HIỂU THÌ YÊU HƠN 10: Tinh thần Pangdurangga

Po Klaung Girai-Old [Tháp Po Klaung Girai – ảnh tư liệu cũ]
Pangdurangga là khu vực địa lí lịch sử cực nam trong 4 khu vực thuộc vương quốc Champa. Suốt chiều dài lịch sử đầy biến động của vương quốc, khu vực này luôn chịu thiệt. Về mọi mặt. Xa trung tâm văn hóa lớn là vùng Amaravati thời Champa hưng thịnh, nó ít được ưu ái; không biết bao lần bị đoàn quân Khmer xâm lăng mà nó phải đơn thương chống cự, rồi sau đó khi vương quốc suy yếu, Pangdurangga đã đứng trụ chính chịu trận để thay mặt cả dân tộc mà tồn tại. Tồn tại theo đúng tính cách của người Pangdurangga. Vị trí địa lí cùng hoàn cảnh sống buộc nó tự trang bị tinh thần độc lập. Tinh thần độc lập cùng sự đề kháng được tôi luyện thế hệ này qua thế hệ khác làm nên sức chịu đựng đến lì lợm. Do đó chẳng ngạc nhiện khi không ít lần, nó gây phiền hà cho chính triều đình trung ương. Một đoạn trên bi kí dựng trên đồi tháp Po Klaung Girai (Claude Jacques, p. 30-31):
… vì người ở vùng Pangdurangga này ngang bướng, ngu ngốc, hung ác luôn chống lại hoàng đế tối cao. Cuối cùng ngài phải thân chinh đến. Những kẻ chống đối muốn tôn người Pangdurangga lên ngôi vua. Nhưng bằng trí thông minh khôn khéo của mình, ngài đã chinh phục được tất cả…

Lạ, chính sự “ngu ngốc, ngang bướng” đó đã tôi luyện dân Pangdurangga để nó được là chính nó. Thế nên, thế kỉ XVIII, khi Chúa Nguyễn cai quản phần phía nam và Tây Sơn thống ngự phần đất phía bắc Pangdurangga, người Pangdurangga vẫn trụ vững. Hai nhà đã phải dành cho người Cham khu vực quyền tự quản và tự quyết. Rồi khi Gia Long thống nhất đất nước, người Chăm vẫn phần nào còn làm chủ mảnh đất quê hương mình. Để đến khi vua Minh Mạng quyết định hủy bỏ quy chế tự trị của Champa vào năm 1832, Champa mới bị xóa tên hoàn toàn khỏi bản đồ thế giới (P-B. Lafont, 2tr. 10).
Khởi nghĩa và bị càn quét. Chết chóc và chạy loạn đến không còn sinh linh nào trụ lại. Nhưng đất Pangdurangga vẫn thở, dưỡng nuôi mầm sống chờ đứa con trở về.
Trở về, chịu đựng và dung nạp tất cả cư dân các nơi khác chạy loạn thiên di tới, thổi vào họ tinh thần Pangdurangga tạo nên một cộng đồng cố kết, vừa đậm chất dân tộc vừa mang đặc trưng vùng miền. Quyết liệt và bao dung, ngang bướng mà vẫn nhún nhường, chính người Pangdurangga đã hóa giải và hòa giải hai tôn giáo từng đối kháng là Ấn Độ giáo và Islam để tạo nên “đạo Bà-ni” (Cham Awal) có một không hai trong lịch sử loài người.
… Nhớ, năm 1908, Cham Ninh Thuận vỏn vẹn 6.000 người, để đúng một thế kỉ sau, con số tăng gấp 12 lần: hơn 72.000 người. Đói khát, họ vẫn làm lễ, đủ loại lễ hội. Đau khổ, họ vẫn ca hát, nhảy múa và làm thơ – mênh mông thơ được viết ra trong giai đoạn này. Chưa qua kĩ thuật in ấn, họ chép truyền tay nhau thứ chữ “con giun” đầy mĩ thuật. Sống xen cư và cộng cư với người Việt, họ nhanh chóng hòa đồng nhưng chưa bao giờ đánh mất tính cách Pangdurangga cũng như bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *