NGƯỜI CHAM VẪN CÓ THỂ LÀM GIÀU 18-19

18. Làm giàu bằng sáng tạo-3. Sáng tạo ngôn ngữ [tiếng Việt]

Cuối tháng 9 vừa rồi, về quê, gặp hai bạn trẻ biết nhạc, qua trao đổi ngắn tôi đặt câu hỏi:
– Hơn thập kỉ qua rồi, khi Amư Nhân đã ở bên kia sườn dốc của sáng tạo, chưa có khuôn mặt nào tiếp gậy anh, là sao? Trước 75, Cham có Đàng Năng Quạ, sao đó là Amư Nhân. Chấm hết. Thế hệ trẻ không có lấy một nhân tố nào bật lên – các bạn có tự đặt hỏi cho mình và thế hệ mình chưa?
Bạn trẻ cho rằng, khó lắm cei. Khó, ý bạn muốn nói: Thâu thái truyền thống là rất khó, còn lệch hướng thì thành mất gốc rồi.
Tôi nói: Sao cứ bám truyền thống? Nhạc truyền thống [dân ca] – cần; tiếp biến từ truyền thống [đa phần ca khúc Amư Nhân] – cũng cần; nhưng cần hơn nữa là sáng tạo. Vượt ra khỏi truyền thống Cham để làm ra cái mới, không là nhu cầu cấp thiết sao?

1. Từ 2003, trong serie tiểu luận bàn về thơ Việt đương đại: “Để thơ đến với bạn đọc – Chất liệu ngôn ngữ” (tạp chí Văn nghệ Vũng Tàu, số 65, 2003; đăng lại ở báo Thơ, số 11, 2004), tôi viết:
Thời đại khác, chất liệu ngôn ngữ thơ cũng phải khác. Văn chương tiếng Việt cổ điển đa phần nặng ước lệ vay mượn. Chỉ khi các tài năng thơ lớn như Hồ Xuân Hương, Tú Xương xuất hiện, các ước lệ vay mượn [từ Trung Quốc] mới bị loại bỏ dần, sau đó phong trào Thơ Mới cắt đứt hẳn. Rồi Thơ Mới và sau đó lại tạo ra một ước lệ khác. Hết “mùa thu lá vàng” đến “tà áo dài tha thướt”, hết “cô liêu” đến “vô thường”, vân vân. Bao nhiêu là ước lệ cạnh tay, kẻ làm thơ cứ việc ráp vào, thay đổi chút ít là xong… bài thơ.
Trần Tiến Dũng đùa rằng, mỗi ngày ngóng tin yêu từ điện thoại, thế mà khi làm thơ ta vô tư viết đại loại như “trông chờ tin nhạn”! Tiếng reo của điện thoại di động không làm ta xúc động hơn bóng nhạn mơ hồ nào tận nước Tàu xa xôi ư?
Đa phần thơ Việt giả là thế, một sự giả rất thành thực, hình thành từ thuở còn ngồi ghế trung học, và dường chưa có dấu hiệu nào cho thấy ta sẽ đứng lên để rời khỏi chiếc ghế ấy. Từ cái giả của sáng tác lây sang cái giả của cảm thụ, rồì cả người viết lẫn người đọc vô tư gọi đó là thơ, một thứ thơ “đích thực”.

2. Thử nhìn sang Cham, ngôn từ trong ca khúc hiện đại ở hai giai đoạn qua chẳng hạn.
Thế hệ Đàng Năng Quạ với “quê tôi rặt mái tranh nghèo” (palei dahlak harat pabung thāng gak); hay Tantu với “nắng mùa gặt, mẹ mót lúa áo không đủ che thân” (pađiak bilān ywak amēk nao mōt ao cūk ô thir”), thì còn nghe được. Hôm nay ta vẫn hát, để nhớ về những ngày xa xưa.
Bước sang thế hệ Amư Nhân những năm cuối thế kỉ XX, khi anh còn “chiều chiều ra bến nước” (“Bến Nước Tình Yêu”) hay “mái tranh nghèo vẫn vui người ơi” (“Làng Gốm Quê Tôi”), thì ngôn ngữ ca khúc đã có vấn đề.
Từ 20 năm qua, thế hệ con cháu Cham tìm đỏ con mắt chả thấy đâu “mái tranh nghèo” với “bến nước” để chụp ảnh hoài niệm!
Vậy là sao? Ngôn ngữ còn chưa sâu sát “hiện thực” cuộc đời đang diễn ra trước mắt, thì làm sao nghệ thuật có thể vươn tới “hiện thực huyền ảo” hay “siêu thực”!
Nhận định trên về thơ Việt vận vào vụ này, không sai tí nào cả: Sáng tác giả, và cảm thụ cũng giả nốt.

3. Làm sao?
Do vướng vào truyền thống, với tâm lí sợ xa rời truyền thống [chuyện hai bạn trẻ trên là ví dụ], mà Cham chưa bật ra một khuôn mặt viết ca khúc mới. Trong khi bên thơ, từ Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên cho đến Kiều Maily, họ đã rất hiện đại. Hiện đại để nhập cuộc chơi sòng phẳng với [người Việt và] thơ Việt đương đại.
Họ dám làm khác truyền thống thơ Cham cổ điển đã đành, họ còn khác biệt với thơ các Dân tộc thiểu số khác hôm nay. Đâu là khác biệt?
Thể thơ, đa phần là thơ tự do không vần, nhịp chỏi, với cấu trúc phức hợp.
Đề tài, đối chiếu tên 30 bài thơ của Jalau Anưk, Tuệ Nguyên với Bùi Tuyết Mai (Mường), Hoàng Chiến Thắng (Tày) ở phía Bắc, cũng đủ thấy.
Ngôn ngữ và thi ảnh, 4 thi sĩ Cham đã tạo nên sự khác biệt rất rõ.
Thủ pháp, cũng hoàn toàn khác.
Tất cả 4 khác biệt trên xuất phát từ cảm thức khác của nhà thơ Cham. Đậm nổi trong thơ họ là cái nhìn phản biện xã hội, lắm lúc cười nhạo chính mình. Đó là khác biệt thứ năm.
Từ cảm thức mới kia dẫn họ đến khác biệt thứ sáu (chưa là cuối cùng): cách xuất hiện. Jalau Anưk chỉ xuất hiện trên internet (Vanchuongviet, Tienve, Inrasara.com) và Tagalau. Tuệ Nguyên theo bốn cách: internet, in chính thống, in photocopy, và trình diễn thơ. Họ chọn cách này không phải do điều kiện khách quan, mà bởi quan niệm. Đó là cách xuất hiện đầy tính phi tâm hóa hậu hiện đại, mà chưa một khuôn mặt trẻ dân tộc thiểu số nào hành xử như thế.

Trong văn học nghệ thuật, chính khác biệt làm nên giàu sang. Nền văn học đa dân tộc Việt Nam cổ điển không cần một Nguyễn Du mới, hay Hồ Xuân Hương thứ hai – vô ích! Cần là cần Ariya Glang Anak, Poh Catôy, vì đó là khác biệt.
Thời hiện đại, bên thơ làm được, tại sao bên ca khúc thì không?

19. Làm giàu bằng sáng tạo-4. Sáng tạo ngôn ngữ [tiếng Cham]

Xem một tối văn nghệ Katê hay Ramưwan, khán giả thấy gì?
Múa, thì 1. Múa cổ truyền; 2. Múa cổ truyền cải biên [chủ yếu do Đoàn Văn nghệ Cham biểu diễn], ngoài ra không gì thêm, không gì khác.
Ca khúc, quanh đi quẩn lại, 1. Dân ca; 2. Bhum Adei, Ikak tian rōng anưk nao baic, Làng Chăm ơn Bác, Apsara Vũ nữ Chàm, Sợi chỉ đủ màu; 3. Sau đó khá nhiều ca khúc Việt mới. Thế thôi. Lặp lại từ năm này sang năm khác.
Vài lần rủ bạn văn khách nước ngoài đến xem, có cố lắm cũng chỉ ngồi được nửa chương trình, là xin kiếu. Ý kiến chung: Nếu chỉ có thế chúng tôi đâu cần đến làng Cham để thưởng thức văn nghệ.

1. Về múa
– Múa cổ truyền, từ múa quạt, múa đội cho đến múa khăn: Hay!
– Múa cách điệu kết hợp nhiều đạo cụ, như KM vừa biểu diễn ở Nhật 21-10-2017 vừa qua: Càng hay nữa.
https://www.facebook.com/manabiya.tsubasa/?hc_ref=ARR4s77bZQsXFJfAvLh9nfQXeQ6zAmXwWasIrg7yo_ixpphX2CQY55NX-8WQkETv2sM&pnref=story
– Nhưng tại sao ta không dấn tới một bước, như tiếp nhận Điệu Apsara ở Indian Dance Group Mayuri, kết hợp với múa cổ truyền Cham để làm ra cái mới?

Đạo diễn với nghệ sĩ Cham nào hôm nay làm được công cuộc đó?

2. Về thơ & ca khúc tiếng Cham
So sánh đối chiếu các hạn từ được sử dụng trong Ariya Cam Bini, Ariya Xah Pakei [là 2 tác phẩm trữ tình] với Ariya Glang Anak, Poh Catôi [là thơ thế sự và triết lí], ta thấy có sự khác biệt lớn. Nếu ở hai tác phẩm trước, ngôn từ bình dân và gần gũi nên dễ hiểu, thì ở 2 tác phẩm sau, ngôn ngữ đẫm chất suy tư, đã gây trở ngại cho người thưởng ngoạn không ít.
Ca khúc Cham thời gian qua cũng vậy, do bó hẹp ở đề tài: Làng quê với sinh hoạt đời thường, tình cảm xa cách Cham Bà-ni… nên ngôn từ cũng bị hạn định ở phạm vi đó.
Tại sao Cham không làm khác đi?

Tại sao mãi [1] Đàng Năng Quạ, Tantu, Amư Nhân, và [2] Ca khúc Việt mới, mà không gì khác nữa. Các ca khúc ngoại quốc thịnh hành: Của Anh như bài “Green Fields”, của Pháp như “Donna Donna”, của Ý như “L’Italiano”, nếu được dịch và trình diễn, tối văn nghệ Cham không sôi động hơn sao? Theo tôi, ta sẽ được 3 thứ chính:
Thứ nhất, nó tạo không khí mới lạ; tiếp đến Cham, cần đến ngôn ngữ mới hơn vốn từ từng được dùng trong ca khúc cũ để chuyển dịch chúng; nhất là: Các ca khúc ấy có khả năng chuyển đổi dòng nhạc [tiếng] Cham đương thời.

Ba năm trước, nhận ra sự thiếu khuyết này, tôi đã thử dịch khoảng 10 ca khúc trong đó có “Doh ka Cam kau – Hát cho Cham ta” (Phling Italia – panôic Cam Inrasara). Sau đây là phần lời và Việt ngữ. Nếu ta thử phong cách như Youtube này. Không tuyệt sao?!

DOH KA CAM KAU – HÁT CHO CHAM TA
Phling Italia – panôic Cam Inrasara

Ô hu thei kala ita ni – kāl klam trun xūp yơng tōm dar
Ô hu thei kala ita ni – than parān Cam kau bilô drôi.

Ba mai kanhi – baranưng ba mai – ginang
Gita di tangin kau palong xap doh ka Cam kau
Hư mư-in Pô Tāng – ai mư-in Patra
Mei kōng tamia – kau atōng Gita – drei mai tani mư-in buy.

Ni bal Katê – ni Ramưwān – wơk mai pajơ
Ai mưng Panrāng – cei mưng Krōng… nai pak Pacam
Ita likau xalām – ita harung tangin
Hu ralô aulo – ita pôk xap doh – abih duix – mưng dikāl.

Likau xalām nai Mih Ai – ni anük kamei Cam
Mưta nai pahôi – tian nai ni – tawak xanưng
Hu kau ta…ni – taprah dôm boh drut drôi.

Ba buk mai ka nai ni – ba Gita mai ka kau ni
Ô hu thei kala ita doh ka anük Cam kau harei hadei

Ô hu thei kala ita ni – kāl klam trun xūp yơng tōm dar
Ô hu thei kala ita ni – than parān Cam kau bilô drôi.

HÁT CHO CHAM TA
[Bản Việt ngữ dịch từ tiếng Cham]

Không ai thay chúng ta này – khi quanh mình bóng tối bủa vây
Không ai thay chúng ta này – phận dân Cham ta nhiều buồn

Mang lại Kanhi – Baranưng mang đến – Ginăng
Gita trên tay – ta cất tiếng hát cho Cham ta này
Mi chơi [điệu] Pô Tang – anh chơi [điệu] Patra
Em theo nhịp múa – ta đánh Gita – chúng ta về đây chung vui

Đây Katê – đây Ramưwan – lại đến rồi
Anh từ Panrang – chú từ Krong – cô từ Pacam
Chúng ta xin chào – chúng ta cất tiếng hát – cho tan hết buồn tủi – từ xa xưa

Xin chào Mih Ai – đây cô gái Cham
Mắt em buồn – cõi lòng em còn vấn vương
Có ta nơi đây – trôi hết bao muộn phiền

Mang lu đến cho cô này – mang Gita đến cho ta này
Không ai thay chúng ta hát cho con dân Cham ta ngày mai

Không ai thay chúng ta này – khi quanh mình bóng tối bủa vây
Không ai thay chúng ta này – phận dân Cham ta nhiều buồn

1983 https://www.youtube.com/watch?v=tk5wnnGdG2U
English https://www.youtube.com/watch?v=iVHvaKo15Pw

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *