Inrasara: NHÀ THƠ VÀ MỤC ĐÍCH TỐI HẬU: PHÓNG SINH CHỮ

Đọc Âm thanh những giấc mơ của Trần Hữu Dũng, NXB Hội Nhà văn, 2016

1. Bỏ qua những bài thơ “lẻ” đứng chen chân lạc lõng như thể không đảm nhiệm công việc nào khác hơn là làm đầy tập thơ, cái tình chủ đạo đi suốt Âm thanh những giấc mơ vẫn là tình buồn. Cho dù đây đó, tiếng thơ có vang lên vài khúc ca vui, nhưng đó chỉ là niềm vui rất “phượt”, chưa tới. Chưa tới, do thơ còn chưa thâm nhập đủ sâu vào vùng đất, vào cuộc người của triệu sinh phận ngàn năm trầm mình nơi mảnh đất ấy.
Thơ hành trình “Dọc đường Tây Bắc”, rồi ngược lên “Sapa tháng 11” để thưởng lãm “Cao nguyên đá”. Có lẽ do lần đầu [hay chưa nhiều lần] lên vùng dân tộc thiểu số, nhà thơ thấy lạ mắt, nghe “dấu hiệu tốt lành, sự sống sinh từ đá” để cảm nhận “ấm lòng và hạnh phúc” cùng con người và cảnh vật.
Em bật đàn môi chuyển hồi mạch suối
Cuốn anh trôi xa vào rừng sâu thẳm

Bước sơ khởi là vậy, như khách vãng du thường thế. “Vũ điệu khèn” với “ruộng bậc thang” đẹp xiết bao qua nghệ thuật nhiếp ảnh, hay trong mắt nhìn chưa thẩm thấu thực tế cuộc người Tây Bắc. Trong khi đó, ở bề sâu, chiều khuất, hay góc tối kia đời sống đang bày ra bao vất vả khổ ải, mấy tâm tư cùng nhóc hoàn cảnh.

Đẹp lắm bóng thiếu nữ Chăm ngồi dưới ánh đèn dầu đưa thoi từng sợi tơ dệt tấm thổ cẩm! Nhưng người dân Chakleng đang cần rất nhiều thợ dệt lành nghề, nhà tạo mẫu giỏi, kẻ nghiên cứu cải tiến khung dệt, và trên hết – con người có khả năng tổ chức để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động hầu đưa thổ cẩm ra ngoài thị trường lớn hơn, từ đó thu nhập của bà con cao hơn, đời sống đỡ khốn khó hơn.
Đẹp lắm dáng cô gái Bana gùi củi lội qua suối, vừa đi vừa hát nhẹ dù lưng áo đang ướt đẫm mồ hôi; sáng mai gùi củi kia sẽ được mang xuống chợ đổi lấy chục ngàn đồng bạc. Nhưng nét đẹp ấy cần phải mất đi càng sớm càng tốt!
Đẹp lắm tiếng “khèn”, lời “then” trong những đêm lễ hội dân gian ở vùng rừng núi dân tộc miền Tây Bắc! Nhưng sẽ đẹp hơn nhiều, nếu tiềm năng văn nghệ kia được tổ chức, bồi dưỡng, nâng cao (miễn đừng phản bản sắc hay giả bản sắc) để nó có thể mang niềm vui, vẻ đẹp nghệ thuật đến nhiều làng hơn nữa, biểu diễn trên nhiều sân khấu của các thành phố lớn hơn nữa, và – tại sao không? – chen vai thích cánh cùng hội, đoàn văn nghệ các nước trên thế giới.

2. Vui là vui gượng… là vậy.
Trong khi Trần Hữu Dũng của đứa con miền sông nước, dầm mình với đời thực cuộc sống miền Tây, hoàn toàn khác. Bấy nhiêu tiếng ca vui kia không che lấp hết tình buồn có mặt xuyên suốt Âm thanh những giấc mơ. Buồn mơ hồ và cụ thể, man mác mà sâu đậm lạ thường – dẫu chỉ qua vài nét phác họa, đôi khi khá ngẫu nhiên bật ra theo dòng chảy khó cưỡng của thơ.
Buồn như thể một hụt hẫng, sau bao lần vào sống ra chết, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, khi người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ấy “không còn chiến tích gì nữa để kể”. Hoặc gần hơn, cái hụt hẫng của người ông ngoại với dấu ngấn nước nơi cột nhà mà mỗi ông mới có thể giải mã; ông mất đi, “những kí hiệu lưu dấu” kia gần như trở thành vô nghĩa. Chúng chỉ còn có thể lưu lại nơi bảo tàng kí ức của thơ.
Như thị trấn xa lạ kia nơi nhà văn Êđê Y Điêng sinh ra, lớn lên và yêu thương và thu vào tầm mắt, vào trang văn ngỡ như còn mãi, để rồi cuối đời khi bạt ngàn rừng cây muông thú đã biến tiêu nháy mắt, nay chỉ còn đọng lại trong kí ức của tuổi già:
Mùa này sông Hinh cá lội ngược dòng
cọp không còn hú dài núi Lá
… Chúng tôi không dám hỏi
buôn làng giờ ra sao?
Khi bắt gặp ánh mắt ông
chìm khuất trong màn sương mù đục núi rừng

Không dám hỏi, bởi không thể tìm thấy ở đó câu trả lời. Có chăng chỉ là cái nhìn lặng lẽ đáp lại, buồn càng thẳm sâu hơn. Buồn kia hiển lộ ngay nơi thành phố, khi đường phố bất chợt vắng bóng “gương mặt người phương Nam” thân quen mỗi ngày mỗi gặp mặt trên con đường chữ nghĩa. Với Sơn Nam, nhà thơ:
Xuống phố cùng chiếc bóng ông bát bộ
Loãng tan, xiêu vẹo, giả đò ngó lơ
Hình như cuối con đường
Là kết thúc
Hành trình viết của một nhà văn

Hay khi Trang Thế Hy ra đi, sau khi vắt cạn kiệt mình, như con tằm nhả hết sợi tơ cuối cùng trong bụng kén:
Còn nguyên chỗ nằm đượm nồng hơi người
Còn đây khung trời bát ngát mở ra
trên những cánh-đồng-chữ

Cánh đồng chữ bát ngát mở ra, là mở ra cho đời, cho thế hệ mai hậu mở lòng đón nhận ý nghĩa sau mặt chữ ông; riêng với bạn văn gần gũi, ông để lại nỗi rỗng không của mất mát của sự ra đi.

3. Sơn Nam đã đi. Chú Tư Sâm đã đi. Như trước đó, Bùi Giáng đã đi vào cõi hư vô tĩnh tịch. “Sống trơ trọi ở mảnh đất trần gian hỗn độn”, người thơ cần có khoảng không-thời-gian chay tịnh để nhìn lại con đường vừa đi qua, mấy lỗi lầm phạm phải, bao đớn đau trải nghiệm. Để thức nhận phận mình như người làm chữ, và như một sinh linh trên mặt đất này.
Thõng tay vào chợ, mặc kệ lời thị phi
… Tôi học cách bơi khỏi giấc mơ phù phiếm
… Rũ sạch mọi ý nghĩa đen tối

Để “ánh sáng từ bi lớn dần”, lớn dần lên. Để làm gì – không biết. Nói theo cách nói của Trịnh: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” không để làm gì cả, chỉ “để gió cuốn đi”. Thế thôi, “cũng đủ lãng quên đời”…
Và cuối cùng, khi đã vượt thoát khỏi nỗi buồn, bước qua mẫy cõi mơ phù phiếm, nhà thơ với tư cách người làm chữ, cũng cần “phóng sinh chữ”. Chỉ khi đó, thi sĩ mới đáo bỉ ngạn thơ ca. Và đạt đến giải thoát tối hậu.

PHÓNG SINH CHỮ

Người làng bảo
Chữ không bỏ vào nồi nấu được
Ông tôi múa võ, ngồi bán già trầm ngâm
Nửa đêm nhúm lửa xông hơi lập lòe ma trơi cũng sợ
Tội chưa ông ghiền ăn chữ
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm
Rồi lên ngựa rời làng Chakleng đi mất
Leng keng… tiếng lục lạc vọng vào núi âm âm

Bạn tôi mất đứt xe trâu thóc
Công chép trường ca Deva Mưno – 460 câu lục bát
Buồn tình phơi chúng dọc triền đồi cát đầy hoa xương rồng
Đêm nằm mơ Ciet sách treo xà nganh
Thương những linh hồn ký ức mòn phai, lay lắt
Chờ ngày Lễ tẩy trần sông Lu

Có người thấy ông tôi đi từ rừng về
Miệng ngồm ngoàm nhai chữ
Mùa gió chướng dân làng đi dọc bờ sông
Vớt lại mớ chữ Chăm dật dờ trôi ra biển
Hong nắng suốt mùa khô
Làm lễ đưa lên giàn hỏa
Phóng sinh

Trần Hữu Dũng đã làm được chăng?
TFN, 15-7-2017

*
Trần Hữu Dũng, sinh: 1956; quê quán: Tiền Giang; hiện đang công tác tại báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Con người Trần Hữu Dũng thật và ngang tàng. Nhưng thơ anh cứ hiền, lành và… ngang tàng. Hiền và lành đặc chất Nam Bộ – như lâu nay ta từng khái quát đầy dễ dãi. Hơn nửa đời hư sống đất Sài Gòn, Trần Hữu Dũng vẫn mang chất Nam bộ ấy vào thơ. Từ tập thơ đầu tay đến tập thứ 8, 32 năm đi qua, Trần Hữu Dũng vẫn giữ chất giọng ấy, đề tài quen thuộc ấy. Trích 3 bài thơ giới thiệu độc giả Văn nghệ Bình Thuận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *