URANG CHAM 10. CHẾ LINH

Chelinh-BBS [Chế Linh ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm – Phan Rang 2007]
1.
Đoạn văn Trà Chay Pyang viết về Chế Linh trên Chamyouth vào năm 2004:
“Chế Linh và Từ Công Phụng đồng tộc, đồng thời, đồng quê nhưng lại khác nhau một trời một vực về tính cách và con người. Chế Linh: cực kì bình dân, anh Phụng: rất trí thức; Chế Linh: rất Chăm, anh Phụng: rặt ‘Tây’; nhạc Chế Linh phổ biến rộng rãi trong quần chúng, ngược lại các ca khúc của Từ Công Phụng chỉ được biết đến tại các phòng trà. Vân vân… Đây là hai đứa con ưu tú đã làm cho Chăm mở mặt mở mày với đời, đã mang danh từ Champa vang khắp nơi. Dù nhạc Từ Công Phụng quá trí thức nên ít người Chăm thưởng thức. Nhưng mỗi khi nhắc đến Từ Công Phụng là người Chăm hãnh diện. Đơn giản anh là người Chăm”.

Tôi và Chế Linh thân thiện, mến nhau nữa, có thể nói thế. Nhưng tôi ít gặp mặt anh. Thuở Tiểu học, anh ghé nhà dì Đựng ở Chakleng, mọi người túa đi xem, tôi không đi nên không biết mặt. Chỉ biết anh qua ảnh bìa nhạc cánh bướm. Dạng này thì anh số dzách rồi. Có người còn làm thống kê ảnh anh chiếm non nửa số lượng tất cả ca sĩ Sài Gòn cộng lại. Khiếp! Lần đầu thấy anh khi anh cùng Hùng Cường ghé Trường Pô-Klong biểu diễn. Rồi lần nữa, năm 1971, anh hát ở Trung tâm Văn hóa Chàm, thị xã Phan Rang. Dân hâm mộ tỉnh lẻ vây cứng lấy anh xin cái chữ kí, và họ bị hố nặng: té ra đó là ông anh ruột… Chế Linh.
Năm 2007, lần đầu tiên anh quy hồi cố quận Việt Nam, ghé nhà tôi ở quận 4 Sài Gòn trước tiên, sau đó lại tiếp tục ghé nhà tôi ở Chakleng chào bà con quê nhà với tặng hoa, chụp ảnh, để trưa hôm đó tôi gạc đờ-co anh qua palei Hamu Tanran quê mẹ anh, rồi cuối cùng tháp tùng anh đến gặp Út Lan Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận khi ấy. Chủ tịch tỉnh biết danh ca Chế Linh là cái chắc, chớ gì bà biết… nhà thơ.
Đây là lần đầu tiên trong đời tôi hành xử chu đáo như thế. Trước đó tôi chưa từng đón bất kì nhân vật nào dù ông/ bà tầm cỡ đến đâu như thế, ngoài các con tôi và bà xã đi xa về – đương nhiên. Riêng Chế Linh, tôi đã. Đơn giản, bởi trước đó không lâu anh bị báo An ninh Thế giới đánh cho trận tanh bành, trước nữa – anh không thiếu “lika likaih”. Về Việt Nam lần đâu, anh run, tôi biết. Tôi cần có mặt ở đó, để anh cảm nghe ấm áp hơn chút chút.
Thế thôi. Khi biết anh đã ấm, và đã oai, tôi “thả” cho anh đi.

Katê 2008, anh cùng đoàn làm phim nước ngoài ghé Nhà Trưng bày văn hóa INRAHANI ở Chakleng, mời tôi tham gia trả lời phỏng vấn cuốn phim tài liệu về anh.
– Là nhà thơ Cham đồng thời là nhà phê bình văn học đương đại, anh nghĩ gì về đóng góp của ca sĩ-nhạc sĩ Chế Linh cho cộng đồng Chăm và cho nghệ thuật Việt Nam?
Bhap bini Cam biak yaih drei ka paran Cam mư-anưk sa urang yuw xa-ai Chế Linh, – tôi nói hai thứ tiếng – Bà con hãnh diện về Chế Linh. Anh luôn nhận mình là Cham, dù đi bất cứ đâu hay nổi tiếng thế nào đi nữa, đó là điều đáng ghi nhận đầu tiên. Thứ đến, Chế Linh sáng tác cả tiếng Cham lẫn tiếng Việt, các ca khúc phổ biến rất rộng. Sau này Chế Linh còn mở website Binguchampa nữa, bên cạnh anh chưa bao giờ từ chối đóng góp công sức vào xây dựng cộng đồng. Với nghệ thuật hiện đại Việt Nam, tiếng hát Chế Linh là bất tử.
– Nhà thơ nhận xét gì về album ca nhạc mới nhất của Chế Linh làm ở Malaysia? Nó có tạo được điều gì đặc biệt cho cộng đồng Cham không?
– Rất đặc biệt và đầy hứng thú. Cham không ngờ Chế Linh hát tiếng Cham chuẩn và hay như thế, sau bao nhiêu năm xa quê hương. Đây đích thực là đứa con của Đất!

2.
Ngày 16-11-2011, Trọng Thành phóng viên đài Rfi.fr/viet-nam thực hiện cuộc phỏng vấn nhiều người, gồm: Trà My, Đỗ Trung Quân, Amư Nhân, Inrasara, Dũng Taylor và Nguyễn Mạnh Thuật. Xin trích phần của tôi:

GIỌNG CA CHẾ LINH VỚI NHỮNG NGƯỜI HÂM MỘ VIỆT NAM

Thưa anh, sau khi được đọc bài phỏng vấn anh, “Cảm ơn Chế Linh” hay “Một góc nhìn về Chế Linh” đăng trên báo, tôi thấy anh đã mang lại cho bạn đọc một cái nhìn của nhân chứng, xuyên qua thời gian. Từ khi anh biết ca sĩ cách đây gần nửa thế kỷ, cho đến nay.
Trong câu trả lời cuối bài, anh có nói đến một ý mà tôi cảm thấy, nhiều người muốn được biết rõ hơn (và có thể có người cũng ở trong tâm trạng đó): đó là, cái nỗi buồn đặc biệt được truyền đi qua giọng ca Chế Linh, có thời mê đắm, sau đó lại bị chối bỏ, rồi lại được xem xét lại…
Vậy, anh có thể cho biết cụ thể về sự chối bỏ này, và giọng ca này có những giá trị gì khiến người ta, dù có quay đi lúc nào đó, lại trở lại
…?
Inrasara: Tạm bỏ qua thời điểm “Mùa Hè đỏ lửa” khi Chế Linh bị chính quyền Sài Gòn cấm hát; bỏ qua thời kì sau 75, Chế Linh hoàn toàn biến mất trên sân khấu ca nhạc trong nước, dù tiếng hát của anh vẫn được nghe lén lút khắp nơi; ở đây tôi chỉ nói cảm nhận của cá nhân tôi.
Thuở nhỏ, tôi từng mê Chế Linh. Tôi chép tay và thuộc cả trăm ca khúc của anh, hay ca khúc được lưu truyền qua giọng hát anh. Rồi một thời gian khá dài tôi chối bỏ anh, như chối bỏ những gì cực đoan. Ở Chế Linh là đau khổ và chán nản cực đoan, rên rỉ với sướt mướt cực đoan, uốn éo hay luyến láy cũng cực đoan nốt. Nhưng mươi năm qua, tôi nghĩ khác. Chính cái cực đoan ấy đã làm nên sự khác lạ, độc đáo trong nghệ thuật.
Chớ đồng hóa đời sống riêng tư của nghệ sĩ với nghệ thuật của anh Chế Linh. Càng không nên gán giọng hát Chế Linh với tâm cảm mất nước của dân tộc Cham. Như thế thì dễ quá. Mà phải xem đó như là ý hướng tính nghệ thuật của một Chế Linh – nghệ sĩ. Chính điều này đã làm cho Chế Linh lớn. Qua đó, những người từng bị giọng hát Chế Linh quyến rũ luôn trở lại với anh.

Trong những bài Chế Linh hát, anh thích (những) bài nào nhất?
Inrasara: Thói đời, Mười năm tình cũ và Một lần cuối, nó đúng chất Chế Linh. Rung và luyến, lên cao – dừng – rồi chùng xuống đột ngột, nhưng không bao giờ thiếu mượt mà. Còn Nụ cười chua cay thì bột phát đầy ngẫu hứng.

Anh nghĩ và cảm thế nào về “chất Cham” (hồn Cham) trong tiếng hát của Chế Linh?
Inrasara: Muốn hiểu tâm trạng một dân tộc trong một giai đoạn của lịch sử nào đó, hãy nhìn vào âm nhạc của nó. Ca dao là những lời thơ dân gian gắn bó chặt chẽ với dân ca, nên trong ý nghĩa đó, ta cũng có thể nói ca dao Cham chính là một phần hữu cơ của tâm hồn dân tộc Cham.
Lịch sử dân tộc Cham là lịch sử của chuỗi li tán, mất mát và đau buồn. Nên không ngạc nhiên là hầu như không thấy vang lên khúc ca vui trong ca dao dân ca Cham. Khúc ca vui, chắc chắn có, nhưng nó diễn ra ở một thời xa xôi nào đó, và đã mất dấu. Rồi khi thân phận Cham đi vào khúc quanh bi đát thì những nét sáng ấy cũng bị mờ nhạt đi trên phông nền tối đen của lịch sử khắc nghiệt.
Non trăm đơn vị ca dao dân ca tôi sưu tầm được, chỉ còn là những bản sầu ca. Sầu ca ấy kết hợp với những làn điệu dân ca, đã tạo thành những tiếng hát khi trầm buồn, khi ai oán lâm li bi thiết vang lên trong đêm cô đơn thân phận đọng lại trong ta dư âm không bao giờ muốn dứt.
Cứ nghe Người ơi người ở đừng về hay Bèo giạt mây trôi của Quan họ Bắc Ninh mà các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc cho rằng chúng mang âm hưởng nhạc Cham, thì rõ.
Tiếng hát Chế Linh cũng mang âm hưởng đó: đầy tràn chất Cham, hồn Cham, nhưng vẫn là của riêng Chế Linh.

Đấy là giọng ca của con dân mất nước, nhiều người Việt nghĩ vậy. Và có lẽ đúng như vậy! Giọng ca được truyền từ đời này sang đời khác, và hôm nay đọng tụ lại trong anh. Hãy nghe một nhà nghiên cứu người Việt viết trên Talawas: “Từ khi nhà Nguyễn thẩm nhập cái âm nhạc mất nước của dân tộc Chàm bằng những lời ca Huế thì triều đại này chỉ còn đi xuống dốc. Một triều đại quyền lực, một trung tâm chính trị quốc gia lẫy lừng từ khi bị nhiễm lấy cái vi khuẩn của loại nhạc mất hồn của dân Chàm thì chỉ cần một thời gian ngắn là cả hệ thống chính trị Việt Nam bị suy đồi từ trí thức cho đến ý chí, từ tình cảm cho đến nghệ thuật” (Nguyễn Hữu Liêm, “Cái âm điệu tủi thân, bi đát”).
Chưa chắc ông Nguyễn Hữu Liêm đã nhận định đúng, nhưng cái đó nói lên hiện tượng rằng đại đa số người Việt nghĩ giọng ca Chế Linh đích thị là giọng của người dân mất nước, không sai.

3. Phụ lục. Cuộc nói chuyện dang dở [đúng hơn, các câu hỏi chuẩn bị cho Chế Linh đối phó với báo chí, khi lần đầu về Việt Nam]

CHẾ LINH & INRASARA

Chế Linh, người Chăm Tanran – Ninh Thuận, hiện sống tại Torento – Canada, một ca sĩ-nhạc sĩ nổi tiếng. Nhưng nếu chỉ nhìn Chế Linh như thế là còn rất phiến diện bởi, anh còn là một trí thức với nhiều ưu tư về đất nước Việt Nam, về văn hóa-xã hội Chăm, và về sáng tạo và trình diễn nghệ thuật. Website Binguchampa.org do anh chủ biên nói lên đầy đủ tư thế trí thức đó.
Ngày 18-10-2007, Chế Linh lần đầu tiên về Việt Nam cùng phái đoàn UNESCO với một chương trình của tổ chức quốc tế này, anh đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Inrasara.

Inrasara: Có thể nói không ngần ngại rằng anh – ca sĩ-nhạc sĩ Chế Linh và tôi – nhà thơ Inrasara, là hai nhân vật nổi tiếng nhất Cham hiện nay. Dĩ nhiên, nổi tiếng nhất chưa hẳn đã là giỏi nhất; nhưng tôi muốn nói đến nó để biết rằng: Chính sự được công chúng biết đến nhiều này đã tác động trực tiếp đến cộng đồng, nếu kẻ nổi tiếng biết điều tiết nó. Ngược lại sự nổi tiếng này sẽ trở thành phản tác dụng. Tạm mào đầu như thế, để anh em có thể trao đổi thẳng thắn và cởi mở hơn. Và cũng lưu ý là đây là cuộc trao đổi chứ không là một phỏng vấn hỏi và trả lời.
Được biết đây là lần đầu anh trở về Việt Nam sau khi rời khỏi đất nước; và anh trở về với tư cách là một thành viên trong phái đoàn UNESCO. Anh có thể cho người đọc biết chương trình của phái đoàn và của riêng anh kì này.
Chế Linh:…

Inrasara: Thuở nhỏ tôi là một FAN của anh, sau này tôi cũng thường xuyên theo dõi sinh hoạt trí thức của anh ở hải ngoại; dù anh em làng cạnh làng, và dù đã vài chục lần trao đổi thư điện tử qua lại, nhưng đây là lần đầu tiên anh em gặp mặt. Lạ thế đó! Và anh gây ấn tượng cho tôi rất mạnh: dản dị, thâm tình và gần gũi. Một người yêu quê hương như anh chắc hẳn thường xuyên theo dõi tình hình đất nước và quê hương. Cùng với mạng thông tin toàn cầu phát triển, anh có thể nêu vài nhận định của mình về tình hình đất nước, tình hình văn hóa-xã hội Cham, văn tắt nhất có thể? Cảm xúc và ấn tượng lần đầu anh trở lại Việt Nam?
Chế Linh:…

Inrasara: Ngoài công việc với UNESCO, chuyến về lần anh có dự định gì khác không, nhất là về chuyên môn anh? Phạm Duy trở về và đã rất thành công trong các live show cũng như quảng bá hình ảnh ông, anh có nghĩ mình cũng có thể làm được như thế: ví dụ các ca khúc của anh có được dự định in lại? Hay tổ chức các chuyến biểu diễn của anh? Tôi nghĩ không gì trở ngại cả, và ở trong nước, những người yêu giọng hát anh vẫn còn rất đông.
Chế Linh:…

Inrasara: Và cả dự kiến hay chương trình cụ thể về văn hóa-xã hội Cham nữa? Cộng đồng Cham hôm nay rất cần những bàn tay và kinh nghiệm như anh đóng góp vào. Chính phủ đã nhiều lần kêu gọi đóng góp của Kiều bào xây dựng đất nước; là đứa con của nắng, tôi tin anh ưu tư nhiều về vấn đề cộng đồng. Bởi ngay cả chị em trong nước thôi, Hồng Loan ở Tuy Phong hay Inrahani-Thuận Thị Trụ ở Ninh Phước cũng đã vận dụng sự quen biết để xin Quỹ quốc tế hỗ trợ chương trình nước sạch cho dân làng mình, thì với tầm hoạt động và uy tín của anh, chắc vấn đề sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Chủ quan tôi nhận định thế.
Chế Linh:…

Inrasara: Anh có chương trình đi thăm các cơ quan [về] Cham không? Ban biên soạn sách chữ Cham, Trung tâm văn hóa Chăm ở Ninh Thuận hay Câu lạc bộ sinh viên Cham tại TP Hồ Chí Minh? Hoặc có về thăm quê nhà Hamu Tanran? Anh sẽ nói gì với các cơ quan, tổ chức hay bà con, sau bao nhiêu năm xa cách? Cũng nghe tin anh sẽ dự Lễ hội Katê-Ramưwan Cham ở Sài Gòn do Chi Hội Cham thuộc Hội Dân tộc học vào ngày 28.10.2007 sắp tới, anh hỗ trợ họ như thế nào?
Chế Linh:…

Inrasara: Chúng ta cũng cần thật lòng với nhau, bởi khi đụng vào vấn đề tế nhị này, chỉ có sự chân tình hai bên mới khả năng giải tỏa vấn đề. Và chỉ có cơ hội này ta mới cởi mở để có thể đánh tan ngộ nhận không đáng có về anh. Vào năm 2002, một bài viết trên tờ An ninh Thế giới nhận định tiêu cực về anh, chắc hẳn anh đã biết đến nó. Bởi qua bài viết, một bộ phận hâm mộ tiếng hát Chế Linh đã nhìn con người Chế Linh khác đi ít nhiều. Vậy đâu là sự thật?
Chế Linh:…

Inrasara: Cả băng dĩa dân ca Cham được anh cho thu tại Malaysia nữa! Theo lối nhìn của tôi, nội dung các bài hát không có gì tác hại đến an nình quốc gia hay đồi trụy gì cả! Nhưng băng dĩa này đã gây sự nghi kị về anh. Từ đó, người ta đồn rất không hay về Chế Linh! Anh có thể cho bạn đọc biết thêm về việc làm và nội dung băng dĩa.
Chế Linh:…

Inrasara: Về tình hình Cham ở hải ngoại nói chung và ở Hoa Kì nói riêng, qua thông tin đại chúng, tôi cũng đã nắm bắt được ít nhiều: vui có, buồn cũng có. Nhưng phải là người trong cuộc, vui buồn cùng với nó thì mớí có thể hiểu chính xác hơn. Xin anh vắn tắt về tình hình bà con ngoài đó. Như vậy trước mắt anh và anh chị em trí thức có hoạt động nào đặc biệt?
Chế Linh:…

Inrasara: Dăm năm qua, Cham có một số Website hoạt động khá sôi nổi: Ilimochampa.com, Chamyouth.org, Gilaipraung.com… sau đó là Inrasara.com và cả Binguchampa.org của anh nữa. Có nhiều thông tin càng tốt, chúng giúp bà con và người ngoài cộng đồng có cái nhìn nhiều chiều. Anh có thể nói rõ hơn tôn chỉ và cách điều hành của Binguchampa.org.
Chế Linh:…

Inrasara: Trao đổi thâm tình và cởi mở như thế này là rất có lợi cho mọi người. Nó tránh được hiểu lầm về anh bên cạnh giúp bà con và người ngoài cộng đồng hiểu rõ hơn về nhiều khía cạnh văn hóa-xã hội Chăm. Cá nhân tôi và anh chị em Chăm cảm ơn anh rất nhiều về cuộc trao đổi này. Cuối cùng, với kinh nghiệm sống của anh – ở Sài Gòn gần 20 năm và ở Hoa Kì cũng ngần ấy – đủ biết anh sở hữu cả kho kinh nghiệm sống và sáng tác, anh có gì để gởi gắm chúng cho thế hệ trẻ hôm nay không? Dù khiêm tốn là đức tính tốt, nhưng rất mong anh đừng khiêm tốn!
Chế Linh:…
Xin cảm ơn anh, chúc anh có chuyến trở về bình an, vui vẻ và thành công.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *