GIẢI ẢO TRUYỀN THỐNG.bis

Do có sự nhầm lẫm giữa cặp phạm trù: SÁNG TẠO/ TRUYỀN THỐNG với TRÙNG TU, CHUẨN HÓA, nên mới có “bis” này. Nhầm lẫn có thể do tâm sanh hay bởi gì khác, nhưng ta cứ tạm cho là do ngây ngô về tri thức. Dẫu sao hữu ích của nhầm lẫn cũng gợi ý cho một giải minh cần thiết.
Đưa ví dụ cụ thể, vấn đề sẽ tự nó sáng rỡ.

1. SÁNG TẠO
Lục bát được xem là truyền thống thơ Việt, khi Bùi Giáng đưa lục bát thoát ra khỏi tâm thức cổ điển hay hiện đại để lấn sang hậu hiện đại, ta gọi đó là một sáng tạo. Đó là điều trước ông chưa ai làm.
Khi Thanh Tâm Tuyền từ bỏ lục bát, để tiếp nhận thơ tự do Tây phương và viết với tâm thức hiện sinh, ta gọi thơ tự do của TTT là sáng tạo.
Vẫn là thơ, vẫn mục đích hướng đến độc giả, cùng phương tiện là tiếng Việt, nhưng 2 nhà này đã có những xử lí rất KHÁC. Khác này là sáng tạo.
Từ Phong cách Mỹ Sơn E1 (thế kỉ VII) thoát khỏi ảnh hưởng Ấn Độ, đến Phong cách Hòa Lai (thế kỉ VIII-IX) có dấu ấn Phật giáo Đại thừa của Java, rồi chuyển qua Phong cách muộn (thế kỉ XIV-XVII) là câu chuyện dài của sáng tạo Cham.
Cũng là tháp Cham, chất liệu vẫn là gạch nung, vẫn mục đích thờ phụng thần Ấn giáo, nhưng các thế hệ nghệ sĩ [công trình sư] xử lí nghệ thuật rất khác. Ta gọi đó là sáng tạo.

2. TRÙNG TU
Mĩ Sơn là cụm công trình kiến trúc bị tàn phá, cần sự phục chế, Ba Tháp sắp đổ sụp cần đến trùng tu. Trùng tu, phục chế là làm, sửa lại [một phần hay toàn phần] CÁI CŨ từ hư hại/ đổ nát, làm sao cho Y HỆT CÁI CŨ càng tốt: về chất liệu, hình dáng, vân vân.
Mĩ Sơn, thời Kazik, khi ông biết mình chưa hiểu đủ Cham, ông đã dùng vật thay thế để phục chế theo mô hình cũ. Ông hi vọng thế hệ sau rành hơn, sẽ sử dụng chất liệu tìm thấy, để thay thế vào cái TẠM THỜI của ông. Khiêm tốn của tâm hồn lớn là vậy.
Còn các cụm tháp Chàm khác bị bôi xi-măng hay dùng gạch lạc loài trùng tu, phục chế, vừa tỏ sự thiếu hiểu biết cả vô trách nhiệm.

3. CHUẨN HÓA (hãy tạm dùng chữ này).
Không phải là sáng tạo thì rõ rồi – khác với trùng tu là làm Y HỆT CÁI CŨ trên nền cái CŨ HƯ NÁT, “chuẩn hóa” là làm cho cái CŨ đạt CHUẨN, để nó khoa học hơn, tiện dùng hơn. Lấy chữ viết Akhar thrah làm ví dụ.
– Akhar thrah được cho là ra đời vào thời Pô Rômê thập niên 1650. Đó là thời SƠ KHAI của Akhar thrah. Sơ khai thì không thể “chuẩn” ngay được.
– Từ điển Aymonier in vào đầu thế kỉ XX. Sau 250 năm từ khi Akhar thrah xuất hiện, và qua mươi thế hệ CHỈNH SỬA, nó mới tồn tại tương đối như nó có mặt trong Từ điển này: Tạm gọi là giai đoạn chuẩn hóa lần 1.
– Từ điển Moussay xuất hiện đầu thập niên 1970. Suốt 65 năm, Cham lần nữa cố gắng chuẩn hóa nó, ở đó các vị Bố Thuận, Lưu Quý Tân và Thiên Sanh Cảnh là 3 bậc thầy, đưa ra nhiều ĐỀ XUẤT quan trọng.
Riêng ĐỀ XUẤT phân biệt các cặp Pp/B, G/L, KH/NH… [trước đó Cham viết bất nhất] được Moussay và 6 trí thức Cham tiếp thu và ÁP DỤNG triệt để trong Từ điển. Là giai đoạn chuẩn hóa lần 2.
– BBS kết thúc chương trình “chuẩn hóa” vào năm 1990. Trong 20 năm đó, trí thức Cham lại vào cuộc với ý định “làm cho Akhar thrah khoa học hơn, và tiện dùng hơn”.
Nhớ thời kì đó BBS tập hợp các vị: Thập Văn Thơ, Lâm Gia Tịnh, Châu Văn Kên, Lâm Nài, Châu Văn Đỉnh, Phú Văn Kỉnh, Quảng Đại Hồng, Qua Đình Bồi, Bạch Thanh Chạy, Đàng Năng Quạ… là trí thức đầu đàn về Cham và chữ Cham.
Họ tiếp thu ĐỀ XUẤT của thế hệ đàn anh [Bố Thuận, Lưu Quý Tân và Thiên Sanh Cảnh] về POH GAK – TROH AO KO CÓ DAR THA – VẦN E CÓ BALAU và triệt để VẬN DỤNG nó để biên soạn sách Ngữ văn Cham. Là giai đoạn chuẩn hóa lần 3.
[Lưu ý: Tất cả đều có tang chứng, vật chứng: nghĩa là văn bản].

Dĩ nhiên không phải Akhar thrah đến BBS là kết thúc. Thế hệ đi sau sẽ tiếp tục chuẩn hóa nó… Ông Lâm Nài ở buổi sơ kết đã nói rõ: “Trình độ và khả năng chúng tôi tới đó, chúng tôi nỗ lực tới đó; nếu sau này thế hệ con cháu giói hơn, họ sẽ tiếp tục “chuẩn hóa” để tiếng nói/ chữ viết mẹ đẻ hoàn thiện hơn”.
Là phát ngôn cực kì khiêm tốn, với TINH THẦN MỞ.
Bao giờ thế hệ đó xuất hiện? – Hôm nay, Cham vẫn chưa!
Hiện Cham mới có 2 tiến sĩ ngôn ngữ học. Nhưng ngay ngôn ngữ học vẫn cần đến bộ phận đào tạo chuyên sâu hẹp. Chứ ta vẫn còn làm TAY NGANG. Làm tay ngang và ăn nói tay ngang.
Cá nhân tôi cũng không hơn gì! Dù tự đào tạo từ rất sớm, qua nhiều GRU khác nhau, và dấn mình vào công cuộc [sáng tác, dạy, dịch, soạn từ điển, viết sách tự học] khá sớm, tôi vẫn cứ là theo KINH NGHIỆM, nghĩa là cứ tay ngang.
Hi vọng 40-50 năm nữa chăng? – Không biết được. Dẫu sao, hôm nay điều ta cần có là:
– KHIÊM TỐN & TINH THẦN MỞ.
Chứ ta học hành chưa tới đâu, cò ke lốt chốt mà ham to tiếng về ngôn ngữ học thì chỉ có thể làm trò cười cho thiên hạ. Tội không!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *