”, qua đó bản thân mình được tăng “giá”? Cũng được đi,
– Bởi nhiều nguyên do chánh đáng khiến bạn rụt cổ, thế tại sao bạn quay lại mỉa mai kẻ lên tiếng? Và câu hỏi cuối cùng:
– Các “lên tiếng” kia phần nào mang lại lợi ích [hữu hình và vô hình] cho cộng đồng, vậy bạn không muốn bà con Cham nhận lợi ích từ tiếng nói đó sao?
Đặt ra loạt câu hỏi mang tính thông diễn ấy không mục đích đẩy đối tượng vào chân tường, mà là mang ngọn nến soi sáng sự thể.
Kẻ đánh cắp lửa có ngán bị ghét bõ không? Không. Bởi cá thể không là gì cả, nếu tiếng nói ấy mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Nó có xuất phát từ tâm sân hận vạch lá tìm sâu không? Càng không. Mà nhằm GIÚP đối tượng [& những con tương cận] BIẾT, nhìn nhận rõ & đúng vấn đề, qua đó bước ra khỏi vùng VÔ MINH, và sẵn sàng cho các cuộc GIẢI ở tương lai.
3. Câu hỏi tiếp theo: BIẾT để làm gì? Để ôm mang cho đầy bụng chăng? Không, tuyệt đối không! Mà là “giải thoát tri kiến”, “giải trừ kiến thức”, hay dễ hiểu hơn: Tự do khỏi cái biết – Freedom from the Known.
Như người Việt Nam trong đó có sinh linh Cham cần biết sự thật lịch sử đất nước Việt Nam trong đó có Champa, không phải để “Sầu hận cũ tim ta ai biết được/ Người vui tươi, ta mãi mãi căm hờn” (CLV). Mà, giải-cái biết, qua đó giải-sân hận.
Chỉ khi nào Giải Sân hận, ta mới bước tới cửa Tư duy Mở, và Giáp mặt Cuộc đời: LIFE AHEAD.
(Tham khảo)…
Chúng ta cần có tiêu chí khoa học để thẩm định một giả thuyết, một phương pháp, một lý thuyết được coi là khoa học.
Tiêu chí khoa học phát biểu rằng: Một giả thuyết, hay một lý thuyết khoa học được coi là đúng , nếu nó giải thích một cách hợp lý hầu hết những vấn đề và hiện tượng liên quan đến nó, một cách nhất quán, hoàn chỉnh, có tính hệ thống, tính quy luật, tính khách quan và khả năng tiên tri. Chi tiết hơn cho tiêu chí này, giáo sư viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn đã phát biểu: Tính hợp lý trong toán học, không thể từ trên trời rơi xuống. Nó phải chứng tỏ một chân lý khách quan đứng đằng sau nó.
Tiêu chí khoa học cũng phát biểu rằng: Một giả thuyết, hay một lý thuyết khoa học bị coi là sai, nếu người ta có thể chi ra chỉ cần một mắt xích sai trong toàn bộ chuỗi mắt xích làm nên hệ thống cấu trúc của nó mà lý thuyết đó không tự biện minh được.
Tiêu chí khoa học cũng xác định rằng: Một lý thuyết khoa học phải có lịch sử hình thành nên nó từ những nhận thức trực quan phản ánh một thực tại, và tính tổng hợp những nhận thức thực tại để hình thành một lý thuyết có khả năng giải thích những thực tại khách quan nhận thức được có tính hệ thống, tính nhất quán và sự hợp lý nội tại trong cấu trúc hệ thống phương pháp luận của nó với khả năng tiên tri.
Còn rất nhiều những tiêu chí khoa học cụ thể khác cho các vấn đề liên quan. Giới thiệu những tiêu chí này, chúng tôi muốn xác định rằng: Một cái nhìn, một sự nhân danh khoa học thì phải có tiêu chí khoa học để thẩm định, khi chúng ta xác định một giả thuyết được coi là khoa học hay không. Do đó, chúng ta cần giải quyết để xác minh tính khoa học và bản chất khoa học của Phong thủy thì phải căn cứ theo tiêu chí khoa học.
(Nguyễn Vũ Tuấn Anh)