Đêm thơ LỬA TÌM KIẾM lần II: 1 cảm ơn & 3 nhắc nhở

Nhà văn Nguyễn Đình Chính tạo ra LỬA TÌM KIẾM là cần thiết. Nhất là trong môi trường văn học Việt Nam còn đơn điệu và ảm đạm, đây là nỗ lực rất đáng trân trọng. Cần hỗ trợ và khích lệ, cho nên xin được nói lời CẢM ƠN anh.
Khởi đầu, xảy ra bất cập hay lầm lạc, là chuyện thường tình. Chỉ xin góp với bạn văn vong niên ý kiến nhỏ.
Bổn phận của MC không làm gì khác ngoài 3 chữ: GỢI HỨNG, nêu hội trường chán nản; GỢI Ý, nếu người thuyết trình/ người nghe túng ý, và CẮT, nếu ai đó lạc đề hay ngoài lề. Nhà văn Nguyễn Đình Chính do chưa kinh nghiệm điều tiết chương trình văn học, nên anh đã không biết [quyết, dám] cắt ý kiến lạc đề thành ngoài lề, cái đêm hôm đó.
Người trong cuộc đã vậy, nói chi kẻ ngoài cuộc. Ví như chuyện năm xưa, một đạo diễn kinh nghiệm điều hành mấy cuộc khác, lần đầu tiên làm MC văn học của Hội đồng Anh: “Phê bình văn học, lí tính hay cảm tính?” hoàn toàn để cuộc chơi tuột khỏi tầm tay. Không hiểu người văn chương đã đành, anh còn không hiểu các thuật ngữ văn học thì làm sao làm chủ cuộc chơi, theo đúng nghĩa MC.
LỬA TÌM KIẾM, là lửa luôn cháy, cháy hướng về cái mới, cái khác. Xưa nay chúng ta đã cũ, đang cũ, nay có kẻ mang cái mới, cái khác tới. Hãy tạm chấp nhận nó, để xúm lại bàn về nó. Mỗi NÓ thôi. Tiêu đích là vậy, thế mà ba bận ý kiến lạc đề, MC đã không [biết] cắt, thành ra Tân hình thức là chủ đề chính bị đẩy ra ngoài lề.

“Cứ viết theo bức xúc thực, theo cảm tính, cảm nghĩ thật của mình”, thì lạc hậu đã đành, nó còn là khởi động cho mấy lạc đề khác. Hãy là mình, viết đúng thực mình – hay lắm! Thế nhưng, “mình” là ai [hay là gì], thì ít ai [biết] đặt câu hỏi. Hậu hiện đại khám phá ra rằng, “mình” không gì hơn một văn bản như mọi văn bản đã được viết nên. Viết nên bởi: môi trường ta sống, nền giáo dục của ta nhận, tôn giáo hay đảng phái quy định ta, những cuốn sách ta đọc… Như vậy, mình luôn ĐÃ bị quy định. Nó thuộc quá khứ. Đã chết.
Trong khi kẻ sáng tạo là kẻ làm KHÁC mình. Thâu thái cái khác mình, để làm khác. Rồi tiếp tục thâu thái và làm khác nữa. Nhắc nhở 1 như thế.

Nhắc nhở 2. Nhà thơ Trần Ninh Hồ đọc một khổ thơ Thế Lữ có “vắt dòng” được làm ra từ thuở Thơ Mới và kêu đó là Tân hình thức. Chớ Tân hình thức có mới mẻ gì cho cam. Đúng lắm! Nhưng Thế Lữ có mỗi [hay vài] bận vắt dòng, còn Tân hình thức “vắt” liên tu bất tận mà. Chế Lan Viên cũng đã từng có bài “Tập cua hàng” đường hoàng; nhưng nhà thơ lớn này mới “tập” thôi. Tân hình thức là một câu chuyện khác cơ. Tân hình thức ra đời vào thập niên cuối cùng ở thế kỉ trước tại Mỹ. NÓ MANG HÀM NGHĨA RIÊNG, ĐỦ ĐẦY VÀ TRỌN VẸN; trong đó “cua hàng” là để “kể”. Cho nên bài thơ nào hệt nó được viết bằng tinh thần của nó, và viết sau thời điểm đó, mới là Tân hình thức. Còn lại, mọi mọi thứ thứ giông giống nó, là gì gì khác, chớ chắc chắn không là Tân hình thức.
Nhắc nhở ông anh thế.

Nhắc nhở 3. Một bạn trẻ cho rằng cả 4 thủ pháp Tân hình thức [Inrasara nêu ra] đều đã xuất hiện trong thơ truyền thống trước đó rồi, đâu phải đợi khi Tân hình thức ra đời mới có. Đây là một ý sai, nhưng cần thiết nêu lên, để tránh… lạc đề.
Câu trả lời là: một yếu tố ngẫu nhiên [hay hữu ý] nào đó xảy ra ở một tác phẩm nào đó thì không làm nên một trường phái. Nhiều người nhận ra và đã từng nói lên rằng, Truyện Kiều có mọi mọi yếu tố: hiện thực, hiện thực huyền ảo, siêu thực, tượng trưng… nhưng Nguyễn Du không viết theo một trong những trường phái kia. Trường phái nhấn vào một [hay vài yếu tố], tập trung vào nó, lí thuyết hóa nó rồi theo đuổi nó trong sáng tạo của mình. Bạn cần chú ý hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *