5 CÂU HỎI VỀ/ CHO BUMI PHÒ TRÌ

[Chuyện nhỏ buồn to: Quý tặng Thong Thai, chị em Tường Vân Tường Vi, Thông Văn Chương, Mai Quang Chiêu, và bà con BUMI]

Từ lớp Đệ Thất, tôi lang thang qua các palei Cham Ninh Thuận. Đi và ở lại, có khi dài cả tháng. Pabblāp Birau là nhà Đạt, Cát, Phăng, Triển; Cwah Patih có Ngạt, Ve; Hamu Tanran có Đảo; Ram có Xoài… Mãi hôm nay tôi cũng không chừa đi. Không phải gặp trí thức Cham, mà quần chúng. Gặp, bà con xổ lòng, tôi tiếp nhận, và tôi lên tiếng. Nói cho, nói vì bà con. Rồi nghe bà con phản hồi, cứ thế. Nhà văn thành kẻ lưu trữ kí ức dân tộc, từ đó.
Vừa qua về Bumi Phò Trì cũng vậy, bà con xổ lòng, tôi lắng nghe và thấu hiểu.
Ở đó, có gì để nói? Tạm kê 5 chuyện, NHƯ GỢI Ý ĐỂ MỌI NGƯỜI NGOẢNH VỀ BUMI, palei xa tít & còn rất lạ với cộng đồng Cham hôm nay.

1. GHUR NGHĨA TRANG trong palei. Lạ, Cham quản lí tháp, ghur, kut bằng cách không quản lí: không rào, nói chi là làm sổ đỏ. Đến khi cần làm gì đó, thì phần đất mình bị lấn chiếm làm sổ đỏ tự hồi nào không hay. Ta mất đất là vậy. Đòi lại ư? – Không thể rồi. Bởi người sở hữu nó ngày hôm nay mua lại từ dân tham trước đó. Tội không?

2. GHUR GẦN BIỂN rộng đến 2 mẫu có tuổi thọ gần 300 năm, bà con cho hay thế. Ghur này cũng bị ý đồ lấn, dân tham cũng đã làm trạm gác, bị bà con la làng, mới tạm rút. Đến lúc bà con tiến hành rào tạm, thì lại nẩy sinh chuyện. Làm sớm thôi, trì hoãn là bị thiệt, như đã!

3. BIMÔNG PÔ KLŌNG BILAU cất 20 năm trước đang xuống cấp, mỗi bận mưa xuống là chịu dột. Năm kia có vị trí thức qua, hứa này nọ với bà con lâu ngày chày tháng không thấy tăm hơi, thành hứa lèo, mang tiếng phải biết. Bimông đang rất cần sửa sang lại, cho kì Chabbur năm tới. Bao giờ?

4. THĀNG MƯGĪK. Một palei Cham Bà-ni mà không có Thāng Mưgīk là chuyện khó chấp nhận, vậy mà Bumi không có. Acar thì có duy nhất một. Mỗi Ramưwan là mỗi thỉnh Acar từ Pajai về. Làm gì?

5. Cuối cùng, tôi được bà con xổ lòng về chuyện cấp phát ĐẤT.
Thông báo 04 (?) của Tỉnh cấp đất cho dân đưa xuống, tiến hành được 40% hộ thì ngưng, lí do non một nửa số dân nghèo được cấp mang chúng đi bán. Đến năm 2013 chương trình dự định tiếp tục với số hộ còn lại, nhưng Nông trường không chịu trả đất. Nhà nước mới đi đào tạo nghề đan lát, thợ hồ, thợ may, trồng rau cho dân. Xong, thì chẳng thấy đâu cơ sở để hành nghề, dân làng phải đi tứ tán kiếm sống.
60% hộ chưa được cấp đất, vậy giải quyết thế nào cho công bằng?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *