Tham luận tại Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học lần thứ tư:
Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững – Hà Nội, 27, 28-11-2012
Globalization and Opportunities for Vietnamese Literature
Globalization is a reality happening all over the world in the past two decades. A conspicuous reality in front of us, beside us, in our home and in ourselves; though we are the citizens of an advanced country or whether it is just a component of ethnic minorities residing in the remote area in a developing country, which have has not undergone modernization. Reality of Vietnamese literary creating in the past ten years is a living testament.
This speech focuses on the postmodern movement in Vietnam. Through the postmodern sensibility, Vietnam writers used many of new methods in their works. But the biggest contribution of postmodernism is its decentralization. This spirit expressed through two important literary zones:
– Domestically, it is the decentralization between the minority and majority ethnic literature. Ethnic minority authors writing in Vietnamese appear more often and are very
talented, giving Vietnamese literature the rich and varied shades.
– Postmodernism partially breaks down the wall of separation between local writers and overseas Vietnamese writers.
Internet was a means of support for the literary decentring in the most effective. Series of literary Vietnamese websites was were born, helping this literary decentring while creating new parts type of authors and readers: netizens.
Finally, globalization provides multimedia information for decentralization in literary aesthetic. Coming after classical aesthetic is modern aesthetic, postmodern aesthetic then appear born and grows, and it divides readers into many different types.
That’s good news for Vietnamese literature in the this period of integration, rather than vice versa.
1. Toàn cầu hóa là một hiện thực diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, từ hai thập kỉ qua. Một hiện thực lồ lộ trước mắt ta, bên cạnh ta, ngay trong nhà và ở chính bản thân ta; cho dẫu ta là công dân của quốc gia tiên tiến hay dù ta chỉ là một thành phần thuộc sắc dân thiểu số cư trú vùng sâu vùng xa trong một đất nước đang phát triển chưa qua giai đoạn hiện đại hóa. Ta không thể chối bỏ hay quay lưng lại nó, mà chỉ có thể nghĩ cách tiếp nhận sao cho hiệu quả trong môi trường văn hóa cụ thể.
Thử giải cấu trúc trường hợp câu lạc bộ bóng đá Arsenal. Câu lạc bộ trụ sở tại London – Anh, nhưng chủ sở hữu nó có cả công dân Anh lẫn Mỹ, huấn luyện viên là người Pháp, chiêu tập cầu thủ từ rất nhiều quốc gia khác nhau, khác đến mức không ít lần đội hình ra sân chẳng lấy cầu thủ nào mang quốc tịch Anh. Mấy năm qua, các trận đấu tại sân vận động Emirates chạy dài hàng chữ quảng cảo Hoang Anh Gia Lai Viet Nam. Chưa hết, hàng triệu fan Arsenal trải khắp thế giới. Riêng Việt Nam, người hâm mộ lập nên website riêng Arsenal.com hoạt động xôm tụ. Xe đi ngang làng quê miền núi hẻo lánh, thi thoảng ta bắt gặp cậu thiếu niên quần xà lỏn vận áo số 14 hò hét đám bạn trong trận cầu dã chiến trên đám rẫy lồi lõm không kém gì Henry. Trận derby MU – Arsenal, rủi ro Các Pháo thủ bị Những con Quỷ đỏ cho phơi áo, cha con nhà bên buồn héo mặt như thể chính mình vừa thua cuộc.
Toàn cầu hóa là vậy.
Thử bước vào gia đình nhỏ người Chăm hiện đại. Cuộc sống nông thôn khó khăn, vợ chồng trẻ dắt díu hai đứa con vào Phan Thiết tìm sinh nhai, dăm năm qua. Anh chồng làm tổ trưởng Bảo hiểm Prudential, tối ngày chạy truyền đạt cho chục nhân viên dưới quyền phương sách thuyết phục thân chủ bỏ tiền ra càng nhiều càng tốt mua bảo hiểm từ một hãng bảo hiểm tại đất nước châu Âu xa lắc lơ cả đời chưa chắc được đặt chân tới. Chị vợ làm nhân viên kế toán trong một Resort toàn dân Nga ở khu du lịch Mũi Né. Tối mịt, họ cùng đi xe máy Trung quốc về nhà trọ. Hấp khoai lang bằng lò viba nhãn hiệu Mỹ, chị vợ vừa làm bếp vừa liếc sang tivi LCD sản xuất tại Hàn Quốc đang chiếu phim bộ Đài Loan trong khi anh chồng mãi hào hứng với trận bóng đá đang diễn ra tại Nam Phi trực tiếp qua kênh ESPN của đài Thái Lan trên cái tivi nghĩa địa Nhật. Phòng bên, hai thằng con đắm mình vào trò chơi điện tử của hãng Capcom về bậc thầy Muay Thái là Sagat mãi tranh luận sôi nổi bằng tiếng Chăm độn đến nửa phần tiếng Việt. Katê năm ngoái, bác gái chúng dẫn con từ Canada về, đám nhóc tán gẫu bằng thứ tiếng Anh thời hậu @ khiến bố mẹ hết hiểu.
Mới ba thập niên trước thôi, ông bà nội chúng suốt ngày bám đuôi trâu với quẩn quanh mảnh ruộng bạc mầu. Khi có việc hay rảnh rỗi thì sang nhà bà con láng giềng, gặp ngày lễ tết mới được qua làng bên. Hạn hán hay lũ lụt ảnh hưởng đời sống trực tiếp mắt thấy tai nghe, rất thực. Có thiếu thốn thì qua nhà bác phú nông tín cẩn vay tạm đợi mùa vụ. Hôm nay thì khác rồi. Biến động chính trị tại các nước Bắc Phi, nạn cháy rừng ở Úc hay Tòa Tháp Đôi tận đất nước chú Sam sụp đổ hoặc vụ chuyển đổi quyền lực vừa xảy ra tại phiên họp Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng ảnh hưởng đến bữa cơm họ, tác động mạnh đến giá trị đồng tiền họ chắt chiu được để gửi tiết kiệm.
Thế giới đã trở thành một làng, làng toàn cầu global village(1). Nhân loại bị nhồi nhét trong cái làng chật chội đó, nhận tiện ích từ nó và chịu những xoáy lốc của và trong nó, không thoát ra được. Về kinh tế – chính trị – xã hội, toàn cầu hóa nguy cơ nhuộm nhân loại thành một màu đồng nhất. Riêng bình diện văn hóa, toàn cầu hóa làm cho nhân loại trên khắp thế giới trở nên giống nhau hay khác nhau hơn, là câu hỏi thường được đặt ra trong các cuộc trao đổi về toàn cầu hóa văn hóa(2).
Về sự thể này, hiện nay tồn tại ba quan điểm: Toàn cầu hóa dẫn đến sự nhất thể hóa văn hóa, qua đó văn hóa trên toàn thế giới sẽ mang chung một bộ mặt. Ở phía đối trọng, toàn cầu hóa dẫn đến tình trạng phản ứng ngược: các nền văn hóa nhỏ, văn hóa ngoại biên sẽ tự vệ bằng nhiều biện pháp để bảo tồn bản sắc đặc thù, họ chống lại hay tiếp nhận toàn cầu hóa theo cách rất riêng. Cuối cùng là xu hướng chiết trung khuyến khích các hình thức lai tạo văn hóa, trên nền tảng bản sắc cũ, họ thâu thái những cái mớiđể tạo nên nền văn hóa mới, đa tạp và độc đáo.
Còn văn học, toàn cầu hóa có là một thứ hợp lưu văn học để dẫn đến sự giống nhau của tất cả các nền văn học không? Chắc chắn là không rồi. Tinh thần dân tộc và địa phương tính của loài người, sức đề kháng của các nền văn hóa cùng lợi ích cục bộ, vân vân… sẽ bảo lưu sự khác biệt, hoặc tạo nên những sự khác biệt mới. Tôn giáo độc thần hay học thuyết chính trị cực đoan đã không đưa nhân loại đến đồng nhất. Xu hướng tách và nhập xảy ra đồng thời ở các dòng lưu chuyển của tư tưởng và văn hóa thế giới. Văn học không là ngoại lệ. Còn hơn thế, văn học sở hữu vũ khí riêng là ngôn ngữ mà không bộ môn nào có.
Giữa dòng lưu chuyển của thời đại toàn cầu hóa ấy, văn chương Việt Nam nhập lưu thế nào?(3)
2. Internet là phương tiện hữu hiệu giải trung tâm văn học
Thế giới đã trở thành một làng toàn cầu, cho nên dù cánh cửa biên giới quốc gia hay ý hệ tôn giáo đóng kín đến đâu chăng nữa – trường hợp Triều Tiên hay Taliban chẳng hạn -, sự bưng bít thông tin vẫn là bất khả. Ở chiều ngược lại, cánh cửa kia dẫu mở rộng đến mấy, nếu không có kĩ thuật liên mạng toàn cầu, thì sự lưu chuyển thông tin vẫn gặp vài trở ngại nhất định. Internet là phương tiện hỗ trợ hữu hiệu nhất để giải trung tâm văn học.
Vừa bước vào thế kỉ mới, hàng loạt website văn học tiếng Việt xuất hiện(4), sau đó là các Blog, Facebook,… tạo không gian mênh mông cho sáng tác, lưu hành và bình luận văn học. Nhà văn Việt Nam bên cạnh in tác phẩm theo truyền thống, đã sẵn sàng đưa sáng tác mới nhất của mình đến với độc giả qua mạng internet. Có mặt trên mạng internet không chỉ là các bài thơ lẻ hay truyện ngắn, mà nguyên một tập truyện, một tập thơ hay cuốn tiểu thuyết. Và nhà văn coi đó như một tác phẩm hoàn chỉnh. Hơn thế, họ xuất hiện như một tác giả của văn chương mạng đích thực.
2.1. Ở ngoài nước, sau thời gian ổn định cuộc sống, người Việt hải ngoại bắt đầu tập trung hơn vào văn học nghệ thuật. Tạp chí Văn học do Nguyễn Mộng Giác làm chủ biên khởi động vào năm 1988, sau đó là tạp chí Hợp lưu ra mắt số đầu tiên tại Hoa Kì vào tháng 10-1991, do Khánh Trường chủ biên, đến năm 2004, vai trò này được chuyển sang Đặng Hiền. Tạp chí Thơ, do nhà thơ Khế Iêm sáng lập và chủ biên ra kì một vào năm 1994 tại California, Hoa Kì; đến năm 2004, nó được chuyển giao cho nhà thơ Đỗ Kh.; tạp chí Việt khai sinh tại Úc vào đầu năm 1998 do Phan Việt Thủy làm chủ nhiệm, chủ bút là Nguyễn Hưng Quốc, đến số 8, 2001 thì đình bản.
Đó là các tạp chí có giá trị về văn học. Đất nước mở cửa, chúng vẫn cứ lén lút nhập địa Việt Nam. Và độc giả trong nước cứ photocopy chuyền tay nhau lén lút, đọc và bàn lén lút. Người chủ trương các tạp chí biết thế, độc giả trong nước hiểu thế, cho nên khi mạng văn học ra đời, tất cả đều nhận ra đây là cơ hội lớn. Ngay tức thì, các tạp chí kia chuyển hệ hẳn sang báo mạng, như: Tienve.org và Tapchitho.org, hoặc song song lưu hành ở cả hai dạng, giấy in và mạng, như Hopluu.net, hay mở ra trang mạng hoàn toàn mới, như Talawas.org. Vân vân…
Ở trong nước, eVan rồi Vanchuongviet.org sau đó là các website của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học – nghệ thuật địa phương xuất hiện, tạo một bước chuyển quan trọng. Các tác giả người Việt ở hải ngoại có thể gửi bài đăng website trong nước, và ngược lại. Độc giả trong nước làm quen dần với các tác phẩm của người anh em ở nước ngoài, mà ít khi gặp trở ngại. Các tên tuổi như Trần Vũ, Đinh Linh, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Khế Iêm, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Thị Thấm Vân, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Hoàng Tranh… không còn xa lạ với người đọc trong nước.
Tất cả đều nhờ phương tiện internet!
Internet còn tạo ra tác giả của mình: tác giả văn chương mạng.
Trang Hạ ban đầu được biết đến với tư cách nhà văn mạng, một chủ nhân Blog tiếng Việt khá nóng. Tập truyện ngắn Những đống lửa trên vịnh Tây Tử ăn khách là một minh chứng. Lynh Bacardi thuộc thế hệ 8X, sau khi tập thơ in chung Dự báo phi thời tiết bị thu hồi vì lí do ngoài văn chương, Lynh quyết định đến với văn chương mạng, và được biết đến như một nhà văn, từ đó. Hay gần đây, Đinh Vũ Hoàng Nguyên với lối viết ngắn độc đáo đầy cuốn hút của anh. Hoặc mới nhất, Lưu Diệu Vân, Tiểu Anh, Lưu Mêlan, Vũ Lập Nhật thuộc thế hệ 9X chỉ chọn xuất hiện trên mạng, mà không gì khác.
2.2. Internet giải trung tâm văn học tiếng Việt giữa trong và ngoài nước, là vậy. Ngay trong nước, internet đã đóng vai trò quyết đinh trong sự giải trung tâm văn học mang tính vùng miền. Ở đây hiện tượng Lê Vĩnh Tài là rất điển hình.
Lê Vĩnh Tài thuộc thế hệ 7X thành danh qua các tập thơ in giấy. Vẫn còn là chưa đủ với nhà thơ đất Tây Nguyên đẫm tinh thần tự do này. Hãy tưởng tượng, một nhà thơ sinh sống ở “vùng sâu vùng xa” làm sao có thể tiếp cận thường xuyên với văn chương “thế giới” bên ngoài, nếu không có internet? Với hiện trạng xã hội ngổn ngang các sự kiện nóng bỏng diễn ra cấp tập, cung cấp mênh mông dưỡng chất cho thơ, thi sĩ chân tính có thể bung phá không, nếu cứ bị khuôn định bởi tình trạng in ấn và phát hành cổ điển đầy hạn chế? Ở đây không phải chỉ là kỹ thuật hay hình thức, văn học mạng đã thật sự mang lại sức sống cho thơ mà không cần đến lời kêu gọi hay hiệu triệu nào. Vì đó là cuộc sống của những tháng ngày này.
Sau Vỡ ra mưa ấm (2005), Liên tưởng (2006), Đêm & những khúc rời của Vũ (2008) và Thơ hỏi thơ (2008), hầu như tất cả tác phẩm của anh đều xuất hiện trên mạng. Và không đâu khác. Từ Bài trường ca cho quê hướng đã chết một trăm năm trước (Talawas, 2009), Ăn của rừng rưng rưng nước mắt (Tienve.org, 2010), Và những cuộc thiên di (Tienve.org, 2011), Thờ ơ thơ (Vanchuongviet.org, 2011), cho đến tác phẩm mới nhất: Thơ hỏi thở (Tienve.org, 2012), Cánh đồng bất nhân (Lethieunhon.com, 2012), Thi sĩ (Tienve.org, 2012).
Có thể khẳng định, chỉ qua phương tiện mạng thông tin toàn cầu, sáng tác mới nhất của một nhà thơ ở vùng sâu miền cao như Lê Vĩnh Tài mới nhanh chóng đến với thế giới, và được biết đến rộng rãi. Đoàn Minh Châu cùng quan điểm, khác chăng là ở tính cách và cách thể hiện. Nhà thơ đất Đà Nẵng đã rất lặng lẽ, cái lặng lẽ như thể lạc nhịp với thế hệ @. Lặng lẽ, khi nữ thi sĩ trẻ tuổi này không trả lời phỏng vấn, không chường mặt trên báo chí, trình [biểu] diễn thơ càng không. Tập thơ đầu tay M – N & Z do Minh Châu in photocopy năm 2008, cũng là một thứ lạc nhịp, nhất là khi chị quyết định chọn cư trú ngoại vi, ngay khi đặt bước đầu tiên ra thế giới văn chương. Minh Châu đã hành xử đầy tự tin như thế, vì chị tin tưởng vào internet kết nối thơ mình với thế giới. Như Lynh Bacardi. Viết trên mạng, đọc trên mạng, bình luận và cả đoạt giải thưởng trên mạng, nhà văn này bộc lộ rất rõ chính kiến:
“Tôi nghĩ rằng không chỉ những dòng chữ được in trên giấy mới có đặc quyền cho mình là văn chương, và được cho là dòng văn chương chính thống, mà chúng ta còn có một dòng văn chương khác nằm trên trời. Tôi không ngạc nhiên khi một độc giả lười biếng, thiếu sâu sắc và nhạy cảm chỉ click chuột vào vài tên tác giả, lướt qua vài dòng và tự dễ dàng phán xét. Dĩ nhiên sự phán xét ấy, trong trường hợp này có thể được một số người chấp nhận, nhưng tôi tin chắc những kẻ chấp nhận theo kiểu này cũng có cùng cách đọc và cảm như độc giả kia. Chẳng khác gì một kẻ rỗi hơi dạo qua một vòng ở hiệu sách lớn, lật giở vài cuốn đọc qua quýt và kết luận chẳng có gì đáng mua. Ngoài ra, các ưu điểm của văn chương mạng mà văn chương giấy hoàn toàn thua kém là tinh thần tự do và dân chủ, là tính bình đẳng cho tất cả mọi người đọc cũng như mọi người viết”(5).
2.3. Văn học mạng còn hỗ trợ tích cực các sáng tác của người dân tộc thiểu số đi thẳng ra thế giới mà không bị trở ngại nào bất kì. Các tác giả người Chăm đã nhập cuộc, như thế.
Toàn cầu hóa, ở bộ phận sinh hoạt văn học của dân tộc này, phản ứng trước hết và dễ nhận ra hơn cả là tư thế rút vào vỏ sò như là cách tự vệ của kẻ sắp bị lấy mất báu vật: tiếng mẹ đẻ và văn học truyền thống. Sau bộ ba Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển, là đặc san Tagalau, sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm có mặt, tiếp theo đó là các website Gilaipraung.com, Inrasara.com ra đời tạo điều kiện cho cộng đồng Chăm trao đổi thông tin và đăng các sáng tác mới nhất của mình(6).
Họ viết văn, làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt và cả tiếng Anh vốn được xem là ngôn ngữ quốc tế. Thời đại toàn cầu hóa, đó là con đường ngắn nhất nhập cuộc thế giới hiện tại. Tại sao? Người Chăm hiện cư trú nhiều địa phương khác nhau trên đất nước Việt Nam, ngôn ngữ nói và viết đang dần tách rời nhau; cộng đồng Chăm hải ngoại sử dụng ngôn ngữ bản địa khác nhau, do đó, tiếng Anh sẽ là phương tiện khả dĩ nhất kết nối tất cả họ lại, nếu muốn. Còn với văn chương? Dễ nhận ra rằng, nếu hậu hiện đại trang bị cho nhà văn Chăm cảm thức mới, thì toàn cầu hóa cung ứng cho họ phương tiện để hành động. Họ có thể “nhảy thẳng vào văn chương hậu hiện đại, mà không phải đi xuyên qua hiện đại”(7). Thậm chí không cần phải quá độ tiền hiện đại các loại. Jalau Anưk thôi thúc thế hệ trẻ đi tới, cũng là cách tự hối thúc:
Đi đi em!
phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể
sau hoang hoãi đêm dài là rực phố đông vui
phố cũng thích Xaranai
phố cũng say đắm lòng tháp cổ
phố cũng rộn ràng với Ginơng
phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara
phố cũng hiểu Ariya
phố cũng sụt sùi nghe chuyện ngày xưa bà kể
Đi đi em! Đi đi! – Mang hình em vào phố
tỏa hơi em vào phố
chìa cả sần sùi bàn tay em vào phố
và lớn lên cùng phố
phố sẽ trải ngực mình/ mở đôi vai mình
để lúc mệt nhoài em gối ngủ giấc trinh nguyên
phố không nuốt chửng em đâu
bởi phố trú dưới vòm trời – rộng lắm!
mà ở đâu dưới vòm trời cũng có những mái nhà cho cả em, anh(8)
“Phố không nuốt chửng em đâu“, thì tại sao phải ngại ngần? Jalau Anưk hỏi thế. Mưtai di kraung, mưtai di tathik/ Thei mưtai di danaw kabaw mư-ik takai palei Chết nơi biển cả sông sâu/ Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng – Xưa, ông bà Chăm nói thế. Thế hệ trẻ Chăm biết thế, và đã hành động theo tinh thần cái biết ấy. Toàn cầu hóa, thay vì xóa mất bản sắc Chăm, chính nó lại là một cơ hội tốt lành cho người Chăm thâu thái cái mới làm giàu sang cho văn hóa dân tộc mình.
2.4. Cuối cùng, toàn cầu hóa qua sự hỗ trợ hiệu quả của phương tiện internet, bức vách ngăn văn học chính thống và văn học phi chính thống đã bị đánh sập. Nhà văn tự do viết, tự do in ấn, tự do phát hành mà không phải qua bất kì cơ chế nào. Họ chịu trách nhiệm về những gì họ suy nghĩ và viết ra. Không chịu để bị kiểm duyệt, và nhất là không tự kiểm duyệt. Hậu đổi mới là thời hoàng kim của tự kiểm duyệt, – non mươi năm trước, Phạm Thị Hoài nói thế. Mới nhất, tại Hội nghị Văn học Quốc tế, các nhà văn thế giới cũng chung nhận định.
“Patrick Ness dẫn một ý kiến mà hầu hết mọi người nhất trí là, hình thức kiểm duyệt mạnh mẽ nhất chính là sự tự kiểm duyệt, khi mà nhà văn thực hiện chủ yếu để bảo vệ mình khỏi những suy diễn tai hại hay những buộc tội phân biệt giới tính hay phân biệt chủng tộc”.
Thế nhưng, đó có phải là một lý do đủ chính đáng để một nhà văn tự kiểm duyệt không? Việc theo đuổi chân lý có phụ thuộc vào lợi ích xã hội của nhà văn đó không?”(9)
Đó là câu hỏi mang tính sống còn đặt ra trước một nghệ sĩ sáng tạo. Ở đâu cũng thế. Ở Việt Nam, đó là câu hỏi nghiêm trọng nhất mà các nhà văn có tinh thần tự do hôm nay đã đặt ra cho mình, trước khi họ quyết định tự tách khỏi dòng chính thống. Họ sáng tác, tự in tác phẩm của mình, và chấp nhận trả giá. Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng sau hai tập thơ đầu in chính thống, đã hành xử như thế(10). Inrasara in Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] trên trang mạng Tienve.org năm 2010. Nguyễn Viện cũng vậy. Vân vân… Nhiều nhà văn, nhà thơ đang sống ở Sài Gòn đã tự mở nhà xuất bản riêng, in photocopy tác phẩm của mình và cả của các bạn văn khác cùng quan điểm về in ấn và phát hành. Tên các nhà xuất bản Giấy vụn(11), Cửa, Tùy tiện, Minh Châu, Da vàng… không còn xa lạ với bạn đọc. Đây là hành động phi tâm hóa trong việc ứng xử với tác phẩm nghệ thuật, ảnh hưởng quyết định đến tinh thần tự do sáng tác và chính cái viết.
3. Toàn cầu hóa là cơ hội lớn cho văn học hậu hiện đại Việt Nam
3.1. “Hoàn cảnh” hậu hiện đại Việt Nam
So với bộ phận nhân loại đã kinh qua thời kì hiện đại, hoàn cảnh hậu hiện đại the postmodern condition Việt Nam có những khác biệt nhất định, từ đó nó sản sinh ra hậu hiện đại Việt Nam khá đặc thù.
Nhìn từ truyền thống, tính “hậu hiện đại” postmodernity có sẵn trong đời sống Việt. “Phật là Phật, anh là anh. Anh đâu cần làm Phật, Phật đâu cần làm anh” của Tuệ Trung Thượng Sỹ, là truyền thống bác học. Tính ít tín nhiệm vào truyền thông đại chúng (“Nhà báo nói láo ăn tiền”), tính không tin trung tâm quyền lực (“Phép vua thua lệ làng), giễu nhại các ca khúc phổ biến, xỏ lá mấy chuyện xem như quan trọng… được lưu truyền từ xưa trong dân gian. Tất cả đều ít nhiều có tính hậu hiện đại.
Chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam như là một cơ duyên và cơ hội.
Hiện tại, xã hội Việt Nam tồn tại cùng lúc đặc tính các dấu vết của nhiều thời kì lịch sử khác nhau của loài người: tiền nông nghiệp và phong kiến rơi rớt lại, bán công nghiệp thời kì quá độ xã hội chủ nghĩa, hậu thực dân, hậu sụp đổ phe xã hội chủ nghĩa, hậu chiến cùng các hệ lụy của nó (Bắc – Nam, vượt biên và Việt kiều, tàn dư chế độ tiền tư bản), hiện đại và hậu hiện đại. Tất cả đang tác động mạnh và toàn diện đến sinh hoạt của xã hội Việt Nam hiện tại.
Việt Nam là đất nước đa sắc tộc vừa tập trung vừa rải rác khắp miền đất nước, một hiện thực mang khả tính tạo lập nhiều trung tâm văn hóa khác nhau, làm giàu sang nền văn hóa đa dân tộc. Nhưng sư thể đã không diễn ra như thế. Thời gian qua Hà Nội và Sài Gòn là trung tâm văn hóa cả nước, chi phối các khu vực còn lại. Đất nước đa dân tộc, nhưng người Kinh và tiếng Việt hiện là trung tâm. Hội Nhà văn Việt Nam và văn học dòng chính, các nhà xuất bản Nhà nước, báo chí chính thống các loại là trung tâm sinh hoạt văn chương chữ nghĩa. Ở đó, vài mĩ học văn học lạc hậu đang chiếm lĩnh diễn đàn, thao túng các khuynh hướng sáng tác, hưởng thụ và phê bình văn chương đương đại.
“Đại tự sự” thường gắn với cam kết xây dựng tương lai, nhưng Việt Nam sau khi thống nhất đất nước, nhất là sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, kế tiếp là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mọi người đã mất hết niềm tin vào “đại tự sự” – các đại tự sự kiểu Việt Nam. Ngay cả những biểu tượng, hình ảnh lâu nay được coi là linh thiêng, là bất khả xâm phạm nhưng qua chứng cứ khoa học, thực tiễn lịch sử và thực tế cuộc sống, các biểu tượng ấy cũng tự đánh mất tính thiêng liêng. Chúng hiện nguyên hình cái sự thực thô tục, trơ trẽn và dối trá.
Truyền thống văn học Việt Nam là văn chương truyền khẩu. Qua ngàn năm Bắc thuộc, nền văn học ấy bị chi phối toàn diện bởi văn học chữ Hán. Rồi bảy mươi năm kể từ thập niên ba mươi của thế kỉ XX, văn chương Quốc ngữ Việt Nam chuyển hướng, từng bước rời bỏ hai dòng kia để tiếp nhận nhiều luồng gió khác nhau thổi tới, từ Pháp, Nga, Mỹ, vân vân… Các nền văn học ấy thay phiên hay cùng lúc có mặt tạo nên nhiều trào lưu văn học [kiểu Việt Nam] khác nhau, nhiều thái độ và quan điểm viết và đọc khác nhau cùng tồn tại. Cạnh đó không thể không tính đến văn học của người Việt hải ngoại…
Tất cả làm nên mảnh đất phì nhiêu cho cảm thức và thủ pháp hậu hiện đại đâm chồi và lớn mạnh. Trong thực tế, không ít nhà văn Việt Nam đã sống với, qua và trong chúng, hiểu biết chúng đến tận gốc rễ, và cả – chịu đựng chúng. Việt Nam đang hình thành một lớp tác giả bất tín hoàn toàn với mấy nỗi ấy và, quyết “giải” chúng. Một số lớn họ gồm những tinh thần yêu chuộng tự do và công bằng, những con người đầy tài năng và say mê sáng tạo.
3.2. Môi trường văn học của hậu hiện đại Việt Nam
Nhà văn Việt Nam tiếp nhận và phát triển hậu hiện đại vừa bất cập vừa không mấy an bình và nhất là – luôn bị dị nghị, hơn thế – bị đẩy ra ngoài lề.
Vào những năm cuối thế kỉ XX, đa phần nhà văn trong nước nhận ảnh hưởng phong trào hậu hiện đại từ các sáng tác, dịch thuật và nghiên cứu, lí luận trên tạp chí Thơ và Hợp lưu ở Mỹ, Việt ở Úc… Sau đó, họ cũng biết tìm đến tận nguồn hậu hiện đại thế giới. Dù manh nha từ khá sớm, nhưng sáng tác hậu hiện đại Việt Nam thật sự chỉ nở rộ cùng với sự ra đời của văn học mạng mở ra vào những năm đầu thế kỉ XXI. Tác giả hậu hiện đại Việt Nam thuộc nhiều thành phần và lứa tuổi khác nhau, từ tác giả mới xuất hiện lần đầu cho đến nhà văn, nhà thơ đã thành danh chuyển hệ sáng tạo. Có tác giả đậm chất hậu hiện đại, bên cạnh những cây bút mà các sáng tác mang ít nhiều yếu tố hậu hiện đại trong cảm thức/ thủ pháp. Đại đa số sống và viết ở các tỉnh phía Nam (Sài Gòn là chính).
Khi dòng hiện thực xã hội chủ nghĩa, lãng mạn hậu thời và sáng tác tiền hiện đại là mĩ học sáng tác chủ lưu của văn chương Việt Nam đương đại, nhà văn hậu hiện đại Việt Nam viết chủ yếu như để phản ứng lại chúng. Họ không giải trung tâm thuần túy mà nghiêng hẳn về phía ngoại vi các loại; từ đề tài cho đến cách thể hiện, từ ngôn từ cho đến thi ảnh. Do đó nhìn chung, hậu hiện đại Việt Nam cực đoan không kém các phong trào tiền phong. Khi dòng văn học chính thống thống ngự toàn bộ văn đàn, phản ứng của hậu hiện đại Việt Nam là phản kháng quyết liệt sự thao túng đầy độc đoán đó. Do vậy, hầu hết sáng tác hậu hiện đại mang đậm yếu tố chính trị. Bởi văn chương dòng chính né tránh hiện thực thời sự đương thời, nên đề tài sáng tác hậu hiện đại Việt Nam thường là hiện thực trần trụi, phơi trần bề tối của xã hội thể hiện chủ yếu qua giọng giễu nhại. Cùng lí do, tuyệt đại bộ phận họ chấp nhận tồn tại ngoại biên, sinh hoạt vỉa hè, vân vân...
3.3. Các tác giả hậu hiện đại Việt Nam
Điều lạ là, trong khi lí luận và dịch thuật phát triển sớm và mạnh ở Hà Nội, thì phong trào sáng tác hậu hiện đại chủ yếu diễn ra ở Sài Gòn. Cuối thế kỉ trước bước sang thế kỉ XXI, rải rác các tiểu luận và bản dịch về hậu hiện đại của Trương Đăng Dung, Nguyễn Văn Dân, Phương Lựu, Hoàng Hưng, Nguyễn Ước, Ngân Xuyên, Trần Quang Thái, Trần Tiễn Cao Đăng, Phạm Viết Đào… đã xuất hiện. Cùng thời điểm, hay sau đó ít lâu là hàng loạt bài thơ và tập thơ của Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Như Huy, Nguyễn Quốc Chánh, Khúc Duy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thúy Hằng, Bỉm, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Đặng Thân, Vũ Thành Sơn, Trần Wũ Khang, Phạm Tường Vân, Lê Hải, Jalau Anưk, Miên Đáng, Liêu Thái, Tuệ Nguyên, Tiểu Anh, Nguyễn Viện, Khánh Phương, Lưu Mêlan… cũng như tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Viện, Đặng Thân, Lê Anh Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Lê Minh Phong, Vũ Lập Nhật, Inrasara, Hoàng Long, Vương Văn Quang, Nguyễn Đình Chính… ra đời, qua đường chính thống, phi chính thống lẫn trên mạng internet. Riêng phê bình thì có vẻ chậm chân hơn. Inrasara, Trần Ngọc Hiếu, Nhã Thuyên, Liêu Thái,… chỉ góp phần giới thiệu sáng tác hậu hiện đại, khi phong trào này đã đi được nửa chặng đường.
3.4. Các thủ pháp chính của hậu hiện đại Việt Nam
“Hoàn cảnh” hậu hiện đại khác, môi trường và điều kiện tiếp xúc khác, cho nên các thủ pháp hậu hiện đại cũng được các tác giả hậu hiện đại Việt Nam tiếp nhận và biến cải hơi khác so với hậu hiện đại thế giới. Một sự khác khá đặc thù – đặc thù hậu hiện đại Việt Nam.
Thơ thì phải có chất thơ, quan niệm cũ xưa là vậy, hậu hiện đại nghĩ khác. Lấy chất liệu từ báo chí, không ngại sử dụng chính văn phong báo chí để làm nên bài thơ. Bản chất của tin tức báo chí là được đọc lướt qua rồi quên. Ở bài thơ “Một nhà thơ bị đánh chết”, Lý Đợi buộc kẻ đọc bằng tâm trạng hờ hững khi trước đọc lại bản tin và kiểm nghiệm thái độ sống của mình.
Lâu nay thơ cứ kì khu, kì khu đến giả tạo. “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát dùng đúng sáu âm để cười vào thứ văn chương [cũng như tình cảm và lối hành xử] giả tạo đó. Như là một cách dùng độc trị độc, khiến người đọc tự phản tỉnh với nỗi giả tạo kia.
Về ngôn ngữ, tứ thơ đẹp đi liền ngôn từ đẹp để tạo nên bài thơ nên… thơ. Hậu hiện đại phi tâm hóa ngôn từ bằng cách cố tình sử dụng ngôn ngữ thông tục đến thô tục đậm đặc trong thơ, vô phân biệt từ sang trọng với thấp hèn, linh thánh với trần tục. Họ cố ý sử dụng “giọng ngọng”, tiếng địa phương để làm thơ. Bài thơ “Đâm ja” của Bùi Chát là một:
Tôi lém lước bọt nên tường
tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống
tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè
xách không nàm tôi tốt hơn mỗi khi chủ nhật
tôi nhìn tôi bay chên chời
tôi hành hạ tôi ba bữa
tôi đâm ja
tôi cêu đòi chữ ngĩa…(12)
Đây là bài thơ thể hiện sự cảm thông sâu xa của thi sĩ với thân phận người nữ dưới đáy xã hội, người nữ thất học – có lẽ, nói giọng “ngọng”, có thể làm nghề thấp kém và đang mắc kẹt ở xó xỉnh nào đó của thế giới văn minh này. Nhà thơ đã “cêu đòi chữ ngĩa” cho thân phận đó. Bài thơ gây nên sự xúc động đầy tính nhân văn.
Truyền thống Việt Nam đồng hóa thơ với tình, qua đó người ta nghĩ thơ chỉ để cảm chứ không phải để hiểu. Quan điểm này được đẩy đến cùng độ vào thời Thơ Mới với phong trào lãng mạn. Nguyễn Hoàng Nam dùng chính bài thơ tiêu biểu ở thời kì này: “Ngậm ngùi” để chế tác thành bài thơ “Nắng chia nửa bãi chiều rồi” như một cách phản lãng mạn để giải lãng mạn.
Lịch sử không đáng tin cậy, cả lịch sử cá nhân được kể lại ở dạng hồi kí, tự thuật. Qua bài “Hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng”, Phan Bá Thọ chế biến tiểu sử Hemingway trộn lẫn cùng tiểu sử Phạm Duy qua nhiều chi tiết thật giả lẫn lộn, trong đó giả nhiều hơn thật. Đó là thủ pháp siêu hư cấu sử kí historiographic metafiction, lối viết rất đặc trưng của hậu hiện đại.
Có quá nhiều hình ảnh, biểu tượng thiêng liêng ám tâm trí con người khiến hắn ngày càng mụ mị đến sống không ra sống, con người trở thành một phó bản secondhand people thảm hại. Cần phải giải thiêng chúng. Và đã có nhiều nhà thơ hậu hiện đại hành xử như vậy.
Không chỉ mỗi ngôn ngữ, nhà thơ hậu hiện đại không ngại sử dụng các chất liệu khác để làm thơ. Thơ cụ thể concrete poetry của Lê Văn Tài ở “Văn bản toàn trị [nhìn sâu]”, chữ dành chỗ cho màu sắc và hình khối. Một bức tranh nhiều màu án ngữ giữa màn hình vi tính. Vòng ngoài là loạt bàn chân cùng đi một chiều tạo cảm giác trăm bước đi trên một lối mòn đã định hướng sẵn, phần trong là các que ngoặc không đều gồm hai màu xanh và xám vô trật tự, trung tâm bức tranh là chiếc sọ dừa với hai thanh dùi cui như hai chiếc xương bánh chè bắt chéo ở tư thế dọa nạt “nguy hiểm chết người”, nhưng sọ dừa kia vẫn rất mực tỏ vẻ đạo mạo đầy quyền uy qua chiếc cà vạt nghiêm chỉnh với hai bàn tay xòe áp vào ngực.
Nguyễn Hoàng Nam với thơ graphic. “Những ngày vô cảm” sử dụng phần mềm graphic của thời vi tính với các “vật liệu” và đơn vị ý tưởng rất cổ điển: chữ Hán, cờ tướng, thế kẹt Mã điền, những nội dung “thời của tốt đen” và “anh hùng mạt vận”… để làm thơ. Cạnh đó, nhà thơ này còn chế tạo ra loại “thơ phân thân” chưa từng có tiền lệ. “Một bàn chưn” tự tách ra khỏi chủ thể con người để làm cuộc hành trình độc lập với cả chuỗi hành động qua cuộc phiêu lưu riêng lẻ, không liên quan đến con người từng “sở hữu” nó. Đinh Linh và Đỗ Kh. có thơ photo và thơ video.
“Tôi là cột điện” là bài thơ [trình diễn] thành công của Lê Anh Hoài. Cột điện tại các thành phố chịu đựng mênh mông nỗi đời và nỗi người, không là chuyện lạ. Nhưng tự nguyện mang thân xác phàm trần đứng ra làm cột điện chịu trận ấy với mục đích nghệ thuật, thì ở Việt Nam – đây mới là đầu tiên. “Tôi là cột điện” gửi đi một thông điệp rất khác. Hành động nghệ thuật của của Lê Anh Hoài mời gọi diễn giải mang tính xã hội và nghệ thuật, rộng và sâu.
Nguyễn Tôn Hiệt với thơ động tác. “Trăm năm trong cõi / người ta” là bài thơ gồm toàn danh từ hay danh từ kèm động từ, phó mặc người đọc với trò ráp nối và diễn dịch chủ quan trong một hoàn cảnh, tâm trạng nhất định của họ.
Lâu nay, vần trong truyền thống thơ Việt là nguyên âm hay nguyên âm kết hợp phụ âm cuối, Đặng Thân nghĩ: Tại sao không thể sử dụng thi pháp lặp lại là phụ âm đầu? Nghĩ là làm. Thế là nhà thơ này dành nguyên tập Thơ phụ âm (Alliteration) [& tôi] để chế tác thơ kiểu này.
Không ít tác giả viết truyện rất ngắn nhưng vẫn cứ xếp nó vào mục thơ, là cách phi tâm hóa thể loại. Đinh Linh (“La đi man ô li din”) và Đặng Thân (“Đặng Mậu Lân [the Đađa-ist]”) còn phi tâm hóa thể loại quyết liệt hơn nữa bằng cách xóa nhòa ranh giới thơ – văn xuôi – tiểu luận.
Thơ hình họa pictographic poems hậu hiện đại như “Em đi qua đời tôi” của Ngu Yên, bài thơ chỉ có mỗi chữ NỮ được xếp hình đầy sáng tạo; hay “Quà tặng của Quỷ sứ” của Trần Wũ Khang khác hẳn loại hình này như từng được biết đến ở thời chủ nghĩa hiện đại (Apollinaire, Cunnings chẳng hạn). Nó hết là trò chơi thuần kĩ thuật, mà nội dung cư trú ngay trong hình thức.
Thơ hiện đại gắn liền với thể thơ tự do không vần nhịp chỏi, hậu hiện đại thì khác. Các nhà thơ hậu hiện đại không ngại ngần sử dụng các thể thơ truyền thống: lục bát, năm chữ hay tám chữ… để làm thơ. Nguyễn Thế Hoàng Linh hay Bùi Chát đã hành xử như thế, với lục bát Việt.
Nghệ sĩ là phải độc sáng, làm ra cái gì chưa hề có trước đó. Bùi Chát nghĩ khác: mỗi sáng tác là mỗi vi phạm bản quyền. Nhà thơ này làm nguyên tập thơ nghĩa Xin lỗi chịu hổng nổi bằng cách nhại các bài thơ nổi tiếng khác.
Cuối cùng, sự phi tâm hóa mang tính quyết định chính là phi tâm hóa giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa bản thân nghệ sĩ và thế giới. Người ta đã từng biết đến văn nghệ xa-lông thuở lãng mạn, văn nghệ tháp ngà thời tiền hiện đại, tinh thần nhập cuộc của nhà văn hiện sinh; người ta đã từng kêu gọi văn nghệ sĩ phải ba cùng với giới lao động ở các cây bút hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vân vân… Thế nào đi nữa, ở đó vẫn còn tồn tại ranh giới phân cách giữa nghệ sĩ và đối tượng tiếp nhận nghệ thuật, giữa người làm văn chương và thế giới khác-văn chương. Nghệ sĩ hậu hiện đại hoàn toàn khác. Không còn biên giới dù nhỏ nhất giữa nghệ sĩ và các phần còn lại. Họ là một với thế giới. Cho nên không lạ, khi nghệ sĩ hậu hiện đại là kẻ cực kì nhạy cảm với thời cuộc chính trị xã hội. Mới nhất và nóng bỏng nhất. Văn Giang, Bô-xít, và nhất là trước sự kiện đang tác động từng ngày đến tâm thức người Việt nội địa lẫn hải ngoại là Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa(13).
Biển kể về nhiều chuyện khác
lấn ở ải Nam Quan
cướp đất ở Hà Giang
giờ đến biển
vết dao cắt không lành
xanh màu xanh máu của người sốt rét
những người lính “nguỵ” đã chết ở đây
những người lính “cách mạng” đã chết ở đây
trời cao đất dày
với 16 chữ vàng
hảo hảo
cô bé quàng khăn đỏ đang tâm giao
cùng chó sói.
đêm chia nhau mồi ngon
dưới gầm bàn
những chiếc ghế đang diễn vai vua
vua đang diễn vai chim câu khờ khạo
thi sĩ
nếu câu thơ lặng im
là lặng im để chết
đôi mắt trừng trừng vào trời xanh
sau đó người vuốt tay lên mắt
như vuốt lên sự thật
sự thật đang khép lại
ngơ ngác những cuộc biểu tình
ngơ ngác bông hoa đang khóc
ngơ ngác đôi môi bám chặt
vào răng chó sói giữa khơi…
thi sĩ
giữa hai bàn tay người
những con chữ vẫn hay đùa cợt
về những điều không sao tin nổi
nhưng đêm nay con chữ đang rơi
nặng nề như đá. Làm chìm lỉm ngoài khơi
một con tàu với một vết thương thật lớn
thi sĩ
sau khi người thiếp ngủ
những chiếc ghế vẫn diễn vai vua
vua vẫn diễn vai chim câu khờ khạo
chỉ có một khoảng không ngoài biển khơi
là không sao tin nổi
duy có điều nó không lay người dậy
vì vở diễn này
nó tin rằng người đã biết(14)
Họ không “dấn thân” engagement, họ càng không kêu đòi văn hữu “ba cùng” với nhân dân dưới kia, mà họ “ở đó”. Trước tất cả mọi người, với mọi người. Họ là “mọi người”, vô phân biệt. Tất cả đều gần gũi và rất dễ hiểu. Vô phân biệt nghệ sĩ sáng tạo với người tiếp nhận nghệ thuật, vô phân biệt đề tài cao cấp hay thấp cấp, ngôn ngữ thông tục hay sang trọng… nhưng không vì thế mà văn chương hậu hiện đại tự biến mình thành sản phẩm văn nghệ thứ cấp dành cho giới bình dân phổ thông.
Thời Tiền chiến, tiếp nhận trào lưu lãng mạn và hiện thực Pháp, các cây bút Việt Nam đã làm nên cuộc cách mạng lớn trong văn học. Hôm nay, thời đại toàn cầu hóa, qua tiếp sức của internet, các nhà văn hậu hiện đại có thể làm nên cuộc cách mạng văn học tại Việt Nam?
Baigaur, 12-9-2012
_____________________
(*) Bài tham luận có sử dụng vài ý và lấy vài đoạn từ các tiểu luận trước đó của tác giả:
– 2007, “Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh thời hậu đổi mới, khởi đầu cho một khởi đầu”, Hội thảo khoa học Đời sống Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh thời kì hội nhập – Thành phố Hồ Chí Minh; – 2008, “Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt”, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, tr. 188-216; – 2009, Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, Tienve.org; – 2011, “Thơ Việt Nam đương đại, bước chuyển mạnh từ miền Trung”, Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung, Thanh Hóa; – 2011, “Văn học trong thời đại toàn cầu hóa, trường hợp Chăm”, Hội thảo Văn học Dân tộc thiểu số với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kì đổi mới”, Lạng Sơn; – 2012, “Thơ Việt sau hiện đại, hậu hiện đại làm gì? , tạp chí Nhà văn, số 6, -2012, tr. 122-127.
Chú thích
(1) “Làng toàn cầu” global village là thuật ngữ do Marshall McLuhan dùng trong cuốn: 1962, The Guntenberg, NXB Toronto University Press, Toronto.
(2) Xem thêm: Robert J. Holton, 2005, Making Globalization, Palgrave, New York, USA; Jurgen Osterhammel & Niels P. Petersson, 2003, Globalization: A Short History, translated by Dona Geyer, Princeton University Press, USA; Nguyễn Hưng Quốc, 2008, “Toàn cầu hóa và văn học Việt Nam”, Tienve.org.
(3) Ở tham luận này, chúng tôi chỉ tập trung vào trào lưu văn học hậu hiện đại Việt Nam, dù cùng với hậu hiện đại, các trào lưu khác như hậu thực dân, nữ quyền luận… cũng có mặt. Nhưng nhìn chung chúng mới manh nha và chưa có thành tựu nổi bật. Hơn nữa có thể nói, ở mức độ nào đó, hậu hiện đại bao hàm các trào lưu kia, chứ không ngược lại.
(4) Website văn học tiếng Việt tiêu biểu: Tienve.org, 2002, evanVnexpress.net, 2002, Vanchuongviet.org, 2005; Tapchitho.org, 2005…
(5) Lynh Bacardi trả lời phỏng vấn ở Tienve.org, tháng 8-2007.
(6) Inrasara, 1994, Văn học Chăm, khái luận – văn tuyển, NXB Văn hóa Dân tộc; Đặc san Tagalau, sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm số đầu tiên ra mắt vào tháng 9-2000, đến nay đã xuất bản được 13 kì; website Gilaipraung.com ra mắt tháng 10-2005, Inrasara.com ra đời tháng 4-2007.
(7) Hoàng Ngọc-Tuấn, 2002, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, NXB Văn nghệ, USA, tr. 598-599.
(8) Jalau Anưk, 2006, “Dưới vòm trời là những mái nhà”, Tagalau 7, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tr. 11-17.
(9) Mamu Joseph, 2012, “Where Will Literature Go From Here?”, The New York Times.
(10) Nguyễn Quốc Chánh, Của căn cước ẩn dụ, Talawas.org, 2001; Ê, tao đây, in photocopy, Sài Gòn, 2005. Trần Tiến Dũng, Bầu trời lông gà lông vịt, Tienve.org, 2003; Hai đóa hoa trên trán cho công dân hạng hai, NXB Cửa, Sài Gòn, 2004; Mây bay là bay rồi, NXB Cửa, Sài Gòn, 2010.
(11) Các tác phẩm của Nhóm Mở Miệng, NXB Giấy Vụn ấn hành, in photocopy là: Vòng tròn sáu mặt (tập thơ in chung gồm: Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Trần Văn Hiến, Hoàng Long, Nguyễn Quán) (2002), Mở Miệng, (in chung 4 tác giả) (2002), Khoan cắt bê tông (gồm 23 tác giả, 2005) và 47 tác giả có jì dùng jì có nấy dùng nấy (2007); Bùi Chát: Xáo chộn chong ngày, (2003), Cai lon bo di (2004), Tháng tư gẫy súng (2006), Xin lỗi hổng chịu nổi (2007); Lý Đợi: Bảy biến tấu con nhện (2003), Trường chay thịt chó (2005); Phan Bá Thọ: Chuyển động thẳng đứng (2001), Đống rác vô tận (2004); Đinh Linh: Lĩnh đinh chích khoái (2007), Vũ Thành Sơn: 40km/h (2007)…
(12) Bùi Chát, 2003, “Đâm ja”, Xáo chộn chong ngày, NXB Giấy vụn, Sài Gòn, tr. 20.
(13) “Sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa” thời kì đầu vào cuối năm 2007, hầu hết nhà văn hậu hiện đại Việt động cập thẳng thừng đầy tính phản biện. Trong khi đó, tuyệt không nhà văn, nhà thơ dòng chính nào viết về nó. – Không ai cả! Và, không ở đâu cả. Yên ắng và vắng lặng như thể ở Việt Nam chưa từng xảy ra sự kiện trọng đại đó. Chỉ khi được phép, một được phép không chính thức – ở “Sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa” kì hai vào năm 2011 -, nhà thơ ta mới ồ ạt làm thơ yêu nước. Xem thêm: Inrasara, 2011, “Cảm thức thơ Việt qua hai kì sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”, BBC.co.uk/vietnamese.
(14) Lê Vĩnh Tài, 2012, Tienve.org.