MỘT CÁI NHÌN TỔNG QUAN PALEI CHAM VÙNG PRANG DARANG

Là điều cực kì quan trọng.
Quan trọng, vì đây là lần đầu tiên, bài viết ý hướng cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quan về lịch sử hình thành và chuyển di palei Cham ở Pangdurangga.
Qua kí ức của Pô Adhya Hán Bằng, Mưdôn gru Hán Phải [đã mất], anh Dương Tấn Ngọc (Chakleng), Pô Gru Hương (Katuh), ông Thập Văn Thơ [đã mất], Gru Châu Văn Kên (Ram), Bá Văn Có [mất], Ông Ò (Hamu Tanran), Thiên Sanh Sở (Palao), Giáo Bưởi (Cwah Patih), và qua sưu tầm riêng, tôi ghi chép được cả khối tư liệu quý giá. Nay tạm kết nối lại thành một bản lược đồ [cực ngắn] để những đứa con của Đất có cơ sở nhìn lại Bhum bhōk padōk kiak của mình.
Chắc chắn bài viết không thể tránh khỏi vài chi tiết sai, lệch; tôi rất cần sự góp ý và bổ sung của người đọc. Karun – Sara.

*

Tạm lấy thời điểm khởi động cho lịch sử ấy từ Patau Tablah (tiếng Việt là “đá nẻ”) được dựng lên. Bia kí thuộc địa phận làng Bal Cōng Chung Mỹ, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ở đây minh văn mang nội dung lịch sử đậm nét ở thời đoạn khá dài: 1147-1266, kể lại cuộc chiến Champa Khmer.
Bia kí có nhắc đến trận chiến diễn ra ở “cánh đồng Cakling”, là tên làng Mỹ Nghiệp ngày nay. Chakleng còn liên quan đến truyền thuyết Ông Paxa Mūk Cakling, ông bà nuôi của vua Po Klaung Girai.
Sự thể cho biết tên làng Cakling có mặt ít nhất từ trước thế kỉ X.
Ta bắt đầu từ đây, và Sông Lu là điểm nhấn để nhận diện.

SÔNG LU
Sông Lu – Krōng Mưnôl khởi từ đập Tân Giang chảy xuống gặp Đập Katêw. Từ đập này phân thành hai nhánh. Nhánh chảy qua Phước Hà tưới vùng ruộng làng Thôn – Hậu Sanh và Hamu Tanran; nhánh chảy qua Chakleng được gọi là Sông Lu2.
Sông Lu2 bắt nguồn từ Banơk (đập) Katêw qua Banơk Katôr, xuống Banơk Katin rồi Banơk Mưrên. Sau đó nó gặp Banơk Ia Kiak rồi Banơk Patau.
Banơk này cách làng Ram Ga khoảng 1km về hướng Tây Nam. Binơk Patau – Đập Đá, ngăn nước tưới đồng ruộng xã Phước Nam.
Sông Lu2 xuôi xuống gặp Binơk Limơng rồi Banơk Tanông ở làng Hamu Rām. Sông chảy qua cầu Phú Quý rồi cầu Mỹ Nghiệp, xuôi xuống.

PALEI BAL CŌNG
Chắc chắn đây là khu vực trung tâm kinh thành Virapura mà từ đầu thế kỉ IX các vị vua Champa trị vì suốt hai thế kỉ. Hiện Bal Cōng là làng Chung Mỹ thuộc thị trấn Phước Dân, chứ trước đó nó án ngữ ngay Phú Quý. Vào đầu thế kỉ XX, khi người Việt đến đông, Cham mới dời lên palei hiện tại. Đến đầu thập niên 1960, vẫn còn vài gia đình Cham trụ lại, để rồi cuối cùng không còn người Cham nào.
Hiện nay chúng tôi còn quen gọi Chung Mỹ là palei Birau [làng Mới] là vậy.

HAMU RAM & PALEI HAMU TANRAN
Bên kia đường rày xe lửa khoảng trăm thước là palei Humu Rām, hiện là làng Việt, còn trước đó chính là nơi Cham cư trú. Trước 1954. Đền thờ Pô Inư Nưgar được thỉnh từ Nha Trang về vẫn còn lập ở đây. Chỉ sau đó, khi người Việt tràn tới, Cham mới tản đi.
Palei Hamu Tanran làng Hữu Đức hiện tại hình thành từ một trong những cuộc di tản đó, và cuộc di dời chỉ kết thúc vào cuối thế kỉ XIX. Vào thập niên 1960, dòng họ Amil Pui vẫn còn qua Đất Sở ở Hamu Ram cúng tế.
Ở khu vực nhà anh Thiền còn lưu dấu đền thờ nơi bà con Cham cúng tế Yāng Takuh (Thần Chuột). Từ đền thờ [đã điêu] này ngược lên phía bắc khoảng 2km là Cơk Yāng Patao (Núi Đá Trắng).

BÌNH QUÝ
Từ Cơk Yāng Patao xuôi về đông, là Bình Quý, một làng Việt. Ở đây dọc Sông Quao còn tồn tại rất nhiều dấu tích kiến trúc và điêu khắc Champa giá trị trong đó có cả ngôi tháp Cham đã đổ nát. Vào thập niên 1960, vài dòng họ nhỏ ở Chakleng vẫn còn qua khu vực Bình Quý thờ cúng Kut của dòng tộc mình.

PALEI CHAKLENG
Chakleng xưa có tên là Nha Tranh do người Việt đọc trại từ âm tiếng Cham là Chakleng hay Chakling, nay có tên Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân.
Bởi là một làng cổ nên khu vực xung quanh làng tập trung nhiều di tích lịch sử, trong đó có hơn 20 Kut bhaw (Nghĩa trang hoang). Đây là dấu vết quan trọng nhất để nhận diện sự cư trú lâu dài của cộng đồng Cham Ahiêr.
Trước đây, đại bộ phận dân Chakleng cư trú tại Takai Tanưh Wak cách làng hiện tại non cây số về hướng đông bắc, bộ phận khác ở Bblāng Mil rẫy nhà Chị Kiều cách làng hiện tại 400m về hướng đông nam. Sau đó gặp mùa mưa đất nhão, dân làng dồn về nơi bây giờ.
Giữa thập niên 1940-50 nạn dịch rồi làng bị cháy, lần nữa hơn nửa dân làng dời lên rẫy Ông Hào Piửng cách làng non cây số về hướng nam, tạm cư hơn hai năm mới trở về đất cũ.
Chuyện kể Ông Paxa Mūk Chakling thường đi mò cua ở bãi biển không phải là không liên quan đến thực tế. Trước 1975, ngay phía đông làng còn có Láng trống Bblāng Kadāng đất cà giang rộng đến 30 mẫu. Từ đó xuôi xuống làng Thành Tín là vùng nước lợ có nhiều loài cá cua nước lợ sinh sống (xem phần palei Cwah Patih).

PALEI RAM
Thế kỉ XVIII trở về trước, Văn Lâm cư trú tại vùng đất Sơn Hải, nơi có Ghur Dil [đầm], một bộ phận ở khu vực Cà Ná (hiện còn Ghur Kanāk). Đến thời Nhà Nguyễn, họ buộc Cham dời lên phía núi, lập thành 3 làng: Canah Klau, Canah Dwa, và Canah Tāng (tức Chà Vin). Hiện nay dấu vết Thāng Mưgīk vẫn còn.
Cuộc khởi nghĩa của Thak Wa 1833-1834 diễn ra ở đây. Khởi nghĩa thất bại, cả ba làng này bị san phẳng, Minh Mạng cho dời người Văn Lâm về Ram Ga ngày nay (năm 1834).
Pháp đến, hệ thống đường rày xe lửa nam miền Trung tiến hành thập niên 1920, rồi khi Ram Ga hay bị lũ lụt, người Văn Lâm dời làng lên Tabbôk Krưh (Gò Giữa), Tabbôk Gah (Gò Bên). Sự kiện nói lên làng Văn Lâm hiện tại hình thành không thể trước thập niên 1920.
Thāng Mưgīk đầu tiên của Văn Lâm là ở Ram Ga.
Người Ram có Ghur Dil, Ghur Kanāk, một số ở Ghur Darāk Neh và Ghur Ia Kalāng [trước là ở Ia Mưlān, sau đó chuyển về gần làng hơn].

PALEI KATUH
Cư dân Cham chạy loạn từ miền Trung di dời vào Nam, định cư ở nhiều vùng khác nhau. Một bộ phận lớn dừng lại ở Phú Thọ bên này cầu An Đông – Phan Rang.
Sau đó một phần đi tiếp đến palei Cwah Patih.
Bộ phận còn lại định cư tại Dhōng Kia, giáp ranh phía Tây palei Katuh hiện tại.
Người palei Hamu Crōk có Kut tại đây, chứng tỏ ở đó có cả làng Cham Ahiêr. Trước 1975, một dòng họ palei Hamu Crōk còn đến cúng kiếng, sau đó Kut này bị bỏ hoang hẳn.
Một nhóm khác di dời lên định cư tại palei Katuh [khu vực sân bóng đá hiện nay].
Người Cham Awal đến đâu lập Thāng Mưgīk tại đó. Thāng Mưgīk kiên cố đầu tiên dân làng còn nhớ là được dựng vào năm 1926, ở palei Katuh cũ.

PALEI CWAH PATIH
Ở Pabah Crōk gần đồng Jam Thir, giữa palei Katuh và Cwah Patih, dân làng đào giếng hay sau 1975 đào Sông Lu bắt gặp vỏ sò, hến, dây thừng, mỏ neo… chứng tỏ bờ biển khi xưa nằm sát làng Cwah Patih. Dù hiện nay khoảng cách từ Jam Thir đến bờ biển cách khoảng 5km.
Cwah Patih thành lập vào thập niên 1850. Trước tiên, có bốn chị em từ vùng Phú Tho – Phan Rang kéo xuống miệt Nam lập ấp. Thấy vùng đất Ia njak ia njar nước chảy quanh năm rất thuận cho việc cày cấy, họ đặt cơ ngơi tại đó.
Khi ấy, làng vẫn còn rất hoang sơ, kế rằng có cả gỗ kuh, gỗ njei lớn đến một người ôm, cọp beo còn đầy, đêm nghe tiếng chúng đùa giỡn nghe ớn lạnh. Không lạ, nên sau đó không lâu một trong bốn chị em bị làm mồi cho loài thú dữ.
Bốn chị em đào Giếng Tre [hai giếng, một đực một cái – hiện giếng Vuông vẫn còn được dùng tưới ruộng] để tưới cho cánh đồng đến 30 mẫu ruộng. Có thể nói tất cả đất đai palei Cwah Patih đều do dòng họ này quản.
Cham đến đâu không thể bỏ chuyện cúng tế thần. Nhìn trước nhìn sau không có ai nhờ cậy, chị cả phải tự phong làm Pajau phụ trách tế lễ. Đây là dòng họ lớn nhất ở palei Cwah Patih từ trước đến nay.

PALEI PALAO & PALEI HAMU CRŌK
Tên thường gọi là làng Cù Lao, tức Hiếu Thiện. Trước đó cư dân sống ở ngoài đảo (đảo = palao), Nhà Nguyễn cho dời vào đất liền lập làng ở khu vực Cà Ná, đến thời Pháp làm đường rày xe lửa tất cả mới dời vào palei Palao Klak (làng cũ) cách Ram Ga khoảng 2km về hướng nam, hiện vẫn còn Kut tại đó.
Trường ca Xe Lửa Ariya Ridêh Apui có nhắc đến sự kiện này.
Việt Minh nổi lên, dân làng từ đất cũ dời về palei hiện tại.

Xét về giọng nói, tuyến Chakleng-Bal Cōng-Hamu Tanran [và palei phụ cận] gần như phát âm cùng chất giọng, không lạ – bởi họ là cư dân Panrang vùng đồng bằng.
Trong khi đó, bà con Ram hơi khác. Khác do – như đại bộ phận Cham Bini khác – làng Ram cư trú ở miền duyên hải [Sơn Hải, Cà Ná] sau đó bị dồn lên trung du [Canah Tāng]. Chỉ từ năm 1834 bà con mới chuyển về miền đồng bằng khu vực trung tâm là Ram Ga. Sự “khác” này còn do người Ram là Cham Bà-ni nữa.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao Hamu Crōk ngay sát đó, và cũng là Cham Ahiêr, mà giọng quá khác? Nguyên do: người Hamu Crōk mới tới. Họ về Panrang cùng “đợt” với Katuh, sau đó chuyển lên palei cũ, để cuối rốt đến thời ông Dương Tấn Sở làm quận trưởng An Phước vào thập niên 1960, dân làng mới dời lên làng mới bây giờ.
[Chú ý thêm: Cạnh sông Nhật Lệ Quảng Bình cũng có làng tên Bàu Tró (người Việt ở Phan Rang gọi Hamu Crōk là làng Bàu Trúc, hay Ma Tró), và cũng làm gốm. Có lẽ người Hamu Crōk từ đó dời về thẳng Panrang chăng? Hay họ thiên di vào nam, tạm dừng đâu đó thời gian rồi mới về đây? Chi tiết này nêu ra chỉ để tham khảo].

TẠM KẾT
Như vậy, sau biến cố Thak Wa 1834, tam giác Ram Ga – Hamu Ram [tiền thân Hamu Tanran] – Chakleng chính là “Phun Darāng” [Phun: gốc; Darāng: viết tắt Pangdurangga, hay Prāng Darāng là chữ dùng trong Ariya Glang Anak), là “trung tâm” của Panrang, ngự ở 3 đỉnh tam giác cách tâm điểm là Bal Cōng (Phú Quý) trên dưới cây số. Chính khu vực này Minh Mạng đã dồn Cham lại, từ đó trấn áp và bao vây.
Ariya Glang Anak viết:
Ra cek Ulik dōk pakhik Phun Darāng/ Di graup tapiên ra pawāng:
Họ cất quân trấn giữ trung tâm Pangdurangga/ [trong khi] Khắp bến bờ họ bao vây…
Còn các làng khác khi ấy chỉ gồm vài chục gia đình, thậm chí chí là vài nhóm người thân cận chạy loạn họp lại. Nhớ là, khi Thiệu Trị lên ngôi năm 1840, và kêu Cham từ khắp vùng rừng núi trở về, dân số Cham Ninh Thuận chỉ vỏn vẹn 5.000 người!

______________

(*) Bài viết chỉ khoanh vùng Phun Darāng, và vì là bản tóm lược, nên tác giả xin miễn dẫn chứng nguồn tư liệu.

XIN CHÚ Ý
1. Các bạn lưu ý: Đây chỉ là bảng lược đồ “cực ngắn” như tôi nhấn mạnh [chỉ như là gợi ý]; nhấn mạnh thứ 2 là: khu vực Phun Darang: Ram Ga-Hamu Ram-Chakleng mà tâm điểm là Bal Cōng.
2. Thế nên các palei phụ cận khác không phải không quan trọng nhưng tôi chưa nhắc đến: Thôn, Pabhan, Padra… là vậy
3. Nhắc đến Palao, vì đây là làng tiêu biểu nhất cho cuộc chuyển di: 4 lần trong thời gian ngắn, và có thời điểm rõ ràng.
4. Nhắc đến Katuh, vì đây là điểm tập kết quan trọng, từ đó Cham phân nhánh chuyển qua vài palei khác; nhất là Katuh có liên quan đến Hamu Crōk.
5. Nhắc đến Cwah Patih, để nhấn mạnh ngàn năm trước cả vùng từ phía đông Chakleng tới Cwah Patih ngày nay là vùng biển cạn. Tôi không đề cập đến palei cũ là vậy, nếu nói bài sẽ rất dài, vì không thể không nói đến palei Banưn… Nếu nói kĩ về palei Cwah Patih, thì sẽ phải nói về các palei phụ cận nữa. Và Stt này thành một bài nghiên cứu rồi!
Các bạn chú ý 5 điểm trên, khi bình luận.

+ Các tài liệu là do tôi phỏng vấn trực tiếp người có uy tín và có tuổi trong palei. Ví dụ Cwah Patih: giáo Bưởi, anh Mạnh, anh Ve… chứ không phải tôi nghĩ ra. Có thể kí ức họ có hao mòn chút ít, nhưng phần cốt lõi là chính xác. Mong các bạn giúp bổ sung, cải chính là vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *