THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL 79

Trở lại vụ đốt nhang trong tháp

1. Theo truyền thuyết, Pô Inư Nưgar là Bà Chúa Xứ tạo lập vương quốc Champa.
Tháp Pô Nưgar được dựng trên ngọn đồi tại cửa sông Cái – Nha Trang để thờ Ngài. Đầu tiên, tháp bằng gỗ được dựng vào giữa thế kỉ thứ VII; sau nhiều lần bị quân Java phá hủy, người Cham đã xây dựng lại và hoàn thành vào năm 784, là tháp hiện còn đến hôm nay. Sau này quốc vương Harivarman I và con trai ông là Vikrantavarman III đã lần lượt xây dựng thêm năm tháp nữa.
Thời Pô Rômê, khi Nha Trang mất, Champa chỉ còn lại vùng Pangdurangga, tháp Pô Nưgar vẫn còn được cúng tế, chứ không bỏ mặc để trở thành tháp hoang như một số tháp khác ở miền Trung. Người Việt đến, họ thờ phụng Bà như thờ phụng chính Chúa của mình.
Bà Thánh Mẫu hay Thánh Mẫu Thiên Y A Na là tên tiếng Việt gọi Pô Inư Nưgar, là vậy.
Theo Nguyễn Thế Anh, hầu hết loại hình thờ Mẫu ở người Việt đều có nguồn gốc Cham, mà ông gọi là Việt hóa Thần Pô Nưgar của Cham (“The Vietnamization of the Cham Deity Po Nagar”, K.W. Taylor and John K. Whitmore, Editors, Essays into Vietnamese Pasts, Cornell University, 1995).

2. Chuyện sách vở là vậy, thực tế cũng diễn ra hệt như thế. Người Việt lên tháp Bà cúng tế từ ba thế kỉ trước, và đến hôm nay.
Mưdôn gru Hán Phải kể ở thời Pháp thuộc, bà con Cham phải lội bộ mất hai ngày một đêm mới tới thánh địa hành lễ. Chiến tranh tràn lan, cấp Paxêh thỉnh Yang về miếu Pô Inư Nưgar tại Hamu Ram La Chữ rồi cuối cùng lượt nữa, dời về làng Hữu Đức Hamu Tanran hiện nay. Nỗi nhớ đất thánh xưa vẫn âm ỉ cháy.
Đầu thập niên 1990, đường thông xe thoáng, Cham lại hành hương cố đô Nha Trang, ngày càng đông hơn. Dù ở đó, Tháp Bà ở vài phụ kiện đã mang dáng dấp Việt, các lễ tục gần như đã Việt hóa. Bia Võ Cạnh ghi năm 192 giữ kỉ lục bia chữ Phạn đầu tiên Đông Nam Á đã dời ra Bắc hiện đang đứng đơn độc trước sân Bảo tàng Hà Nội, thay vào đó là văn bia tiếng Việt của Phan Thanh Giản qua năm tháng đã nhạt nhòa chữ với nghĩa. Tượng Bà thì được vẽ mặt hệt nghệ sĩ hát bội hay cải lương! Lễ lạt với nhang khói…

3. Lễ có từ xa xưa, sau này để phục vụ cho văn hóa du lịch, nó biến thành lễ hội. Hằng năm, Lễ hội Tháp Bà từ ngày 21-23 tháng 3 Âm lịch, năm 2001 được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng Lễ hội quốc gia. Không vấn đề gì cả, còn tốt lành nữa. Sự thể nói lên sự hòa hợp Việt Chăm cả trong tín ngưỡng!
Rồi khói của nhang xuất hiện cùng các thứ lỉnh kỉnh khác, làm thành vấn đề lớn.
Truyền thống Cham đốt nến ở mọi cuộc lễ, mà lễ diễn ra ngắn ngủn, qua lễ là tắt. Mỗi năm trên tháp và trong tháp diễn tối đa ba cuộc lễ, kéo dài tối đa một tiếng đồng hồ. Ở đó chỉ có Cả sư Pô Dhya mới có quyền làm thủ tục mở cửa tháp. Ba ngọn nến to được đốt lên vừa cung cấp ánh sáng hành lễ vừa khử tạp uế.
Với người Việt, nhang (hương) cũng có ý nghĩa và tác dụng tương tự. Khác điều, hiện nay tháp được mở quanh năm suốt tháng, không kiêng kị gì cả. Văn hóa du lịch mà, tiền là trên hết.
Nhang đốt lên cho cháy đến lụi tàn, lớp này đến lớp khác. Người Việt đốt đã đành, cả người Cham mấy năm qua cũng học đòi đốt… nhang. Tiện quá thành tội!
Nhập gia tùy tục. người Việt đến sau, ăn theo sự linh thiêng của tháp Chàm, thì phải theo tục Cham mà cúng tế, sao không thể vận dụng chữ TÙY?

Gạch tháp không còn màu gạch cổ kính như xưa nữa, mà ám đầy khói.
Tháp Pô Klōng Girai. Ngay tháp Yāng Prong trên Tây Nguyên mới phục chế vài năm qua thôi mà đã ám đen những khói là khói, cả trong lẫn ngoài. Khói nhang mù mịt. Người Cham có học nhìn thấy là ớn, khách Tây phương hiểu biết mới bước vào cũng sợ…
Thì hỏi Pô Yāng Inư Nưgar có thể chịu đựng đến bao giờ. Hay Ngài đã bỏ đi từ lâu lắm, mà ta không hay?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *