CHAM AHIER, THỬ TÌM GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 05

Tanưh paywa Đất gửi của Cham Ahier

Con người là một trong hiếm “sinh vật” biết chôn nhau. “Sống cái nhà, già cái mồ” là điều hệ trọng, với bất cứ dân tộc nào. Cham, và Cham Ahier không khác.
Thời chạy loạn khi sinh linh Cham mất không được chôn cất tử tế, để sau đó không được hưởng nghi thức đám thiêu tối thiểu, “chúng” trở thành Ma Hời thì Cham đã khác; thời bình – Cham khác; rồi trăm năm qua, Cham Việt sống gần nhau hay cộng cư cùng palei, với vấn đề “già cái mồ”, Cham càng khác. Và nghiêm trọng.

1. Kut Cham Ahier
Mỗi palei Cham Ahier (hay Cham Bà-la-môn, như tục thường gọi thế) có nhiều Gơp (họ), mỗi họ có một Kut (nghĩa trang tộc mẫu), thế nên nếu ở cộng đồng Cham Awal (Cham Bà-ni) mỗi palei chỉ có một Ghur (nghĩa trang) thì palei Cham Ahier có nhiều Kut.
Trước khi đưa “tinh cốt” vào Kut, tất cả đều được chôn ở một khu vực Tanưh Paywa (nghĩa trang). Gọi là nghĩa trang hay “thổ mộ” là theo dân gian gọi, chữ Đất Gửi (Tanưh/ Libik Paywa) mới chuẩn xác.
Người Cham Ahier mất được mang đi chôn tạm (ba nau paywa) ở Đất Gửi này. Được một năm trở trở lên, bà con cải táng mang về làm Đám tang. Trong buổi hỏa thiêu, 9 miếng xương trán được cắt gọn và mài tròn như đồng xu để giữ lại trong cái Klaung (lọ nhỏ). 20-25 năm sau, dòng họ tập hợp tất cả Klaung lại làm lễ Nhập Kut.

Xưa, đất Kut thường chỉ nằm gọn trong một bụi rậm lớn với hàng rào tự nhiên, sơ sài. Sau đó nó bị xâm phạm và lấn chiếm, Cham mới ý thức về sở hữu để bảo vệ. Đất Kut đã được giải quyết từ 20 năm trước, do Cham Ahier đã biết xây tường thành để wang karơk, từ đó Đất Kut không còn bị xâm hại nữa.
Riêng Đất Gửi đang trở thành vấn đề. Nhất là khi palei Cham sống cạnh làng Việt, hay làng có cả hai tộc Cham Việt cộng cư.
Tại sao?

2. Về Đất Gửi của Cham Ahier, mỗi palei chỉ cần một sào là đủ. Bởi Cham không có mộ phần, thi hài được gửi tạm vài năm là giở lên làm đám thiêu, đất thành đất trống.
Người Việt thì khác: luôn chiếm giữ mảnh nhỏ làm “của riêng”. Do đó, đất nghĩa trang mở tới đâu cũng không đủ. Nghĩa trang cộng đồng Việt sống gần hay sống chung palei với Cham Ahier thì dễ xảy ra chuyện lấn sang phần đất trống này, là vậy.
Chakleng thì không sao, người Việt sống chung đã có phần đất riêng và xa.
Palei Cauk Hiếu Lễ ngại bên làng Việt Trường Sanh, Trường Thọ lấn nên đã “lo trước” và xây tường thành rào lại: ổn.
Bauh Dana dã từng gay, và sẽ gay to, nếu không kịp chấn chỉnh.
Palei Hamu Tanran người Cham gửi [tạm] bên kia đồi, người Việt chôn [cố định] bên này đồi; và dù người Việt chiếm chưa tới 5% dân số Hamu Tanran, nhưng nếu không “lo trước”, 20 năm nữa sẽ gay.

Đó là 4 trường hợp điển hình. Làm gì?
Cham tinh thần mở, không rào là đúng truyền thống. Nhưng thế giới hiện đại cần “sổ đỏ” và cần bảo vệ, tại sao không làm trước như palei Cauk? Làm thế, được mấy cái lợi: thứ nhất, Đất Gửi không sợ bị xâm lấn, thứ hai khuôn viên không bị uế tạp [do trâu bò, hay người ngoài], và điều cần nhưng ít được chú ý: người chết và người đưa tang có bóng mát trú thân.

Kết. Thực tế đã bboh di mưta (thấy tận mắt): Truyện dài Ghur Darak Neh mới xong, thì có ngay đoản phim ngắn “hòn đá Linga” ở Bauh Dana làm nóng bỏng. Và mới nhất là Tanưh paywa Đất gửi ở palei Thon Hậu Sanh sắp gay cấn.
Suy nghĩ đi, chớ đùa.
Sara nói rồi đấy! Không khéo bà con kêu: Ông làm nhà văn để làm gì, mà không “thấy trước, sợ trước, và lo trước”!?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *