VĂN HỌC ĐÍCH THỰC KHÔNG CHẾT [Cà phê Văn học về Văn học miền Nam]

tranhuudung-2007
Ngày 27&28-10-2016, Hội thảo cấp Quốc gia: “Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ” do ĐH Thủ Dầu Một tổ chức thu hút gần 200 tham luận từ mọi miền đất nước, đủ thấy sức hấp dẫn của chủ đề này.
Tiếp nhận sức nóng từ hội thảo, CÀ PHÊ VĂN HỌC sẽ có buổi nói chuyện về: VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI TIẾP NHẬN GÌ TỪ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975? nhấn về 3 thể loại với những câu hỏi cốt tủy qua vài trường hợp cụ thể:

1. Về nghiên cứu – phê bình
Trần Ngọc Thêm nợ Kim Định những gì? Có bài viết nghiêm túc nào về khía cạnh này chưa? Đỗ Lai Thúy đã tạm ứng văn và ý của Đặng Tiến, Lê Huy Oanh và Nguyễn Văn Trung ra sao? Đâu là các thống kê và phân tích cụ thể?
Nhận ảnh hưởng giọng điệu và ý tưởng Phạm Công Thiện, Nguyễn Hoàng Đức đã làm gì với nó? Anh có đạt đến [và vượt qua] cái tài hoa trong sử dụng tiếng Việt cùng sự cuốn hút mãnh liệt nơi giọng điệu của tiền bối không?

2. Về văn xuôi
Viết về chiến tranh, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh có điểm nào gần với Phan Nhật Nam? Nguyễn Nhật Ánh tiếp nhận được gì từ Duyên Anh là tác giả của nhiều truyện dành cho độc giả tuổi mới lớn?
Các khuynh hướng văn xuôi phản ứng lại lối viết truyền thống của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Chu Tử, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Đình Toàn, Trần Thị NgH, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Đông Ngạc… để lại dấu ấn gì trong các sáng tác hôm nay?

3. Về thơ
Tồn tại trong một thời gian ngắn (1954-1975), thơ Miền Nam đã mở ra nhiều trào lưu sôi động vô cùng lí thú. Thơ tự do với sự thống ngự của tên tuổi Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Lục bát huyền ảo, Phạm Thiên Thư đã lừng lững. Hậu hiện đại sơ kì, Phạm Công Thiện và Bùi Giáng là người khởi động. Làm thơ bất kể ngôn từ thông tục, thông tục đến thô tục đã có Nguyễn Đức Sơn hay Nguyễn Tôn Nhan. Thơ Thiền, thơ siêu thực, thơ hiện sinh, thơ điên, ca từ nhạc sến, nhạc vàng, vọng cổ… không thiếu bất kì thứ gì.
Quan trọng không kém là độc giả văn học chấp nhận đó là sáng tạo nghệ thuật.
Nền thơ kia đã ảnh hưởng thế nào vào các sáng tác thơ hôm nay?

Chỉ khi nào trả lời thấu đáo các câu hỏi [trong vô số câu hỏi] như trên, ta mới hi vọng nhận diện toàn cảnh văn học Việt Nam trong giai đoạn khốc liệt và bi thảm của lịch sử đất nước, từ đó trả lại sự công bằng cho mọi đóng góp dù nhỏ nhất vào sự phát triển văn học và ngôn ngữ dân tộc.

CÀ PHÊ VĂN HỌC với diễn giả: Nhà phê bình văn học, nhà văn Inrasara & Trần Hữu Dũng – nhà thơ sống và viết ở giữa hai thế hệ, thử giải vấn đề trên.
14:30 giờ, 30-10-2016 tại Lầu 1, 264 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3 – TPHCM

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *