URANG CHAM 28. TANTU

Tantu người làng Boh Bini – Hoài Trung, Ninh Phước, Ninh Thuận.
Ba anh em ruột: Quảng Đại Cường, Quảng Đại Phu (tức Phutra Noroya) và Quảng Đại Tưu (Tantu) đều tài hoa, tài hoa mỗi người một kiểu. Tài hoa và [nên bà trời bắt] luân lạc.
Lạ, ba anh em đều chơi thân với tôi.
Anh Cường tập kết ra Bắc, học giỏi có tiếng. Sắp giải phóng, nghe đồn anh bị chơi, nên thành tàng tàng. Anh đi lang thang các nơi, và làm thơ gửi những người tình mộng. Nhiều bận anh ghé Ban Biên soạn sách chữ Chăm, ăn và ngủ chung phòng với chúng tôi. Đọc thơ tình cho tôi nghe. Anh vẫn “phong phanh trên đường” như thế, cho tới khi mất. Tội!
[Anh là đồng tác giả cuốn Truyện thơ Chàm, NXB Văn hóa, 1982].

Anh Phu vào Sài Gòn từ bé, là kế toán giỏi có hạng ở chế độ cũ. Sau 75, anh vẫn còn được lưu dụng, là vậy. Anh ít quan hệ với Cham, mãi khi Tagalau ra đời năm 2000, anh mới xuất hiện với mấy bài thơ tiếng Chăm cùng vài cảm nhận về văn học xã hội Cham. Hiện tôi đang giữ bản thảo cuốn tiểu thuyết bằng tiếng mẹ đẻ của anh.

Anh Tựu cũng luân lạc vào Sài Gòn từ thiếu niên. Làm cho Hãng xe Citroen, và xây dựng gia đình tại vùng đất lạ này.
Anh Tựu với tôi thì có quá nhiều kỉ niệm. Lúc tôi sinh viên ĐH Sư phạm 1977, rồi sau đó, và khi tôi vào làm ở ĐH Tổng hợp, chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Tâm sự.
Anh Tựu có mấy cái đặc biệt, xin kê lướt qua:
Soạn Từ điển Chăm – Việt, anh giúp tôi rất nhiều trong việc lượm lặt các từ vựng mới nằm khuất đâu trong các câu/ cụm từ được Aymonier minh họa trong Từ điển của ông. Tuổi lục thập, anh vẫn đăng kí học Đại học để lấy bằng Cử nhân tiếng Anh. Sau đó, anh tiếp tục học hàm thụ tiếng Hoa. Học và nói được.
– Học để chơi thôi, anh nói.
Ngày anh mất, đúng vào ngày tôi đang Hà Nội chuẩn bị bay qua Bangkok nhận Giải thưởng Văn học ASEAN. Chơi thân vậy mà ngày mất, không được nói với nhau lời cuối thì không gì hẫng hơn. Nhất là lúc sinh thời, tôi có hứa với anh sẽ đọc lời đưa tiễn trong đám tang anh.

Xin trích ở đây vài kỉ niệm ghi lúc trước, và một cảm nhân về ca khúc nổi tiếng nhất của anh: “Ikak tian raung anưk nau bac”.

1.
Một kí ức với nhạc sĩ Tantu, ông bạn vong niên tôi, nhà gần chợ Thị Nghè.
Năm 1995. Trưa, anh phone cho tôi qua nhà anh, giọng rất gấp.
– Có các mẹ, các chị Cham đang ngồi ngoài chợ trước nhà anh đây, Trạm ơi.
Từ Đại học Tổng hợp, tôi hối hả đạp xe qua. Hỏi ra mới biết, các chị, các mẹ palei Bơl Riya vào miền Tây mót lúa lỡ đường, ghé tìm nhà người quen xin tiền xe về quê. Chứ Cham có ăn xin bao giờ.
Sài Gòn mênh mông, biết đâu sinh linh Cham mà mò!
Thế là anh em hú thêm vài mống nữa hùn hạp cho các mẹ, các chị. Thoát!

2.
Sau sự cố “Mĩ Sơn đường về” ở Tagalau 2, khi biết nhà thơ Nông Quốc Chấn và Hội VHNT các Dân tộc Thiểu số VN không đứng bảo lãnh theo diện “châm chế sắc tộc” nữa, cánh cửa nhiều nhà xuất bản đồng loạt ngán cái bản mặt khách không mời mà đến có tên Tagalau. He hé mở để rồi…:
– Ôi anh Sara, rồng đến nhà tôm, bác làm được như vậy là quý lắm, nhưng…
Thế là bản thảo Tagalau 3 lưu lạc qua mấy nhà từ tháng 6-2002 hết Katê qua Tết Nguyên Đán sang Rija Nưgar rồi Katê 2003. Mãi sau tôi mới được chị trưởng Ban biên tập nhà nọ ghé tai cho hay có chỉ đạo [miệng] ngầm. Ừ, thì là chuyện hậu trường, thực hư ai mà mò được. Tôi chỉ biết bà con đang mỏi cổ chờ. Thiếu tiền ư? Mạnh thường quân cho nè. Đồng Mỹ, đồng Việt Nam, đồng tiền chung châu Âu. Vài nhà xuất bản lại hứa. Không ai hiểu tại sao. Tôi chạy qua nhạc sĩ Tantu “mư-ung” cầu cứu:
– Chắc phải lội ra Hà Nội quá, anh ơi. Tôi sẽ cầm theo bản thảo Tagalau 3 với thẻ Hội Nhà văn Việt Nam gặp riêng Hữu Thỉnh, đặt lên bàn ông chủ tịch lá bài “hoặc anh in Tagaglau, hoặc tôi trả lại anh cái thẻ”.
Cũng anh hùng chớ bộ! Có lẽ bản mặt tôi lúc đó méo chả kém khỉ bóc phải cứt gà, mắc cười hết biết, nên anh nhạc sĩ này mới chộp ngay cơ hội mà lên lớp:
– Hehe… lần đầu tiên trong đời ông anh được thưởng thức sắc mặt thảm thương của thằng em. Nhưng huỡn đã. Này nhé, Cham mà bỏ túi thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã khó, có được vị thế như thằng em bây giờ càng khó bội phần. Anh thấy Trạm thừa trình độ “mát” để giải bài toán này mà…
Công án âm âm u u vậy mà làm tôi đốn ngộ.

3.
Mười năm sau khi đất nước thống nhất, các nghệ sĩ Cham hoàn toàn im ắng, mãi khi Tantu xuất hiện với ca khúc “Kak tian raung anưk nau bac” (Thắt lưng nuôi con đi học) được truyền bá rộng đến nỗi không người Cham nào là không biết đến bài hát này.
Ngoài năm ca khúc được đăng trên Tagalau, Tantu có cả tập nhạc mười hai bài thuần tiếng Cham chưa in, trong đó có những bài đã được truyền tụng như: “Bwei harung” (Chung vui), Hala bhang jruh (Lá vàng rơi), Dauh ru (Hát ru)…
Trở lại với ca khúc “Kak tian raung anưk nau bac”, nếu “Bhum adei” của Đàng Năng Quạ đề cập đến quê nghèo với những hình ảnh đặc thù, thì “Kak tian raung anưk nau bac” đi vào hoàn cảnh cụ thể hơn của cái nghèo đặc trưng của gia đình Cham. Với những tấm lòng tần tảo của người cha: Hajan bilan li-wa rup chrơm ia amư li-an ruh ruh (Mùa xuống cày, suốt ngày dầm mưa, thân cha lạnh run run); của bà mẹ: Pađiak bilan ywak amaik nau maut aw khơn o angwei thir (Nắng mùa gặt, đi mót lúa, áo không đủ che thân mẹ)… thế nhưng song thân vẫn vượt qua bao nỗi cơ khổ ấy, miễn sao cho con cái được học hành nên người. Đó chính là ước mơ của bao gia đình Cham thuở ấy, và cả lúc này.

4.
Bài viết của Phutra Noroya: “HOA TAGALAU RỤNG” đăng Tagalau 7, 2007.

Bài viết này dâng lên linh hồn TANTU (Quảng Đại Tựu). Đồng thời cũng là Cáo phó của tang gia, lòng thành kính tri ân đối với tất cả bà con, bạn bè thân thuộc gần xa đến phúng điếu, tiễn đưa linh cữu Tantu đến nơi an giấc ngàn thu.
Lại một đóa Tagalau nữa trên ngọn đồi khô khốc đầy nắng gió hanh hao của quê hương Phanrang rụng. Tantu một người con đáng quý, đáng mến của dân tộc Chăm, từ giã cuộc đời, từ giã mọi người đi vào cõi vĩnh hằng! Để lại cho chúng ta biết bao niềm thương, nỗi nhớ, biết bao nhiêu nuối tiếc thương đau!
Tantu ơi! Việc đi, về, sanh ly tử biệt là chuyện thường tình của con người. Sinh lão bịnh tử là quy luật bất di bất dịch của tạo hóa.
Kuw mai sang kuw min juk phik
Klauh thun ikak sang thei thei wơk.
Ta về cố quận tình ơi
Cuộc buôn đã mãn nhà ai nấy về

Tuy biết thế, nhưng đối với lần trở về sau chuyến đi buôn dài kỳ này của Tantu thời gian như ngừng trôi, không gian như cô động, thê lương ảm đạm! Trong lòng mọi người như có cây kim đâm vào trái tim mình!
Tantu ơi! Dẫu biết rằng Tantu ra đi không hẹn ngày trở lại nhưng bà con, bạn bè thân thuộc trong lòng cộng đồng dân tộc Chăm vẫn mãi mãi in đậm hình ảnh của Tantu, hình ảnh một người bạn, một nghệ sĩ và một người con đáng quý, đáng mến biết nhường nào. Hình ảnh một đứa con dân tộc luôn luôn khiêm nhường, hòa nhã, vui vẻ và chịu nhiều thiệt thòi. Gần như dành trọn cuộc đời của mình chịu khó nghiên cứu, tìm tòi vốn từ vựng Chăm đã lãng quên từ mấy trăm năm nay để làm phong phú tiếng nói dân tộc. Sáng tác các ca khúc mang âm hưởng dân ca lãng mạn và trữ tình của dân tộc để hồi sinh phần nào văn hóa dân tộc vì thời cuộc, vì lịch sử mà bị lãng quên, mai một.
Mỗi ngày, sáng chiều tối các em hát: Kak tian ka anưk nau bac… Hát trong trường học, hát khắp nẻo đường play, hát ngoài đồng ruộng, hát trong các lễ hội dân tôc… âm vang bài hát như lời nhắn nhủ của Tantu với mọi người: chúng ta hãy biết yêu thương đồng loại, yêu thương cộng đồng dân tộc, đồng thời phải biết quý trọng văn hóa tổ tiên. Và quan trọng hơn hết chúng ta hãy vui vẻ mà sống, sống cho có ý nghĩa với mọi người, với đời, phải biết đoàn kết, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh khó khăn để thoát cảnh nghèo nàn lạc hậu.
Ông bà ta xưa nay có câu: Nghĩa tử là nghĩa tận. Bởi quan niệm nhân bản đó nên trong những ngày đám tang Tantu, bà con, bạn bè gần xa, nhất là bà con dân tộc Chăm tại quê nhà cũng như tại Sài Gòn như: TS Thành Phần, TS Văn Hẳn, S. Bá Trung Phụ, các kỹ sư, bác sĩ, nhà văn, nhà thơ, công chức, doanh nhân, các em học sinh sinh viên đến kính cẩn nghiêng mình đốt nến hương trước linh cửu của Tantu trong mắt nhòa lệ!
Cầu chúc cho linh hồn Tantu mau siêu thoát. Các em học sinh sinh viên quần tụ quanh quan tài Tantu hát các bản nhạc trầm cảm đầy ý nghĩa do Tantu sáng tác như lời từ biệt với người quá cố lần cuối cùng là các em không bao giờ quên Tantu, một người đáng kính. Tất cả mọi người đều âm thầm mang trong lòng một nỗi đau thương, mất mát không sao diễn tả được!
Tantu ơi! Hoa Tagalau nào rồi cũng sẽ rụng, cuộc đi nào cũng phải đến hồi kết thúc.
Klauh thun harei jang tơl
Gaun mai pađơr wơk nau bidrah.
Ngày tàn năm cũng đã hết
Sứ đến vời ta về cho mau

Cuộc đời con người như dòng nước chảy qua cầu, một đi không trở lại. 36.000 ngày chẳng là bao. Cái gì của cát bụi sẽ trở về cát bụi. Rồi đây tất cả mọi người cũng phải ra đi trên con đường Tantu đã đi, con đường độc đạo dẫn về miền cố quận. Trong cuộc đi buôn của kiếp người ai cũng ra đi với hai bàn tay không và khi trở về cũng với hai bàn tay trắng.
Mai kak mưng di kal mai thauh
Oh hu tha bauh gơm di tagin.
Khi xưa ta đi buôn
Cũng với hai bàn tay trắng

Nhưng đối với Tantu không phải trở về với hai bàn tay trắng, Tantu có cái đáng quý nhất là chữ “đức” đó là cái lãi có được của kẻ đi buôn để lại cho con cháu. Đồng thời là món quà vô giá để dâng tổ tiên, là một niềm tự hào rất lớn lao không gì sánh bằng.
Một lần nữa, toàn thể cộng đồng dân tộc Chăm, các bạn bè gần xa cầu chúc cho hương hồn Tantu siêu thoát lên miền cực lạc.
20-10-2005
________________

(1) Các câu thơ trích từ Ariya Nau Ikak, một bài thơ triết lý của dân tộc Chăm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *