Giải ảo 11. ẢO TƯỞNG ‘MUÔN NĂM’

Một ý trong bút kí của tôi năm xưa ít nhiều làm khốn đốn anh chị em ở tạp chí Cần Thơ. Nguyên văn như vầy:
“Trong một lần đối chất với sĩ quan Cộng hòa – bằng nụ cười rất hóm, cụ kể cụ đã trả lời: không theo quốc gia, không theo Mỹ, cũng chẳng theo Việt cộng. Bổn phận của tôi là bảo vệ đạo pháp và đồng bào. Còn mấy ông nói chế độ các ông muôn năm thì nó không thể muôn năm được. Hãy xem ngay Đinh, Lê, Lý, Trần vĩ đại là thế mà có bao giờ muôn năm đâu!”
Đó là năm 2002, ở trại sáng tác Cần Thơ. Phát biểu của sư trụ trì từng công lớn và trực tiếp với các vị lãnh đạo tỉnh. Ông nói theo tinh thần vô thường của nhà Phật; nói về lính Cộng hòa; tôi cứ vậy mà ghi lại. Anh chị em tưởng chả có gì, đăng, sau đó nó bị liệt vào văn chương ám chỉ! – “Nói vậy chứ chế độ ta cũng không muôn năm à?”.
Năm 2007, ở chuyến đi thực tế Cà Mau, tôi mới được kể lại tai nạn này.

Ảo tưởng bất tử, muôn năm, vĩnh cửu luôn ám con người.
Ướp xác, Kim Tự tháp, lăng mộ thì ai cũng rõ. Thế giới viết lách, không ít triết gia, nhà văn [vĩ đại] cũng đã mang trong mình thứ virus ảo tưởng đó.
Viết mà để cho thời gian gặm nhắm tác phẩm của mình, tôi không đủ khiêm tốn để làm việc ấy – Một văn nhân tôi rất nể trọng đã phát câu đó, mới kì.
Đời, mênh mông tác phẩm vừa ra khỏi nhà in đã chuyển sang nhà máy nghiền bột giấy; khối tác phẩm chết ngay khi người đẻ ra chúng chết; cả tác phẩm được mang dạy trong nhà trường cũng đâu phải dính được trong bụng học trò sau đó.
Lịch sử nhân loại chứng kiến bao nhiều nền văn minh, vương quốc vĩ đại, dân tộc hùng cường [từng “muôn năm”] tiêu tán đường vô tăm tích. Huống hồ…

Biết thế, mà ta vẫn nhập cuộc chịu chơi.
Biết tình yêu là sang ngang [đổ lễ/ đổ lệ], ta vẫn say đắm. Biết cánh đồng chữ nghĩa rồi cũng vô thường, ta vẫn nỗ lực hết mình. Thế mới thành chuyện, nên đời…
Chính là “hành động trong chân trời khả thể”.
Tôi là Cham sinh ra tại Chakleng trong đất nước Việt Nam cư lưu giữa hai thế kỉ XX và thế kỉ XXI. Tôi nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Cham, sáng tác thơ tiếng Việt và tiếng Cham, phê bình trong nỗ lực khai mở vùng đất cho nhiều trào lưu thơ ca cùng tồn tại và phát triển. Dù biết chắc chắn nó sẽ tiêu tán đường vào một ngày nào đó trong dằng dặc thời gian, tôi vẫn cứ hết mình. Và vui thú với ý nghĩa của vô nghĩa kia.

Ngoảnh lại, tôi hỏi: chúng có phải là công trình của tôi không, hay đó chỉ là thứ tiền văn bản trùng trùng duyên khởi sẵn sàng tạo tác nên các văn bản khác, như thể tuồng ảo hóa vô tận của kiếp chữ và kiếp người?
Tôi làm gì? Tôi là gì? Tôi biết gì? Tôi không biết gì cả! Tôi không là gì cả! Tôi cũng không thể làm gì cả! Nhưng dẫu sao đi nữa, tôi vẫn phải hành động trong chân trời khả thể của định mệnh vô nghĩa mình xẹt qua lâu dài thời gian.
Hành động và yêu thương như là một cư lưu đầy thơ mộng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *