Inrasara: CẢM NHẬN HOÀNG THỤY ANH

Nhận bản thảo Người Đàn Bà Sinh Ra Từ Mưa do Hoàng Thụy Anh gửi qua email đính kèm tin nhắn: “Được thì anh Sara cho vài lời nhé”. Khi ấy tôi đang Thái Lan túi bụi giấy với chữ, nên quên bẵng đi. Sau hơn tháng, bạn thơ nhắc, tôi mới nhớ ra, và góp nhời tán. Tiếc là tán tỉnh ấy không lọt tai cô nàng, nên bị rớt khỏi “bạt” [tai].
Đầu tuần nhận sách bạn thơ gửi tặng, đọc qua mới hay 6 bạn văn/ thơ tán tỉnh đẹp quá, chớ tán kiểu mình bị out ở vòng gửi xe là phải. Dẫu sau lời đã nói [viết] ra, cần cho nó o oe góp mặt với đời ơ FB để gọi là chút quà… kỉ niệm.

*
CẢM NHẬN HOÀNG THỤY ANH

Người đàn bà sinh ra từ mưa là chuyện tình
không giống chuyện tình khổ ải đầy thương cảm của Love story, chuyện tình đau đớn chia xé lấy đi bao nhiêu nước mắt từ mấy thế hệ tình nhân của Romeo and Juliet, hay chuyện tình bi thảm của chàng trai Bà-ni yêu một cô gái Cham Bà-la-môn đã nhảy lên giàn lửa để chết theo người yêu, sau khi ném bản trường ca vừa viết xong, kể lại chuyện tình bóng tối của mình
lịch sử văn chương nhân loại đã sản sinh chuyện tình với bạt ngàn giai thoại về yêu đương, đắm say và nước mắt
Người đàn bà sinh ra từ mưa là chuyện tình của em
chuyện tình không có gì để kể, chẳng có gì đáng kể, nhưng em vẫn kể, kể từ sau tết năm này đến hết tết năm sau [3.2016 – 3.2017]
chuyện tình không phải chịu thử thách lớn lao để nỗ lực vượt qua, chẳng có gì cao cả để tự hào
chỉ là những mảnh tâm trạng, bao nỗi nhớ nhung vụt đến rồi tan biến đi, mấy lát cắt kỉ niệm thoáng qua với vài môi hôn mắt nhìn vòng ôm
cũng có thể là những kỉ niệm tưởng tượng
những câu chuyện dành riêng cho anh
chẳng bao giờ đặt dấu chấm hết
chẳng bao giờ lạc giọng
em muốn
chuyển hóa tất thảy đam mê & cuồng nhiệt từ em sang anh
nhả lòng anh
từng chu kỳ hiện sinh
để anh tồn tại & tự do trong vũ trụ em mãi mãi

anh yêu
yêu anh
gia tài em chỉ có
những chuyện kể lan man & nỗi buồn lộng lẫy này mà thôi

là câu chuyện tình của em dành cho anh, “em kể anh nghe”, chỉ riêng anh
12 tháng 365 ngày với 65 bài thơ, ngoài vài bài cá biệt, mỗi bài chỉ chiếm một trang không gian giấy không hơn
chuyện tình không cú sốc, không gẫy gập bất ngờ được em kể lan man, chậm rãi, đều đặn
như tiếng thơ Hoàng Thụy Anh thư thả đi qua nhịp thơ chậm rãi, không bất ngờ, không đột phá, gẫy gập
như chuyện tình của em, chuyện tình “không vay mượn, chẳng cần điểm trang hay phiếm dụ giấc mơ”: là “người đàn bà sinh ra từ mưa” – cho anh.

Sài Gòn, 27-3-2017

NỖI NIỀM ‘TỰA’ & ‘BẠT’

Cái “tựa” ngắn cho “bạt” [vắng mặt] ở FB vừa đưa lên sáng nay, tôi nhận ngay tin nhắn: “Sao lại đi trách em út thế”, nên mới có nỗi niềm này.
Hai câu: “Tiếc là tán tỉnh ấy không lọt tai cô nàng, nên bị rớt khỏi “bạt” [tai]” và “ chớ tán kiểu mình bị out ở vòng gửi xe là phải” không phải là trách, mà là đùa. Cho đỡ… nhớ! Chuyện chi tôi cũng kể và kể được, mà kể thì phải vui. Trách, thì đời này mênh mông chuyện trách, chi cho khổ thân.
“Nhân”, xin kể vài chuyện vui.

1. “Tựa” & “Bạt” cho mình.
Ở tác phẩm nghệ thuật, tôi không ưa “Tựa” & “Bạt”, và ít khi đọc nó.
Tác phẩm nghiên cứu đầu tay: Văn học Cham khái luận, lúc đó tôi đang ở ĐH, ông thầy gợi ý, tôi mới qua một vị giáo sư để ông viết “lời giới thiệu” cho; vả lại NXB bỏ tiền ra in, mình thì vô danh tiểu tốt, và họ cũng cần bảo kê. Rồi tác phẩm thứ hai, ĐH in, nên có tới hai vị đưa vai cho mình “tựa”!
Nay ngó lại thấy hơi buồn cười, từ đó tôi quyết: tuyệt!
Thành kiến với “Tựa” & “Bạt” nên tôi không mặn mà viết nó. Không mặn, vậy mà nửa đời hư, tôi viết non trăm cái. Mới tệ.

2. “Tựa” & “Bạt” cho văn xuôi
Cũng năm 1994, tôi được ngài giáo sư cùng khoa cho biết một người thất thập có tạp bút sắp in, dứt khoát nhờ tôi viết “tựa”. Tôi ngớ người ra: khi ấy mình còn chưa có một chữ đăng báo mà. Chiều ý, tôi qua chị dùng bữa trưa. Sau đó, tôi đọc, viết và nó được in rất trang trọng.
Ba năm sau, một bạn văn [duy nhất ở Sài Gòn] nhờ viết giới thiệu cho tiểu thuyết. Tiểu thuyết trung bình, tôi viết, và bị loại. Bạn kêu: NXB bảo là nó… không hay.
Sau đó, tôi viết cho khoảng 7 đầu sách văn xuôi nữa, là các tác phẩm tôi thích.

3. “Tựa” & “Bạt” cho nghiên cứu. Xin kể 2 vụ.
Ông anh mới gặp lần đầu, đưa cho tôi bản thảo về đất Quảng Nam [tác phẩm đời người] dày ngàn trang, nhờ tôi viết tựa. Tôi đọc, thích và viết. 10 năm qua chưa thấy nó ra đời. Hay đã, và anh bạn… quên nhà viết tựa?
Cũng là dân Quảng, cũng là tác phẩm liên quan đến Cham được tác giả gửi bản thảo nhờ tôi viết. Tôi đọc, khoái và viết. Khá dài, trong đó có phần “chê”. Năm sau tác phẩm in, “Tựa” & “Bạt” chả đâu, chỉ thấy đoạn 6 hàng trích in ở bìa 4. Chính đoạn trích này, tôi phải chịu sóng gió với vài vị Cham vốn chưa bao giờ ưa nổi tay Sara.

4. “Tựa” & “Bạt” cho thơ mới gay cấn nhất.
Viết cho thơ thì nhanh, tôi dặn lòng không viết lần ba cho một nhà. Có bạn rất thân nhờ, và “mình chờ 3 tháng cũng được”, rồi cũng không được.
Có bạn tôi viết chưa đầy trang vở học trò, dặn “em in ở cuối sách, một trang thôi, chữ càng nhỏ càng tốt nhé”, vậy mà nó được ngồi ngay trang đầu và bị kéo dãn ra thành 2 trang to cồ. Có bạn thơ tôi viết xong “tựa”, sau đó còn có quà nữa, rồi nó chẳng thấy chào đời ở đâu.
Mênh mông thế sự chữ, là thế. Tôi ưa kêu: Hay bạn cứ in đi, để sau đó đọc, hứng thì mình viết. Đó là chưa kể tập thơ đã in ra, mà chả thấy ông Inrasara hó hé, lời phiền trách cứ la đà bay tới.

5. “Tựa” & “Bạt”: khen và chê
Viết phê bình, tôi ít khi khen chê [bạn thơ lớn cả rồi], mà đưa nhận định. Còn “Tựa” & “Bạt”, viết mang tính gợi mở là chính. Gợi mở hay nhận định có thể sai, nhưng luôn trên nền tảng văn bản. Có phân tích, chứng minh. Dĩ nhiên một nhà thơ viết phê bình nó phải khác: cần giọng điệu, và chữ nghĩa bay càng cao càng tốt. Thế nên, vài bạn kêu rất khó trích đoạn Sara để in ở bìa 4, là thế.
Vài nỗi niềm, mong chia sẻ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *