Trích Hà Vũ Trọng, Thể thao & Văn hóa cuối tuần
* Lingaparvata hay núi Đá Bia trên đèo Cả, tỉnh Phú Yên, với câu ca dao được truyền tụng: “Chiều chiều mây phủ Đá Bia/Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng”
Từ những kỳ quan phồn thực
Nằm phía Bắc đèo Cả (tỉnh Phú Yên), một vùng nổi tiếng với nền văn hóa đá linh thiêng, có quả núi thiêng Lingaparvata. Tương truyền vua Lê Thánh Tông trong cuộc công phá Chiêm Thành, đã cho khắc bài bia vào hòn đá linga “mọc” tự nhiên chót vót trên ngọn núi này để phân định ranh giới Chiêm – Việt (từ 1471 – 1653), đặt tên là Thạch Bi Sơn (hòn Đá Bia). Rất có thể hành vi lập bia và đổi tên ngọn núi thiêng này của vua Đại Việt mang ý nghĩa “trấn yểm” một yếu điểm huyết mạch về địa lý, chính trị và tâm linh của một nền văn minh Ấn giáo, và từ đó sẽ đi vào suy tàn.
Về địa thế chiến lược, Lingaparvata là cái mũi nhô ra nhất ở bờ biển phía Đông cho các chiến thuyền và ngư thuyền Champa nhắm hướng. “Linga” là dương vật cương cứng, biểu tượng cho sức mạnh sáng tạo của vũ trụ tự nhiên, của thần Shiva. Còn “parvata”, hay Uma là một nữ thần hiền từ của Ấn giáo và là con gái của thần núi Himalaya. Lingaparvata hàm nghĩa Linga sáng tạo ra đời sống trên Mẹ Đất cưu mang và nuôi dưỡng tất cả, và con người như những con ong hút mật từ thân thể Mẹ Đất.
Một kỳ quan tâm linh phồn thực khác đề cao sự sáng tạo và sinh tồn dành cho những lữ khách chiêm bái, chỉ cách thành phố Hội An hơn 10 cây số, ở huyện Điện Bàn, là ngọn tháp Bằng An mọc sừng sững trên một vùng đồng bằng ruộng lúa xanh rì, khác với những tháp thường thấy trên các ngọn đồi cao. Tháp này được vua Champa dựng từ thế kỷ thứ 9 để thờ thần Shiva, rất độc đáo và là tháp duy nhất có mặt bằng hình trụ bát giác, tên là Linga Paramesvara, tức Linga Thần Siêu việt – tên hiệu của Shiva. Biểu tượng là một tháp hình trụ Linga khổng lồ, cao hơn 20 m, hiếm thấy ngay cả trong toàn bộ nền văn minh Ấn giáo.
Trong những cuộc du lịch chiêm ngưỡng những kỳ quan thiên nhiên ở những quốc gia trong vùng, như khi đến thăm Angkor, du khách không nên bỏ qua chuyến thăm dãy núi Kulen, nơi từng là thánh địa đầu tiên của đế chế Khmer vào thế kỷ thứ 9. Ở đây có con sông thiêng Kbal Spean, là nơi có nhiều thác nước với hàng chục ngàn linga và tượng thần tạc dưới lòng sông – đầu nguồn của dòng Siem Reap – không ngừng tuôn chảy mạch nước tinh khôi.
Tháp Linga Paramesvara hay Tháp Bằng An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam