GIẢO ẢO TRUYỀN THỐNG

Po Inư Nưgar ở Nha Trang
Po Klaung.1
Một bạn FB sau khi tặng huân chương cho tôi “tội phá hoại truyền thống”, đã khuếch trương ý tưởng về kẻ sáng tạo rất ớn như sau: “Như vậy thì phải giết nghệ sĩ đi, vì tội phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc”.
Tiếc là bạn ấy không phải là kẻ đầu tiên, bởi “giết” thì nhân loại đã từng “giết” nghệ sĩ từ xưa, và giết nhiều rồi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Dẫu sao nghệ sĩ vẫn cứ sáng tạo! Vì đó là định mệnh của hắn. Kẻ sáng tạo luôn làm khác, lật đổ truyền thống, cả cũ lẫn đương thời. Làm khác, lật đổ để tạo ra truyền thống khác. Thế mới gọi là sáng tạo.

Chứ xưa kia ta có tháp Chàm hồi nào? Ta qua Ấn Độ mang về đấy chứ! Rồi ta đâu còn giữ nguyên bản Ấn, mà “phá” – rất nhiều, phá cho nó thành Cham, là của Cham không thể lẫn. Cham cũng đâu dừng lại ở một, mà tạo ra đến 7 phong cách tháp Chàm khác nhau. Cứ thử mang cái tháp đầu tiên ra so đo với tháp 5 thế kỉ sau, rồi sau đó nữa cho đến cái cuối cùng, đủ thấy Cham sáng tạo thế nào.
Cái sau luôn KHÁC cái trước đó. Và chúng đều là của Cham cả.

Truyền thống văn chương Việt, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du đã chịu bao nhiêu búa rìu dư luận, do dám “phá hoại” truyền thống. Nữ thi sĩ họ Hồ bị xã hội phân biệt đối xử đã ghê; còn Nguyễn Du, giai thoại kể rằng nếu ông còn sống thì bị vua Tự Đức nọc ra đánh roi như bỡn. May mà ông vua này còn biết yêu văn chương, không thì kiệt tác này cũng tiêu tùng luôn rồi. Vua quan đã vậy, quần chúng cũng chả khác là bao. Thuở đó dân gian Việt còn truyền tụng: “Đàn ông chớ đọc Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều”. Thế mà hôm nay, về văn học, chính qua hai tác giả này Việt Nam mới dám ưỡn ngực với thế giới!
Nhìn qua trời Âu, Van Gogh sinh thời phải chịu đói khát, họa phẩm bị vứt xó, bởi ông mang “tội phá hoại truyền thống”. Thế rồi vài chục năm sau khi ông qua đời, giá của mỗi bức tranh kia trên dưới trăm triệu đôla!
Là truyện dài tập kể không xuể.

Một nhà phê bình thời danh đã rất quyết liệt: “Là người Việt Nam, không thể làm một nhà văn đúng nghĩa nếu trước hết không phải là một kẻ phản bội có ý thức: phản bội quá khứ, phản bội truyền thống, phản bội tất cả những di sản tinh thần đã góp phần hình thành nhân cách và văn cách của mình” (Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, NXB Văn nghệ, Hoa Kì, 2000, tr. 284).
Tôi còn chưa có đoạn văn nào oách thế, cho dù luôn tự nhận là kẻ sáng tạo.

Nhưng, có phải tôi đã có công phá hoại truyền thống Cham?
Với truyền thống, tôi đã làm gì? Ngay từ tuổi 15, tôi lang thang qua mấy chục palei Cham lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ, để hình thành Văn học dân gian Cham. Đó là công việc ngó vẻ tầm phào và dễ ợt, ai cũng có thể làm được, tuy nhiên để làm được nó đòi hỏi tình yêu thương và lòng kiên trì, thêm chút máu điên nữa. Giá bạn biết có sinh linh Cham nào khác chịu làm như thế, xin mách cho tôi hay.
Ca dao – tục ngữ = truyền thống. Inrasara sưu tầm ca dao – tục ngữ để in ra và tặng 800 cuốn cho bà con Cham = Sara mang “tội phá hoại truyền thống” dân tộc!

Thế nhưng, dẫu truyền thống có hay đẹp đến đâu, nó cũng cần chết đi.
Bởi nếu cứ bám lấy sonnet, thì làm sao dân Pháp nảy nòi một Rimbaud với thơ tự do lan rộng ra thế giới? Nếu mãi theo đuôi Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, thơ Việt hôm nay làm gì có trào lưu hậu hiện đại?
Tôi cũng thế, dù yêu Glang Anak, Pauh Catwai say đắm thế nào, nếu tôi cứ khư khư ôm truyền thống, sống chết với bản sắc thì làm gì “thế giới” có được Tháp Nắng, Lễ Tẩy trần tháng Tư hay Chân Dung Cát mà đọc?
Ta sống ảo, sống lùi rồi còn gì!

Kết. Khư khư giữ truyền thống, tuyên bố kẻ sáng tạo là người phá hoại truyền thống, quanh đi quẩn lại là 3 loài sinh linh:
– Hoặc đầu óc sinh linh kia cổ hủ, không nhập được cái mới vào tim óc.
– Hoặc anh/ chị ta thiếu khả năng sáng tạo, đâm ghanh với kẻ sáng tạo.
– Hoặc ông/ bà ấy bám “truyền thống” với một ý đồ trục lợi, hay chính trị.
Không gì khác…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *