Tiếng nói nhà văn: Về Đá ‘Kut” ở Boh Dana

(Chuyên đề Đá Kut Boh Dana)
Sáng ngày 27-6, tôi có “Thư gửi Chính quyền Huyện Ninh Phước & Các bạn trẻ Cham” nhưng không đăng, mà chỉ gửi cho 3 bạn trẻ để các bạn tham khảo tìm hướng giải quyết. Thư chỉ đặt các câu hỏi gợi ý, bởi tôi nghĩ đây là vấn đề mang tính địa phương, tin rằng các bạn trẻ và bà con có thể tháo gỡ được. Nay, sự thể đẩy đến nguy cơ đổ vỡ, nên tôi xin góp lời.
Ở đây, “Đơn Kiến nghị” do 207 bà con Chất Thường kí gửi lên cơ quan cấp trên vào ngày 26-5-2015 mang tính bước ngoặc. Khi viết “Thư” trên, tôi chưa biết “Đơn” này đã được gửi đi.(1)
Xin đăng nguyên văn “Thư”, kèm theo lời bình MỚI VIẾT THÊM để trong […] in nghiêng.
Bao Ninhthuan
Inrasara
THƯ GỬI CHÍNH QUYỀN HUYỆN NINH PHƯỚC & BẠN TRẺ CHAM
Sài Gòn, 5g 27-6-2015

Kính gửi…
Các bạn trẻ thân mến!
Về sự cố xung quanh Đá ‘Kut” ở palei Boh Dana – thôn Chất Thường, Phước Hậu, Ninh Phước – Ninh Thuận, theo tôi tốt hơn [bên này] không nên tố cáo, [bên kia – chính quyền] không cần phải cưỡng chế, trấn áp, mà là tìm cách giải quyết vấn đề. Kinh nghiệm về giải quyết êm đẹp “Đất Ghur Cham Bini” (xem Phụ lục) có thể cho chúng ta bài học.
Thứ nhất, cần thông tin đầy đủ, nhiều chiều, không nên phiến diện, cắt khúc hay lêch lạc từ đó mọi người mới nắm được chính xác vấn đề để giải quyết. Các câu hỏi cần phải trả lời nghiêm túc là:

I. Nguyên do sự việc
1. Đá ‘Kut” kia là gì? Thờ Pô nào? Nó có thuộc hệ thống tín ngưỡng của cộng đồng Cham không, hay chỉ thuộc địa phương? Cần khảo tả rõ tục thờ cúng ở đây với hình ảnh cụ thể.
[Nội dung “Đơn” của bà con đã trả lời rõ. Sara bình thêm: Tục thờ Đá là của chung dân Đông Nam Á. Theo tôi biết, hòn “Đá” đơn này không là “Kut” đúng nghĩa, mà có thể tạm gọi là “Đá Đực”, đá Linga. Do đó nó không thuộc hệ thống phụng tự của cấp Paxeh, mà thuộc tín ngưỡng nông nghiệp. Dĩ nhiên ở mỗi địa phương khác nhau có hình thức thờ cúng khác biệt nhất định. “Đá” này là biểu tượng phồn thực tạo sinh sôi nẩy nở cho đất, nên thường được dựng giữa ruộng, góc vườn hay dưới gốc cây. Ở cánh đồng Chakleng xưa có 4 phiến đá dạng này, sau khi Mỹ Nghiệp vào hợp tác xã, ruộng thành của chung không ai cúng tế nữa, và cả 4 đã biến mất. “Đá” này khi còn được thờ phụng, nó vẫn thiêng. Đá ‘Kut” ở palei Boh Dana còn thiêng và được bà con phụng tự, là vậy. Bảo đó là Kut hoang, thì e không phải].

2. Đá ‘Kut” xưa nằm trong palei [cần có bản vẽ], khi làng mở rộng nó đã nằm ngoài làng. Bà con dân làng đồng ý dời Đá ‘Kut” đến đất Cà Giang cách làng 600m, được Cả Sư làm lễ dời, đúng không? Tại sao phải dời đi? Lúc đó có ai phản đối không? Nếu làng còn lưu văn bản, nên đưa văn bản ra. Có phải là năm 1989?
[Nội dung “Đơn” của bà con đã trả lời rõ: lí do dời đi, không ai phản đối].

3. Khu đất có Đá ‘Kut” cũ [và sân bóng đá] có diện tích 1,5 sào được trưng dụng để làm Trường Mẫu giáo cho con cháu trong làng, đúng không? Tại sao “24 người vào tối 4-4 đã đem Đá ‘Kut’ về đặt tại khu vực công cộng trên, và tự ý đổ đất cấp phối trên khu đất này, rồi dựng khung nhà bằng gỗ với dự định lập nơi thờ cúng”? (Báo Ninh Thuận). Tại sao xưa 24 người không phản đối, mà nay lại “tự ý” làm như thế?
[Về 3 câu hỏi, nội dung “Đơn” của bà con đã giải thích rõ: đất dùng làm trường Mẫu giáo, bà con tự ý dời về, tự ý dựng khung nhà bằng gỗ. Cạnh đó bà con nói rõ nguyên do. Ở đây tôi xin đặt câu hỏi với bà con: Tại sao “Đá” đã dời đi gần 20 năm rồi, bà con đã thuận thảo rồi, mà chỉ vì “một vài hộ dân ngoại tộc xả rác bừa bãi” mà ta phải dời về? Người ngoài làm ô uế, sao ta không đấu tranh? Vậy đâu là trách nhiệm của bà con? Và của chính quyền thôn? Làm thế, bà con ta có nóng vội lắm không?](2)

4. Các phát biểu ở phía bất thuận (theo Báo):
– Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn (có 3 vị Cả sư và…) “đã lên án hoạt động đồng bóng, bói toán, mê tín dị đoan gây mất đoàn kết nội bộ nhân dân và kiến nghị UBND Tỉnh tổ chức di dời Kut hoang về chỗ cũ và xử lí nghiêm các đối tượng vi phạm” – có đúng không?
[Các vị Cả sư chưa trả lời chính thức, về: “lên án”, “kiến nghị dời đi” và yêu cầu “xử lí nghiêm”. Các vị có thật sự nói nguyên văn như thế, hay đây chỉ là lời của “nhà Báo”? – Bà con cần câu trả lời. Xin nhắc các bạn trẻ đừng vội lên án các vị lãnh đạo tinh thần của mình, bởi nghe một chiều rất dễ phiến diện. Còn nếu thực tế các vị nói thế, tôi yêu cầu các vị có lời xin lỗi với bà con].

– “Cụ Trượng Thổ, Chi Hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi Chất Thường, nêu rõ: “Điều mà tôi và bà con trong thôn mong là chính quyền cần hỗ trợ di dời tảng đá ra ngoài, trả lại đất xây dựng Trường Mẫu giáo thôn giúp các cháu có điều kiện học hành tốt hơn” – đúng không?
[mong Chi Hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi nói rõ hơn ở phiên họp].

– “ngày 12-5, một số người dân thôn Chất Thường đã đứng đơn tập thể gửi đến Huyện ủy, UBND huyện Ninh Phước và các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết dứt điểm hành vi của nhóm người tự ý đem Kut hoang vào làng”. “Một số người dân Chất Thường” là những ai? Bao nhiêu người?
[bài Báo không cho độc giả biết con số, tên tuổi cụ thể; thêm: đó có phải là “Kut hoang” không?].

II. Sự cố cưỡng chế xảy ra ngày 25-6 (theo Video clip).
1. Đoạn văn ở số Báo trên viết: “mặc dù được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích, song nhóm người trên vẫn ngoan cố…” – đúng không?
[vận động thế nào, câu trả lời cần được nêu chính thức trong phiên họp].

2. Đây là chuyện tín ngưỡng mang tính địa phương, NHỎ NHƯNG MÀ RẤT LỚN. Sự kiện đẩy đến việc người Cham đối đầu với nhau: 24 người đối lại Hội đồng Chức sắc Chăm, Hội Người Cao tuổi và “một số người dân Chất Thường”.
[Đây là nguy cơ lớn, không phải 24 người mà 207 người Cham đối đầu với 3 bộ phận khác thuộc chính đồng tộc mình. Nguy cơ lớn nhất là Cham mất đoàn kết với nhau, và lớn hơn: tín đồ không còn tin “giáo chủ” mình nữa!]

3. Chính quyền địa phương vào cuộc là không thể tránh, nhưng CHÍNH QUYỀN CÓ NÊN HỌP TOÀN THỂ DÂN LÀNG VỚI SỰ THAM DỰ CỦA TRÍ THỨC CHAM HIỂU BIẾT ĐỂ HỎI Ý KIẾN TRƯỚC KHI CƯỠNG CHẾ KHÔNG?
[Tôi đề nghị ý này khi sự cố đã xảy ra, sự thật bà con (207 người) đã đề nghị từ 1 tháng trước rồi. Vậy mà chính quyền địa phương không đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó, đây là điều đáng tiếc nhất].

4. Cưỡng chế đã xảy ra, bà con Cham đã phản ứng thế nào? Thiệt hại ra sao? Cách giải quyết? Tất cả cần được minh bạch.

[III. Không có cái gì là muộn. Để giải quyết ổn thỏa vấn đề, và nhất là để hòa giải cộng đồng Cham với nhau cũng như chính quyền và nhân dân, tôi yêu cầu:
– bà con, anh em trẻ tuyệt đối không manh động.
– ĐỀ NGHỊ CHÍNH QUYỀN MỞ PHIÊN HỌP RỘNG RÃI, CÀNG SỚM CÀNG TỐT, BAO GỒM:
1. Đại diện bà con Boh Dana đủ thành phần, lứa tuổi hiểu biết
2. Đại diện Hội đồng Chức sắc Cham
3. Chi hội người Cao tuổi và các Hội đoàn khác trong palei
4. Các trí thức Cham hiểu biết vấn đề
]

TPHCM, 19 giờ, ngày 29-6-2015
______

(1) “Tiếng nói nhà văn” này dựa trên tài liệu chính thức là: a. “Đơn Kiến nghị” do 207 bà con Chất Thường kí ngày 26-5-2015, Văn phòng UBND Tỉnh nhận ngày 1-6-2015; b. báo Ninh Thuận: “Dư luận người dân phản đối việc lấn chiếm đất công ở thôn Chất Thường”, tác giả Bạch Thương, 5-6-2015; c. thông tin từ bà con qua việc hỏi thăm của tôi.
(2) Tôi hỏi “bà con có nóng vội lắm không”, bởi quá trình đấu tranh cần lâu dài, liên tục và nhiều mặt khác nhau. Kinh nghiệm “Lộ trình phục dựng Ghur Darak Neh” nói lên điều đó: nhiều tiếng nói hòa nhã nhưng quyết liệt, đấu tranh bền bỉ, dài ngày; ngay cả các “phản hồi” cũng đầy trách nhiệm. Dù 2 vụ có nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng chung quy chúng ta đều cần đến sự bình tĩnh và phương pháp đúng.

PHỤ LỤC
HỒ SƠ GHUR DARAK NEH – LỘ TRÌNH PHỤC DỰNG

I. Bài viết & thảo luận [với rất nhiều ảnh minh họa]
Kì 1 [Bài viết ủng hộ Chuyên đề Ghur Cham Bini]

1. Inrasara, Lo trước 01 – Ghur Anưk Bini, Inrasara.com, 13-7-2013
2. Nguyễn, Đất Ghur: Vấn đề lớn – quan tâm nhỏ, Inrasara.com, 16-7-2013
3. Inrasara, Đất Ghur: Thử giải quyết vấn đề & ý kiến, Inrasara.com, 17-7-2013
4. Inrasara, Sơ kết vấn đề Đất Ghur Anưk Bini, Inrasara.com, 21-7-2013

Kì 2 [Bài viết ủng hộ Chuyên đề Ghur Cham Bini]
1. Inrasara, Vấn đề Đất Ghur Bini đã đi tới đâu?, Inrasara.com, 4-3-2014
2. Kiều Maily, Ghur Darak Neh, bây giờ hoặc không bao giờ, Inrasara.com, 6-3-2014
3. Chay Mala, Lên tiếng về đất Ghur Chàm Bà-ni lợi/ hại thế nào?, Inrasara.com, 7-3-2014
4. Chay Mala, Chàm mình có yêu tổ tiên không?, Inrasara.com, 7-3-2014
5. Thư trao đổi giữa Từ Công Nhượng & Inrasara về Ghur Bini, 10&12-3-2014
6. Chế Vỹ Tân, Đất nghĩa trang của người Chăm Bà-ni lại bị lấn chiếm, Inrasara.com, 12-3-2014
7. Changzo: Ghur Krong đang ra sao?, Inrasara.com, 13-3-2014
8. Inrasara trả lời 5 câu hỏi xung quanh vấn đề Ghur Cham Bini, Inrasara.com, 17-3-2014
9. Inrasara: “Khi không sợ điều không đáng sợ, trí thức Chăm vẫn có thể làm được nhiều chuyện”, Mặc Lâm thực hiện, RFA, 25-3-2014
10. Từ Công Nhượng, Vài dòng về “Vấn đề đất Ghur Bini đã đi tới đâu?”, Inrasara.com, 4-4-2014
11. Jashaklikei: Ghur, Inrasara.com, 6-4-2014
12. Inrasara: Inrasara nói giúp cho thầy Tỷ, và…, Inrasara.com, 23-3-2014
13. Inrasara & bài viết trên Champaka, Inrasara.com, 7-4-2014
14. Kiều Văn Thay: Đất nghĩa trang của người Chăm Ninh Thuận đã được giải quyết đến đâu? , Inrasara.com, 25-7-2014

II. Bắt tay vào việc
– Thư gửi Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận
– Bức Tâm thư 1
– Danh sách Mạnh Thường quân đợt 1
– Ban Khôi phục Ghur Darak Neh
– Thư Kiều Maily & Bức Tâm thư 2.
Bảng tổng hợp kinh phí phục dựng Ghur Darak Neh
Diễn văn khai mạc Lễ Khánh thành Tường thành Ghur Darak Neh, 14-6-2015

ĐƠN KIẾN NGHỊ
Boh Dana-ĐƠN01
Boh Dana-ĐƠN02
Boh Dana-ĐƠN03
Boh Dana-ĐƠN04
Boh Dana-ĐƠN05
Boh Dana-ĐƠN06
Boh Dana-ĐƠN07

One thought on “Tiếng nói nhà văn: Về Đá ‘Kut” ở Boh Dana

  1. mọi ngươi điều biết thần của ngươi chăm mình rất linh đúng không, thế thì tại sao một số người không hiểu điều đó, đó là sai lầm rất lớn, là hành động không tôn trọng lể giáo chăm. làm như vậy có khác chi mình tự VẠCH ÁO CHO NGƯỜI XEM LƯNG. chính ÔNG CẢ SƯ đang cố gấn vén ( kéo ) áo chúng ta xuống để người KINH không thấy lổ hỏng, vét dơ dấy của làng ( một số người ) và tôn trọng ngươi chăm mình hơn. nhưng thât không ngơ vì sụ thiếu hiểu biêt và nghe theo lời xúi dục mà làm nên nong nỏi cớ sự như vậy.

    nếu muốn biêt rỏ hơn xin hảy cho con số điện thoại của chú. con có thể dúp chú hiểu nhiều hơn vè cục đá va tình hinh ổ đây.

    con chào CHÚ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *