Inrasara: KHÁNH PHƯƠNG ĐÃ QUẢNG CÁO THƠ NỮ TRONG HÀNH TRÌNH CẮT ĐUÔI HẬU TỐ ‘NỮ’ NHƯ THẾ NÀO?

Tienve.org, 3-7-2015
Sáng nay, mở mắt đọc ngay bài Khánh Phương quảng cáo cho tác phẩm sắp phát hành của tôi: Thơ nữ trong hành trình cắt đuổi hậu tố ‘nữ’ bằng bài viết: “Trao đổi ngắn với nhà thơ Inrasara về những sai lầm và phiến diện trong phương pháp phê bình “THƠ NỮ TRONG HÀNH TRÌNH CẮT ĐUÔI HẬU TỐ NỮ”” (Tienve.org, 2-7-2015).
Tiếc là bạn quảng cáo hơi trật, trật từ chi tiết nhỏ trật đến trung tâm tinh thần cuốn sách.

1. Chi tiết
– Khánh Phương viết: “Theo diễn giải của bạn trong nội dung tiểu luận và sách đã công bố”.
Tiểu luận Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix “nữ” đăng Talawas.org, tháng 12-2005 sau đó tôi in trong Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn năm 2008, chứ không phải 2014 như KP nhầm.
– Dùng văn bản [tiểu luận] tôi viết cách nay 10 năm để phê bình phần dẫn nhập [trong tác phẩm cùng tên: Thơ nữ trong hành trình cắt đuổi hậu tố ‘nữ’] của tôi hiện nay, là sai to. Sai hơn nữa, khi bạn chưa đọc phần chính của tác phẩm là các lời bàn trong “& 20 tiếng thơ nữ quyền đương đại” để biết tôi viết gì trong đó.
– Tôi chưa có phát biểu nào tương tự: “thơ nữ” có nghĩa là thơ do các bạn nữ ở Việt Nam viết ra.”, ngược lại là khác. Ở đây, KP đoán mò rồi.
[tham luận ở Viên Văn học, 5-2015, tôi viết: “Cần xác minh rõ: thơ nữ quyền không chỉ ở người nữ làm thơ, mà là [và nhất là] thơ được sáng tác trong tinh thần nữ quyền. Nữ quyền từ cảm thức cho đến cách sử dụng ngôn từ.”

2. Lí thuyết – tinh thần & thao tác
– Lí thuyết
KP viết: “Lấy lại tất cả cơ sở lý thuyết trong sách vở của các thời kỳ 1949, 1968, 1980 làm chỗ dựa cho khảo luận của mình mà không có bất cứ một chủ kiến nào khác, bạn Inrasara rất liều lĩnh khi phủ nhận sạch trơn tất cả thành quả của 3 cuộc cách mạng nữ quyền trên toàn thế giới.”
“1949, 1968, 1980” chính là “3 cuộc cách mạng nữ quyền trên toàn thế giới”, tôi dùng nó để khảo sát thơ nữ quyền Việt, vậy Inrasara “phủ nhận sạch trơn tất cả thành quả của 3 cuộc cách mạng nữ quyền trên toàn thế giới” ở đâu nhỉ? Đó là chưa nói sau đó, tôi còn vận dụng thành tựu mới về nữ quyền luận là postfeminism nữa.
Tôi không là nhà lí thuyết mà là nhà phê bình thực hành, thế nên không cần “có chủ kiến nào khác” về lí thuyết. Tôi vận dụng 3 “chủ kiến” kia + postfeminism vào phê bình thực hành của tôi là thơ nữ quyền Việt, ở đây chủ kiến tôi thể hiện rất rõ ràng [quá rõ nữa là khác]. Do đó muốn biết nó xanh đỏ thế nào, hãy tìm trong văn bản phê bình thực hành kia.
– Tinh thần
Phi tâm hóa, vô phân biệt thì oách rồi, lí tưởng thế ai mà chẳng ham. Thế nhưng thế giới trước đây và hiện tại vẫn còn đầy tràn sự phân biệt. Trong sáng tác văn chương Việt cũng thế, do đó tôi cần đi vào lòng sáng tác đó để khảo sát, nhận định. Để giải trung tâm, phê bình của tôi hướng về ngoại vi, ở đó thơ nữ quyền là một trong những. Nhiều người tiếp nhận phê bình của tôi qua tâm thế “hướng tâm”, phiền là chỗ đó.
Thử đọc qua phần mở đầu tiểu luận Văn chương ngoại vi/ trung tâm, từ một góc nhìn (Tia sáng, số 14, 20-7-2006):
“Vấn đề ngoại vi/ trung tâm chắc chắn không thuộc bản chất văn học, nhưng phiền nỗi nó là hiện tượng có thật. Kéo dài hằng chục thế kỉ, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến phát triển/ trì trệ của nhiều nền, dòng văn học. Một dân tộc, một địa phương hay khu vực. Bức tường được hình thành nơi tâm lí xã hội khá phức tạp, quy định bởi vị trí địa lí-lịch sử, sức mạnh kinh tế-chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, số dân, nỗi to/ bé của giải thưởng… thậm chí cả sự cao/ thấp của chức vị hay địa vị chẳng dính dáng gì đến văn chương cả!
Bức tường thành tưởng đã sụp đổ khi chế độ thực dân tàn lụi sau thế chiến thứ hai, khi tư tưởng tự do dân chủ được truyền bá khắp thế giới, nhất là khi văn hóa internet phát triển phồn thịnh biến trái đất thành một làng: làng toàn cầu. Nhưng không! Nó vẫn có đó, lù lù và vững chãi. Cứ như một thách thức. Nữa, những tưởng chỉ có phía mạnh (trung tâm) mới có ý đồ dựng và bảo trì bức tường mà lạ thay, ngay cả phe yếu (ngoại vi) cũng rất kiên trì tâm thế bám trụ!”
Tôi đã thử phân tích tâm thế này với những biểu hiện khác nhau trong các bài viết: Ngôn ngữ số ít/ số đông qua đối sánh thân phận thơ tiếng Chăm bên cạnh thơ tiếng Việt: Sáng tác văn chương Chăm hôm nay (Tienve.org, tháng 2-2000). Cái gọi là văn chương địa phương/ trung ương: Nhập cuộc và hy vọng qua sơ bộ lập biên bản sinh hoạt văn học tỉnh Ninh Thuận (Văn nghệ Ninh Thuận, số 16-2001). Văn học dân tộc thiểu số/ đa số: Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động (Talawas.org, tháng 4-2004). Văn chương ngoài lề/ chính thống: Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn qua Nhóm Mở Miệng và làn sóng thơ nữ Sài Gòn (Tienve.org, tháng 3-2005). Sáng tác nữ/ nam giới: Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi suffix “nữ” (Talawas.org, tháng 12-2005). Và nhiều nữa…

– Thao tác
Tôi khảo sát “tiến trình” chứ không ở thời đoạn cố định, dù nguyên liệu được dùng để minh chứng là thơ nữ quyền Việt đương đại (phần 2). Đương đại, nhưng khá nhiều nhà thơ Việt vẫn còn bám trụ cổ điển, tiền-hiện đại, vân vân. Thế nên tôi mới có câu: “Từ “em thuộc về anh” hay “anh của em” đến “em và anh” là cả một vực thẳm ý thức!” [lấy ý thơ của Lê Thị Thấm Vân qua đối sánh với Vi Thùy Linh], và “Chỉ khi nào chúng ta để cho giới tính như là thế, giới tính mới hết còn là vấn đề.” [các sáng tác của Phan Quỳnh Trâm, và…].
Thế nên tôi mới dẫn câu ““Thật nguy hiểm cho nhà văn nào khi viết lại nghĩ về giới tính của mình” của Virginia Woolf để dẫn nhập cho phần phân tích: “… tới nỗ lực cắt đuôi hậu tố ‘nữ’.

Còn việc KP khuyên bảo tôi nên nghiên cứu “đàn ông thơ” thì hơi thừa. Với “Ngọn cỏ” ngắn ngủn, Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã giải quyết chuyện đó rất ngon lành: nhà thơ này dẫn quý ông và ngôn từ của quý ông ra, hóa giải, đùa nghịch và để cho nó là. [Tôi cho đây là bài thơ độc đáo, hay và lớn nhất thuộc dòng thơ nữ quyền Việt].
Cuối cùng, các nhà thơ “cách tân đơn lẻ” như Phan Thị Vàng Anh, Phạm Tường Vân, Khánh Phương… và nhất là thế hệ thơ hậu hiện đại mới như: Lưu Mêlan, Phan Quỳnh Trâm, Tiểu Anh đã sáng tạo trong tâm thế “giới tính không còn là vấn đề”. Cách tư duy và lối thơ khác lạ ấy đã và đang làm thành một trào lưu mới trong sáng tác nữ quyền Việt: thơ không cần thiết phải la lối hay gồng mình đánh đấm tinh thần nam quyền cùng thái độ kẻ cả của nam giới xưa cũ nữa, bởi đơn giản – họ đã ở trong thời đại giải nữ quyền (de-femenism) rồi.
Không là một tin lành sao?!

Tất cả đều tìm thấy trong Thơ nữ trong hành trình cắt đuổi hậu tố ‘nữ’!
Mại dzô… mại dzô…

Sài Gòn, sáng 3-7-2015

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *