BÀI HỌC NÀO TỪ VỤ “BÀ-NI – ĐẠO HỒI”?

017-6-PhuocNhon 04
Từ sự cố “Tôn giáo: BÀ-NI”, và qua thảo luận, xin đúc kết và rút ra 7 bài học sau:
1. CHẬM, DO LẦN LỮA & THIẾU LỬA
Sự cố đổi tên từ “Tôn giáo: BÀ-NI” sang “Tôn giáo: ĐẠO HỒI” không phải đến tháng 4-2017 mới có, mà xảy ra từ 4 năm trước: 2013. Khi ấy, cán bộ về palei Cham Bà-ni thống kê dân số, công dân Cham Bà-ni đã bị ghi thành “Tôn giáo: ĐẠO HỒI”. Bà con hỏi tại sao, cán bộ bảo: Đó là quyết định từ Trung ương. Thế là phản ứng.
Phản ứng, có người còn la lối om xòm nữa, nhưng chỉ dừng ở đó thôi. Rồi quên. Cuộc thường nhật cuốn sinh phận Cham vào chuyện áo cơm, nên sự thể chìm. Như Vụ Ghur Darak Neh tôi đã nêu ra với anh Thành Chiểu từ mươi năm trước, rồi chìm, để Ghur bị xâm hại mãi. Phải đến năm 2013, anh chị em xốc lại, và hạ quyết tâm, công cuộc mới thành.
Tại sao? Do ta thiếu nhiệt, thiếu lửa. Làm thì dở dở ương ương, không đến nơi đến chốn.
Thu Kiennghi 01
2. TỪ LẠC ĐỀ ĐẾN THÀNH PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ
Một chi tiết rất cụ thể, và duy nhất: Sai do chuyển từ “Tôn giáo: BÀ-NI” sang “Tôn giáo: ĐẠO HỒI”, tôi nêu ra để các bạn FB cùng thảo luận và lên tiếng yêu cầu cơ quan chức năng sửa sai. Vậy thôi mà không ít bạn FB bình luận lạc đề, nên thành có vẻ phân biệt đối xử với bà con Cham Islam [Hồi giáo].
Đây là vấn đề CHÍNH DANH, chứ không phải PHÂN BIỆT. Chính vì sự chính danh đó, mà một bạn FB [có lẽ là Cham Islam] phản hồi: “Tôi cũng không muốn người Bà-ni ghi tôn giáo mình là “Đạo Hồi”.
Không phải vài người Bà-ni không dị ứng với chữ “Đạo Hồi”! Có: thể hiện qua còm, và phone, như cả lo về sự thi cử của con cháu, việc khó nhập cảnh Mỹ, hay sợ bị phân biệt trong các trường học hay cơ quan… Tôi vẫn lưu một ít phản hồi mang nội dung đó, để làm bằng, chỉ có phản hồi nào hơi quá, tôi mới xóa đi.
Sự việc đã qua, tôi rất mong HAI BÊN XÍ XÓA.

3. VỤ NÀY NHỎ HAY LỚN?
Ngay ở Stt đầu tiên, tôi đã viết rất rõ: Với cá nhân tôi, nó nhỏ, nhỏ đến gần như không hiện hữu; ngược lại với cộng đồng Cham nói chung, tín đồ Bà-ni nói riêng – nó lớn, thậm chí rất lớn. Nó gây xúc động cho một bộ phận dân tộc, và làm tổn thương không ít phận người. Sao có thể gọi là nhỏ nhỉ!?
Lịch sử nhân loại, một chữ cốt yếu dùng sai hay chỉ cần thay nét ảnh của thần tượng cũng đủ gây ra bạo loạn. Nạn cháy lớn bao giờ cũng xuất phát từ tia lửa nhỏ.
Sự cố này, đã có người nhắc đến chữ “loạn đến nơi”; không ít bà mẹ chạy đôn chạy đáo tìm cửa đổi CMND; Hội đồng Sư cả Bà-ni Pabblap Birau cũng có lời lẽ rất dứt khoát trong Thư Kiến Nghị. Vân vân. Sự cố dù “chuyện nhỏ” [như có vị kêu] tới đâu, khi nó gây xáo động cộng đồng, được cho là LỚN. Nó cần đến phản ứng nhanh nhạy của người/ cơ quan trách nhiệm.

4. CÓ DẤU HIỆU PHE CÁNH KHÔNG?
Qua cuộc này, tôi thấy có vài dấu hiệu mang tính phe cánh. Dù không rõ rệt, nhưng có. Qua like, share, bình luận… Một sự cố đang ảnh hưởng đến bộ phận cộng đồng, gây bức xúc dây chuyền, lẽ ra ta cần tập trung trí lực giúp giải vấn đề, vậy mà ta né tránh, hay hành xử lệch pha đi. Đáng tiếc là vậy! Từ bài học này, những người hiểu biết, nhất là thế hệ trẻ cần xem lại mình.

5. CÓ THUYẾT ÂM MƯU KHÔNG?
Rủa chính quyền: có. Vài bạn FB còn dùng lời lẽ nặng nữa: “xúc phạm nghiêm trọng”, “xúc phạm quá mức”, “bộ phận cán bộ ngu dốt”. Tôi nghĩ khác hơn: Nói sao để hai bên [Cham với nhau, hay Cham với “ngoài”] còn có thể ngồi lại đối thoại, tìm cách mở gút vấn đề.
Có vài còm cho rằng ở đây có thuyết âm mưu: Công an muốn thử phản ứng của Cham qua “sai sót cố ý” này. Tôi cho là: KHÔNG. Qua sự kiện Hồi giáo [cực đoan] ở Philippines mới đây, hay miền Nam Thái Lan mấy năm qua, an ninh Việt Nam không phải là không “lo xa”. Thế nên, họ không dại gì đụng vào vùng nhạy cảm này của dân tộc thiểu số đâu. Mình cả lo thôi.

6. ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI Ở ĐÂU?
Vụ này đáng lẽ bà con nên phản ánh lên Đại biểu Quốc hội là Đàng [Đặng] Thị Mỹ Hương. Bà con đã không làm. Tôi nhắc, bà con bảo: vô ích thôi.
Cách nay một tháng, cũng liên quan đến Hồi giáo, “trên” có mời tôi cà phê hỏi ý kiến. Tôi nói: – Sao các bạn không hỏi ĐBQH? Nhà nước nuôi chị ấy suốt 3 nhiệm kì mà, chị ấy phải có trách nhiệm tham mưu sự vụ liên quan cho NN chứ. Sara có ăn lương Nhà nước đâu.
[Im lặng], tôi tiếp: – Một ĐBQH sợ tiếp xúc với dân, nên ít hiểu lòng dân, về văn hóa dân tộc thì càng. Thế nhà báo nước ngoài về phỏng vấn, ta ăn nói ra mần răng?
– Chị ấy do bà con Cham mình bầu lên mà… – Lát sau bạn ấy trả lời.
– Jađak với Jađun, chọn ai đây? Trên đưa ra hai món để tránh, bà con Cham chấp nhận đạp vỏ dưa, ai lại chọn vỏ dừa mà đạp!
Ta không đòi hỏi ĐBQH phải rành văn hóa dân tộc, để hiểu đâu là hành trình từ “Hồi Hột” qua “Hồi Hồi” đến “Hồi giáo”; hay tại sao chữ “Hồi giáo” hiện ít được sử dụng trong sách vở Trung Quốc, mà là anh/ chị ấy phải biết cậy đến sự giúp đỡ của chuyên gia.
Dẫu sao, từ nay trở đi, bà còn nhớ tìm cho ra vị mình từng bỏ cái lá phiếu, mà níu, nhé!(1)

7. Cuối cùng là tên gọi “HỘI ĐỒNG SƯ CẢ HỒI GIÁO BÀ-NI NINH THUẬN”.
Tôi không rành vụ này, chỉ nghe người ở trong Hội đồng nói lại rằng, nhiều lần vụ việc được mang ra mổ xẻ để thay đổi thành: “Hội đồng Sư cả Bà-ni Ninh Thuận”, tuy nhiên nó cứ lơ lửng. Mới nhất, năm 2016, hôm khánh thành Văn phòng Hội đồng ở Cwah Patih, lần nữa sự vụ lại được mang ra bàn – trước mặt người từ Trung ương nữa, rồi không quyết được.
Nhưng đó không là phần việc của tôi rồi. Tạm dừng ở đây vậy.

KẾT.
Tháng 7-2013, sau khi đi thăm tất cả Ghur Bini ở Ninh-Bình Thuận và được bà con cho biết thực trạng bi đát của nó, tôi lên tiếng, bên cạnh mở cuộc thảo luận trên web inrasara.com, viết báo, trả lời phỏng vấn… Cuối cùng, ở Hội trường KS Phong Lan – Ninh Thuận nơi báo Dân tộc & Phát triển tổ chức hội thảo “Báo chí & Vấn đề chủ quyền biển đảo”, ở tham luận đầu tiên của hội thảo, và ngay câu đầu tiên, tôi nói:
– “Ghur Bini là chứng tích văn hóa biển Cham, tôi nêu vấn đề Ghur Bini không gì hơn là giúp đỡ Đảng thấy, và giải quyết vụ việc. Tại sao gọi là giúp đỡ Đảng, dù tôi không là đảng viên? – Bởi, không chính quyền nào chấp nhận vài cá nhân tham lam (một số gia đình Việt) xâm hại đất tập thể (Ghur của Cham Bà-ni) cả. Nếu không ngăn ngừa trước, chắc chắn sẽ có sự cố. Sự cố dẫn đến thiệt hại: mất đoàn kết cộng đồng cư dân và dân tộc, mất công hơn và mất nhiều tiền hơn, thậm chí cả mất mạng. Nhà văn thấy trước, lo trước và cảnh báo trước, là vậy”.
Ở vụ này cũng thế: Nói, là giúp đỡ chính quyền ổn định dư luận xã hội.
Xin nhắc lại câu nói của mình ngày ấy để làm lời kết: “Khi trí thức Cham không sợ cái không đáng sợ, họ vẫn có thể làm được nhiều điều cho dân tộc” (trả lời Đài RFA, tháng 3-2014).

Cuối cùng, cho Sara xin cảm ơn tất cả. Kajap karô, thug siam!

______

(1) Tôi với Mỹ Hương là chỗ quen biết, trước đây – mỗi dịp lễ tết hay nhắn tin chúc nhau; chỉ từ vụ tôi lên tiếng về ĐHN, chị ấy mới hết liên hệ. Tuy nhiên quen biết là một việc, công việc cộng đồng thì hoàn toàn khác. Vụ Đàng Ngọc Thủy, khi gia đình bạn ấy qua Công an Tỉnh kêu, tôi có nhắc: Ở Hamu Tanran, sao bà con không chạy qua nhà ĐBQH ngay làng mình đi! Cuối cùng, vụ xong lại là do các bạn trẻ ở Sài Gòn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *