THẾ NÀO LÀ NỀN VĂN HỌC TỰ DO 5&6

5. Một nền văn học không thể nào tự đầy đủ cho nó. Nó cần biết đến thế giới bên ngoài, giao lưu và tương tác. Trở ngại ngôn ngữ đòi hỏi đến dịch thuật. Thế kỉ XIX trở về trước, dịch thuật đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi một đất nước, một vùng lãnh thổ. Không tiếp cận nền văn hóa khác [trong đó có văn học] thì không thể có cái mới. Đất nước mãi ở lại với cũ kĩ và lạc hậu.
Cả ở thời hậu hiện đại, dù ngoại ngữ đã thành quen thuộc trong vài bộ phận công chúng của nhiều đất nước, nhưng đại đa số vẫn không khả năng đọc nguyên tác, cho dù tiếng Anh phần nào đó trở thành ngôn ngữ quốc tế, và đại bộ phận tác phẩm, các công trình khoa học giá trị được diễn đạt qua ngôn ngữ này, công việc dịch thuật vẫn rất cần thiết.

Cần thiết hơn bao giờ. Văn học cho dẫu không phải là bộ môn khoa học kĩ thuật, nó vẫn cần đến dịch thuật để độc giả bản địa có thể tiếp cận với các nền văn học tiên tiến khác. Không có dịch thuật, độc giả văn học mãi bám theo lối đọc cũ khi tiếp xúc với sáng tạo mới, qua đó động phản tinh thần cách tân và làm trì trệ nền văn học.
Dịch đa đề tài, đa hệ mĩ học, đa trào lưu, tác giả, tác phẩm để người đọc tùy gu mà chọn lựa. Với nghiên cứu cũng thế, nghiên cứu chủ đề lớn, đề tài quan trọng đã đành, ở các Đại học lớn trên thế giới, giáo sư còn khuyến khích sinh viên thám hiểm vào các đề tài xa lạ, ngoại vi, các đề tài tầm thường và vô vị tưởng không có gì đáng nghiên cứu. Nghiên cứu cả cái khác ta, cái chống ta, cái ta thù ghét.

6. Cuối cùng, một nền văn học lành mạnh không thể thiếu phê bình và tranh luận. Khi nhiều trào lưu mĩ học xuất hiện cùng lúc và cạnh tranh nhau, nỗ lực lôi cuốn bộ phận độc giả [cũ lẫn mới] về sáng tạo và lí thuyết của mình, thì không thể không xảy ra xung đột. Có xung đột mĩ học thì có tranh luận.
Không xung đột và tranh luận lớn, các cãi cọ qua lại chỉ như thứ gãi ngứa ngoài rìa mang tính cá nhân. Nền văn học trở nên đồng bộ và nhàm chán biết bao! Hãy thử tưởng tượng, nếu nền văn học Việt Nam đương đại không có làn gió mới từ ngoại biên thổi tới: không có văn chương mạng, không có hậu hiện đại và tân hình thức, không cả trào lưu văn chương nữ quyền… thì nó đìu hiu biết bao. Đó là văn học chính thống còn chưa chấp nhận chúng, nếu chấp nhận và chịu sự cạnh tranh và tranh luận sòng phẳng, văn học Việt Nam đương đại sẽ sôi động và lí thú hơn nhiều, chắc chắn thế!

Benjamin Franklin: “Thế giới có ba loại người: thứ nhất, loại người bất biến, họ không nhận, không muốn thu nhận, và họ không làm gì hết; loại thứ hai là người khả biến, họ thấy cần thay đổi, và họ chuẩn bị đón nhận nó; cuối cùng là loại người cải biến, họ là người tạo ra sự thay đổi. Nếu chúng ta có thể khuyến khích nhiều người thay đổi hơn, nó sẽ làm nên phong trào. Nếu phong trào đủ mạnh, trong ý nghĩa mạnh nhất của từ, đó sẽ là một cuộc cách mạng. Và là điều chúng ta cần (Ken Robinson, “How to escape education’s death valley”).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *