Jashaklikei: Chăm ký ức trong tôi

Tùy bút

Padra-Maily             Chăm, tiếng đầu đời tôi phải gọi, tiếng cả đời tôi được gọi. Không biết từ tiền kiếp nào, hiện kiếp này và hậu kiếp sau, ai đã hóa thân tôi vào tiếng gọi thân thương ấy? Để tôi trở thành một đứa con của thần Siva, của những Tháp Chàm gồng mình trong bão táp, và của mảnh đất Panduranga huyền thoại, trải nắng, gió quanh năm…

Chăm không chỉ là tiếng gọi quê hương, dân tộc, mà còn là cả một phương trời, một miền ký ức xa xăm. Ở trong vùng ký ức ấy, Chăm không chỉ là tiếng gọi, là danh xưng mà còn là tuổi thơ, là tình yêu, là nỗi nhớ, là hình ảnh quê hương với biển xanh xa tắp, nắng cháy rẫy nương, gió gào dữ dội, là những Palei nghèo nép mình sau những cánh đồng xa vời vợi, là tiếng dân ca đêm trăng vang vọng, là những bóng kiều thấp thoáng sau khung cửi, những buổi mơ màng bên tháp cổ hiên ngang…

Chăm là quê hương, quê hương với trùng dương muôn đời dậy sóng, luôn tiềm tàng nỗi “cuộng nộ”, lúc nào cũng có thể “thét gào”, kéo giận dữ vào lòng đất mẹ. Nhưng khi hiền hòa, trùng dương xanh ngắt, bọt sóng đập vào bờ dịu em, như kẻ tình nhân âu yếm người nhân tình là đất liền kiều diễm. Biển khơi, đem lại cho con người những nguồn hải sản vô tận, và những đoàn thuyền ra khơi, buông buồm căng gió tự muôn đời với khát vọng tôm cá đầy khoang, ấm no đầy ấp.

Quê hương còn là những cánh đồng muối trắng, những bãi cát miên man trong làn gió nhẹ, những cồn cát luôn biến đổi dáng hình, những rặng xương rồng gánh chịu nắng, mưa, những đồi hoa Tagalau tím ngắt bên nương. Những đập nước Nha Trinh, Maren… chắn ngăn dòng sông mẹ… Như truyền tải khát vọng của ngàn xưa, muốn cho mùa màng tốt tươi, làng quê đầy nước, bất chấp cái hạn triền miên trên dặm dài xứ sở…

Quê hương còn là những con đường, men theo những cánh đồng bát ngát, rì rào như sóng vỗ trong tiếng gió âm vang, tỏa hương thơm nồng, quyện cả chân trời dẫn vào những Palei, phía sau cánh cò trước mặt. Palei với những bến sông, gợi nhắc hình ảnh của những người phụ nữ đội lu lấy nước, với những em thơ nô đùa, tắm gội, và với những cảnh hẹn hò, tình tứ dưới đêm trăng. Palei, còn có cả những tiếng hát nhặt quang trong những ngày gặt hái, những tiếng cười rộn rã bên những hạt lúa vàng với bóng nắng chang chang…

Chăm còn là tuổi thơ tôi, tuổi thơ với những buổi trưa hè oi bức, nằm trên chiếc võng đung đưa, dưới những tán là cây vươn dài bóng mát. Những buổi chiều mò cua, bắt cá, thả diều, đá dế, và khi những cánh chim trời kéo bóng hoàng hôn buông chậm, phía chân trời là một màu đỏ nhạt, lũ mục đồng kéo bò về nhà cũng trên những nẽo đường quê thân thuộc. Những đêm về, quây quần bên những chiếc xe trâu đã bỏ, nghe cụ già kể chuyện đời xưa, đâu đó phảng phất tiếng khung dệt thoi đưa, tiếng giã gạo đêm thâu, tiếng gió xa xa, gợi nhắc đến những miền mơ tưởng từ những câu truyện cổ tích truyền tụng muôn đời…

Chăm trong tuổi thơ tôi còn là những ngày hội, khi đàn em thơ khoe những màu áo mới, những thiếu nữ diện những bộ cánh thiên thần, những cụ bà sắm sửa đồ lễ. Trong những ngày lễ ấy, quê hương bừng tĩnh, hoang ca trong khúc gieo mùa, khắp xóm thôn, dập dìu, nô nức, rộn rã những tiếng cười, niềm vui. Âm nhục, điệu múa của những nam thanh, thiếu nữ vang lên làm cho cả xóm thôn ngập tràn trong niềm hạnh phúc.

Quên sao được trong những dịp Rija Nưgar, tiếng Kanhi, Baranưng vang lên, trong điệu múa mê say của ông Ka-ing. Ông Ka-ing, như người nhập vai các vị thần múa những điệu vũ lên đồng, hình ảnh đạp lửa của ông, như thể hiện cho khát vọng tốt tươi, xua đi mọi nắng hạn, đem đến mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, lúa thóc đầy bồ. Và ở bên ngoài trong tiếng reo ho của mọi người, điệu múa của ông lại thêm phần sôi động, quê hương chợt thoáng một không khí nhộn nhịp lạ thường, đón ngày hội vũ đầu năm.

Ramưwan, ngày hội lớn không chỉ những người con Bàni, mà còn cả của người Chăm Bàlamôn nữa. Trong những dịp ấy, những xóm làng Bàni lại ngập tràn không khí lễ hội, trên khắp làng quê đâu đâu cũng thấy những mẹ những ngồi gói bánh Tét, bánh in, thanh niên thì kiếm củi về để dựng nồi bánh Tét, ông già lo sắm sửa đồ đạt dựng nên Danoak để chuẩn bị cúng ông bà.

Trong ngày lễ tảo mộ, những người phụ nữ Chăm trong áo dài trăng với chiếc khây trầu  tất bận đến nghĩa trang, thanh niên thì tay cuốc, tay rựa cùng nhau nhỏ cỏ, quét dọn mộ phần. Trong tiếng kinh cầu, khói trầm hương các Po Acar mời gọi các bật tổ tiên khuất mật về chung hội cùng con cháu. Trong đêm thánh đường, những tà áo trắng lại chợt lung linh dưới ánh trăng huyền ảo của quê nhà, những thiếu nữ Bàni đội mâm cổ đến thánh đường, trong thánh đường những cụ bà tem trầu, Po Acar đánh trống xướng kinh và lúc ấy, tất cả những người con Bàni đều hướng một lòng thành kính với Po Awlwah, mùa chay niệm bắt đầu…

Lễ hội lớn nhất được diễn ra trong năm của người Chăm chính là Kate. Kate trong ký ức của tôi thật tuyệt vời. Sao có thể quên được, những lần xem lễ rước ý trang của các vị thần, đoàn người đông đảo, trong điệu múa, trong tiếng trống, tiếng chiêng đi qua khắc đường làng làm cho cả quê hương bừng lên trong tiếng hòa tấu vĩ đại của mùa lễ hội. Và trong những lần lên Tháp những thiếu nữ Chăm trong những bộ áo dài truyền thống, với điệu múa quạt thu hút nhưng ánh nhìn, những tiếng hò reo phấn khích của đoàn người trẩy hội. Nhưng khi đến đại lễ, mọi người đều im lặng trong lòng thành kính, từ trong lòng Tháp tiếng Kanhi vang lên cùng với tiếng hát họi thần của thầy Kadhar… Kate là dịp để mỗi người con Chăm nhớ về thần linh, ông bà tổ tiên… Và trong mỗi dịp ấy những người con Chăm lại trở về quê hương, nơi mái nhà yêu dấu để đắm mình trong ngày hội dân tộc và lại hành hương lên Tháp tỏ lòng thành với dấng thần linh…

Chăm và miền ký ức trong tôi, là quê hương với những hình ảnh tuyệt trần, là tuổi thơ với những kỷ niệm êm đềm như những dòng sông tuổi thơ mà tôi đã từng tắm gội trong đó. Chăm còn là tiếng nói tự hào khi tôi bước ra cuộc đời, tôi là đứa con của dân tộc, tôi yêu dân tộc này bởi vì ở trong lòng nó có tuổi thơ tôi, có những khung cảnh êm đềm, có những Tháp chiều nghiên bóng, những xóm thôn bên những cánh đồng xa táp, có đàn em thơ rộn ràng múa hát trong những ngày lễ dân tộc, và có dáng hình của những người thân yêu nhất. Người ta không thể nói đến tình yêu dân tộc, trong khi người ta không yêu những hình ảnh bình dị trong lòng dân tộc ấy. Chính vì tôi yêu tuổi thơ với những miền ký ức, yêu những hình ảnh quê hương, yêu những người thân thương tôi mới có thể yêu Chăm đến thế!

Nếu tôi có một ước nguyện cho kiếp sau, tôi vẫn sẽ là Chăm, Chăm như là Chăm của tiền kiếp. Để tôi lại được sống trong những miền ký ức của Chăm, để tôi lại được cất tiếng gọi dân tộc thân yêu: Chăm – Như tôi vẫn đang, và sẽ gọi đến cuối cuộc đời này.

 

Baigaor, 12 – 2014.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *