THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL 77

Đâu là nền giáo dục truyền thống Cham? 01

Ramưwān vừa qua, Imưm Đạo Văn Tý cho hay, trong Thāng Mưgīk, muốn giáo dục tín đồ, các cấp Acār hầu như không có gì giảng cả! Các vị nói Takhāt siam lô: bố thí tốt lắm… Và chỉ có thế.
Thực sự Cham không có gì để thuyết giảng sao?
Nền giáo dục Cham từ sau Champa tan rã – hay ít ra từ sau 75 – hoàn toàn đứt mạch. Dạy dỗ con cái, ta phó công việc một đời người này vào tay Nhà nước. Trường học XHCN thế nào ta đã biết, giáo dục gia đình thì không còn, hệ quả thế hệ con cái ta gánh chịu…
Vậy đâu là nền giáo dục truyền thống Cham?

Cham quan niệm trách nhiệm giáo dục quần chúng thuộc về giáo sĩ và nhà thơ, thế nên không ít tác phẩm mang xu hướng “chở đạo”: Ariya Glang Anak hay Poh Catôi chẳng hạn. Văn học dân gian, ta cũng có lối giáo huấn rất đặc thù, không phải là không hiệu quả. Nhưng phải đợi đến các Ariya Pato Adat ra đời, người Cham mới nhận được một nền giáo dục có hệ thống, có quy củ về luân lí, đạo đức.
Thuộc dòng văn chương này, Cham có ba tác phẩm chính: Ariya Pato Adat Likei (Thơ dạy luân lí đạo đức cho đàn ông), Kabbôn Mūk Thruh Palei (Thơ Bà Tổ ấm Quê hương) và Ariya Pato Adat Kamei (Thơ dạy luân lí cho đàn bà).
Đào luyện đàn ông, người Cham làm gì?

1. Trước hết, cần xét qua vai trò của đàn ông và đàn bà Cham trong gia đình mẫu hệ Cham.
Cư trú dọc dải đất miền Trung nhỏ hẹp, người đàn ông Cham luôn dự phần vào cuộc chiến, chống ngoại xâm hay chống thiên nhiên khắc nghiệt. Do đó, hầu như tất cả mọi gánh nặng của gia đình đều đổ dồn lên vai người đàn bà.
Adat drei kamei khik sāng: Phận gái giữ nhà
Ông bà ta đã nói thế. Cả câu tục ngữ:
Likei di bang mưthuh, kamei di bang mưnük
Đàn ông “là” cho chiến tranh, đàn bà “cho” sinh nở
cũng đã phân định rạch ròi vai trò và trách nhiệm của hai giới. Đàn bà: gia đình; đàn ông: xã hội. Lối nhìn đơn giản nhưng dứt khoát và rạch ròi. Đàn ông sinh ra cho chiến tranh, cho những cuộc chiến đấu cam go để tồn tại, để thống trị, với thiên nhiên, với kẻ thù trong kinh tế, văn hóa, chính trị… Do đó, cần phải để cho ông nhẹ bớt trách nhiệm gia đình, để chất nặng hơn trong nghĩa vụ xã hội. Cần trang bị cho ông thứ vũ khí đặc biệt cho cuộc chiến đấu kia: AKHAR (chữ, tri thức).
“Akhar” trong Ariya Pato Adat Likei được tác giả đồng hóa với tri thức (ilimô)
Dwah akhar cek di rūp, dịch từng chữ là: “tìm chữ cất nơi mình”, nghĩa là rèn luyện tri thức. Có tri thức là có tất cả: sức khỏe, tiền bạc, đạo đức, văn chương, triết lí… Tri thức hiểu theo nghĩa đại sư Vivekananda là ánh sáng, là thiện. Tri thức là tiền đề của mọi nền văn hóa, là đòn bẩy xốc xã hội đi lên.
Ngay trong câu nói cửa miệng của dân gian Cham vẫn thấy có sự trân trọng đặc biệt tri thức, sự khinh miệt đối với kẻ thiếu tri thức:
O hu akhar K wak di tangi: Không có chữ K đeo vành tai
Thiếu tri thức được nhà thơ đồng hóa với khờ dại (gila), một tinh thần vô trách nhiệm với tiền nhân.

2. Suốt tác phẩm Ariya Pato Adat Likei, người đọc hoài công tìm một tứ thơ khả dĩ nhắc đến sự ràng buộc đàn ông Cham với gia đình. Không một từ nào nói đến trách nhiệm người cha đối với con cái hay người chồng đối với vợ. Cả một tập thơ là một lời ngợi ca tri thức, nêu cao tinh thần tôn kính người truyền tri thức (gru).
Nhưng tri thức ở đây bao hàm những gì? Và chúng được đặt trên nền tảng nào? Đó là sự hiểu biết về con người cả thể xác lẫn linh hồn, hiểu biết về Trời, về Đấng Tạo hóa sáng tạo vũ trụ, hiểu mình và ta (drei – urāng), truyền thống đạo đức, phong tục tập quán, mối tương quan trong xã hội, cách đối nhân xử thế.
Hiểu biết nguồn gốc và sự hóa sinh của mọi vật hiện thể trong vũ trụ (rim pakār)… Nói chung, tất cả các hữu thể đã, đang và sẽ có mặt trong vũ trụ bao la này, cùng những ẩn ngữ của chúng.
Thei xakrün?… (Ai hiểu) Thei thau?… (Ai biết) là điệp ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần suốt tập thơ như muốn nhấn vào tầm quan trọng của tri kiến đối với đàn ông. Người đàn ông Cham không được sao lãng, rời bỏ nó. Ông phải vận dụng mọi bộ phận của cơ thể có thể vận dụng được để nhận hiểu nó.
Có thế, ông mới được cho là kẻ glōng biđi biniai (mưu cao, trí cao), con người thông hiểu thực sự (ra haluh ilimô). Và ilimô (văn hóa, tri thức) ở đây phải được hiểu là tri thức truyền thống hay văn hóa dân tộc (bhāp ilimô), như lối của Poh Catôi.

3. Tác giả Ariya Pato Adat Likei luôn luôn nhắc đến truyền thống, một truyền thống văn hóa dân tộc được xây dựng bởi cha ông mà con cháu có trách nhiệm gìn giữ và vun bồi.
Bởi panôic mưng ra taha (lời truyền lại từ người già) là tinh hoa của cả một nền văn hóa, tổng hợp tri thức từ nhiều thế hệ qua sự sàng lọc của bộ máy khắc nghiệt nhất là thời gian, nên nó một giá trị đáng trân trọng.
Và để thu phục nhân tâm, Ariya Pato Adat còn dạy đàn ông Cham học biết lời lẽ nhún nhường, khôn ngoan, và nhất là phải có một trái tim rộng lượng và tinh thần khiêm hạ. Mang tâm khiêm hạ, ông có thể điều động được tất cả mọi vật trên trần gian này, từ vật vô tri vô giác như đất đá, cây cỏ cho đến những con người khó trị nhất. Tâm khiêm hạ, lời lẽ chân thành nhẹ nhàng, tri thức bao quát và tư tưởng thâm trầm – đó là những vũ khí sắc bén nhất mà Ariya Pato Adat Likei mong muốn ở mỗi đàn ông như là đàn ông.
“Chính lời lẽ im lặng nhất mới mang tới bão tố, nhưng tư tưởng rón rén trên bước chân bồ câu mới dẫn đạo thế giới” – Nietzsche nói thế!

Đàn ông Cham phải trang bị cho mình để lăn xả vào cuộc chiến bất tận này, chứ không phải thứ tư tưởng bé nhỏ thiển cận của kẻ tự bằng lòng với kiến thức bé nhỏ mà Poh Catôi từng lớn tiếng chế nhạo; càng không phải thái độ ru rú xó nhà, quanh quẩn với vợ con, tìm an ninh trong sự bình an bé nhỏ, tiện nghi bé nhỏ. Họ sẽ trở thành đàn bà mất!
Như đánh nhịp với tư tưởng Cham, ở một chương bàn “Về hôn nhân và gia đình”, Nietzsche nói đại ý: Đàn ông có khả năng chiến đấu, đàn bà có khả năng sinh nở; đàn ông là chiến sĩ, đàn bà là nơi nghỉ ngơi của chiến sĩ.

Đâu là nền giáo dục truyền thống Cham? 02

Dạy người nữ thì khác.
Kabbon Mūk Thruh Palei dạy mỗi người đàn bà Cham biết biến gia đình thành tổ ấm cho chiến sĩ dừng chân sau khi dự phần vào cuộc chiến đấu. Nao glai (đi rừng, hiểu theo nghĩa rộng) về, một vòng tay ấm áp luôn luôn rộng mở đón ông, cơm bưng nước rót (mơy pôk xalao). Ông có mang bực bội ở ngoài kia về thì em cần có thái độ nhẫn nhịn đúng mực:
Pathāng pôic mơy jôi kamlah/ Kamei khang pabah xuk di hatai
Nếu chồng có tai tiếng thì em đừng cãi lại/ Ương bướng to mồm chỉ phạm lầm sai

Người vợ Cham vừa biết quý mến, yêu thương chồng vừa biết vâng lời chồng:
Pathāng biai hadiup mơy pang/ Chồng bàn thì phận làm vợ em nghe
Bởi đàn ông luôn luôn được trang bị một kiến thức rộng hơn, có cái sâu và xa hơn. Bằng không nếu có vấn đề, thì chính lời nói ôn tồn và hợp lẽ của em mới là yếu tố quyết định cho sự hòa thuận gia đình.
Mūk Thuh Palei phản đối kịch liệt hạng đàn bà lắm điều hay hỗn láo (jôi ngak mưxag). Bà dạy phụ nữ Cham thái độ nhã nhặn và lễ độ. Em cần biết tâm lí của giới mày râu để có những lời lẽ biết điều:
Adat ra jiơng likei/ Jiông di kamei ywa boh panôic
Người đàn ông/ Sống đời với vợ bởi lời nói (hòa nhã)
Cham không có khái niệm về tam tòng của Khổng giáo, do đó họ khó tưởng tượng được người đàn bà đạo hạnh lại không chồng hay bị chồng ruồng bỏ. Nếu vậy, thì đó là lỗi ở em. Em được Mūk Thruh Palei dạy cách rèn luyện để trở thành người đàn bà khôn ngoan, từ đó có thể giữ chồng và làm sang mặt chồng.
Hadiup krah ngap hadah bbōk pathāng: Vợ sáng làm sang mặt chồng (Tục ngữ).
Làm sang mặt chồng ở trong gia đình khi chồng có khách, làm sang mặt chồng ở ngoài xã hội bằng cách cáng đáng chuyện gia đình, bên cạnh đó em còn biết giúp chồng xây dựng công danh sự nghiệp:
Kuhria bek bisiam/ Mơy thong pathāng ngap bbang angui
Tính sao cho hợp lẽ/ Em với chồng lo dựng cơ nghiệp
Người chồng cư ngụ trong gia đình luôn được xem như vị khách quý cần được tôn trọng, cả đến giấc ngủ của ông em cũng phải biết quý. Mūk Thruh Palei khẳng định dứt khoát: Hadah bbōk kamôn ywa hu pathāng: Sáng mặt con là bởi chồng

Để biến lý tưởng này trở thành hiện thực, Ariya Pato Adat Kamei bổ khuyết để giáo dục phụ nữ Cham gần như đạt đến điểm toàn bích, gồm đủ “công, dung, ngôn, hạnh”. Mặc dù yếu tố “dung” không được đặt nặng, nhưng Mūk Thruh Palei luôn nhắc nhở đàn bà Cham chú trọng đến việc phục sức:
Angui bbang pagap thek hai/ Jôi tui hatai ngap khing ka siam
Ăn mặc tùy theo dáng vóc/ Chớ theo sở thích sao vừa mắt người
Bởi sự điểm trang (dù đơn giản nhất) chẳng những để làm đẹp mình, đẹp mắt người mà qua trang điểm, người ta còn đánh giá được cái hạnh của người đàn bà:
Angui bbang mong urāng/ Ralô ghwơh ghāng ra klao bilei
Ăn mặc thì hãy nhìn hàng xóm/ Khoe khoang lắm, người đời cười chê

Mà “hạnh” là yếu tố được Mūk Thruh Palei đặt lên hàng đầu. Ở đây, bà đã đồng hóa ngôn với hạnh, kết hợp cả hai thành một cặp ngôn-hạnh nhuần nhị:
Yah urāng jal mai dwah drei/ Hu bloh yơ brei hai ka urāng
Nếu người túng tìm đến/ Hãy mở lòng cho người. Đó là “hạnh”.
Ô hu mei đôm wơk bisiam: Bằng như em cũng thiếu/ Nói sao cho đẹp lòng. Đó là “ngôn”.
Anưk mưnuix mưtai diup pak boh panôic: Con người sống chết đều bởi lời ăn tiếng nói, dân gian Cham nói thế.
Cho nên Mūk Thruh Palei rất kị loại đàn bà to mồm. Bà xem đó như là đầu mối của mọi cãi vã, bất hòa. Với hàng xóm đã thế, cả với người ở, bà cũng nhắc phụ nữ Cham cần có thái độ nhã nhặn, khôn ngoan:
Yah hu mưnuix di sāng/ Pađar urāng xap bilidhôr
Nếu có người ở trong nhà/ Lời bảo sai sao cho dịu nhẹ
Mūk Thruh Palei đòi hỏi phụ nữ có đầu óc quán xuyến: trong tổ chức làm ăn lẫn chi tiêu. Bà Tổ Quê hương không chấp nhận cái nghèo khó:
Kathot rōng reh urāng klao bilei/ Nghèo kiết xác người đời cười chê
Nghèo cực đồng nghĩa với tội lỗi, đồng hành với thiếu đạo hạnh. Do đó, bà luôn khuyến khích việc làm giàu. Giàu để nuôi dạy con cái được đàng hoàng, giàu để khẳng định vị thế cho chồng ở ngoài xã hội. Và Mơy hu mưda drơp ka ra dwah: Em có giàu cho bà con tìm đến. Phú quý sinh lễ nghĩa là vậy. Đấy là đức “công” mà phụ nữ Cham phải được tôi luyện qua trường lớp Mūk Thruh Palei, yếu tố làm nền tảng cho ba đức kia nảy nở và phát triển.

Như vậy, trái với một đàn ông Cham mà môi trường cho họ tung hoành là xã hội, cuộc sống người đàn bà Cham thực sự chỉ biết dành cho gia đình. Vũ khí mà họ cần trang bị không phải là tri thức mà là đức hạnh. Hình ảnh dưới con mắt người đời mà họ cần đạt tới không phải là được trọng nể mà là được yêu thương. Đó là tất cả những điều Mūk Thruh Palei truyền dạy cho giới phụ nữ Cham, với mục tiêu duy nhất: Đó là sống yêu thương mọi người một cách tích cực và được mọi người yêu thương.
Từ Kabbôn Mūk Thruh PaleiAriya Pato Adat Kamei, người phụ nữ Cham đã nhận được những bài học quý giá về nhiều lĩnh vực khác nhau. Mặc dù xã hội hiện đại thay đổi về quan niệm sống, và cho dù phụ nữ Cham ngày nay cũng đang xác lập thế đứng của mình trong xã hội, từ đó họ biết đòi hỏi một sự phân công hợp lí hơn trong gia đình hiện đại; nhưng nhìn chung, tư tưởng luân lí đạo đức truyền thống mãi là châm ngôn tu thân, xử thế căn bản và hữu hiệu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *