Inrasara: ÔI CHAMPAKA.INFO!

Với Champaka, Inrasara viết cái gì cũng sai bét. Viết 3 điểm mà sai hết 7. Thế là anh chị em tha hồ tố giác tôi, nào là “bịa đặt và chế biến theo ngẫu hứng”, nào là “sự suy đoán riêng tư của mình, đúng hay sai không cần biết, miễn là viết rồi thì cứ phóng lên trang báo, trang web, v,v, để cho độc giả xem, không cần suy nghĩ thái độ này có thể làm tổn thương đến di sản văn hoá và lịch sử của dân tộc Chăm hay không”.
Ghê vậy đó. Cho nên non mươi năm qua, tôi hết đọc, hết cãi Champaka. Sáng nay rủi ro, có bạn than: “sao Sara nhà ta sai dữ thế”, rồi dứt khoát mời tôi qua Champaka.info coi thử, chiều ý bạn tôi mới qua. Thì ra nó như thế này.
“Sai lầm của Inrasara trong bài viết “Người Chăm và văn hoá Chăm”” trên BBC ngày 4-8-2015. Xin lưu ý, ở đây:
– Thứ nhất, tôi không nói về quan điểm, bởi quan điểm khác nhau là chuyện thường.
– Tôi cũng không bàn về chuyện ngoài lề, mà Champaka lan man lạc đề quá nhiều.
– Tôi càng không trả lời về chi tiết hay ngôn từ cần đến sự giải thích dài, ví dụ: về lễ Rija Nưgar, về khái niệm “tôn giáo mở”.
MÀ NÓI VỀ KIẾN THỨC VÀ SỐ LIỆU AI BIẾT ĐỌC CŨNG CÓ THỂ KIỂM CHỨNG ĐƯỢC. Xin chỉ nêu 3 điểm, rồi thôi. Và KHÔNG nói gì thêm.

1. Champaka viết:
Inrasara viết: Năm 1044, nhà Lý bắt 5.000 tù binh Cham ra Bắc; 25 năm sau, số lượng tù nhân Cham ra Bắc lên đến 50.000 người.
Đính chính lại: Dựa trên tư liệu nào mà Inrasara cho rằng 25 năm sau, số lượng tù nhân Chăm ra Bắc lên đến 50.000 người?”
Inrasara trả lời: Trần Trọng Kim viết (Việt Nam sử lược, Bộ Giáo dục – Trung tâm Học liệu, Sài Gòn xuất bản, q.1, 1971, tr. 98): “Năm giáp-thân (1044) vua Thái-tông ngự giá đi đánh Chiêm-thành… quân Chiêm-thành thua chạy. Quân ta bắt được hơn 5.000 người và 30 con voi”.
Tạ Chí Đại Trường viết (Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam, Chương Giới Thiệu, Damau.org, 8-1-2009): “Lí Thánh Tông hẳn thấy được thành quả to lớn của việc khai thác tù binh nên năm 1069 dẫn quân đi bắt một số lượng lớn, theo sử cũ thì đến mười lần năm 1044 (Inrasara tô đậm), dù lần này là bắt người sâu trong đất địch gây khó khăn gấp bội cho việc chuyên chở về xứ”.
Về “sử liệu cũ”, Champaka nên học thêm Đại Việt Sử ký toàn thư, và… nhé.

2. Champaka viết:
Inrasara viết: Sau này 1975, 5 vạn người Cham chạy trốn cuộc thảm sát của Pôn Pốt qua Mã Lai sinh sống, và không có ý quay lại Campuchia (G. Moussay).
Đính chính lại: Sau năm 1975 có rất nhiều người Chăm Campuchia chạy sang Mã Lai lánh nạn, nhưng người ta không biết số lượng là bao nhiêu. Thêm vào đó, G. Moussay không bao giờ viết bài về người Chăm chạy sang Mã Lai. Tại sao Inrasara lại gán cho G. Moussay về tội này, có thể làm cho G. Moussay đau lòng dưới đấy mồ hoang vắng ở nghĩa địa.” [GHÊ QUÁ!]
Inrasara trả lời: G. Moussay viết (Grammaire de la Langue Cam, Missions Étrangères de Paris, Les Indes Savantes, Paris, 2006, Phần dẫn nhập): “Một nhóm khá đông người Chăm Campuchia (khoảng năm chục ngàn người) đã rời bỏ xứ sở vào năm 1975 sau khi quân Khmer đỏ chiếm chính quyền; nhóm này hiện đang tị nạn tại tiểu vương quốc Kelantan, Mã Lai”.
Champaka nên ôn lại lịch sử, chớ vội vã kết tội người khác, kưng nhé.

3. Champaka viết:
Inrasara viết: Ở Campuchia, vào năm 1692, 5.000 gia đình Cham từ Pangdurangga di cư qua, ở vùng đất tốt dọc sông Mekong, sau đó còn mấy đợt di dân khác nữa.
Đính chính lại: Đây cũng là cách viết lịch sử theo suy đoán. Theo tư liệu lịch sử cho biết, người Chăm đã có mặt ở Campuchia kể từ thời Angkor vào thế kỷ thứ IX. Năm 1692, nhà Nguyễn xua quân chiếm đóng Champa, thay đổi tên gọi Chiêm Thành trở thành Trấn Thuận Thành. Đây là cuộc chiến đẩm máu giữ Champa và nhà Nguyễn, nhưng không có sử liệu nào nói đến 5.000 gia đình Chăm chạy sang Campuchia.”
Inrasara trả lời:
– chuyện “người Chăm đã có mặt ở Campuchia kể từ thời Angkor” ai mà chả biết. Ở đây tôi chỉ đề cập vụ người Chăm chạy loạn.
– Riêng phần này, Gs.Ts. Pièrre-Bernard LAFONT viết (Vương quốc Champa – địa dư, Dân cư và Lịch sử, Hassan Poklaun dịch, IOC, San Jose, Califfornia, USA , 2011, tr. 195): “Theo Biên niên sử Campuchia, có khoảng 5.000 gia đình Chăm dưới sự hướng dẫn của các quan chức cao cấp thuộc triều đình Champa đã vượt dãy Trường Sơn đến Campuchia vào năm 1692-1693”.

Đấy, đấy! Bà con, đồng bào đồng chí và các bạn quốc nội với quốc ngoại thấy Champaka muôn vàn yêu quý của tôi học hành và làm ăn thế đấy!
Ôi, Champaka.info!!!

________

Chú thích:
Bài viết của tôi: “Người Chăm và văn hoá Chăm”” trên BBC chỉ là bài báo nêu sơ lược “về những nét chính về người Chăm và văn hóa Chăm ở VN”, cho nên các cứ liệu hay sự kiện không được dẫn chứng cụ thể ở sách nào, trang mấy [quá nhiều, và rất dài vượt ngoài khuôn khổ bài báo cho phép], mà chỉ đưa kết quả của các nhà nghiên cứu uy tín trước đó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *