SOREN KIERKEGAARD (1813-1855)

2015-8-1Caphethu7-02
Ông không phải là triết gia, bởi triết học không làm gì hơn tham vọng nhận thức thế giới để thu tóm thế giới vào một hệ thống. Mà ông là kẻ chống hệ thống quyết liệt, ở đó Hegel là tiêu biểu.
Ông tin Thượng đế, nhưng cả đời ông chống Giáo hội. Bởi Giáo hội không thể đại diện cho Thượng đế, Giáo hội không gì khác một hệ thống khép kín ở chiều ngược lại với triết học.
Ông chống cả thái độ thỏa hiệp ý hướng dung hòa Hegel và Giáo hội.
Là cuộc chiến không cân sức: một chống lại muôn người.
Trong đất nước nhỏ bé của một ngôn ngữ nhỏ bé, ông không tìm ra đối thủ xứng tầm. Tai hại thay cho kẻ không có đối thủ xứng tầm.
Cuối cùng ông đã gục ngã giữa phố, và chết. Chết ở tuổi sung sức nhất của đời người: 42; chết trong ghẻ lạnh, chết như một kẻ thất bại.
Nhưng đó là cái thất bại huy hoàng của một Hiện Sinh.
Ông bị lãng quên cho đến hơn trăm năm sau giữa hai thế chiến, nhân loại mới khám phá ra ông. Wittgenstein cho ông “là nhà tư tưởng sâu sắc nhất của thế kỉ vừa qua”. Thế giới nâng ông lên hàng ông tổ thuyết Hiện sinh.
Và gì nữa…
Soren Kierkegaard: “Rơi vào tay Thượng đế là một điều khủng khiếp, khủng khiếp hơn nữa nếu ta rơi vào sự lãng quên Thượng đế”.

*
Nếu trong hệ thống triết học của Kant hay Hegel, người đọc không thấy đâu bóng dáng đời tư các ông, còn ở Kierkegaard thì khác, chúng đầy tràn. “Dấu ấn đời sống cá nhân gắn liền vào biến cố và cái thường ngày” làm nên ‘triết học’ Kierkegaard. Không phải Kant, Hegel không có đời sống cá nhân, hay đời sống cá nhân không ảnh hưởng đến tư duy họ, mà họ muốn loại bỏ chúng khỏi lâu đài triết học của mình.
Kierkegaard ngược lại, ông cho rằng đó chỉ là hệ thống chứ không phải đời sống thực, không phải con người với các lo âu, sợ hãi và run rẩy của con người.
Trong lĩnh vực văn học, có thể đối sánh H. Balzac với Henri Miller. Nếu người trước tham vọng làm ‘thư kí thời đại’, thì người sau tuyên bố đến lúc nào đó tôi chỉ viết về tôi, về những người tôi quen biết, người yêu tôi và bạn bè tôi, đời sống quanh tôi mà hoàn toàn không quan tâm đến chuyện khác; bởi tôi nghĩ chúng chỉ là văn chương.
Ngay bộ môn nghiên cứu cũng hệt. Bên cạnh những nhà mang ý hướng diễn ngôn một nền văn hóa, hay một mảnh văn minh – chặt chẽ và đầy tính khoa học; thì cũng có nhà chỉ đi và ghi chép cảm nghĩ của hắn quanh những gì hắn thấy, hắn nghe, hắn biết; nhưng không phải vì thế mà tác phẩm hắn kém giá trị.

Ở thời kì hiện tại, ý đồ dựng nên tác phẩm đồ sộ như Chiến tranh và Hòa Bình hay Anh em nhà Karamazov không nằm trong kế hoạch của nhà văn hậu hiện đại.
Vậy thì hắn muốn làm gì?…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *