Con đường đi vào văn chương hậu hiện đại Việt Nam

Trần Thiện Khanh thực hiện.

Báo Điện tử Tổ quốc phỏng vấn Hải Lam và Inrasara về Hậu hiện đại.
Sau đây là nguyên văn Inrasara trả lời. Nếu muốn đọc cả Hải Lam, xin mời đọc ở đây:
http://vanhocquenha.vn/view.asp?n_id=3089&n_muctin=23

* Văn chương hậu hiện đại ở Việt Nam manh nha từ bao giờ?
Inrasara: Từ Bùi Giáng vào đầu thập niên 70 của thế kỉ trước, chắc chắn thế. Khi cuộc chiến nhân danh ý thức hệ lan tràn tiêu tốn hằng triệu sinh linh mà chưa thấy đâu dấu hiệu kết thúc, (và nếu có kết thúc đi nữa, thì nó hứa hẹn sẽ rất bi đát); và khi hết còn tin tưởng vào ngôn ngữ như là công cụ môi giới sự đả thông giữa người với người, thì bằng cảm quan đặc biệt, Bùi Giáng nhận ra rằng mọi nỗ lực của mình đều vô ích.

Không nói nữa Sài Gòn hay Chợ Lớn
Tuần Sóc Trăng thổi rộng gió Biên Hòa
Không nói nữa hồn Cửu Long máu rớm

Ông bắt đầu bỡn cợt, tự đẩy ngôn ngữ thơ vào mê hồn trận đùa giỡn bất tận.

Anh xin em giỡn một ngày
Rồi xin giỡn mãi suốt ngày hôm sau

Thế nhưng phải đợi đến 30 năm sau, khi internet ra đời, văn hóa mạng phát triển, khi những người cầm bút Việt Nam nhất là thế hệ trẻ hết còn bị bưng bít thông tin, họ mở mắt, mở trí và mở hồn. Để cuối cùng, soi nhìn lại mình, họ thức nhận rằng bao giá trị hôm qua ông cha họ và cả chính bản thân họ từng ra sức bảo vệ bỗng chốc đổ rụm, không thể cứu vãn được nữa. Khủng hoảng niềm tin đồng lúc với sự hình thành một cảm thức khác: cảm thức hậu hiện đại; và dĩ nhiên, lối viết của họ cũng khác đi. 12 năm, từ năm 1996 đến năm 2008, trong đó năm 2002 là năm bản lề mang tính xoay chuyển với sự ra đời của hàng loạt website văn học tiếng Việt, được xem là thời kì văn học hậu hiện đại Việt Nam định hình.

* Có thể hình dung về “điều kiện hậu hiện đại” ở Việt Nam ra sao?
Inrasara: Khác với xã hội phương Tây, Việt Nam không có loại tôn giáo độc thần [và gần như độc tôn] thao túng mọi mặt cuộc sống con người đến nỗi Nietzsche phải kêu lên “Thượng đế đã chết” và tuyên bố đạp đổ mọi bảng giá trị hiện hữu; Việt Nam cũng không có các siêu hệ thống tham vọng thu tóm thế giới đa tạp vào vài luận điểm rạch ròi và cứng nhắc từng xô đẩy nhân loại rớt vào vùng xoáy lịch sử bạo động và phi nhân, để Heidegger quyết làm cuộc phá hủy cả lịch sử siêu hình học; Việt Nam cũng không có nỗi mê tín Dân chủ, Tự do, Tiến bộ để phải tuyệt vọng dẫn đến hư vô chủ nghĩa tai hại và tệ hại. Nhưng ở xã hội đương thời, ngoài “đại tự sự” nội địa chưa ra hình thù và đang ngắc ngoải, các siêu tự sự hiện tồn, dù chúng là phái sinh của vài siêu tự sự ngoại nhập, nhưng tác hại qua sự ảo hóa của chúng thì vô cùng. Hệ quả là thế hệ hôm nay phải mang vác, chịu đựng chúng, khốn đốn bởi chúng. Đó là điều kiện đủ đầy – đủ đầy kiểu Việt Nam – khai sinh cảm thức hậu hiện đại. Với cảm thức hậu hiện đại, nhà văn đang nỗ lực tháo gỡ chúng. Từ đó sinh ra ý thức về vị trí xã hội hậu thuộc địa, về việc tranh đấu nữ quyền, về thế đứng ngoại biên của dân tộc thiểu số, về vấn đề chuyên quyền và chống chuyên quyền, cùng bao nhiêu thứ khác,… Những yếu tố ấy là cả miền đất mầu mỡ cho văn chương hậu hiện đại nảy sinh và phát triển.
Văn chương hậu hiện đại Việt ra đời và chọn cho mình thế đứng ngoại biên, chủ yếu để kháng cự lại ý thức hệ chính thống, lột trần sự mê hoặc mà thông tin đại chúng một chiều đang tác động lên lối sống, lối nghĩ và làm của công chúng, hằng ngày.

* Để độc giả nhận ra con đường đi vào văn chương hậu hiện đại ở Việt Nam, trước hết xin anh phác hoạ đôi nét về diện mạo của đội ngũ sáng tác văn chương hậu hiện đại?
Inrasara: Trước tiên không thể không kể đến các sáng tác đăng trên tạp chí Thơ, Việt, Hợp Lưu xuất bản ở hải ngoại vào những năm cuối của thế kỉ trước. Các tên tuổi như Nguyễn Hoàng Nam, Trần Vũ, Khế Iêm, Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh., Lê Thị Thấm Vân,… cùng sáng tác cách tân của họ, đã tạo nên một hiệu ứng dây chuyền, tác động đến giới cầm bút trong nước, nhất là ở miền Nam. Rồi vào đầu thiên niên kỉ, khi phong trào in photocopy nở rộ tại Sài Gòn, người ta thấy xuất hiện các tập thơ như Của căn cước ẩn dụ của Nguyễn Quốc Chánh hay Bầu trời lông gà lông vịt của Trần Tiến Dũng, thì sáng tác hậu hiện đại bắt đầu có tiếng nói của nó trên văn đàn. Nhưng phải đợi đến nhóm Mở Miệng ra đời vào đầu năm 2002 với hàng loạt tác phẩm in photocopy của họ, văn chương hậu hiện đại mới thực sự khẳng định thế đứng của mình. Vài năm sau, sự xuất hiện của nhóm Ngựa Trời chỉ làm cho bức tranh thêm phong phú mà thôi. Từ đó, sáng tác hậu hiện đại gây ảnh hưởng rộng lớn đến sinh hoạt trong nước. Báo chí chính thống không còn có thể làm ngơ với các hiện tượng này nữa, dù chúng chỉ tồn tại ngoại biên và luôn nhận lãnh sự kì thị từ nhiều phía. Dễ dàng nhận ra rằng, thơ với ưu thế thể loại (dễ in, dễ lưu hành) đã chiếm lĩnh “văn đàn” để nhận ấn tiên phong.
Riêng văn xuôi, ở hải ngoại, sau các cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn hay kí sự của Trần Vũ, Lê Thị Thấm Vân, Đỗ Kh.,… các tác giả văn xuôi ở trong nước cũng đã kịp cho ra mắt các sáng tác hậu hiện đại của mình. 12 năm hình thành và phát triển, có thể kể ra mươi tác phẩm văn xuôi đáng chú ý: Người ăn gió và quả chuông bay đi Mưa mặt nạ của Nhật Chiêu, Hậu sản của Lynh Bacardi, Em có gì bí mật, hãy mail cho anhCơn bấn loạn bằng phẳng của Nguyễn Viện, MA NET của Đặng Thân, Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hoài (đang in lần thứ hai, phục hồi lại tên cũ: Tìh êu), Cái sân vuông và nơi thờ Phật của Lữ, “Hắt lên tăm tối” trong Viết của Nhã Thuyên,… Cạnh đó có tập văn xuôi mang hơi hướng hậu hiện đại rất độc đáo: Luận ngữ tân thư của Phạm Lưu Vũ.
Về thơ, tôi tự tin chọn ra 100 bài thơ hậu hiện đại “hay” của 15 tác giả xuất sắc cả trong lẫn ngoài nước. Cuốn chuyên luận Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại vừa hoàn thành dịp Tết Kỉ Sửu này sẽ giúp độc giả nhận diện rõ hơn văn chương hậu hiện đại Việt Nam.

* Thưa anh, trong vùng văn xuôi và thi ca của ta – từ những năm 80 trở lại đây, những ai có thể đại diện cho khuynh hướng sáng tạo đó? Họ đã bổ sung và làm phong phú nhau bằng cách nào?
Inrasara: Hơn 40 nhà văn, nhà thơ sáng tác có ít/ nhiều yếu tố hậu hiện đại trong cảm thức/ thủ pháp, không thể nói ai đại diện cho ai được. Qua nhiều hình thức và phương tiện khác nhau, họ trình diện bộ mặt của mình đủ dáng đủ vẻ, cho ra mắt các tác phẩm đa giọng điệu đa phong cách. Họ có mặt và bổ sung cho nhau.
Nếu Bùi Chát mạnh ở giễu nhại thì Lý Đợi rất giỏi về chế biến tin trên báo chí; bên cạnh Phan Bá Thọ sử dụng tài hoa thủ pháp siêu hư cấu sử kí là Nguyễn Thế Hoàng Linh linh hoạt với lục bát hậu hiện đại. Mỗi tác giả triển khai tối đa thế mạnh của mình. Nguyễn Hoàng Tranh có thơ thị giác visual poetry kết hợp ngôn ngữ và hình ảnh. Đinh Linh, Đỗ Kh: thơ photo và thơ video. Đặng Thân và thơ phụ âm đầu tiên. Nguyễn Tôn Hiệt với thơ thực hiện, thực hiện Tuyên ngôn thơ vô tiền [khoáng hậu] trong lịch sử thơ Việt. Lê Văn Tài khẳng định tên tuổi qua hàng loạt bài thơ cụ thể concrete poetry đăng liên tục trên Tienve.org, tạo một hiệu quả nghệ thuật bất ngờ. Riêng Nguyễn Hoàng Nam, ngoài thơ graphic, anh còn chế tạo ra loại thơ phân thân chưa từng có tiền lệ. “Một bàn chưn” tự tách ra khỏi chủ thể con người để làm cuộc hành trình độc lập với cả chuỗi hành động qua cuộc phiêu lưu riêng lẻ, không liên quan đến con người từng “sở hữu” nó. Rồi Khế Iêm từ hậu hiện đại chuyển qua tân hình thức, chủ trương “sử dụng thi pháp đời thường thay thế thi pháp cảm tính”, qua đó lôi cuốn hơn ba mươi người làm thơ cùng thời thử nghiệm tân hình thức Việt. Các nhà thơ hậu hiện đại Việt tiếp nhận và bày ra bao nhiêu loại thơ nữa. Họ không từ chối hay chống lại mà tận dụng mọi lợi thế của khoa học kĩ thuật, để làm thơ.
Song hành với thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn hậu hiện đại cấp tập được cho ra mắt độc giả. Mỗi tác giả đều có đóng góp giọng điệu đặc thù. Chuyện kể của Đỗ Kh. chẳng ra đầu đuôi nhưng có sức gợi và lôi cuốn riêng. Lê Anh Hoài nhại giọng tiểu thuyết tình cảm rẻ tiền đang thịnh hành. Đặng Thân chế biến “bạt mạng” các câu chuyện nhặt nhạnh được từ vỉa hè. Hoàng Ngọc-Tuấn có lối siêu hư cấu khác. Nhật Chiêu khai thác khía cạnh huyền ảo của câu chuyện đời thường bằng ngôn từ rất đẹp. Phạm Lưu Vũ với ngụ ngôn hậu hiện đại mượn người xưa nói chuyện thời nay. Vân vân.

* François Lyotard cho rằng hậu hiện đại hoài nghi đối với mọi lí giải lớn (grand narrative), nó không lấy “đại tự sự” làm cơ sở tri thức luận và ý thức hệ cho mình. Nếu xét văn chương hậu hiện đại theo tinh thần này, thì thưa anh, cho đến giờ các tác giả hậu hiện đại ở ta đã góp cho lớp công chúng mới những “câu chuyện nhỏ” (petits récits) nào?
Inrasara: Con người hậu hiện đại tin vào câu chuyện của cá nhân trong một hoàn cảnh cụ thể và ngắn hạn. Nó không tin các giải thích của đại tự sự với đủ loại mánh khóe uốn nắn thế giới lọt thỏm vào hệ thống của chúng. Ở Việt Nam, đại tự sự về cuộc chiến anh dũng thần thánh đã được lật mở bởi Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh hay Hoàng Minh Tường với Thời của thánh thần. Dù đây không là tiểu thuyết hậu hiện đại của nhà văn hậu hiện đại, nhưng sự thể đủ nói lên sự sói mòn niềm tin vào đại tự sự của nhà văn Việt Nam đương đại. Có thể coi đó là những tiểu tự sự nhỏ lẻ của cá nhân suy tư độc lập. Ở khía cạnh này, Sông Đáy trong khí mạch đất Hà Tây văn vật vang vọng suốt sáng tác của Nguyễn Quang Thiều cũng là một cách tiểu tự sự.
Tiểu tự sự khác là những mảnh vụn của một nền văn minh đang ngủ vùi giấc ngàn thu như văn minh Champa được Inrasara phục dựng và làm sống dậy; sống dậy và nhập lưu dòng chảy chung của dân tộc, của nhân loại. Cạnh đó, hiện thực của cuộc sống thành phố sôi động bề bộn hay bế tắc trước và sau thời mở cửa được Trần Tiến Dũng kể lại theo cái nhìn phản biện đặc chất cá thể. Bùi Chát hay Khúc Duy kể chuyện nhảm nhí rất đời thường của chính mình bằng giọng địa phương, là một lối tiểu tự sự đặc thù. Đỗ Kh. với các sáng tác mang ở tự thân tinh thần giải lãnh thổ hóa, hay Trần Wũ Khang và Lê Vĩnh Tài – giải địa phương hóa.
“Thế nhưng, quay cận cảnh bề tối truyền thống văn hóa dân tộc không đồng nghĩa với phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc, nhìn phản biện lịch sử không là chống phá lịch sử, bất tín đại tự sự thì khác cả vực thẳm với hủy hoại mọi loại đại tự sự mà là đặt đại tự sự vào thế chông chênh để chúng tự soi lại mình bằng gương soi khác, từ nhiều chiều và dưới nhiều góc độ” (Xem thêm: “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Tienve.org, 2-2009). Bởi dẫu sao, tinh thần đại tự sự thuộc về bản chất con người.

* Liệu rằng ở ta, những “câu chuyện nhỏ” đó có bị hợp thức hoá, chính thống hoá hoặc độc tôn hoá bằng cách “uốn nắn” và “điều chỉnh” để trở thành một dạng “siêu trần thuật” mới không?
Inrasara: Không, nhà văn hậu hiện đại giải trung tâm không phải để chính mình trở thành trung tâm. Họ phải giữ thái độ phi tâm hóa thường trực. Thật vô ích và phi lí, nếu tất cả nhà văn Việt Nam đều viết thơ theo kiểu Mở Miệng hay suốt ngày “giễu nhại” đúng phong cách Đinh Linh hay Đỗ Kh. Trần Wũ Khang chẳng khờ khạo nghĩ rằng giọng thơ đặc trưng Chăm một ngày nào đó sẽ nhảy lên chiếm lĩnh thế thượng phong trên văn đàn đất nước đa dân tộc này. Các nhà văn hậu hiện đại cũng không mơ mộng trong tương lai gần hay xa, sáng tác trong tinh thần hậu hiện đại sẽ độc quyền mặt bằng văn học Việt Nam. Hậu hiện đại làm cuộc phi tâm hóa chỉ với mục đích tạo cơ hội cho mọi trào lưu văn học cùng đề huề tồn tại và phát triển để làm phong phú nền văn học Việt Nam. Ở đó mỗi cá nhân, mỗi bộ phận ngoại vi (hay nói theo thuật ngữ hậu hiện đại, là mỗi Others) đều có tiếng nói, và được dành đủ mảnh đất để thể hiện trọn vẹn mọi khả năng của mình.
Nhà văn hậu hiện đại không mơ mông lập nên đại tự sự mới thay cho các đại tự sự đã lỗi thời. Khi bạn là nghệ sĩ đích thực, định mệnh của bạn là ngoại vi. Bạn luôn ở tư thế của kẻ “giải” khuôn sáo tư duy, những quan điểm chính thống của thời đại bạn sống, những diễn ngôn không phận sự nào khác ngoài uốn nắn, áp đặt, nhồi sọ đám đông đầy bạo động. Ở đó hoàn toàn thiếu vắng cá nhân, tiệt đường sáng tạo cùng các câu chuyện nhỏ của nó. Còn một khi câu chuyện nhỏ nào đó có nguy cơ được/ bị “diễn ngôn” để trở thành một dạng siêu tự sự mới, các nhà hậu hiện đại sẽ “giải” nó ngay. Một lối “giải” đầy giễu cợt theo đúng tinh thần hậu hiện đại.

* Có lẽ, muốn nhận diện được rõ những mảnh vỡ của văn chương hậu hiện đại, chúng ta nên trở lại vấn đề mối quan hệ giữa lí luận và thực tiễn. Thưa anh, thực tiễn văn chương hậu hiện đại Việt Nam hiện nay, đã cho phép chúng ta định tính được “trạng thái tinh thần”, “phương thức tiếp nhận, và cách cảm thụ thế giới” của chủ thể sáng tạo chưa? Và nếu có, thì theo sự quan sát và tập hợp của anh, “những quan niệm và tâm thế” nào thực sự tiêu biểu và chung cho giới cầm bút đương đại?
Inrasara: Nhà văn hậu hiện đại không mong muốn “những quan niệm và tâm thế” nào trở thành “tiêu biểu và chung” cho giới cầm bút. Văn chương chủ ở sự đa dạng, đa phong cách, đa giọng điệu. Nó tồn tại càng nhiều trào lưu càng tốt. Điều thiết yếu là nhà văn có cái nhìn tự thức (self-consciousness) trước hiện thực xã hội và hiện thực văn chương. Nhà văn thoát khỏi vỏ sò sợ hãi, khỏi ảo tưởng về một thứ văn chương thuần túy (xa rời hiện thực và phi chính trị), dám bước ra khỏi túp lều mĩ học cũ kĩ, để thể hiện thoải mái hiện thực cuộc sống ở nhiều chiều.
Sự thể này đang xảy ra, ngày càng mồn một. Nổi bật và dễ nhận ra hơn cả của văn chương mươi năm qua là sự mờ hóa lằn ranh ngăn văn chương chính thống và phi chính thống. Mờ hóa đến nỗi hệ chính thống vốn bảo thủ đã không thể làm ngơ với nó nữa. Thơ nhóm Mở Miệng in photocopy hay Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh xuất hiện trên mạng tạo nhiều luồng dư luận trái chiều, buộc báo chí chính thống vào cuộc, là minh chứng không thể chối cãi.
Rất nhiều nhà thơ in thơ đã từ bỏ được thói quen xin phép, hoặc chỉ muốn xuất hiện bên lề. Thơ mạng, thơ photocopy, tập thơ tác giả tự in. Nói tiếng nói trung thực, thơ dũng mãnh cắt đứt lề thói cũ để lên đường khai phá lối thể hiện mới, và nhất là thơ không ngán ngại động cập đến khu vực, vấn đề lâu nay bị coi là nhạy cảm, húy kị. Thơ giành lại tự do cho chính mình.

* Trong một trao đổi ngắn, gần đây giữa chúng tôi với một vài văn sĩ; tôi đặt ra vấn đề ảnh hưởng của hậu hiện đại đối với họ, thì lập tức nảy sinh hai luồng kiến có vẻ ngược nhau. Loại ý kiến thứ nhất, thừa nhận rằng, trước khi sáng tạo họ đã được tiếp xúc với lí thuyết hậu hiện đại, nhưng họ lại ghi chú rằng “tôi không vay mượn cảm quan hậu hiện đại; sự vay mượn thủ pháp đối với tôi lại càng không”, vì nó nảy sinh một cách tự nhiên ở tôi hoặc chính tôi cùng các nghệ sĩ có cá tính khác không thể vay mượn một cách thô thiển các thủ pháp ấy được. Loại ý kiến thứ hai, tỏ ý thờ ơ trước các nhận định xếp họ vào nhóm các nghệ sĩ hậu hiện đại; tức họ luôn phủ nhận tính cách hậu hiện đại ở mình. Anh nghĩ sao về những hiện tượng này? Có thể minh định chúng bằng các thí dụ biểu hiện rõ sự nảy sinh hậu hiện đại do tương đồng về hoàn cảnh văn hoá, xã hội hoặc sự vay mượn, ảnh hưởng nào đó đã xảy ra giữa các chủ thể, do giao lưu hội nhập văn hoá đem lại không?
Inrasara: Việc một nhà văn có hay không nhận mình ảnh hưởng lí thuyết hay sáng tác hậu hiện đại phương Tây là chuyện của họ, còn nhận ra yếu tố hậu hiện đại (cảm thức/ thủ pháp) trong tác phẩm họ là vấn đề của nhà phê bình. Có những nhà văn, nhà thơ sử dụng thủ pháp hậu hiện đại dù họ có thể chưa hoàn toàn viết với cảm thức hậu hiện đại. Cũng có người đẻ ra tác phẩm chẳng có mảy may yếu tố hậu hiện đại nhưng cứ ngang nhiên kêu nó hậu hiện đại, đó cũng là việc của họ nữa.
Những nét tương đồng với tính hậu hiện đại đã từng hiện hữu trong truyền thống phương Đông và Việt Nam. Tất nhiên những điều ấy chưa thể gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng chúng đã là những hạt mầm có khả năng thích ứng với tâm thức hậu hiện đại. Nên không ngạc nhiên nếu một nhà văn ít biết đến chủ nghĩa hậu hiện đại như Phạm Lưu Vũ nhưng vẫn viết được Luận ngữ tân thư không thiếu chất hậu hiện đại. Nhật Chiêu thì dù hiểu lí thuyết hậu hiện đại, nhưng lối văn chương của anh mang âm hưởng tư tưởng Phật giáo Thiền tông, qua đó không ít yếu tố hậu hiện đại có mặt. Còn Đặng Thân và Lê Anh Hoài thì rõ ràng là hậu hiện đại rồi. Nói như Lê Anh Hoài đó là hậu hiện đại được Việt hóa, qua sáng tác tiếng Việt.
Nhớ rằng Cảm thức chủ yếu của hậu hiện đại là lối cảm nhận về thế giới như là một hỗn độn, con người bất tín nhận thức từ đó dẫn đến sự khủng hoảng niềm tin vào đại tự sự; Hành động cốt tủy của hậu hiện đại là giải trung tâm; Lối viết đặc trưng là giễu nhại; và cuối cùng Tinh thần văn phong của nó là tính phi nghiêm cẩn. Qua bốn đặc điểm vừa nêu, hậu hiện đại không là chủ nghĩa nghệ thuật thuần túy [như tượng trưng hay siêu thực chẳng hạn] mà là trào lưu văn hóa mang tính toàn cầu, tác động rộng lớn đến nhiều khía cạnh xã hội. Là chủ nghĩa thuần túy, người viết có thể muốn hay không vận dụng thủ pháp của nó vào sáng tác; còn hậu hiện đại, phải mang đầy đủ cảm thức hậu hiện đại, bạn mới hi vọng có sáng tác hậu hiện đại đúng nghĩa.

* Nếu đặt vấn đề mà chúng ta đang trao đổi vào bối cảnh văn hoá, lịch sử và xã hội Việt Nam, anh cho rằng diễn tiến và vận mệnh của văn chương hậu hiện đại Việt Nam những năm tới sẽ ra sao?
Inrasara: Đóng vai thầy bói cho tương lai văn học, có khờ mới đi làm chuyện đó. Văn chương hậu hiện đại có mặt ở Việt Nam đã tạo dị ứng và phản bác dây chuyền. Người biết phản đối đã đành, ngay cả kẻ chưa tiếp cận lí thuyết hay sáng tác hậu hiện đại cũng té nước theo. Bao nhiêu hình dung từ tiêu cực đã đổ lên đầu hậu hiện đại. Từ người muốn bảo vệ quyền lợi, giữ vững ghế ngồi trên chiếu văn chương cho đến kẻ sáng tác mang tâm thế mặc cảm kì lạ là không muốn thấy thành tựu văn học của mình bị vượt qua; dị ứng từ nhà phê bình thủ cựu cho đến độc giả. Điều lạ là tôi chưa thấy ai chống đối có bài bản chính lí thuyết hậu hiện đại, mà chỉ phản đối sự có mặt của nó. Sự phản đối này không biết mình đang làm gì. Sáng tạo hậu hiện đại Việt Nam [nhất là thơ ca] bị phân biệt đối xử bởi nhà văn nhà thơ thuộc hệ mĩ học cũ, bị kì thị bởi các cơ quan báo chí trong nước, còn các Đại học thì làm ngơ, từ đó các Nhà xuất bản không mặn mà với bản thảo của nó. Nhưng dù gì thì gì, văn thơ hậu hiện đại đã tồn tại như nó vẫn tồn tại từ hơn mươi năm nay. Vẫn ở ngoại biên như chính định mệnh của nó. Nhóm Mở Miệng lập nhà xuất bản Giấy Vụn để in thành sách các tác phẩm hậu hiện đại, các nhà văn hậu hiện đại khác đăng sáng tác trên mạng hay/ và in photocopy. Ít nhất cho đến nay đã có gần 30 tác phẩm có mặt dưới hình thức này. Chúng vẫn có cuộc sống của mình.
5 năm trước, Hoàng Ngọc-Tuấn tuyên bố đầy dự cảm rằng: “chẳng bao lâu nữa lối viết hậu hiện đại sẽ trở nên phổ biến ở Việt Nam” (báo Thế thao – văn hóa, 6-1-2004). Theo tôi, mươi năm qua, chính sự vận động của chủ nghĩa hậu hiện đại đã tạo nên sự sinh động và phong phú của văn chương tiếng Việt đương đại. “Sinh động và phong phú” kia không dừng lại ở một, hai trung tâm mà đang mở rộng ra các vùng miền, các thành phần, các thế hệ. Tôi tin rằng trong một tương lai không xa, văn học Việt sẽ là một nền văn học đa trung tâm.

Trân trọng cảm ơn anh!

Sài Gòn, 29-3-2009.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *