BẢN SẮC TẬN CÙNG – SÁNG TẠO TỘT ĐỈNH

[sau status này, tiệm tạm nghỉ, sẽ mở lại mươi ngày sau]

Thuở 15-16, đọc các ấn phẩm về Do Thái mà bắt thèm. Không phải về vụ dân tộc này phục quốc sau 2 ngàn năm luân lạc, mà ở họ bảo tồn bản sắc đã ghê mà sáng tạo cũng dữ. Tôi cho đó là một thế giới ĐÓNG & MỞ đồng thời. Và luôn tới cùng.

Hiện tại có thể phân sinh linh Cham làm 4 đẳng:

Có kiến thức để tranh luận với nhau về cái cũ, như Akhar thrah hay Xakawi, thuộc sơ cấp;

Hiểu biết để có thể tranh luận với người ngoài về lĩnh vực liên quan đến Cham, là trung cấp;

Hàng cao cấp, là kẻ đủ trình độ tranh luận với bên ngoài về món liên quan đến Việt Nam và ngoài VN;

Riêng kẻ nào có thể tranh luận với thế giới bên ngoài về vấn đề nhân loại, phi địa phương tính mới thuộc ngoại hạng. Như tranh luận về triết học, về toán học, về mĩ thuật, vân vân với thế giới, loài này cả thế kỉ sau chưa chắc Cham đã sản sinh được. Không phải Cham kém thông minh, mà do LỐI NGHĨ HẸP, CẠN, NGẮN của Cham hôm nay.

 

Thử phân tích…

Đẳng SƠ CẤP thì vô số kể, suốt ngày Cham cãi vã nhau về mấy món cũ rích. Cãi quyết liệt, cãi mất mặn mất nhạt, cãi chết bỏ.

Thuộc hàng TRUNG CẤP, là kẻ khả năng tranh biện với người ngoài về Cham. Như bạn có thể tranh biện thoải mái với tất cả về văn hóa – văn minh Champa. Ở đây người ta có thể kêu: Là Cham, bạn rành Cham thì có gì ghê. Nhảnh thì chịu, nếu được vậy thôi là đã khá rồi.

Riêng CAO ĐẲNG, là sinh linh dám/ biết vươn ra ngoài thế giới Cham.

Bản thân Sara chẳng hạn, sau khi đi xuống tận cùng bản sắc [sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và lan tỏa văn học Cham], tôi DẤN VÀO thế giới văn chương Việt Nam, từ đó: Sáng tạo, lí luận phê bình, thuyết trình và tranh luận VỀ văn học Việt Nam VỚI người Việt Nam và thế giới ngoài Việt Nam. Sòng phẳng và sạch sẽ.

 

Ước gì Cham nẩy nòi nhiều sinh linh như thế [ở các lĩnh vực khác nữa]. Nhưng không. Tôi muốn Cham ngày mai phải hơn thế, muốn cha mẹ Cham hướng vọng con cái về phía ấy, chân trời MỞ ấy. Như Freud:

“Freud đã từng giải thích rằng ông cảm thấy chất Do Thái của mình, không phải bởi truyền thống hay lòng tự hào dân tộc, mà qua hai đặc điểm còn quý hơn mọi thứ: Tự do khỏi những khuôn mẫu niềm tin xưa cũ, niềm tin ngăn cản con người sử dụng trí tuệ của mình, và sẵn sàng đi ngược lại điều mà đa số thường làm” (Eran Katz.)

Như Do Thái đã: Bản sắc tận cùng – Sáng tạo tột đỉnh.

Để vươn ra thế giới rộng lớn ngoài kia, đấu với cả nhân loại.

Tại sao không?

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *