Inrasara: Đêm thơ LỬA TÌM KIẾM lần II đã thất bại như thế nào?

[sự khác biệt về thái độ văn chương ở hai đầu đất nước: Hà Nội & Sài Gòn]
Demtho-Tanhinhthuc01
LỬA TÌM KIẾM lần II thất bại, qua câu kết luận đầy buồn bã của diễn viên chính – Trần Trung Hiếu: “Tôi nghĩ Tân hình thức sẽ không bao giờ phát triển [ở đất này] được; bởi các bạn không muốn nghe [cái khác lạ] và không biết hỏi”.

Lửa Tìm Kiếm II do nhà văn Nguyễn Đình Chính chủ trì, diễn ra tại LACA café, 24 Lý Quốc Sư – Hà Nội. Chương trình gồm 4 mục:
1. Phong trào Thơ Mới: 19h30-20h, nhà thơ Trần Ninh Hồ phụ trách.
2. Thơ Tân hình thức: 19h30-20h, bạn thơ Trần Trung Hiếu
3. Đối thoại Thơ Tân hình thức: 20h-21h
4. Trình diễn thơ: 21h-22h, dành cho các bạn yêu thơ và các nhà thơ.

A. Chương trình là vậy, nhưng diễn biến rất khác.

Khác về thời điểm khởi động muộn gần tiếng đồng hồ, là chuyện nhỏ. Phiền là, diễn biến công cuộc lạc xa mục đích chính.
Thơ Mới qua trình bày của Trần Ninh Hồ thì không bàn, bởi nó nằm trong chương trình. Tôi – Inrasara có mặt như vị khách mời đột xuất lại được đề nghị diễn tiết mục tiếp theo. Tôi huơ tay từ chối, ý là để dành đất cho các bạn trẻ, nhưng không được. Đành nói, mất 15 phút. Càng không vấn đề! 6 trào lưu thơ Việt đương đại cần được biết đến, trong đó có Tân hình thức, như là cách dẫn nhập cần thiết cho mục chính: “Trần Trung Hiếu & Thơ Tân hình thức”.
Đến đây, chương trình bị gẫy, và lạc. Bởi một vị khách thế hệ cũ. Từ đó đêm thơ hoàn toàn chệch hướng. Vị khách nói 3 ý:
– “Tôi đại diện cho lớp trẻ” ba lần lặp lại qua ba bận ý kiến (quá nhiều trong một đêm thơ mà mình là vai phụ). Rất lạ. Lạ hơn, là có đến hơn 20 khuôn mặt trẻ đêm hôm đó, không ai đứng lên bẻ lại cả! Đây là lối nói ăn gian, rơi rớt lại từ thuở xã hội chủ nghĩa: Đảng CS đại diện cho nhân dân VN. Nhớ lần đại hội Nhà văn 2010, một nhà thơ dân tộc thiểu số phát biểu, “Tôi xin đại diện cho các nhà văn DTTS”. Giờ giải lao, tôi đến gặp bạn ấy nhắc vở, “bạn đại diện cho ai không biết, nhưng hãy trừ tôi ra, vì tôi chưa cho phép bạn đại diện cho tôi”.
– “Nghe Inrasara nói tôi đau cả đầu. Thơ làm gì mà lắm trào lưu thế. Cứ viết theo cảm nghĩ, viết theo những gì mình bức xúc thực là có thơ hay”. Khẳng định này lạc hậu thế nào thì xin miễn nói. Theo cách nghĩ kia, văn học Pháp bởi có quá nhiều chủ nghĩa, trào lưu nên nó nhỏ, là phải rồi. Còn nhà văn Việt Nam cứ viết theo bức xúc thực, theo cảm tính, cảm nghĩ thật, thì… hơi bị lớn như đã! Làm như ta chưa từng học phương Tây. Còn nếu không chịu học, ta cứ đẻ ra lí thuyết ngon lành đi cho thiên hạ nhờ.

– “Trào lưu thì có kẻ đầu đàn, còn nhà văn thì chẳng ai muốn theo đuôi cả. Theo trào lưu chỉ có rập khuôn”. Đây là cách nghĩ cực sai lầm. Chủ nghĩa siêu thực chẳng hạn, chủ soái là Breton với “Tuyên ngôn siêu thực” nổi tiếng, còn các vị như Éluard, Aragon, Char, Soupault… viết theo chủ nghĩa siêu thực, chứ các ông có theo đuôi Breton đâu. Cùng phong trào, nhưng mỗi vị tạo lập phong cách riêng, và họ đã làm nên sự nghiệp còn lớn hơn “chủ soái” nhiều. Riêng việc chủ nghĩa siêu thực [và…] ảnh hưởng đến thế giới thế nào, nếu ít nhiều theo dõi văn học thế giới không ai là không biết; nó còn ảnh hưởng đến tận… Việt Nam. Tại sao cứ chối từ lí thuyết, chối từ hệ mĩ học?
Cả ba đều sai lớn, sai và lỗi thời, vậy mà ý kiến kia đã ba bận đăng đàn rất ư… vô tư!

B. Tôi hỏi các bạn, tại sao phong trào Thơ Tân hình thức phát triển mạnh ở Sài Gòn, còn Hà Nội thì không? Cả phong trào in photocopy nữa, tại sao nó chỉ có mặt ở Sài Gòn, mà không là Hà Nội? Nó có phải chỉ là phong trào thuần túy không? Người nghệ sĩ đã phải trả giá cho nó bằng bị theo dõi, bị quấy nhiễu, thậm chí bị tù tội và bao nhiêu thứ khác, chỉ thuần là phong trào chơi cho vui không? Đích thực, nó xuất phát từ CẢM THỨC, cảm thức dẫn đến suy nghĩ và hành động, cách làm thơ và cách xuất bản thơ. Tinh thần phi tâm hóa không chấp nhận in ấn chính thống cho dù tác phẩm họ không có gì gọi là “phản động”. Tôi thể hiện tự do nghệ sĩ của tôi, mà không phải chui qua bất kì cửa xin-cho nào.

C. Vậy đó, “Trần Trung Hiếu với Thơ Tân hình thức” bị bỏ rơi lúc nào không hay. Để rồi khi đến mục mình, bạn thơ này hoàn toàn lúng túng do… mất hứng(?). Thế là có mục hát hò với đọc thơ các thứ xen kẽ…
Tôi nói, “Các bạn hành xử giống Hội Nhà văn VN quá đi. Đây có phải phong cách của Hà Nội chăng, tôi không biết được; riêng ở Sài Gòn chúng tôi làm khác. Tập trung vào chủ đề, và đâu ra đấy. Nhất là, không chút ngán ngại lí thuyết và tri thức, không ngán ngại tranh luận. Vị nào lạc đề – dù quan to hay lớn tuổi đến đâu, cũng cắt. Hai, ba tiếng đồng hồ không ai bỏ ra ngoài, là bởi vậy. Chứ chúng tôi không quan niệm đọc thơ hay hát hò gì gì đó để làm không khí bớt căng thẳng”.
Mỗi ý kiến [hay cuộc] cần đến 4 phần: định danh, định tính, đưa ra luận chứng để thuyết phục người nghe chấp nhận luận điểm của mình.
Đêm thơ đã được ĐỊNH DANH: Tân hình thức. Vậy mà mới có 1 ý kiến đầu tiên nêu ra là không cần chủ nghĩa, đã làm đêm thơ lệch hẳn đi. Thế đặt vấn đề Tân hình thức để làm gì?
Trần Trung Hiếu cần ĐỊNH TÍNH “thơ Tân hình thức”. Bạn thơ này dường chưa quen thuyết trình, nên hơi lúng túng. Không sao cả! Bạn ấy cần câu hỏi từ khách thính để đáp ứng, từ đó bật ra điều đáng nói nhất, vậy mà không câu hỏi nào được đưa ra cả. Mãi khi có một vị khách [cũng đã có tuổi] hỏi, “thế nào là thơ Tân hình thức”, tôi mới nêu lên 4 thủ pháp chính của thơ Tân hình thức, còn lại xin dành “tinh thần Tân hình thức” [quan trọng nhất] cho vai diễn chính.
Thế mà diễn viên chính chưa kịp nói thì có tiếng yêu cầu đọc thơ đi, đọc thơ đi… vang lên. Lần nữa, lạc đề.
Một hệ mĩ học nghệ thuật mới nào bất kì [ở đây là Tân hình thức] cần đến sự giải minh tối thiểu. Giải minh tức là định tính, sau đó mới tới mục DẪN CHỨNG bằng thơ để minh giải cho lí thuyết. Chưa thuyết lí để “định tính” mà đã đòi đọc thơ, thì vai chính Trần Trung Hiếu không bối rối và thất vọng mới lạ.

D. Cuối cùng một bạn trẻ có thiện ý làm dịu không khí sôi động bằng câu, “để tránh tranh luận căng thẳng, không nên đặt tên là hay nhất”. Loài người luôn [và đã] đặt tên cho mọi sự vật, mọi vấn đề… Ngay tại Việt Nam, thơ Lục bát, Hát nói định danh cho một loại thơ, với đặc tính rất riêng của mỗi. Thơ Đường luật, rồi chủ nghĩa lãng mạn, hiện thực, tương trưng, siêu thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, và… Tân hình thức đều được định danh. Tại sao lại tránh gọi tên?
Sau rốt, tôi hỏi, “với tư cách khách miền Nam ra đối thoại, tôi xin hỏi các bạn một câu duy nhất và cuối cùng, tranh luận và trao đổi như vừa rồi, có căng thẳng không?” Câu trả lời là: – Không.
Người từ hai miền gặp gỡ trao đổi lần đầu mà được như thế là tốt quá rồi, còn mong gì nữa. Cho nên, xin cảm ơn các bạn!

Như vậy, theo cách nào đó, Đêm thơ LỬA TÌM KIẾM lần II đã thành công… tốt đẹp!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *