THẾ NÀO LÀ BÀ-LA-MÔN, BÀ-NI & ISLAM?

[Chuyện ngôn từ: chính danh]

1. Cham Pangdurangga (Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) có 2 cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng chính: Cham Ahiêr và Cham Awal. Qua quá trình lịch sử, cả hai trở thành cặp đôi biểu tượng cho Likei/ Kamei: Nam/ Nữ, Tano/ Binai: Đực/ Cái trong triết lí và sinh hoạt xã hội Cham.
Cham Awal là người Cham theo Islam (du nhập vào Champa khoảng thế kỉ XIV) được bản địa hóa từ thế kỉ XVII mà thành.
– Gọi “Cham Awal” (Bini) để phân biệt với Cham Ahiêr (Cham Bà-la-môn);
“Cham Awal” còn được gọi là:
– “Anưk Bini” để phân biệt với Anưk Chăm [Ahiêr];
– Còn từ “Bà-ni” do Việt phiên âm từ tiếng Cham: “Bani” hay “Bini” để phân biệt với “Chăm” hay “Bà Chăm” – như trước đây có người gọi thế. Ví dụ Ariya Cham Bini: Trường ca Chăm Bà-ni;
– Ngoài ra “Cham Awal” còn có tên gọi khác là “Cham Hồi giáo cũ”, để phân biệt với bộ phận Cham theo Hồi giáo mới (Gah Birau), tức Islam chính thống. Đây là “thuật ngữ” trước 1975 hay dùng. Gọi là “Hồi giáo cũ”, vì nó có mặt từ thế kỉ XVII, còn Hồi giáo mới” là Islam du nhập vào cộng đồng Cham Pangdurangga từ đầu thập niên 1960.
Theo Imưm Đạo Văn Tý, lẽ ra nên gọi Cham Bà-ni là Hồi giáo mới, vì Hồi giáo [cũ] vào Champa tk XIV MỚI được cải biến thành Bà-ni, tức nó MỚI hơn. Ở đây phân biệt CŨ/ MỚI là nhìn từ góc độ Pangdurangga, chứ không phải nhìn tổng thể.
Do sự lẫn lộn này mà “thuật ngữ” “Hồi giáo cũ”/ “Hồi giáo mới” ngày nay không còn được dùng nữa. Đó là nguyên do gần, còn đây là nguyên do xa.

2. Tại sao gọi là “Hồi giáo” hay “đạo Hồi”?
Islam là tôn giáo ra đời vào thế kỉ VII tại bán đảo Ả Rập [nguyên nghĩa là “vâng mệnh, quy phục Thượng đế”], tín đồ Islam được gọi là Muslim.
Chữ “Hồi giáo” xuất phát từ tên gọi dân tộc Hồi Hột mà ra. Đây là nước ở bắc Trung Quốc (616-840), có lúc lãnh địa mở rộng đến tận Mãn Châu. Sau đó dân tộc Hồi Hột được gọi thành “Hồi Hồi”. Ở đời nhà Nguyên (1260-1368), chữ “người Hồi Hồi” được dùng để chỉ định cả người Trung Á, bất kể họ theo tôn giáo nào. Đồng hóa “người Hồi Hồi” với Muslim là sai.
Mãi qua đời nhà Minh (1368-1644), người ta mới phân biệt rõ tín đồ Islam với “người Hồi Hồi” là hai khái niệm khác nhau.
Vì chữ “Hồi Hồi” để gọi một chủng tộc, không dính dáng gì đến Islam, thế nên sau này chữ “Hồi giáo” hay “đạo Hồi” được dùng thưa dần, và chỉ còn dùng trong khẩu ngữ ở Trung Quốc. Để phân biệt tôn giáo Islam và dân tộc Hồi, trong sách vở hiện tại người Trung Quốc ghi tôn giáo này là 伊斯兰教 “Yīsīlán jiào”, còn 回族 thì vẫn giữ nguyên.

3. Người Islam có mặt ở Champa từ thế kỉ X, nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ không đáng kể. Mãi thế kỉ XIV, Islam mới có thế đứng ở Champa, để đến thế kỉ XVI, tôn giáo này thực sự tạo ảnh hưởng quan trọng trong vương quốc.
Thời Pô Rômê (1627-1651), Islam được bản địa hóa thành Bà-ni, và tồn tại đến ngày nay [ở Pangdurangga và một phần ở Cambodia].
Trong khi Cham An Giang, Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh hoàn toàn theo Islam, thì Cham Pangdurangga vẫn theo tôn giáo dân tộc là: Ahiêr [Cham Bà-la-môn] và Awal [Cham Bà-ni]. Chỉ từ đầu thập niên 1960, Islam mới được truyền trở lại cố quận, để hiện nay một bộ phận Cham ở 3 palei Ninh Thuận thành Muslim.

Kết.
Islam: là từ dùng mang tính quốc tế; Bà-la-môn phiên âm từ Brahmanism; còn Bà-ni phiên âm từ Bani [hay Bini].
Để chính danh, cần thống nhất tên gọi: Tôn giáo: ISLAM (chứ không phải đạo Hồi hay Hồi giáo), Tôn giáo: BÀ-NI (chứ không phải Hồi giáo Bà-ni), Tôn giáo: BÀ-LA-MÔN.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *