Inrasara: THÔNG ĐIỆP NHƯ LÀ ẨN NGỮ

[một góc nhìn Chậm hơn sự dừng lại, tập thơ Trần Tuấn, NXB Hội Nhà văn, 2017]
TranTuan 4-2008
Hành hương về phía rừng già, rừng già như là giấc mơ nguyên thủy của loài người; hành hương đi tìm giọng nói, giọng nói như là tiếng bập bẹ nguyên sơ của buổi bình minh nhân loại – khi con người hãy còn chưa bị văn minh thao túng, tàn phá, làm suy đồi, tha hóa, và vong thân.
dậy đi thôi
không phải mơ mà chúng ta đang chết

Còn hơn chết, chúng ta chỉ còn là những cái xác biết di động. Đây và kia. Chúng ta đang “lang thang trong thân thể kẻ khác”. Je est un autre: Tôi là kẻ khác, tất cả “tôi”, không ngoại trừ ai. Là chúng ta. Lang thang và lang thang…
Đi, chạy là lang thang. Nói, làm hay không làm gì cả (vô vi) là thang thang. Suy tư hay hành động là lang thang. Không lang thang cũng là thứ lang thang. Lang thang như kẻ mù tìm đường giữa đêm tối với cây nến đang tắt trong tay.
Khi tỉnh thức thì đã quá muộn. Kí ức xa xưa đã bị đánh mất, như thể đánh mất trong một giấc mộng mơ hồ bất khả vãn hồi. Chúng ta xớn xác làm cuộc săn đuổi, thế nhưng:
cuộc săn
châm hơn sự dừng lại

Càng cắm cúi, giọng nói càng vời xa, rừng già càng mất hút.
Càng cấp tập kêu gọi, tiếng nói ban đầu càng bị khuất lấp. Trang chữ càng rậm rạp, cuốn sách càng chất chồng, thư viện càng mọc lên phủ khắp mặt địa cầu, tiếng nói tinh khôi ở buổi đầu văn minh nhân loại càng bị hao mòn, vỡ vụn. Khởi thủy là Lời, nhưng Lời thôi còn giản đơn, trong sáng mà đã bị ngôn ngữ phòng lạnh, thứ ngôn ngữ giàu sang của siêu hình học làm mờ tối. Con người càng đánh mất Quê hương.
“Nỗi thiếu Quê hương trở thành định mệnh của thế giới. Chính vì thế, sự thiếu vắng đó cần phải suy tư trên bình diện lịch sử của Tính thể. Như vậy, điều mà khởi từ Hegel, Marx đã truy nhận theo một nghĩa tinh yếu và quan trọng như là sự vong thân của con người, điều ấy cắm rễ thật sâu trong nỗi thiếu Quê hương của con người hiện đại. Khởi từ định mệnh của Tính thể, nỗi thiếu vắng ấy đặc biệt hiển lộ dưới mọi dạng thức siêu hình học, siêu hình học vừa tăng cường củng cố đồng thời che giấu khuất lấp nỗi thiếu Quê hương như là thế” (M. Heidegger, theo bản tiếng Anh của F.A.Capuzzi).
Homelessness is coming to be the destiny of the world. Hence it is necessary to think that destiny in term of the history of Being. What Marx recognized in an essential and significant sense, though derived from Hegel, as the estrangement of man has its roots in the homelessness of modern man. This homelessness is specifically evoked from the destiny of Being in the form of metaphysics, and through metaphysics is simultaneously entrenched and covered up as such (M. Heidegger, translated by Frank A.Capuzzi, Letter on Humanism).

Làm gì?
đến mùa này
tôi mới nghe thấy giọng nói ấy
cất lên từ trước đó nhiều ngàn năm
… những tiếng nói từ ngàn năm không trôi theo ánh sáng
đã đến trước chúng ta
dừng lại
lắng nghe

Giữa nỗi tất bật lo âu thường nhật, qua một sát na bất chợt, chúng ta mơ hồ bắt gặp giọng nói. Và cũng rất mơ hồ, chúng ta đi tìm. Rồi, “bước chân chúng ta chậm hơn sự dừng lại”. Gió vẫn thổi, mây vẫn cứ bay, dòng nước vẫn lơ mơ trôi, nơi “có những đời không một lần mở mắt”, chúng ta vẫn bước đi. Bước đi hay dừng lại cũng thế. Rừng già Quê hương ban đầu ở đó, giọng nói ở đó, “dòng nước hồi xuân” đợi ở đây từ thế kỉ trước”. Từ rất nhiều thế kỉ trước. Bước chân chúng ta không bao giờ tới, không hi vọng đi tới dẫu ở một ngày xa vời nào đó.
Đơn giản, bởi chúng ta đang mất phương hướng. Hơn thế – chúng ta không biết mình đang lạc hướng. Mà cứ đi. Này và kia, lên và xuống, tả và hữu hay giữa, vô thần hay hữu thần, đa thần hay độc thần, truyền thống hay hiện đại, quốc gia hay quốc tế… Bao nhiêu ý thức hệ ra đời, bạt ngàn hệ thống triết học được dựng lên rồi bị đạp đổ, mênh mông trường phái văn học nghệ thuật nổi tiếp nhau xuất hiện xô ngã những trường phái trước đó… trùng trùng ngôn ngữ phòng lạnh vây bủa chúng ta bốn phương tám hướng. Càng vùng vẫy, nó càng siết chặt chúng ta. Không thoát ra được.

Càng vội vã, hối hả, tất bật, càng nóng lòng đạt tới đích, chúng ta càng bị quay rối mù trong vòng vây ngôn ngữ phòng lạnh. Còn người đánh mất sự kiên nhẫn vô ưu của trẻ thơ trong trò chơi. Nói như Rilke, chúng ta vẫn chưa học biết chờ đợi.
“… chờ đợi một cách khiêm tốn và kiên nhẫn, chờ đợi giờ phút khai sinh ánh sáng rực ngời mới lạ… Ở đây, thời gian không thể làm tiêu chuẩn đo lường. Một năm có kể gì: mười năm không là gì cả, khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là không tính toán, không kể số, khi mình là nghệ sĩ thì có nghĩa là nẩy nở như một cây lá không hề bức thúc nhựa cây, đứng vững lại một cách tín thành trong tất cả những ngọn gió lớn của mùa xuân, không hề sợ hãi nao núng rằng mùa hạ không trở lại nữa. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng mùa hạ chỉ đến cho những kẻ biết chờ đợi, chờ đợi một cách trầm lặng và cởi mở như là mình đã có cả vĩnh cửu trước mắt mình.” (R.M. Rilke – Phạm Công Thiện dịch).

Làm gì?
Trần Tuấn không gợi ý chúng ta làm gì cả! Bởi đó không là bổn phận của thi sĩ. Châm hơn sự dừng lại đầy tràn thi ảnh siêu thực, nén, chắt lọc và ám ảnh. Như là thứ ẩn ngữ, hay mật ngôn – nếu có thể nói thế. Nó đi ngược xu hướng chung của thời hậu hiện đại: Chuộng sự “trồi lên”, ưa “bề mặt”, và đầy tràn đến thừa mứa. Châm hơn sự dừng lại như thông điệp giấu trong chai dật dờ giữa mênh mông biển cả chữ nghĩa thời đại. Ai có thể đón nhận nó?
cơn bão đến không có sự khởi đầu
không thể nào dự báo.

Pangdurangga, tháng 7-2017.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *