Inrasara: KAI HOÀNG MÊ SẢNG TRONG NHỊP THỞ THỜI GIAN

Đọc tập thơ Gặp tôi ngày mê sảng của Kai Hoàng, NXB Hội Nhà văn, 2016
Kai Hoang 02
1. Giở bất kì trang nào ở bất kì bài thơ nào trong tập Gặp tôi ngày mê sảng, ta cũng có thể bắt gặp thi ảnh siêu thực. Nhiều, một vài, hay một, nhưng chưa bao giờ vắng mặt. Như thể Kai Hoàng tư duy thơ qua hình ảnh và ngôn từ khác lạ, liên tưởng lạ lẫm hòng lắp ghép những sự thể không dính dáng gì đến nhau về đứng kề cận hay xen kẽ nhau, để bật ra điều thơ muốn nói.
Từ “bàn tay nở ra màu xác nắng”, cho đến:
người đàn bà gối đầu lên kỉ niệm
ngực mưa chảy mềm

Hay:
em xé ngày dài thành những dòng sông
ngoài kia thị xã chợt nứt nẻ

Lạ cả ở lối so sánh:
đợt khói trắng tựa những con đường không hồi kết
Hoặc:
cánh buồm mỏng mảnh như thời gian
Từ lối tư duy thơ khác lạ qua sự liên tưởng lạ lẫm đó dẫn tới lối nói lạ biệt đầy ấn dụ tạo ấn tượng mạnh nơi người đọc. Có khi đó là chiếc lá: “như chiếc lá mót cạn đời diệp lục”; cũng có thể là cơn mưa, thứ:
cơn mưa đêm nhằng nhàu
rót vào giấc mơ không tuổi

Hay lối phác họa chân dung không giống ai của Kai Hoàng:
Tôi nhặt chân dung tháng Hai nằm nhon nhót
soi qua những dòng sông không ngủ lạc mất nguồn

Kai Hoang Cover
2. Bắt chước lối nói của Salvador Dali, sự dai dẳng của kí ức (“Persistance de la mémoire”) đã đẩy Kai Hoàng rơi vào mê hồn trận của hạnh phúc và đau khổ cùng lúc. Nơi “thung lũng kí ức”, người thơ “mò mẫm kí ức” và nhìn thấy “kí ức khỏa thân” cùng những “tàn tích hôm qua”, “quá khứ hoang ẩm” làm “xám cả vùng kí ức”; hắn cảm nhân “những kí ức dậy thì”, “mòn kí ức đau khan”, và thức nhận “nỗi buồn sập bẫy kí ức”. Không dừng lại ở đó, hắn “thấu thị kí ức”, “chạm kí ức bằng tiếng thở sâu” để cuối cùng “nốc cạn kí ức tinh khôi”.
Giữa nỗi mê sảng đó, người thơ tìm thấy niềm vui. Niềm vui trong mê sảng, cùng mê sảng, chứ không ảo tưởng một vượt qua mê sảng như thể kẻ tu hành với giấc mơ đáo bỉ ngạn của mình. Đây cũng không còn là thứ “thú đau thương” xưa cũ của Lưu Trọng Lư: vẫn còn lãng mạn quá đỗi! Mà là niềm vui của thời hậu hiện đại, thời con người đã đánh mất mảnh ngây thơ còn sót lại trong tâm hồn.

Sự dai dẳng của kí ức luôn bị thời gian đánh cho sập bẫy, dồi tung tâm thức con người giữa xoáy lốc mờ mịt của quá khứ và hiện tại.
Không là vô lí, khi ở “Persistance de la mémoire”, Salvador Dali cho những đồng hồ [biểu tượng của thời gian đo đếm] ngổn ngang: treo trên cành cây khô, nằm la liệt dưới đất trong hình thù lạ hoắc chưa xảy ra bao giờ trong nghệ thuật lẫn đời thực: chúng thõng mềm như muốn tan chảy ra.
Kai Hoàng ở Gặp tôi ngày mê sảng cũng bị ám ảnh bởi thời gian, thứ thời gian lạ lẫm không kém.
Những “thời gian kéo nhau về quanh tờ lịch”, “thời gian suy kiệt tóc xanh”, hay cả “dung nhan thời gian úa đỏ” cùng “vết chân chim thời gian” chỉ là thời gian bình thường như bao thời gian khác; có màu mè chút đỉnh nhưng không đặc sắc. Phải đến “thời gian cũng có lúc ướt nhòe”, “thời gian chảy về quanh cơn im lặng” hay “gọi tôi li thời gian tím” thì thời gian kia đã song hành cùng “đồng hồ” của Dali rồi!
Ở “trong giấc ngủ rời rạc nhịp thở thời gian”, nơi “xâm chiếm khái niệm thời gian hoại tử” để khi “thời gian đánh tiếng xập xình hư vô”, là thời gian buộc người thơ “vào sợi tóc cũ”. Sợi tóc của “những kỉ niệm xanh xao, kỉ niệm tứa máu trên gân tay” đầy tràn kí ức mê sảng:
em giương cánh cung kỉ niệm
vỡ tràn thời gian

Làm thế nào để vượt qua thời gian? Đoạn văn hay nhất của nhà văn độc đáo bậc nhất của thế giới thế kỉ XX: The Sound and the Fury của W. Faulkner:
“Này Quentin ạ, cha cho con đồng hồ này, cha cho con nấm mồ chôn hết tất cả hy vọng và tất cả ham muốn… con sẽ dùng đồng hồ này để qui hết tất cả kinh nghiệm loài người vào chỗ phi lý… tất cả nhu cầu của đời con sẽ không bao giờ được thỏa mãn, cũng như tất cả nhu cầu của những người chung quanh con, của cha con cũng thế. Cha cho con có cái đồng hồ này không phải để con nhớ đến thời giờ, mà để con có thể quên nó trong một khoảnh khắc để con đừng hì hục mệt nhọc cố gắng chinh phục nó. Bởi vì con ạ, người ta không bao giờ thắng trận. Người ta cũng chưa hề tuyên chiến nữa. Chiến trường chỉ là nơi khai mở cho con người thấy rõ tất cả sự điên rồ và tuyệt vọng của họ, và sự chiến thắng chỉ là ảo tưởng của những triết gia và những thằng khờ” (Phạm Công Thiện dịch).

3. Tư duy thơ với liên tưởng khác lạ cần đi cặp với hình thức lạ, giọng thơ mới tìm được thể cách thể hiện thích hợp. Ở Gặp tôi ngày mê sảng không phải Kai Hoàng đã không thử nghiệm: Từ thơ lục bát, thơ năm chữ và tám chữ, cho đến thơ xuôi; thơ tự do thì càng không thiếu. Nhưng lạ, gây ấn tượng manh và đậm của Gặp tôi ngày mê sảng lại nằm ở thể thơ “truyền thống” đầy chuẩn mực. Những vần lục bát đáng đọc:
Một hôm nói với cơn giông
nỗi buồn ám thị lên đồng mộng du

Một hôm đi giữa sương mù
bàn chân rẽ lối chu du cạn mùa

Một hôm hét giữa đêm mưa
những niềm tin cũ đã thừa đớn đau

Một hôm khát giấc ngủ nhàu
mới hay thành phố nhuộm màu rong rêu

Một hôm tìm lại cơn yêu
có người chới với những điều đắng cay

Và nhất là thể thơ tám chữ, Kai Hoàng rất nhuần nhị trong “kết hợp truyền thống và hiện đại” – như chúng ta thường dễ dãi nói thế. Truyền thống ở nhịp thơ mượt mà và hiện đại trong tư duy thơ với thi ảnh nhiều liên tưởng độc đáo. Là thành công đáng kể ở tập thơ đầu tay của thi sĩ này:
nghe mắt gió vỡ trên từng mái ngói
lũ sẻ nâu rụng đôi cánh trầm mình
tôi nhặt nhạnh vài đám mây đi lạc
khi mưa gầy trút bỏ những lặng thinh

… tôi thấy tôi trong một ngày mê sảng
đập cánh bay trên thung lũng mặt người
ngày bỏng rát gọi tôi đang cháy nắng
trên thềm mùa từng ngôn ngữ chợt rơi

Sài Gòn, tháng 7-2017.

Kai Hoàng, sinh ngày 14-8-1988.
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM. Hội viên Hội VHNT Bà Rịa Vũng Tàu. Đã in 6 tác phẩm văn xuôi, và một tập thơ. Giải nhất cuộc thi viết “Những chuyến đi” của báo Mực Tím, giải nhất cuộc thi viết “Mối tình đầu của tôi” báo Lao Động.
Anh quan niệm: “Thơ đối với tôi như một mạch thở. Mỗi ngày, tôi dành nhiều thời gian để trải nghiệm và chiêm nghiệm, bằng tất cả cảm xúc và ngôn ngữ cưu mang. Khi đó, cảm tưởng như mình đang bay trên tầng tầng ngữ nghĩa…”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *