Bá Minh Truyền: NGHIÊN CỨU, BẢO TỒN VĂN BẢN LÁ BUÔNG (AGAL BAC) CỦA NGƯỜI CHĂM Ở NINH THUẬN VÀ BÌNH THUẬN

Buổi toạ đàm khoa học
Sau 40 năm thống nhất đất nước (1975-2015), lần đầu tiên các chức sắc người Chăm ở Panrang-Kraong-Parik-Pajai thuộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có cơ hội gặp nhau và thảo luận về chủ đề công tác nghiên cứu, bảo quản thư tịch trên chất liệu lá buông của người Chăm. Bài viết này, là những ghi chép, tóm tắt ý chính của các chức sắc, các nhà quản lý, lãnh đạo địa phương và các nhà nghiên cứu trình bày tại buổi Toạ đàm Khoa học.
Sáng ngày 1-8-2015, tại Hội trường Trung tâm trưng bày văn hoá Chăm tỉnh Bình Thuận diễn ra buổi Toạ đàm khoa học mang chủ đề “ Nghiên cứu, bảo tồn văn bản lá buông (Agal Bac) của người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận” do Ts. Trương Văn Món làm chủ nhiệm đề tài. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số IV.3-2013.04P).
Thư tịch viết tay trên lá buông
Sau tiết mục văn nghệ và giới thiệu đại biểu là phần thuyết trình của các nhà nghiên cứu và chức tôn giáo Ahiér và Wal ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Dưới đây là tóm tắt nội dung chính các ý kiến toạ đàm và trao đổi.
1. Ts. Trương Văn Món (Khoa Nhân học,Trường ĐH KHXH&NV Tp.HCM).
Là người trực tiếp thực hiện đề tài nghiên cứu, Ts. Trương Văn Món đã phát biểu đề dẫn. Văn bản lá buông là công trình được nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam sau những công trình nghiên cứu về bia ký do các học giả người Pháp thực hiện để tìm hiểu về văn hoá Chăm. Mục tiêu chính của đề tài nghiên cứu văn bản Chăm viết trên chất liệu lá buông nhằm bảo tồn văn hoá dân tộc Chăm. Sau khi tiến hành sao chụp, các nhà nghiên cứu sẽ đọc, nhập liệu và dịch nội dung, công bố và in sách. Bên cạnh đó, còn đề xuất những giải pháp bảo tồn văn bản lá buông bằng những phương pháp tốt nhất.
2. Po Dhia Hán Đô (Chủ tịch Hội đồng Cả sư Bà la môn giáo tỉnh Ninh Thuận).
Qua chương trinh nghiên cứu của Ts. Trương Văn Món đã sưu tầm, tập hợp các thư tịch viết tay của người Chăm trên lá buông. Đây là việc làm rất có ý nghĩa giúp cho các chức sắc thấy được toàn bộ các bộ kinh của người Chăm. Nguồn thư tịch lá buông của Po Dhia Hán Đô, Po Basaih Quảng Sở đã được sao chụp và lưu trữ trong máy tính. Ts. Món giúp phổ biến nội dung viết trên lá buông rộng rãi để mọi người có điều kiện hiểu biết về văn hoá Chăm. Nội dung kinh lá buông là những bài kinh hành lễ trên các đền tháp do Po Dhia thực hiện. Kết quả, nghiên cứu đã phục chế thành công kỹ thuật chế tác và viết chữ trên chất liệu lá buông.
3. Tapah Tạ.
Nội dung viết trong các bộ kinh lá buông là các bài kinh thực hiện nghi thức tôn giáo của người Chăm Ahiér. Qua một thời gian dài sử dụng, các bộ kinh bị hư hỏng, rách, mục, nét chữ bị mờ nét, mất chữ. Nên tôi rất mong các nhà khoa học sao chép lại những thư tịch lá buông. Từ đó, có biện pháp bảo tồn tốt hơn.
4. I Mâm Dư (Phó Chủ tịch Hội đồng Cả sư Hồi giáo Bà Ni tỉnh Ninh Thuận).
Trải qua bao biến cố của lịch sử, dân tộc Chăm thật may mắn vẫn còn giữ được những văn bản lá buông. Từ trước đến nay, tôi chỉ thấy các văn bản viết trên giấy, hôm nay mới thấy những bản chép tay của người Chăm viết trên lá buông. Người Chăm giữ thư tịch rất kỹ, họ ít khi cho người ngoài mượn đọc hay sao chép. Cho nên, thường bị thất truyền rất đáng tiếc. Do vậy, cần phổ biến thư tịch đang bảo quản của các cá nhân để nhiều người cùng tham khảo, nghiên cứu nhằm mục đích bảo tồn văn hoá.
5. Nhà nghiên cứu Sử Văn Ngọc (Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam).
Agal bac- Thư tịch lá buông chỉ được truyền bá trong phạm vị các vị Po Dhia với nhau. Thậm chí những chức sắc cấp hàm Po Basaih cũng không được phổ biến để đọc. Theo tôi, cần dạy cho các Po Basaih về cách đọc những nội dung ghi chép trong văn bản viết bằng lá buông.
6. Po Basaih Quảng Sở.
Thư tịch lá buông do các Po Dhia sử dụng và bảo quản, hiện nay kỹ thuật chế tác đã bị thất truyền. Do đó, cần sớm có kế hoạch bảo quản, nghiên cứu về thư tịch lá buông, có cách lưu trữ tốt hơn, phổ biến rộng rãi trong hàng ngụ chức sắc Po Basaih.
Agal bac do tôi bảo quản đã bị hư hỏng do ít mở ra đọc và làm vệ sinh. Tôi đã dùng rượu đề lau chùi, vệ sinh nên đọc ngày càng rõ nét. Đối với loại thư tịch viết tay cần thường xuyên chăm sóc, phơi nắng, bảo quản nơi thoáng mát.
Theo cha tôi kể lại, có nhiều loại lá buông, nếu chọn lá buông để viết chữ thì nên hái vào mùa khô, sử dụng loại bút có đầu nhọn để viết và loại mực takuk. Nội dung viết trên lá buông là bài kinh hành lễ. Khi có đoàn nghiên cứu của Ts. Trương Văn Món đến khảo sát và hướng dẫn các bảo quản, các chức sắc thấy việc làm đó rất có ý nghĩa để bảo tồn và phát huy các giá trị thư tịch của người Chăm.
Do đó, cần mở những lớp học viết thư tịch trên chất liệu lá buông cho các tầng lớp chức sắc Chăm.
7. Po Basaih Hán Mắn.
Khi còn nhỏ tôi học chữ Chăm từ cha tôi, ban đầu học cách đọc và ráp vần tên gọi 12 con giáp. Sau đó, đọc các bài Ariya, truyện cổ tích. Sau một thời gian dài theo Po Dhia, tôi mới đọc được chữ viết trên chất liệu lá buông.
Nghe Po Dhia kể về cách viết chữ trên lá buông, tôi thực hành nhiều lần rồi nhưng vẫn không thành công. Khi tiếp túc với Ts. Trương Văn Món và thành viên đoàn nghiên cứu nói về kỹ thuật chế tác lá buông ở Indonesia và của người Khmer thì tôi mới phục chế thành công kỹ thuật chế tác lá buông để viết chữ.
8. Tapah Luôn.
Khi hiểu về ý nghĩa và giá trị của các bộ kinh viết trên chất liệu lá buông chúng ta mới thấy tính cấp thiết cần phải có phương pháp bảo quản để tránh bị hư hỏng. Tôi đang bảo quản 3 quyển kinh lá buông trong tình trạng bị dính bụi, mực bị mờ, rách, mòn nét. Từ năm 2014, khi có Ts. Trương Văn Món đến nghiên cứu và chỉ cách lau chùi, vệ sinh, bảo quản. Tôi đã dùng rượu để vệ sinh định kỳ.
Khi đã biết cách xử lý thư tịch lá buông, giúp tôi đọc được chữ viết dễ dàng. Nội dung viết trên lá buông là các bài kinh kệ, bài kinh, chú đuổi tà ma .v.v.
9. Tapah Nhuận.
Tại Kraong-Tuy Phong-Bình Thuận có nhiều văn bản viết tay. Riêng tại gia đình có 7 bộ kinh bằng lá buông. Văn bản lá buông vẫn trong tình trạng tốt. Đặc điểm của lá buông khi qua sử dụng thường giòn, chữ mờ, mất nét khó đọc. Tôi thường xuyên lau chùi bằng vải mềm. Số thư tịch lá buông tôi đang bảo quản là của cha vợ để lại. Agal bac chỉ được lưu hành nội bộ trong giới chức sắc Po Basaih.
Đối với nhưng văn bản bị mờ thì tôi dùng bột than chà lên dần dần nét chữ sẽ đậm nét và dễ đọc hơn.
10. Ông Lâm Tấn Bình (Giám đốc Trung tâm trưng bày văn hoá Chăm tỉnh Bình Thuận).
Để bảo quản tốt nguồn thư tịch đang lưu trữ, Trung tâm trưng bày văn hoá Chăm tỉnh Bình Thuận có ký hợp đồng khử trùng và mối mọt thường xuyên. Riêng về lá buông ở Bình Thuận có Tapah Nhuận đang giữ 7 quyển là nhiều nhất. Văn bản vẫn còn nguyên vẹn khoảng 50%.
Cách người Chăm bảo quản thư tịch là bỏ vào túi vải, treo lên chỗ cao ráo, thoáng mát. Agal bac là tư liệu quý giá được truyền từ nhiều đời, độ tuổi trung bình khoảng 300 năm. Nếu như chữ viết không được đọc thường xuyên người Chăm gọi là Akhar Bhaow (Chữ bị hoang hoá-Tử ngữ). Do đó, cần có những thống kê, điều tra, đánh giá tình trạng văn bản đang lưu trữ trong các gia đình người Chăm hiện nay để có biện pháp bảo quản tốt nhất có thể.
Hiện nay, số người biết đọc chữ Chăm đã ít, người đọc được chữ viết trên lá buông càng hiếm nữa. Về phương pháp bảo quản, ngoài cách bảo quản truyền thống ở các gia đình, cần sao chụp Microfilm, khử trùng. Một thực trạng đáng tiếc, là các gia đình đem thư tịch thả xuống sông, thả trôi biển do không có người kế thừa.
11. Tapah Tuỵ.
Tôi đang bảo quản 24 thư tịch viết tay về các bài kinh hành lễ. Thư tịch trong tình trạng bị rách, hư hỏng. Cách thức mà tôi bảo quản là đựng trong cái Ciét và đựng trong tủ. Nội dung của các thư tịch nói về lịch sử, thiên văn, lịch pháp. Đây là di sản văn hoá của dân tộc Chăm.
12. Ts. Bá Trung Phụ (Bảo tàng lịch sử Tp. Hồ Chí Minh).
Từ hiện trạng bảo quản thư tịch của người dân hiện nay, cần có những biện pháp bảo quản hiện đại, tối ưu nhất để chống lại sự xâm hại của môi trường, côn trùng ảnh hưởng thư tịch cổ. Agal bac thường viết về lễ nghi, phong tục tập quán của người Chăm. Hơn 50% thư tịch người Chăm bị hư hỏng bởi các tác nhân của nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng.
Để có giải pháp đơn giản và hiệu quả cứu thư tịch Chăm, cần vệ sinh thư tịch định kỳ bằng cách mang ra phơi nắng. Thời gian phơi nắng tốt nhất là từ 8- 10 giờ sáng.
Bên cạnh công tác bảo tồn cần phát huy giá trị kỹ thuật chế tác văn bản lá buông, mở lớp dạy viết chữ trên chất liệu lá buông, phục chế văn bản lá buông, hướng dẫn cách đọc thư tịch cổ.
Sau khi nghe các chức sắc và các nhà nghiên cứu phát biểu, các đại biểu tham dự buổi Toạ đàm đưa ra ý kiến thảo luận, trao đổi diễn ra rất sôi nổi.
13. Ông Bố Xuân Hổ (Hội viên Hội văn nghệ dân gian tỉnh Bình Thuận).
Trước đây, Viện Viễn Đông Pháp cổ Hà Nội có sưu tầm một số lượng lớn thư tịch viết tay trên chất liệu lá buông từ cụ thân sinh của tôi là cụ Bố Thuận.
Những thư tịch Chăm thường viết về các lễ nghi tuyệt đối như sinh đẻ, tang ma, các lễ nghi thời vụ như nghi lễ nông nghiệp.
Điều mà tôi quan tâm nhất là làm sao để mọi người có thể học và đọc được văn bản viết trên lá buông ?
14. Bá Minh Truyền (Trung tâm Nghiên cứu văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận).
Tham dự buổi Toạ đàm, tôi xin thông tin thêm về thư tịch lá buông của người Chăm. Trong các năm 1997, 1998 và 2000, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm có sưu tầm được 12 quyển thư tịch viết bằng chất liệu lá buông với số lượng 749 trang. Những bộ kinh lá buông này vốn là bài kinh được sử dụng khi làm các nghi lễ tôn giáo trên đền tháp của Po Adhia Hải Quý ở thôn Vĩnh Thuận, thị trấn Phước Dân, Po Bac Lưu Thiết ở thôn Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân và của ông Thành Ngọc Sẻ ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Theo Po Adhia Hải Quý thư tịch lá buông này đã được sử dụng qua 3 đời Po Dhia trụ trì ngôi đền Po Inâ Nâgar ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Từ đời Po Adhia Nguyễn Thanh đến Po Adhia Lâm Ai và truyền lại cho Po Adhia Hải Quý. Như vậy, những bộ kinh lá buông mà Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm sưu tầm được có độ tuổi ít nhất cũng khoảng 200-300 năm.
Hiện nay, các thư tịch đang lưu trữ và trưng bày tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm trong trình trạng tốt vì đã thực hiện việc tu bổ, bồi nền đóng thành tập quyển sách, khử côn trùng gây hại, đọc và dịch đầu mục. Đặc biệt, thư tịch lá buông cũng đã được số hoá lưu trữ bằng đĩa CD-Rom và trong máy vi tính bằng phần mềm chuyên dụng. Nên, rất thuận tiện cho công tác trưng bày giới thiệu và phục vụ nghiên cứu khoa học.
15. Đạo Thanh Quyến (Học viên cao học Trường Đại học văn hoá Tp. Hồ Chí Minh).
Trong buổi Toạ đàm khoa học hôm nay có sự tham dự của các chức sắc Chăm Ahiér và Awal tôi xin hỏi: Người Chăm Awal có viết chữ trên chất liệu lá buông không ? Những ghi chép của chức sắc Awal trên lá buông về việc cho ngày, giờ làm nghi lễ Padhi có được xem là Agal bac không ?
Theo ý kiến cá nhân, chúng ta nên sớm triển khai kế hoạch đọc, dịch nội dung viết trong các quyển sách lá buông. Đặc biệt, khôi phục kỹ thuật chế tác thư tịch lá buông.
16. Pgs.Ts. Thành Phần (Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam-Đông Nam Á-Trường Đại học KHXH&NV Tp. Hồ Chí Minh).
Trong các cuộc Hội thảo, Toạ đàm khoa học thường các nhà nghiên cứu hay đưa ra rất nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để làm tốt công tác sưu tầm, bảo quản thư tịch lá buông của người Chăm cần có giải pháp mang tính bền vững.
Sau khi dự án nghiên cứu kết thúc ai sẽ là người tiếp tục công việc bảo tồn, khai thác nội dung thư tịch cổ?. Việc sao chép thư tịch lá buông rất dễ xảy ra tình trạng tam sao thất bản làm sai lệnh, mất đi tính chuẩn xác của văn bản.
Theo tôi, công việc, trách nhiệm bảo tồn và phát huy thư tịch cổ lá buông thuộc về Hội đồng Cả sư, Trung tâm nghiên cứu văn hoá Chăm Ninh Thuận và Trung tâm Trưng bày văn hoá Chăm Bình Thuận.
Để trả lời câu hỏi của Pgs.Ts. Thành Phần: Ai là người chịu trách nhiệm bảo tồn thư tịch lá buông? Các đại diện chức sắc ở Ninh Thuận và Bình Thuận đều sẵn sàng hợp tác, phối hợp với các cơ quan, nhà khoa học để bảo tồn và phát huy thư tịch lá buông nhằm bảo tồn những di sản văn hoá Chăm. Điều trước tiên, là hướng dẫn các lớp học đọc thư tịch lá buông, mở các lớp đào tạo kỹ thuật viết chữ trên lá buông trong hàng ngụ chức sắc.
17. Ka Đếm (Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận).
Chủ đề của buổi Toạ đàm khoa học hôm nay là rất mới. Để có kinh phí đầu tư cho các dự án nghiên cứu, bảo tồn thư tịch cổ của người Chăm cần có sự phối hợp từ nhiều ban ngành mới có thể đưa ra kinh phí để thực hiện, triển khai được.
Kết thúc phần thảo luận, trao đổi ý kiến, Ts. Trương Văn Món đại diện cho lãnh đạo Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tổng kết buổi Toạ đàm khoa học, đánh giá các ý kiến phát biểu và nội dung chính của các bài thuyết trình. Từ đó, đề ra phương hướng trong thời gian tới cần đọc và dịch nội dung ghi chép văn bản lá buông công bố, xuất bản sách, mở rộng hợp tác với các cơ quan liên ngành thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn thư tịch lá buông. Đặc biệt là tập huấn kỹ thuật chế tác thư tịch lá buông./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *