Đời là vui 10. Bis-2. HẬU HIỆN ĐẠI & NHỮNG CÚ ĐẤM HỤT

[Đây là comment Stt của Paul Nguyễn Hoàng Đức: “Quan điểm của cá nhân tôi về hậu hiện đại”, 20-1-2018. Vì phản hổi dài nên đăng ở đây]

Có 3 điểm:

1. CHUYÊN GIA.
Chuyên gia có tên và phát ngôn có địa chỉ còn vớ vẩn, huống hồ chuyên gia khiếm danh. Ví dụ mới nhất: Thụy Khuê (báo Tuổi trẻ, 5-1-2018):
“Người Mỹ đã hiểu sai khi tiếp cận hậu hiện đại của Pháp và họ mang cái sai đó về bên kia châu lục, người Nga lấy lại cái sai đó của Mỹ và cuối cùng người Việt lại lấy cái sai đó từ Nga…”
– Tiếng Việt (chỉ tính trong nước) về hậu hiện đại, có: Lê Huy Bắc, Nguyễn Ước, Bùi Văn Nam Sơn, Trần Quang Thái, Trần Tiễn Cao Đăng, Nhật Chiêu, Inrasara, Trần Ngọc Hiếu, Đoàn Ánh Dương. Tạm kê 9, 9 này dường như không ai biết tiếng… Nga! Tôi nhận ra thế qua tài liệu tham khảo của họ, nếu có ông bà Nga nào đó, họ chỉ được quá giang qua bản tiếng Anh, Pháp.
Thuật ngữ mới của Inrasara, ấy là: “Phê bình đoán mò”!

2. ANH HÙNG hậu hiện đại
Về văn học nghệ thuật, thường thì phải qua thời gian [dài và xa], ngoảnh lại người ta mới nhìn ra anh hùng. Như Lãng mạn, Siêu thực… sinh viên văn chương dạng khá đều có thể điểm danh. Thời hậu hiện đại còn chưa xa nên hơi khó. Khó, nhưng với người sành điệu vẫn có thể. Tạm tin Nguyễn Hưng Quốc, “Chủ nghĩa hậu hiện đại”, Tienve.org
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=3849
“… Trong lãnh vực văn học, đại biểu của chủ nghĩa hậu hiện đại rất đông, chẳng hạn, Gabriel Garcia Márquez, Italo Calvino, Umberto Eco, John Barth hay Thomas Pynchon. Ðáng chú ý là trong đó có khá nhiều người xuất thân từ các quốc gia thuộc Thế giới Thứ ba, chẳng hạn, từ Argentina có Julio Cortázar và Manuel Puig, từ Nam Phi có John M. Coetzee, từ Peru có Mario Vargas Llosa và Alfredo Bryce Echenique, từ Mexico có Carlos Fuentes, từ Somalia có Nuruddin Farah, từ Nigeria có Ben Okri, từ Kenya có Ngugi Wa Thiong’o, từ Zaire có V.Y. Mudimbe và M. a M. Ngal, từ Morocco có Abdelkebir Khatibi và Tahar Ben Jelloun, từ Scri Lanka có Michael Ondaatje, v.v… Ở phạm vi quốc gia, chủ nghĩa hậu hiện đại không những phát triển thành những trào lưu mạnh mẽ ở Âu châu hay Bắc Mỹ mà còn ở châu Mỹ Latin, ở châu Phi, ở các quốc gia thuộc khối cộng sản cũ ở Đông Âu và dần dần lan sang cả các nước Á châu…”

Ở Việt Nam, trích Inrasara: “Về đâu, phê bình hậu hiện đại Việt Nam?”, tham luận “Một số vấn đề lý luận và phê bình văn học thời kì Đổi mới” (Đại học Hùng Vương – Phú Thọ, 14-4-2016):
“Điều lạ là, trong khi lí luận và dịch thuật phát triển sớm và mạnh ở Hà Nội, thì sáng tác hậu hiện đại chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam. Ngay đầu thế kỉ XXI, hàng loạt bài thơ và tập thơ ra đời. Có thể kể: Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Như Huy, Nguyễn Quốc Chánh, Khúc Duy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thúy Hằng, Bỉm, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Đặng Thân, Phương Lan, Thanh Xuân, Vũ Thành Sơn, Trần Wũ Khang, Phạm Tường Vân, Lê Hải, Jalau Anưk, Miên Đáng, Liêu Thái, Tuệ Nguyên, Tiểu Anh, Nguyễn Viện, Khánh Phương, Lưu Mêlan… Rồi tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Viện, Đặng Thân, Lê Anh Hoài, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Lê Minh Phong, Vũ Lập Nhật, Inrasara, Hoàng Long, Vương Văn Quang… ra mắt, qua đường chính thống, phi chính thống, in ngoài luồng lẫn phát hành trên mạng internet.”
Các bạn hãy tìm anh hùng của mình.

3. KHÁC
Riêng về “giải trung tâm” có phải là mặc cảm của thế giới thứ ba hay không thì cứ để cho… chuyên gia lo. Chỉ biết món hậu hiện đại này có xuất xứ và phát triển mạnh ở châu Âu và Bắc Mỹ, sau đó mới tới các vùng ngoại vi [đầy “mặc cảm”].
Mấy đặc tính hậu hiện đại khác xin được cho vào ngoặc, bởi bàn vào thì đến vô tận.
Tôi chỉ lưu ý: Hãy đọc-hiểu nó căn bản lí thuyết hậu hiện đại mới bàn về nó, và hãy theo dõi sát sao phong trào hậu hiện đại Việt Nam, mới đưa nhận định. Còn không, TA NHƯ ĐẤM VÀO KHOẢNG TRỐNG. Đấm hụt là cái chắc!

Cảm ơn các bạn chịu khó đọc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *