Inrasara: Về một hiện tượng dị ứng nhai lại

đã đăng ở Vanvn.net, 12-2014

Hoài Nam trong bài “Chẳng cần là hậu hiện đại” (báo Đại biểu Nhân dân, 8-12-2014), viết:

“Quan sát đời sống văn chương Việt Nam trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XXI đến nay, nhất là ở mảng phê bình văn học, tôi nhận thấy một điều hơi đặc biệt. Ấy là cái sự vồ vập thái quá của một số người nào đó (xin miễn nhắc tên) với những isme mà ngày nay, ngay ở phương Tây, nơi chúng được sinh ra, người ta đã không còn muốn bàn đến nữa, hoặc chỉ nói đến chúng như những thứ đã bị nhét vào sọt rác của lịch sử. “Tân hình thức” và “Hậu hiện đại” là những isme như vậy. Đi sau, tìm hiểu sau nên… thích sau, âu cũng là chuyện bình thường trong học thuật. Chuyện bất bình thường là những “Tân hình thức” và “Hậu hiện đại” ấy lại mặc nhiên được những tín đồ Việt Nam kia xem như những dấu chỉ quan trọng để đánh giá giá trị của các tác phẩm văn chương đương đại. Cứ “Tân hình thức” thì hay, cứ “Hậu hiện đại” thì hay (làm như thể còn viết theo Cổ điển, Hiện thực, Lãng mạn, Tượng trưng, v.v… thì sẽ chỉ toàn những đồ tầm tầm hoặc chỉ đáng vứt đi).”

Có mấy điểm đáng nói về đoạn văn mang dáng vẻ trao đổi học thuật trên.

1. Hoài Nam cho “cái sự vồ vập thái quá của một số người nào đó với những isme”; nhà nào đã vồ vập thái quá tân hình thức và hậu hiện đại? Hoài Nam viết tiếp: “Tân hình thức” và “Hậu hiện đại” ấy lại mặc nhiên được những tín đồ Việt Nam kia xem như những dấu chỉ quan trọng để đánh giá giá trị của các tác phẩm văn chương”; tín đồ ấy là những tên tuổi nào? Cuối cùng, Hoài Nam đổ thừa có người cho rằng “viết theo Cổ điển, Hiện thực, Lãng mạn, Tượng trưng, v.v… thì sẽ chỉ toàn những đồ tầm tầm hoặc chỉ đáng vứt đi”; người đó là những ai?

– Không ai cả! Chỉ toàn là “những tín đồ”, với “có người”, “một số người nào đó”. Bởi Hoài Nam “xin miễn nhắc tên”! Khơi mào tranh luận, sao lại né tránh trực diện với con người cụ thể? Né tránh, nhưng ngay sau đó tác giả này bất đồ quay lại đấm dưới thắt lưng, với câu trích dẫn:

“Tác phẩm mới nhất của nhà văn Lê Anh Hoài, tập truyện ngắn nhan đề Trinh nữ Ma-nơ-canh (NXB Trẻ, 2014) là tác phẩm được/ bị nằm trong một kiểu định giá giá trị như vậy. Có người đã khen tập truyện ngắn này, bên cạnh một số phẩm chất khác, vì nó có “giọng điệu đặc thù hậu hiện đại đẫm chất Lê Anh Hoài, như anh đã từng làm được với thơ, với nghệ thuật trình diễn, và với cả tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ”.”

Đoạn in nghiêng chính là đoạn dẫn lại từ Lời giới thiệu của Inrasara in đầu tập truyện Trinh nữ Ma-nơ-canh của Lê Anh Hoài do NXB Trẻ ấn hành vào quý IV năm 2014.

Né tránh rồi đột ngột đấm dưới thắt lưng, đích thị là thái độ phê bình du kích (chữ của Nguyễn Hoàng Văn). Nguy hơn, trước khi du kích, nó tung hỏa mù với mấy “có người, một số người nào đó”. Thế nên, trao đổi lại dễ tự đưa mình vào khoảng mù. Là điều hoàn toàn không cần thiết, nếu nó không phạm vào mấy sai lầm khả năng tác hại.

 

2. Khai sinh tại Mỹ từ thập niên 80, thịnh hành vào giữa thập niên 90 của thế kỉ trước, thơ tân hình thức (new formalism poetry) được các nhà thơ Việt vận dụng thập niên sau đó. Tân hình thức đã tạo nên một phong trào văn học đáng kể. 12 năm với 14 ấn phẩm (kể luôn song ngữ Việt – Anh) gồm cả thơ và lý thuyết được xuất bản, phong trào thơ này cần được tổng kết, đánh giá. Các hội nghị hay bàn tròn được mở ra để bàn về nó, là cần thiết. Thời gian qua, tạp chí Sông Hương đã làm như vậy. Tôi đánh giá cao nỗ lực ấy, cho dù tôi – qua bài “Về đâu, tân hình thức Việt?” in trong tập Kỷ yếu Thơ Tân hình thức Việt, Tiếp nhận và sáng tạo (Tạp chí Sông Hương & NXB Thuận Hóa, 2014) – nêu rõ các mặt hạn chế cũng nó.

Đến hôm nay, các nhà khai sinh thơ tân hình thức – cả Mỹ lẫn Việt – vẫn đang nhiệt tình với phong trào, thì lấy đâu chuyện “ngay ở phương Tây, nơi chúng được sinh ra, người ta đã không còn muốn bàn đến nữa, hoặc chỉ nói đến chúng như những thứ đã bị nhét vào sọt rác của lịch sử” – như Hoài Nam khẳng định.

Đó là một khẳng định đoán mò, phái sinh luận điểm từng phát ra từ 8 năm trước đó.

 

3. Giáo sư Mai Quốc Liên, nhà phê bình thuộc thế hệ cũ, trong bài “Một vài nhận thức về lí luận văn nghệ hiện thời”, đăng báo Văn nghệ, 22-4-2006, rằng: “Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay cũng đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây (…). Theo một bài báo của một GS Mỹ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách (!?). Còn ở ta nó là một món hàng mới…”.

“Bài báo” nào, không biết. “Một GS Mỹ” tên gì, càng không. Khơi khơi vậy thôi!

Phong trào thơ tân hình thức diễn biến trong phạm vi hẹp: hẹp về địa lí (Hoa Kỳ và Việt Nam), hẹp về lãnh vực (thơ) mà đã thế, chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu văn hóa lớn tác động về nhiều mặt trên phạm vi toàn cầu, càng khó nắm bắt. Không hiểu tí ti về hậu hiện đại, càng không biết gì về diễn biến của trào lưu văn hóa này, mà cứ phán. Nghe hơi nồi chõ, mà phán! Khổ nỗi, 8 năm sau, ý kiến kia được một nhà phê bình đương đại Hoài Nam nhai lại.

Tác giả nào “đã nhét hậu hiện đại vào sọt rác lịch sử”? Nhét ở đâu? Thời điểm nào? Hoài Nam có thể chỉ cho độc giả Việt Nam biết cụ thể không? Hay anh đã đọc lơ mơ đâu đó về hậu hiện đại rồi phát ngôn, hoặc chỉ thuần nghe nói? Tôi thử đặt cái giả định vui: Hoài Nam ngồi dưới lớp kia, và tôi đứng bục giảng này để thuyết về sự ra đời, diễn tiến, hiện trạng của hậu hiện đại, thì sao đây?

Biết thì thưa thốt…, ông bà ta dạy thế.

 

4. Bài “Từ một hạt bụi ý tưởng điên rồ bay lên” là Lời giới thiệu cho tập truyện Trinh nữ Ma-nơ-canh. Nó không là bài điểm sách, càng không là bài phê bình.

Giới thiệu, gợi ý cách đọc Lê Anh Hoài, tôi rất rành mạch: “văn xuôi Lê Anh Hoài đã gợi mở bao cách đọc”. Có thể đọc như một tác phẩm hiện thực, hay đọc theo lối đọc truyện viễn tưởng, hoặc đọc vừa như một tác phẩm đẫm chất siêu thực vừa như một công trình phân tích tâm lí con người ở tầng sâu, cũng có thể đọc Lê Anh Hoài như đọc một ngụ ngôn, thậm chí một câu chuyện diễm tình ướt át. Sau cùng tôi mới viết:

“Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở đó thôi, nghệ sĩ này sẽ đánh mất giọng đặc thù hậu hiện đại đẫm chất Lê Anh Hoài, như anh đã từng làm được với thơ, với nghệ thuật trình diễn, và cả với tiếu thuyết”.

Lê Anh Hoài là một nghệ sĩ hậu hiện đại thập thành. Tinh thần và thủ pháp hậu hiện đại lồ lộ từ nghệ thuật trình diễn, cho đến thơ lẫn tiểu thuyết của anh. Ở đây, tập truyện ngắn cũng không nằm ngoài tinh thần kia. Đọc Trinh nữ Ma-nơ-canh theo vài cách đọc được “gợi ý” trên không phải không hay [như Hoài Nam đã thấy], nhưng hay [và dở] trọn vẹn nhất là tiếp nhận nó qua tinh thần hậu hiện đại. Lời giới thiệu chưa [và không định] bàn đến điều đó, bởi nó không muốn đọc thay cho người đọc. Giới thiệu chỉ mang tính gợi mở như thể thòng sợi dây dẫn đến tác phẩm, để người đọc tự khám phá hay [và dở] cho riêng mình.

Tôi chưa thấy ai từng phát ngôn đại loại như Hoài Nam đã tưởng tượng cho rằng:

“Cứ “Tân hình thức” thì hay, cứ “Hậu hiện đại” thì hay (làm như thể còn viết theo Cổ điển, Hiện thực, Lãng mạn, Tượng trưng, v.v… thì sẽ chỉ toàn những đồ tầm tầm hoặc chỉ đáng vứt đi).”

Cá nhân tôi càng chưa! Năm 2009, tôi viết:

“Tôi không cho hậu hiện đại thì tiến bộ hơn hiện đại, tượng trưng thì lạc hậu so với cái gì đó. Mỗi triết học đều giúp con người phương cách mới để khám phá hiện thực, mỗi trường phái văn nghệ đều có thể hiến tặng cho nghệ sĩ một cách biểu hiện khác trong nghệ thuật. Chúng góp nhiều chiều nhìn để làm phong phú cuộc sống tinh thần của nhân loại. Thái độ cản trở sự hình thành và phát triển cái mới mới là lạc hậu và phản [chuyển] động. (“Đối thoại hậu hiện đại”, Tienve.org, 2-2009, in lại trong Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (NXB Thanh niên, 2014, tr. 238).

 

5. Cuối cùng, do không hiểu gì về hậu hiện đại, nên Hoài Nam tán nhảm:

“Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là, dù mỉa mai bỡn cợt hay nhại, thì những cái đó cũng không phải phẩm chất riêng có của văn chương “Hậu hiện đại”, và càng không phải những cái làm nên giá trị chủ yếu của truyện ngắn Lê Anh Hoài.”

Không ai cho “mỉa mai bỡn cợt hay nhại là phẩm chất riêng của văn chương hậu hiện đại” cả. Tuyệt đối không. Không biết Hoài Nam đã đào đâu ra nhận định quái gở kia.

Đâu phải riêng “mỉa mai bỡn cợt hay nhại”, mà…

“Nhiều đặc điểm hậu hiện đại đã có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa – không sai! Nhưng điều quyết định xẻ ranh khu biệt hậu hiện đại với cái khác nó, là: nền tảng triết học và thái độ.”

(Inrasara, “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Tienve.org đăng tháng 2-2009, in lại trong Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, Sđd, tr. 46).

*

Thiếu hiểu biết mà đã vội phát ngôn, nên thành bừa. Cái bừa ấy rất tự tin chường ra mặt báo để người thiên hạ thưởng lãm, mới liều. Nỗi liều kia được ngụy trang bằng giọng điệu tỏ vẻ trí thức thì không phải không tác hại đến độc giả chưa quen thuộc nhiều với cái mới, như hậu hiện đại chẳng hạn – chủ nghĩa còn đang vận động, nhất là ở Việt Nam, nơi nó được truyền bá chưa đầy đủ và khía cạnh nào đó, còn nhiều bất cập. Và, như ở đây, nó luôn bị vài nhà phê bình – bởi thiếu hiểu biết/ định kiến – nhìn bằng con mắt đầy kì thị.

Thứ định kiến và kì thị cần bị lôi ra ánh sáng, bởi biết đâu mốt mai nhà nào đó ngộ nhận tưởng ở đây có phát hiện sáng giá, tiếp tục lặp lại.

Và nhai lại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *