Inrasara: PHAN QUỲNH TRÂM, MỚI LẠ TỪ THƠ SUY NIỆM VỀ THƠ

(đã in ở: Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, NXB Hội Nhà văn, 2015)
PHAN QUỲNH TRÂM: Sinh tại Đồng Nai, du học tại Úc từ năm 2000
Hiện sống và làm việc tại thành phố Sydney
Bắt đầu làm thơ, viết tiểu luận và dịch thuật từ năm 2008
Các tác phẩm và dịch phẩm thường đăng trên Tiền Vệ và Kunapipi journal. Một số bài thơ tiếng Anh của Phan Quỳnh Trâm được in trong cuốn Three Vietnamese Poets in Australia sẽ được nhà Vagabond tại Úc xuất bản vào cuối năm 2015.
PhanQuynhTram
*
Phan Quỳnh Trâm có loạt bài thơ “Metapoem”, có thể dịch là “Siêu thơ”. Siêu thơ không phải là siêu việt lên thơ, hay thơ siêu hình gì gì đó, như vài nhà phê bình từng gán nhãn mác đó cho thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, mà là “phía sau” thơ, hay thơ về thơ, suy niệm về thơ.
Quan niệm về thơ như thế đi chệch khỏi quỹ đạo thơ Việt, như lâu nay ta thường hiểu: thơ nói chí, thuyết đạo, hay diễn tình. Phan Quỳnh Trâm nghĩ khác. Bài thơ đầu tiên đăng Tienve.org: “Chân dung một bài vè chưa thành”
K.
B. (lại) muốn làm thơ
thơ B.,
tuyệt, không có chỗ cho Nguyễn Du,
đương nhiên, không phảng phất mùi Thuý Kiều
(hay tất cả những điều gì tương tự!)

thơ B.,
sẽ không có cổ cồn, cà-vạt
không Sartre không Kant
không Descartes không Leibniz
(hay rất nhiều những triết gia già mồm, lý sự.)

thơ B.,
sẽ không có nước mắt đàn bà
nồng nặc mùi nước hoa, son phấn (dù đắt tiền.)
thơ B., sẽ vô cùng dễ hiểu
nhưng không phải thứ mì ăn liền

thơ B.,
sẽ không phải năm chữ, lục bát
(bởi B. chẳng biết gieo vần.)
sẽ chỉ được đọc bằng mắt
để không thể tra tấn lỗ tai kẻ khác, khi cần.

thơ B.,
sẽ không có phượng hồng, áo tím
cũng sẽ không ẩn ức, dục tình
(chẳng phải B. không muốn)
chỉ sợ mẹ B. đọc được
diễn/suy/tra/khảo: tổ cực hình!

thơ B.,
sẽ không có thiền sư xuống núi
(ngủ một giấc)
chống gậy lên rừng.
không sát na, vô thường.

lạm phát!

thơ B.
đã vi phạm những điều ở trên.
làm thơ quá khó
tốt hơn hết
B. sẽ làm vè
“chi chi chành chành”
sao không?
Đùa nghịch thì hẳn rồi, ý muốn cắt đứt với truyền thống thơ Việt – cũng dễ thấy. Thi sĩ quyết bái bai sướt mướt cải lương, ẻo lả thục nữ con nhà, chối bỏ trịnh trọng đóng thùng, triết lí ba xu, siêu thực giả bộ, đắc đạo vờ vịt… Vậy, thơ như thế có còn là thơ không? Và thơ phải thế nào mới nên… thơ?
Phân biệt thế nào là thơ, thế nào không phải là thơ là một điều cực kỳ phức tạp. Quan niệm về thơ thay đổi theo từng trường phái và thời đại. Ngay trong một trường phái và một thời đại thì chúng cũng có sự khác biệt lớn giữa người này và người kia. Không một ai dám đưa ra một danh sách những tiêu chí rõ ràng về thơ như một khuôn mẫu để chỉ cần đưa vào cái “khuôn” ấy một bài thơ vào là có thể khẳng định nó… lọt khuôn hay trật khuôn “Thế nào thì gọi là thơ”.
Từ chối “thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng” (Chế Lan Viên), Phan Quỳnh Trâm vừa làm thơ vừa suy niệm về thơ. Suy niệm bằng các tiểu luận: “Vấn đề ranh giới giữa các thể loại”, “Phê bình về sự phê bình nhà phê bình”, “Văn học và chính trị”, “Thế nào thì gọi là thơ”… Suy niệm ngay trong tên các bài thơ: “Mĩ học của sự im lặng”, “Thơ, truyền thống và bản sắc”, “Những nhà thơ cho những lúc thật cần”, “Biến tấu trên một chủ đề”, “Biến thể của một câu chuyện”… Thế nên, Phan Quỳnh Trâm biết mình cần phải học, học bằng dịch thơ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Để viết khác đi. Và muốn viết khác đi, thì không thể ào ào, mà phải viết chậm, chậm lại và ít đi.
Có rất ít điều cần được nói lên – Ainsi parlait Heidegger!

Thơ nữ Việt đương đại, đã có vài người viết ào ào, cháy hết mình mà viết.
Vào đầu thế kỉ XXI: Vi Thùy Linh; đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỉ: Lưu Mêlan. Nếu Vi Thùy Linh ào ào [và ồn ào] bốc cháy đầy bản năng, hay Lưu Mêlan để thơ cuốn trôi trong dòng độc thoại nội tâm, thì Phan Quỳnh Trâm đầy suy niệm. Bản năng, thì dễ lặp lại truyền thống thơ hình thành nên thơ “mình” trước đó; độc thoại nội tâm mà không thường trực phản tỉnh thì dễ lặp lại chính mình. Đó là chuyện hai nhà thơ tài năng trên phạm phải. Phan Quỳnh Trâm ngược lại: mỗi bài thơ đến từ ý niệm, chứ ít khi từ cảm tính. Ý niệm mới và luôn đầy ý thức, nên nó luôn khác. Có thể không “hay”, nhưng phải khác.
Khác ở ngôn từ, thi ảnh, nhịp điệu và cách nghĩ. Khác ngay ở bộ phận nhỏ nhất của bài thơ: đại từ nhân xưng, hay nhân vật chính trong bài thơ.
Vi Thùy Linh chỉ có em và em luôn phải khép nép bên cạnh “anh”, núp dưới bóng anh, qua đó lép vế hẳn so với anh. Như thể thứ giới tính thứ hai đầy tòng thuộc. Dù là thơ nói về mình: “Sinh ngày 4 tháng Tư”, Linh cứ em và em. Lưu Mêlan đẩy thơ lên một nấc mới: tôi, mi, nàng, ta. Phan Quỳnh Trâm dấn thêm một bước quyết liệt hơn nữa: khách quan hóa tối ta đại từ nhân xưng. Là K, là B… như thể các nhân vật tiểu thuyết hậu hiện đại.
Đây không chỉ đơn thuần là thủ pháp nghệ thuật, mà còn, và nhất là –nó nói lên tinh thần tự do của người nghệ sĩ sáng tạo. Sáng tác nữ quyền, trong khi thế hệ đầu tiên viết lên gân để tỏ thái độ, rồi thế hệ tiếp sau đó mang tâm phân biệt giới ra đùa nghịch, thì Phan Quỳnh Trâm rất khác. Tôi không nói Phan Quỳnh Trâm sáng tác trong tâm thế nữ quyền, mà Trâm đã ở trong nó, và qua nó – viết. Đúng hơn, thi sĩ làm thơ mà hoàn toàn không biết có nó. Như thể tâm phân biệt giới chưa từng có mặt trên đời.
Khi tôi yêu và cảm thấy hạnh phúc, tôi đọc e. e. cumming
Khi tôi yêu và cảm thấy buồn buồn, tôi đọc Neruda
Khi tôi không biết mình có yêu hay không, chỉ thấy ngập tràn cay đắng, tôi đọc Bukowski
Khi tôi muốn nhớ lại những ngày thơ ấu, tôi đọc Gibran
Khi tôi cô đơn, tôi đọc Pessoa…
Khi tôi đếch biết mình muốn gì và cũng đếch biết mình chán hay yêu hay buồn hay hạnh phúc
Tôi làm thơ.
(“Những nhà thơ cho những lúc thật cần”)
Từ đó, những bài thơ ra đời. Ít, nhưng hoàn toàn khác lạ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *