MẸ TÔI

01-Amaik2004-2
Lihik
Cuối tuần này là về quê rồi. Họ Kut Gađāk đã qua hơn 20 năm chưa làm lễ Nhập Kut. Hoãn, rồi hoãn. Bà con kêu thằng Klu về xem thử đi. Gì Sara còn làm được, sá chi chuyện cỏn con này. Ngó vậy mà không phải vậy. Chuyện ngoài thì cứ thẳng băng, lí và tình, hoặc thuần lí. Còn ở đây tình là chính. Pak pei vei na – như Cham nói.
Thì về.
01-Amaik-2004
Mẹ mất đúng mồng 2 Cham lịch mùa Katê 27-10-2007, buổi sáng, 10:30 giờ. Non năm sau là đám tang: 19-10-2008. Chín năm rồi còn gì. Thêm anh Đạm vào năm ngoái nữa. Vào Kut để vĩnh viễn “về nhà”, là vừa.
Tôi đã có 3 bài thơ về cha, anh Đạm cũng được 2 bài, riêng mẹ thì chưa. Lạ thế chứ. Có lẽ mẹ nhiều chuyện, cần đến văn xuôi. Tôi cần có văn xuôi về mẹ, chuyện kể những bài học tôi học được từ và qua mẹ. Tôi học ở mẹ nhiều hơn bất kì ai trên đời, nhiều nhất là về chữ nghĩa, mới lạ.
Mà mẹ lắm chuyện thiệt. Cha mất đúng 82 tuổi; đi, sạch sẽ và nhẹ nhàng. Anh Đạm do cái ung thư, nên lâu hơn; dẫu sao khi biết không thể qua khỏi, anh cũng muốn “về”; và đã về – nhẹ nhàng. Còn mẹ, khó khăn hơn nhiêu, bởi mẹ dứt khoát không chịu về.
Buổi chiều, tiệc đưa tiễn chồng cháu ruột lại là cháu đầu lòng đi lao động Malaysia, tối về ngủ, xúc động làm mẹ đột quỵ. Ba ngày nằm viện bị trả về, mẹ nằm liệt giường và đã phải chống chọi với cái chết suốt 47 ngày. Giờ chót mẹ cứ đòi uống thuốc, cố đưa tay ra, ý nói phải cho mẹ cả vốc thuốc để mẹ còn ở lại lo cho con cháu. Mẹ vẫn còn rất ham sống.
Cuối cùng mẹ cũng đi.
Năm nay, tính sao cho mẹ được về nhà, với bà, và nhất là với ông mà mẹ luôn nhắc mỗi khi có chuyện.
Ong Paxeh ông nội có tiếng thông minh, dòng Bà-la-môn, buổi chiều đi thăm bạn ở Văn Lâm về rồi còn đốt rạ ở đám ruộng Hamu Jawil, tối bị tố cáo liên lạc cho Tây. Lúc đó ông đang rất yếu, hai người “tòng phạm” cùng làng khiêng đi. Ông Kiểm đương chức thì không nói rồi, ngay ông Phok Jiơng chồng bà Tiếu bị Tây buộc đi nhổ cờ Việt Minh hôm trước, cùng chung số phận.
Đó là tối thứ Ba, tháng Mười một Cham lịch năm con Chó, mẹ nhớ như in. Dân làng chạy theo xin tha bị vài phát súng bắn chỉ thiên đuổi về. Không thoát rồi, bà con chỉ còn nước kêu trời độ trì. Gà gáy sáng, dân làng phân nhau đi tìm, lục khắp các miếng đất hồ nghi. Mãi xế chiều ngày thứ Năm, khi nấm đất mồ chôn chung ba người nở và rạn ra, bà con mới kêu nhau bới đất khiêng ba thi hài về đầu làng làm lễ.
Sinh phận Cham muôn đời sống giữa hai lằn đạn. Theo Minh Mạng thì Lê Văn Khôi bắt bớ tra khảo; ngược lại, bị Minh Mạng coi mạng như nhái. Thế kỉ sau, chương trình lặp lại. Như anh ruột ông Bá Chương bị tố, chết oan đời bởi viên đạn Tây.
Mẹ bảo đến bây giờ vẫn còn nghe tiếng ông kêu oan. “Giá mà cha tao còn sống tao đâu khổ thế này” – đụng chuyện oan, mẹ hay kêu thế.

02. Krah
[Krah = sáng, lanh; Krah hadah = thông minh. Các chữ có cấu trúc tương cận dễ nhầm lẫn, có: Kiah: vừa đầy; Klah: thoát, sẩy; Karah = nhẫn].

Mẹ thông minh. Mẹ hay khoe thời Ngô Đình Diệm mở lớp bình dân học vụ, mẹ học sáng nhất lớp. Học đâu thuộc đó, về nhà còn mang bài hát ra đoán chữ để học trước nữa.
Tôi nhiễm gien thông minh từ mẹ, chắc thế.
Tôi nhớ đọc đâu đó lâu rồi, có người cho tôi nói dốc, rằng chưa qua lớp Một đã dám kêu thuộc nguyên trường ca Ariya Glang Anak! Ẹ thế chứ, cứ lấy thước thợ mộc mình đi đo trí thông minh của người.
Tôi đã thuộc nó từ năm 4-5 tuổi, khi ông ngoại [cha của cha] dạy tôi học chữ Cham hồi gia đình tạm trú Palau, khi còn chưa biết chữ quốc ngữ. Về Chakleng, lúc ấy anh Đạm đang lớp Tư, bài anh học vào đầu hôm, nghe qua hai lần là tôi thuộc; để khi gà gáy sáng anh thức dậy lấy vở ra ôn, kẹt đâu tôi nhắc đó. Bị đòn mãi chả chừa. Mà anh Đạm đâu phải không sáng trí!

Mẹ thông minh và hay chữ. Chẳng biết mẹ học đâu mà lắm chữ thế. Bát ngát câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao cả Cham lẫn Việt. Chuyện thường ngày, chúng cứ tuôn ra tự nhiên vậy thôi. Mẹ dùng chúng để răn chúng tôi, và cả chửi nhau với hàng xóm.
Làm cuốn Văn hoc Dân gian Cham, tôi sưu tầm chủ yếu là từ… mẹ.
Lắm khi có những câu rất tục. Dạy con cái mà thế chứ, hôm nay nhớ lại tôi cứ bấm bụng cười. Trong khi con cháu bà không ai biết nói tục, mẹ thì ngược lại.
Ví dụ bà hàng xóm kia mượn của mẹ “quên trả”, mấy bận mẹ đòi vẫn cứ… quên. Mẹ kêu: Sang năm hử, có qua tao “lạy liếm lồn” [kakuh liah ting] ở đó mà mong.

Cha lớn hơn mẹ đúng 10 tuổi. Sống một tháng với đời vợ trước, gẫy gánh, cha ở vậy. Mẹ cũng đã có đời chồng, có hai đứa yểu cả.
Cha mẹ gặp nhau, sinh hai đứa đầu yểu. Bà con bày xin chị cả về nuôi – phải thật xấu mới thọ -, từ đó anh em tôi mới trụ trên trần đời. Chị vừa xấu gái vừa thiểu năng trí tuệ nên học không vô, nhưng được cái lòng biết yêu thương đùm bọc lũ chúng tôi. Vậy đó, anh em tôi đã “sống theo” chị. Chị, rồi anh Đạm, rồi tôi, tới em gái sau đó là hai em trai. Sau em trai áp út, tôi còn có bé gái nữa. Trắng trẻo và xinh lắm – mẹ nói thế. Được ba ngày tuổi thì bé đi. Lúc đó vào khoảng 8 giờ sáng, mẹ bảo anh Đạm chạy kêu cha đang cày dưới đồng Gam Dei. Tôi như kẻ ngoài cuộc. Dường như người lớn muốn giấu tôi chuyện gì đó. Bé chưa là thành viên trong gia đình nên họ không muốn cho trẻ con biết nhiều về nó. Chú Chương em rể mẹ làm vài nghi thức khá bí mật ở phòng trong. Non nửa giờ sau cha mới về tới. Rồi cha đi trước, chú Chương ôm một bọc nhỏ theo sau, cuối rốt là anh Đạm cắp mủng đựng chai rượu, trứng. Vội vã. Bé được chôn ở Prōk Kamār. Lên rẫy, đi ngang mấy lần, dù muốn hỏi anh xem đâu là nấm mồ của bé, nhưng tôi cứ ngại. Từ đó, tôi mất hẳn dấu vết về em gái út của mình.

Mẹ sinh chẵn chục mười hai, cúng cho trời đất đến hơn phân nửa, chừa lại năm anh em tôi! Tôi ở giữa, được ưu tiên chuyện học hành, trong lúc anh Đạm dù khá thông minh nhưng vì mắc chăn trâu phải học năm đực năm cái, do đó đến năm lớp Nhất, hai anh em tôi ngồi chung lớp. Anh chị em tôi đều được học hành bằng chị bằng em. Đó là niềm hãnh diện đồng thời là nguyên do bao nỗi cơ cực của cha mẹ, vốn nông dân vô sản toàn phần. Cha đi, sau khi đã nhìn thấy đứa con cuối cùng có đôi có bạn. Còn mẹ, có tới hơn chục đứa chắt. Với Cham, thế là đủ an tâm vĩnh viễn “về nhà”.
Mẹ mất ở tuổi 82, cha đi về cũng khoảng ấy. Cũng vừa. Anh chị em tôi may mắn nhận được cái phước đó.

03. Pôic
[Chú thích ngôn từ: Pôic = nói + trung tố N = Panôic (lời); Pôic = “chửi” là nghĩa phát sinh; nguyên nghĩa Chửi = Mưthau [gaup]. Cham Đông “Nói” = Đôm; Cham Tây = Mưyai. Đôm + Pôic thành từ ghép Đôm pôic = Nói năng].

Gia đình nội tôi có 5 chị em toàn nữ: Chiều, Mơi, Sớm, Xế, Bề, thêm chú Út Bững lúc ấy ông đã mất, bà nội xin chú về làm con nuôi, cưng hết cỡ.
Ba bà dì của tôi thì lành, và có thể nói – không gì đặc sắc; riêng bà Chiều với bà Mơi đúng là thứ dữ. Tôi chưa hề thấy hai cặp đôi này chịu thua ai. Cả hai là nhà tổ chức chính hiệu: Dì Mơi thiên về sức mạnh, bà Chiều nghiêng về ngôn ngữ. Họ quán xuyến việc nhà đâu vào đấy. Nghèo, nhưng tuyệt không thiếu ăn. Nhà quê ngày ba bữa, hai món đủ đầy, và nhất là giáp hạt thóc vẫn còn thừa trong lẫm.
Mẹ còn quán xuyến cả việc họ hàng. Mẹ mất, dì Xế khóc: “Ai choa” đi rồi, có ai lo chọ Họ mình nữa đây. Không mợ thì chợ cũng đông, dẫu sao có bà Chiều thì vụ việc giải quyết nhanh gọn, êm thắm hơn.
Phần nào đó, mẹ còn lo chuyện làng xóm nữa, dĩ nhiên lo theo cách người nữ trong xã hội mẫu hệ Cham. Vụ việc gia đình liên quan đến cộng đồng, là mẹ – chứ không phải cha – đứng ra đảm trách.
Tôi nghĩ giá mẹ là đàn ông, có khi mẹ còn kế nghiệp Ông Klơng Thân thủ vai chủ Họ Anak nữa không chừng. Hai chú cháu hạp nhau phải biết!

Khi bảo, tôi chưa hề thấy hai cặp đôi này chịu thua ai bao giờ, là không tí ti sai. Từ vụ lớn đến chuyện nhỏ, như nhá cá chẳng hạn. Đến mùa sông cạn nước, săn nhá cá ở các lũng sâu, bà Chiều đầu này bà Mơi đầu kia – chiến, các bà các chị khác chỉ đóng vai phụ. Những bận ấy, tôi dù là tay sát ngư có hạng cũng phải làm tay sai của mẹ, mẹ chỉ đâu đánh đó.
Nói vậy, chứ không phải mẹ không biết trên dưới. Vụ này, mẹ rành sáu câu vọng cổ; lắm khi mẹ tình cảm đến ủy mị. Và tôi chưa hề thấy mẹ cư xử ác với ai bao giờ, giúp người thì miễn nói.
Không chịu thua ai, mà chỉ thua có mỗi một, lại là em ruột mình: dì Mơi.
Gia đình tôi và dì Mơi chung khuôn viên nhà, lâu lâu chị em nổ ra cuộc chiến. Mỗi khi cặp hổ này đụng trận – thường vào đầu hôm – cả hai đức ông chồng cũng run mà đóng khẩu, nói chi mấy đứa con. Anh chị em tôi với anh chị em bên dì Mơi nằm im thin thít mà chịu trận.
Chịu trận, cho đến khi bà Chiều chịu thua.

Chửi nhau, mẹ hiếm khi [công nhận] thua ai; ở đó mẹ là dân chiến đúng nghĩa.
Sơ kết mấy vụ, chả thấy nguyên do nào khác, ngoài mượn thóc mẹ ăn qua mùa đói, đến vụ mùa không chịu trả, hay trả lấy lệ. Mẹ nhảnh, thế là kéo nhau ra ngoài… diễn. “Diễn ngôn”, chứ không phải đụng tay chân.
– Quân tử dụng ngôn, tiểu nhân động thủ – mẹ hay kêu thế.
Qua cuộc diễn này, thành ngữ, tục ngữ, ca dao đâu tuôn tới. Như thể đó là dịp tốt cho mẹ thi thố tài năng ngôn ngữ của mình vậy. Bên kia nói càn bao nhiêu, mẹ nói chữ nghĩa bấy nhiêu [và tôi… sưu tầm] .
Giữa trận, trong khi đối phương kéo cả lô người ngợm tới góp sức; thì bên này, anh chị em tôi không ai ra tiếp cứu mẹ cả. Mẹ chả ngán! Sau cuộc, mẹ chỉ biết than: Con cái người ta ăn thứ gì mà chúng biết hùa nhau, còn nhà này hử, có đứa nào biết bênh mẹ nó đâu, may ra tao có được mỗi con Hám.
Anh chị em tôi là vậy, và cứ vậy: yêu thương đùm bọc nhau thì có, chứ bảo bênh nhau mấy chuyện bá vơ dứt khoát không. Cả đến hôm nay. Cha thì miễn rồi, đi ruộng về, thấy mẹ hăng quá, là “mấy đứa kêu mẹ về ăn cơm đi”.

Khía cạnh này tôi vừa mang tính cha, vừa “đạp cứt” mẹ. Hệt cha, ngoài đời ai nói sao, nói tệ thế nào về mình mình cũng ừ, và vui vẻ cho qua nhẹ nhõm; ngược lại – với chữ nghĩa, tôi y chang mẹ: chơi tới bến.
Chuyện vui hiện nay.
Mỗi bận CPK công phá tôi [nghe nói, khá thường xuyên], để lâu lâu tôi đọc phải và nổi hứng “đính chính” chút chút, là “con cháu” nhà nó với lâu la nhảy xổ ra liền. Lạ thế. Trong khi con cháu tôi, bè bạn tôi cả đống, viết lách ngon lành, có ai đưa câu chữ nào ra bênh ông Inrasara đâu! Họ không làm, và tôi cũng không khuyến khích họ làm.
Như mẹ, tôi có thừa chữ nghĩa, để độc chiến – nếu cần.

04. Ka-ing
[Ka-ing & Yoga.
Chuyện chữ: Ka-ing = lưng; Ông Ka-ing: ông thầy múa trong lễ Rija Nưgar; Mư-in: chơi; Yang In: tên một dòng họ nổi tiếng liêm khiết, và có lời nguyền độc].

Mẹ không học Yoga và chẳng hiểu nó là gì, song mẹ là người rất biết cái lưng của mình, bên cạnh dạy con cái giữ lấy cái lưng.
Tuổi bát thập, lưng mẹ vẫn rất thẳng, trong khi các bà thuộc thế hệ mẹ, có người kém mẹ cả giáp đã bắt đầu dáng ghōm. Mẹ đi thẳng, và bước rất nhanh. Cha cũng thế; mỗi bận đi rừng, cha luôn dẫn đầu, tôi với anh Đạm đã phải chạy theo cho kịp. Riết rồi thành quen, dạo phố tôi vẫn cứ thoăn thoắt, không chừa được.
Cha mẹ cao ráo, khoảng mét bảy. Tôi mét sáu nhăm, còi nhất nhà: có lí do chánh đáng của nó. Cha khỏe, và siêng. Một năm trước khi mất, mỗi chiều cha còn xách cuốc ra ruộng. Chỉ một lần vấp bờ, anh chị em tôi nói quá, cha mới chịu ngồi nhà quanh quẩn với mấy cháu.
Mẹ ưa ốm vặt, dù chưa bao giờ nằm giường hết ngày. Bệnh tới đâu, có việc [mà mẹ luôn khối việc] là dậy, làm. Than đau lưng cách mấy, lưng mẹ cứ giữ nó rất thẳng. Mẹ dạy chị Hám, mấy bận chị ngồi dệt dáng õng ẹo. Tao nói không nghe, mi già mi mới biết. Mà chưa già, chị đã biết thiệt. Vài năm qua cái lưng đã hành chị.

Tôi không ngạc nhiên, thuở anh em từ quê vào Đại học biên soạn Từ điển, cứ qua tiếng đồng hồ là ra ngoài cà phê hay vào phòng trong tranh thủ ngả lưng xíu. Tôi: 10-12 tiếng đồng hồ/ ngày, suốt 25 năm. Nhờ biết vâng lời… mẹ.
Thể dục ngày 15-20 phút, Yoga mươi phút nữa, là Ông Ghōm lưng miễn ghé thăm.

Mẹ và cha, hai dòng sông đau khổ đổ vào bể khổ của cuộc đời. Mẹ và cha cơ khổ mọi bề. Cả từ phía con cái. Nên khi đã phần nào hiểu được nỗi đời, tôi tìm cách làm vợi bớt nỗi khổ kia và rán tránh làm phiền lòng cha mẹ. Bởi, thời thanh niên, dù không cố ý, thứ tính khí đột hứng của tôi đã gây cho song thân bao buồn rầu. Đang làm việc ngon lành, nổi máu phiêu giạt là tôi bỏ làng, đi. Chẳng một lời thưa với cha mẹ là đi đâu.
Đi và đi và đi…
Biệt như mây thuở chưa kì hẹn sông
Có khi cả tháng trời mới lò mò về. Nhất là từ tuổi hai mươi.
Năm 1978 tôi xuống tóc, vào chùa tại Nha Trang. Ba tháng sau, tôi bỏ chùa lang thang biển Ninh Chữ ở nhờ nhà người quen với nổi hứng học đòi làm đồ đệ Krishnamurti. Thế là mỗi mươi ngày mẹ đội gạo lứt muối mè xuống “thăm nuôi” tôi. Trong lúc tôi mơ màng suy tư về Tính thể và Thời gian hay làm thơ đuổi còng. Tôi còn mang ý định lên núi Chà Bang sống đời tu hành nữa. Hãy tưởng tượng, đó là vào năm cuối thập niên 70, nạn rầy nâu làm cho cả khu vực đồng lúa miền Trung mấy vụ mất trắng.
Tôi nhớ lần đầu tiên mẹ mở to nhìn như ma nhập vào cái đầu cạo trụi lụi của tôi! Tôi không bao giờ quên ánh mắt đó: Cham có ai cạo đầu như thế đâu, trừ phi hắn mắc chứng tróc vảy da đầu hay bị… khùng. Hiểu lòng mẹ cha, từ tuổi ba mươi, tôi không một lần hành xử dại dột như thế nữa.

Cham nói: Thulu inư ranam, ngak bruk taklam inư limūk: Gần gũi thân mật mẹ thương, chứ lúi húi làm cả ngày [mà thiếu gần gũi] mẹ ghét. Đó là lối nói to, nhưng không sai.
Xưa mỗi bận đi hoang về, hay từ thuở vào làm dân Sài Gòn, tôi hay gần gũi mẹ, đến ngồi cạnh mẹ, không làm gì cả – chỉ để mẹ được than thở. Mươi, mười lăm phút thôi – cũng đủ.
01-Amaik2004-02
05. Tôi học từ mẹ những gì?

Chiều nay có cháu còm trách [yêu] tôi sao lại viết về mẹ, khiến hắn nhớ nhà! Tôi nói, chú Sara là nhà văn. Nhà văn là kẻ lữu giữ kí ức dân tộc, trong đó có kí ức làng, kí ức dòng họ, gia đình.
Lưu giữ và kể. Sắp về quê, để đỡ nhớ nhà, và tôi kể cho tôi. Ở đó nếu người thân, hay bạn đọc thấy có cái gì đáng học, thì tự rút ra cho mình. Còn tôi, kể cho tôi thôi.
Tôi học ở mẹ những gì?
Trước hết, mẹ tháo vát chuyện nhà, không cho lũ chúng tôi đói, con lẫn cháu. Mẹ tự biết lo cho bản thân, ít phiền con cháu. Mẹ từ nông dân vô sản toàn phần, khi mất – dù không hơn ai, nhưng vẫn còn của ăn của để cho con.
Mẹ biết giúp người, lúc nào cũng sẵn sàng và tự nguyện. Biết, và làm được.
Trong họ hàng, mẹ biết hi sinh; mẹ nói cho công bằng là chính, nhưng tuyệt không khuynh hướng bạo lực. Mẹ dụng ngôn, và dụng rất oách.
Mẹ dạy chúng tôi biết yêu thương nhau, không lớn tiếng với nhau, không giận hờn nhau; và chúng tôi làm được.
Mẹ dạy tôi biết giữ cái lưng, để dụng lưng mà làm việc.
Cuối cùng, tôi sưu tầm từ bụng [và môi miệng] mẹ cả đống vốn văn học dân gian dân tộc, để bổ sung cho tư liệu của mình để viết bộ Văn học Cham.
Thế thôi, cũng đáng quý rồi.
Xin kết ở đây, để còn sang câu chuyện khác.
Karun anh chị em, con cháu, và quý bạn thương và góp like, love ủng hộ.
Thu-ôn thong nit amek!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *