Giải ảo 9-10.

Giải ảo 9. TÀI NĂNG & MÔI TRƯỜNG

Tài năng đó chỉ có thể xuất hiện, phát tiết và phát triển trong môi trường đó – không thể khác.
Xã hội Cham chắc chắn không thể nảy nòi thần đồng âm nhạc kiểu Mozart; tài năng toán học cỡ Ngô Bảo Châu không thể phát triển trong đất nước như Việt Nam; ngay tầm triết học đã phát tiết cỡ Trần Đức Thảo, về Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã phải chết không kịp ngáp.

Trở lại chuyện văn chương.
Truyền thống gia đình Việt Nam, tôn ti trên dưới, nề nếp gia phong luôn được đặt lên hàng đầu trói buộc tiềm năng sáng tạo đột phá, khác lạ lớn của cá thể.
Nhà trường ta cũng chẳng hơn. Tinh thần “Tử viết” tồn tại suốt ngàn năm, sang thế kỉ XX nhà trường xã hội chủ nghĩa cứ món Theo-ism mà dạy. Cơ chế đó, sinh viên làm ngược, làm khác ý thầy, là về quê nắm đuôi cày.
Còn xã hội ngoài kia? Cộng đồng với văn hóa làng xã luôn dị ứng với cái mới, cái khác mình, sẵn sàng tư thế miệt thị, áp chế tư tưởng vượt qua tầm hiểu của mình, thì lấy gì mà cá tính sáng tạo vùng vẫy?
Đó là chưa nói đến chế độ mà cánh cửa tự do tư tưởng, tự do ngôn luận cứ mà mở he hé.
Nhìn nhận nhà văn Việt Nam hôm nay “sống và viết hoàn toàn tự do” – dù phát ngôn xuất phát từ kẻ sáng tác hay người làm phê bình, nếu không phải là hoang tưởng ngu ngốc thì chắc chắn là thứ tự dối lừa.
Một nền văn học tự do phải là nền văn học trong đó mọi người học tự do, viết tự do, in ấn và phát hành tự do, tiếp nhận tự do, phê bình và thảo luận tự do. Văn học Việt Nam đã nhận được đủ đầy nỗi ấy chưa? – Hoàn toàn chưa.
Chưa, thì làm gì có sáng tạo lớn! Hội Nhà văn Việt Nam mở bao nhiêu là hội thảo gồng mình “làm thế nào để có tác phẩm lớn”, trong khi chính nó đang níu chân nhà văn tài năng ở lại với vùng trũng!

Giải ảo 10. ẢO TƯỞNG GIẢI THƯỞNG (chuyện văn nghệ)

Bản thảo dày lên dưới tay tạo ảo tưởng về sự vĩ đại. Tác phẩm ra đời được báo chí ca tụng, nhà phê bình tâng bốc khiến ta ảo tưởng về sự độc sáng. Giải thưởng giật được tạo ảo tưởng về tài năng ta hơn người.
Bỏ ra ngoài các giải mang ý hướng chính trị hay tiêu cực, giải thưởng lớn bé các loài chỉ là một đánh giá của hội đồng giải thưởng thuộc tổ chức nào đó ở một giai đoạn nào đó, chứ không là tất cả, và muôn đời. Ảo tưởng về nó, là chưa “người lớn”.

Cái thân tứ đại tôi chả hạn, khi thấy tôi giật khối giải [có vị còn nói to: 50 năm nữa, chắc chi Cham lòi ra 1 cây bút được như thế, gom giải từ sáng tác, nghiên cứu cho tới phê bình], không ít kẻ nghĩ hẳn tôi ưỡn ngực với ảo tưởng ghê lắm. Có vậy đâu!
Được giải: Vui, cảm ơn, rồi thôi. Tôi có nói đâu đó rồi, giải thưởng chỉ như thứ pit-tông đấy nhanh tác phẩm về phía độc giả hơn, ngoài ra không là gì khác. Thử kê vài món:
1. Về sáng tác. 2 giải Hội Nhà văn VN và 1 giải Văn học ĐNÁ, tôi khoái cái lần 2 cho Lễ Tẩy trần tháng Tư hơn; còn ĐNÁ chỉ là hậu tố của giải Hội Nhà văn.
2. Về nghiên cứu. Giải Phan Châu Trinh là thích nhất, do tôi biết rõ sự công tâm và nghiêm túc của nó; còn giải CHCPI của Sorbonne dù có yếu tố ngoại nhưng mình chả hiểu nó ra sao, nên không dám nở mũi.
3. Về phê bình. Trong 4 giải, giải Vanviet là khá oách. 19 bài phê bình mang tính phát hiện với lối viết khác trần đời [giá bệnh anh Đạm không trở nặng, tôi làm một hơi xong 40 bài thì ngon hơn nữa].
Ngoài ra có vài giải dù nhí, tôi vẫn thích.

Giải thưởng tạo ảo tưởng, nên ở đó VN ta vận dụng văn hóa chạy cũng ghê. 15 năm trụ chưn Hội đồng, tai tôi nghe bát ngát. “Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ” – nghe lời bác Tú, kể chuyện mình thôi.
20 cái giải, tác phẩm tôi in trước đó, người ta thấy được, xét và cho, chứ tôi không nộp bản, với lại họ cũng chả hỏi ý kiến tôi nữa. Có mỗi bận, Hội đồng nọ trước khi trao, có phone hỏi, tôi dạ, và họ quyết.
Vụ này mới buồn cười. Giữa trưa nắng HNV phone nhắn tôi nộp tập tiểu luận Song Thoại Với Cái Mới để Hội nhà xét giải, tôi phone qua NXB ở Hà Nội. Họ nghĩ tầm Sara chắc phải được, vội mang ngay 5 cuốn sang, thế rồi hắn chỉ được có mỗi phiếu của ông TĐS, và rơi đài!

Giải thưởng Nhà nước càng ngộ nữa. Dạ Ngân có viết đâu đó 10 năm trước ở báo TW, rằng: “Nguyễn Huy Thiệp đổi mới truyện ngắn, Nguyễn Quang Thiều đổi mới thơ thành công, và Inrasara ngôi sao lấp lánh [trên văn đàn] không chỉ vì là người dân tộc thiểu số, vắng mặt họ là sự thiếu hụt của giải.
Khối người nhắn tin chúc mừng, hệt họ chúc tôi vào [hụt] BCH vậy*.
Làm như tôi đang ngóng nó dữ lắm.
Phần minh, khi ấy Hội Nhà văn phát hồ sơ, và tôi có làm [chứ không phải không, hay bộ tịch kiểu “do anh Thỉnh nói quá mình mới làm”]. Làm, rồi quên đi, chả chú ý nữa.
Không biết hai vị kia thế nào, phần tôi thì hết đường rồi. Bữa Vanviet trao cho tôi cái giải, 2 trên phone nhắc “không nên” ra mòi khá căng, tôi do ham vui, cứ nhận – thì chớ ngồi đó mà kêu!

Ậy, tự ngó mình vậy, có thể sai. Tác giả nhận định về tác phẩm mình cũng có thể sai lắm chứ, thế mới ra… ảo tưởng.

__________

(* Chú thích: Đại hội 2005, BCH có 6 vị, nghĩa là số chẳn. Nghe nói họ quyết bầu bổ sung. Cũng nghe đồn, Lê Chí [miền Nam] và Inrasara [DTTS] là sáng nước nhất. Rồi chả hiểu tin từ đâu, ông bạn văn đưa tôi lên Internet [lúc đó còn hiếm do ông quản lí] chúc mừng. Hai ngày sau, biết hụt, vội rút xuống. Nghe, tôi cứ bấm bụng nhịn cười: Các bạn văn cũng thương mình chớ bộ, đâu phải ai cũng ghét cái ông Inrasara).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *