Khải Ly, “Những liều thuốc chống sự thảm hại văn hóa”

Báo Doanh nhân Sài Gòn, 9-8-2011

… Bên cạnh đó, việc chờ đợi đến nửa thập kỷ mới tôn vinh sự cống hiến như vậy còn làm thui chột ý thức tiếp nhận cái mới trong giới trẻ. Nhà thơ người gốc Chăm Inrasara trong một tiểu luận quan sát về văn học cũng có những dự cảm lo lắng về sự già cỗi, cổ hủ của thế giới nghệ thuật.
Ông kết luận: “Ta đã từng nhân danh cái quen thuộc, cái đã biết để chèn ép cái chưa biết, cái xa lạ; chúng ta ẩn náu trong lô cốt truyền thống để bắn phá các nỗ lực sáng tạo có thể thành truyền thống ở thì tương lai; ta đã từng núp bóng đàn anh, bóng đại văn hào quá khứ mà rẻ rúng sự liều lĩnh khám phá cái mới của tuổi trẻ; dựa hơi tập thể để miệt thị cá tính sáng tạo đầy lạ biệt.
Chỉ khi nào ta từ bỏ mọi nỗi ấy, cái mới mới có cơ may nảy nở và lớn dậy. Còn không thì mấy “tiếp thu tinh hoa thế giới” hay “sáng tạo trên nền tảng tiếp nhận truyền thống” chỉ thuần là khẩu hiệu trống rỗng, vô nghĩa”.
Một nhà thơ đã đi gần hết quãng đường đời để nói lên một trải nghiệm chiều dài gần một thế kỷ phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam như vậy, kêu lên nỗi đau nhiều giá trị văn hóa đã phôi phai, nhiều tác phẩm nghệ thuật không được xã hội nhìn nhận đúng đã góp phần cho thảm họa văn hóa có đất phát triển vì sự trống trải đang bao phủ.

– Inrasara vốn làm thơ và nghiên cứu văn hóa Chăm, vậy tại sao gần đây anh dành nhiều thời gian viết phê bình văn học, một công việc vốn dễ bị ghét? Trả lời câu hỏi này, Inrasara thẳng thắn và không ngại va chạm. Ông nói:
Đơn giản lắm, ta đang có một nền phê bình bệnh hoạn, nền phê bình nguy cơ kéo sáng tạo văn chương rơi xuống vực. Tôi đã từng điểm danh chúng qua bài: “Gọi tên căn bệnh phê bình hôm nay”. Trước đây, nhiều nhà phê bình đã nhận ra, nhưng ít có cái nhìn phản tỉnh – nhìn từ bên trong, mà xu hướng nhìn ra ngoài. Để không làm gì cả, mà chỉ biết “rên rỉ và đổ thừa”. Về những căn bệnh này, không ít người thấy và gọi tên chúng, nhưng họ chưa đẩy tới cùng, để mổ xẻ tận căn mấy hiện tượng kia.
Nền phê bình cảm tính, giả dối và bất công cần đến lưỡi dao sắc hơn bao giờ.
Thứ nhất, cảm tính, chúng ta nhận định vấn đề không qua cái nhìn toàn cảnh, nên manh mún và tùy tiện. Còn giả dối, ta tự dối mình, dối nhau, rồi bẻ cong sự thật. Rõ nhất, ta chủ trương văn chương bám hiện thực, nhưng khi nhà văn phơi bày hiện thực căn cốt nhất, phê bình lại né tránh nó. Cuối cùng, ta bất công với sáng tác ngoại vi, một ngoại vi như là ngoại vi, chứ không phải ngoại vi nửa vời. Sáng tác của các tác giả cư trú vùng sâu vùng xa, văn học của người Việt hải ngoại, tác phẩm in ngoài lề, người viết phi chính thống, văn chương mạng. Cụ thể: phong trào thơ tân hình thức và văn học hậu hiện đại… luôn hoặc bị bỏ rơi, hoặc bị phân biệt đối xử.
Khởi động “phê bình lập biên bản”, tôi có tham vọng khiêm tốn là đòi lại sự công bằng cho mọi trào lưu văn học. Tôi nghĩ, chỉ thế thôi, văn học Việt Nam mới cơ may hội nhập thế giới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *