Jaya Bahasa: NHỮNG VẤN ĐỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA CHAMPA

[điểm sách]

Trên dải đất Việt Nam ngày nay, đã từng hiện diện 3 trung tâm của 3 nền văn minh lớn hình thành nên các nhà nước cổ thời kỳ cổ trung đại. Phía Bắc là nền văn minh Đông Sơn hình thành nhà nước Đại Việt, phía Nam là nền văn minh Óc Eo hình thành nhà nước Phù Nam và miền Trung là nền văn minh Sa Huỳnh hình thành nhà nước Champa. Quá trình phát triển các nhà nước cổ dần dần biến mất hội nhập vào một quốc gia thống nhất trên mảnh đất hình chữ S Việt Nam. Các nhà nước cổ ở Việt Nam đã để lại nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc tôn giáo và văn khắc trên bia đá thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới tìm đến khảo cứu và khám phá. Tiếp nối, những thành tựu nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Champa, các tác giả Đỗ Trường Giang, Đổng Thành Danh và Bá Minh Truyền (Đồng Chủ biên) cùng với các nhà nghiên cứu về Champa trong cả 3 miền đất nước và các nhà khoa học quốc tế công bố những kết quả nghiên cứu mới về Champa mang tựa đề “Những vấn đề lịch sử và văn hóa Champa”.

Quyển sách là các bài nghiên cứu về Champa do các chuyên viên, giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý di sản văn hóa đang công tác tại Bảo tàng, Ban Quản lý Di tích, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Viện Nghiên cứu Kinh thành trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế thực hiện. Nội dung chính của quyển sách gồm có 3 phần: nội dung, phụ lục ảnh, tài liệu tham khảo, in khổ 16x24cm, với số lượng 527 trang, do Nhà xuất bản Thế giới phát hành vào năm 2022. Trình bày, phân tích những vấn đề lịch sử, khảo cổ, di tích, ngôn ngữ của nền văn minh Champa, giới thiệu tổng quan các phong tục, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực và làng nghề thủ công truyền thống của người Chăm.

Phần 1:  Những vấn đề lịch sử Champa

Bài viết “Thành cổ Champa từ góc nhìn lịch sử và khảo cổ học” của nhóm tác giả Đỗ Trường Giang, Nguyễn Văn Quảng, Suzuki Tomomi, Yamagata Mariko (Nhật Bản). Họ đã tiến hành khảo sát hệ thống thành cổ Hóa Châu, Trà Kiệu (Quảng Nam), thành Đồ Bàn (Bình Định). Từ đó, làm rõ chức năng của các thành cổ trong chiến lược phòng thủ, liên kết giữa các vùng. Dưới góc nhìn lịch sử và kết quả khai quật khảo cổ học, nhóm tác giả đã đưa ra những nhận xét về vai trò chính trị, kinh tế xã hội Champa theo từng giai đoạn phát triển.

Bài viết “Các di tích đền tháp Champa ở Thừa Thiên Huế: Tư liệu và nhận thức” của tác giả Nguyễn Văn Quảng. Trên cơ sở khảo sát 15 các di tích đã được tìm thấy tại Huế. Tác giả đã phân tích hiện vật, điêu khắc đền tháp làm căn cứ để nhận thức về chất liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng và các niên đại đền tháp Champa. Với sự phong phú về di tích và hiện vật tìm thấy, cho thấy Ấn Độ giáo đã từng ảnh hưởng mạnh mẽ tại Thừa Thiên Huế. Trong bài viết “Vai trò của thành Hóa Châu (Thừa Thiên Huế) trong lịch sử Champa và Đại Việt”. Tác giả Nguyễn Văn Quảng nhận định: Hệ thống thành cổ Champa có vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ, tấn công và mở rộng lãnh thổ. Đặc biệt, là vị trí phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Do đó, khi thành Hóa Châu thuộc vùng Ulik của Champa rơi vào tay Đại Việt, được các triều đại phong kiến Việt Nam từ nhà Trần, Hồ, Lê, Mạc và các chúa Nguyễn thay phiên nhau tiếp quản. Tạo bàn đạp vững chắc để thực hiện công cuộc Nam Tiến thành công.

Bài viết “Lịch sử hải thương Champa nhìn từ Nagara Amaravati thế kỷ IX-XIII” của tác giả Đỗ Trường Giang đã đưa ra ý kiến Champa là một thể chế biển, đó là một quan điểm đã được thừa nhận rộng rãi bởi giới học giả nghiên cứu lịch sử Champa và lịch sử Đông Nam Á cổ trung đại. Tác giả đã khảo cứu nền văn hóa biển của Champa từ các nguồn sử liệu Trung Quốc, Ả Rập, tư liệu văn khắc cổ, kết quả khai quật khảo cổ học và các hiện vật từ các con tàu bị đắm ở dưới lòng đại dương được vớt lên bờ. Qua đó, thấy được nền thương mại biển, cảng thị của Champa từng phát triển rực rỡ trong khu vực và trên thế giới.

Tác giả Lê Hồng Khánh với bài viết “Một số vấn đề về di tích văn hóa Champa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”. Trình bày khái quát về các di tích, phế tích Chăm, chủ yếu là các di tích nằm trong lưu vực sông Trà Khúc. Đồng thời, sơ bộ nhìn lại tình hình khai quật, nghiên cứu về các di tích phế tích văn hoá Chăm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi qua các giai đoạn lịch sử. 

Bài viết “Một số vấn đề về Nagara Vijaya trong lịch sử Madanla Champa thế kỷ XI-XV” của tác giả Đỗ Trường Giang. Kế thừa thành tựu nghiên cứu về Champa, tác giả đã làm sáng tỏ tổ chức chính trị của Champa thời kỳ Vijaya (thế kỷ XI-XV). Và quan hệ Champa với Đại Việt và Khmer trong vấn đề giao lưu văn hóa, kinh tế, xung đột quyền lực và lãnh thổ dẫn đến sự mất dần vai trò của Ấn Độ giáo ở Champa kể từ ngày kinh thành Vijaya sụp đổ vào thế kỷ XV trở về sau.

Bài viết “Gốm kiến trúc đền tháp Champa Bình Định thế kỷ XI-XV” của nhóm tác giả Hoàng Như Khoa, Nguyễn Thị Thanh Trà, Bùi Thị Tường Vi. Trong xây dựng đền tháp, Champa sử dụng nhiều chất liệu khác nhau để trang trí như đá, gỗ, gạch và gốm. Dựa vào những phân tích các điêu khắc tượng thần, linh vật, hoa lá trang trí trên đền tháp Champa tại Bình Định. Nhóm tác giả có đưa ra so sánh, đối chiếu với các điêu khắc, trang trí đền tháp Angkor Wat của Campuchia. Kết quả nghiên cứu, nền nghệ thuật điêu khắc trên chất liệu gốm của Champa có nhiều đặc điểm tương đồng, khẳng định có sự giao lưu văn hóa Champa với vương quốc Khmer cùng chung ảnh hưởng của Ấn Độ hóa. Nhưng, người Champa vẫn sáng tạo ra giá trị nghệ thuật điêu khắc trên chất liệu gốm mang sắc thái đặc trưng riêng.

Phần 2: Những vấn đề văn hóa và tôn giáo

Tác giả Nguyễn Đức Tiến trong bài viết “Con đường giao thoa, tiếp biến văn hóa Đại Việt – Champa và dấu ấn ở châu thổ Bắc Bộ dưới góc nhìn địa văn hóa” cho thấy ảnh hưởng của văn hóa Champa ở đồng bằng Bắc Bộ sâu sắc thông qua khảo sát về địa lý, lịch sử và nhân chủng. Đặc biệt, là các công trình kiến trúc, điêu khắc đình, chùa ở Bắc Bộ có chạm khắc nhiều linh vật và tượng thần ảnh hưởng văn hóa Hindu có nguồn gốc Ấn Độ do những người Champa du nhập vào. Quá trình giao lưu, tiếp biến, ảnh hưởng mạnh mẽ giữa văn hóa Đại Việt với Champa diễn ra trong khoảng thời gian từ thế kỉ X-XV.

Tác giả Nguyễn Ngọc Ánh và Đổng Thanh Danh với bài viết “Từ Islam đến Bini: Một dạng thức tiếp biến Hồi giáo ở Champa”. Hai tác giả đã khái quát về quá trình Hồi giáo du nhập vào Champa. Trên cơ sở phân tích về thần thánh, kinh kệ, thánh đường, tu sĩ và lễ nghi. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tiếp biến văn hóa Islam trên thế giới thành hệ giá trị văn hóa Bini đặc trưng riêng của người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận và Bình Thuận.

Tác giả Bá Văn Quyến có bài viết “Lễ tang của người Chăm Bini” nghiên cứu trường hợp tại thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Qua việc điền dã, miêu thuật cung cấp tư liệu dân tộc học về các tiến trình của lễ tang người Chăm Bini. Những nghi lễ trong lễ tang là một phần tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa Chăm.

Tác giả Bá Minh Đan trình bày đề tài  “Ẩm thực của người Chăm dưới góc nhìn văn hóa”. Bài viết, khái quát về các đặc trưng văn hóa ẩm thực và các giá trị của văn hóa ẩm thực trong đời sống của người Chăm.

Tác giả Bá Minh Truyền giới thiệu một số di sản văn hóa Chăm ở Nam Trung Bộ, trình bày quá trình hình thành và phát triển tôn giáo Islam ở Ninh Thuận, khảo sát văn hóa làng Chăm qua lễ hội và nghề làm gốm thủ công truyền thống.

Tác giả Hán Thị Thanh Lan trình bày “Quan hệ đồng tộc của người Chăm Islam ở An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh”. Tác giả nhận thức, mối quan hệ này được hình thành từ các yếu tố nguồn gốc tộc người, tôn giáo và quan hệ hôn nhân làm nền tảng.

Phần 3: Di sản và phát triển

Tác giả Phú Văn Hẳn thông qua bài viết “Di sản văn hóa Chăm trong phát triển hiện nay” đã khái quát một số di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của người Chăm ở Việt Nam. Dưới tác động của toàn cầu hóa, tác giả nêu lên kiến nghị cần có đánh giá đúng đắn về di sản văn hóa để có chính sách, giải pháp bảo tồn và phát huy nhằm đáp ứng được với thực tế phát triển.

Tác giả Nguyễn Phước Bảo Đan “Thành lũy Champa ở Bắc miền Trung Việt Nam nhận định giá trị và thử xác định vai trò trong một kế hoạch phát triển du lịch”. Trên cơ sở khảo sát các di tích, phế tích thành lũy ở miền Trung. Tác giả đã có những nhận định về giá trị lịch sử, văn hóa và nhân văn của hệ thống các thành lũy. Từ đó, có thể khai thác, phát huy giá trị của di tích để phát triển kinh tế cho địa phương bằng con đường du lịch văn hóa.

Tác giả Đổng Thành Danh nêu vấn đề tiềm năng và những tồn tại trong việc khai thác di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận với bài viết “Nguồn lực bản địa của tộc người Chăm Ninh Thuận với vấn đề phát triển du lịch bền vững ở địa phương”.

Tác giả Bá Minh Truyền trình bày vấn đề bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết của người Chăm, qua việc khảo sát thư tịch viết tay và thư tịch khắc trên chất liệu lá buông, trong các bộ kinh hành lễ trên đền tháp Champa, với tên gọi “Thư tịch Champa viết trên lá buông tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận”.

Tác giả Jaya Bahasa trình bày “Mối quan hệ Việt Nam – Ấn Độ qua con đường di sản văn hóa Champa tại Ninh Thuận” cho thấy mối quan hệ quốc tế sớm của Champa mà ngày nay người Chăm đang kế thừa di sản của nền văn minh Ấn Độ như kiến trúc điêu khắc đền tháp, tôn giáo, văn tự và lễ hội.

Tác giả Bảo Yến Phi với bài viết “Hợp tác quốc tế giữa cộng đồng Islam Việt Nam với cộng đồng Islam Malaysia từ năm 2004 đến nay” làm sáng tỏ các trụ cột hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, tôn giáo và giáo dục. Kết quả hợp tác quốc tế đã thúc đẩy cộng đồng người Chăm Islam ở Việt Nam hội nhập và phát triển.

Với nguồn tư liệu phong phú, kết hợp với tư liệu khảo sát, điền dã ở những địa phương có người Chăm sinh sống, quyển sách mang đến cho bạn đọc một bức tranh về lịch sử và văn hóa Champa. Ngoài đáp ứng cho mọi người yêu thích văn hóa Champa, quyển sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho giảng viên, sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn sử dụng để giảng dạy, nghiên cứu và học tập các chuyên ngành lịch sử Việt Nam, Văn hóa học, Nhân học và Du lịch.

Trong lời giới thiệu của quyển sách GS.TS. Nguyễn Văn Kim có nói góp phần chung sức bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vô giá của đồng bào Chăm và cũng là của văn hóa dân tộc Việt Nam./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *