Đọc hậu hiện đại. Tác phẩm 9. “Anh phải sống” của Lê Thị Thấm Vân

ANH PHẢI SỐNG

 

Nước biển ùa vào miệng

mặn chát, nghẹt thở

nắm chặt thanh củi

như mọi người

 

tôi muốn sống

 

Sóng biển đen ngòm

lạnh căm, tàn khốc

trên trời trăng sao

vẫn hiền hoà

(đời nghèo mà vui…)

 

sao tôi không muốn sống?

 

Thanh củi này không chịu nổi hai người bám

em buông tay ra

đàn bà không quan trọng bằng đàn ông

 

anh phải sống

 

Có buông tay ra không

vợ phải biết vâng lời chồng

hi sinh cho chồng

đừng có học cái thói cãi lời chồng

 

anh phải sống

 

Thằng bò cái nhớn cái bé

(mấy đời bánh đúc có xương…)

 

tôi càng muốn sống

 

Anh phải sống

đó là lời hắn nói chứ không phải tôi đó nghe

 

Diêm Vương vào:

Tìm mãi không thấy tên chị trong sổ

chắc chị chưa tới số thật

lời nói chị tôi ghi nhận

nhưng mà chị là đàn bà

đàn bà vốn lắm chuyện

không biết tôi có nên tin chị hay không?

 

Vừa ngó thấy em gái mới lớn mặc áo hở cổ, bà chị liền ngoắc nó tới, la cho một tăng: “Mi ngu rứa! Không biết đó là tình nguyện mang thân xác làm nô lệ tình dục cho bọn đàn ông sao?” Đó là người nữ hiện đại. Hậu hiện đại thì khác: Em ưng nhìn à? Nè, chị cho nhìn nè, nhưng chớ khờ mà mó vào nhé. Thế là giở áo lên cho cái rốn hở ra, “Tôi là rốn [vũ trụ]”!

Lạ, mỗi bài thơ của Lê Thị Thấm Vân đều có thể dùng nữ quyền luận để diễn ngôn, nữ quyền hậu hiện đại, nếu có thể nói thế. Và đều đáng đọc, đáng “tuyển”.

Không muốn gây khó cho người tiếp nhận, tôi tuyển bài thơ được gợi hứng từ kho “truyền thống”: ANH PHẢI SỐNG.

 

…. vòm lá sồi vươn lên từ phía sau nóc nhà ngói đỏ, ô cửa sổ rất rộng. “Để người đàn bà dễ leo.” Anh nói. “Không phải, để cả hai cùng dễ leo.” Em nói.

(“Căn phòng 2.2 – âm thanh sóng”)

Anh nói: – Để người đàn bà dễ leo. “Đàn bà dễ” bật ra trên môi anh ngay lúc đó tưởng là ngẫu nhĩ, nhưng nó có cội rễ từ thẳm sâu tiềm thức anh, từ dài và lâu của truyền thống văn hóa dân tộc Việt. Ở đây, Thấm Vân cãi lại: “Không phải, để cả hai cùng dễ leo”.

Không chút lép vế của giới nào xảy ra ở đây! Yêu nhau say đắm thể nào, làm tình cuồng nhiệt tận đâu nhưng vẫn bình đẳng trong cách suy nghĩ, hành động. Hố phân cách giới hoàn toàn bị san lấp. Suy nghĩ và hành động này còn được Thấm Vân khuếch trương ra bên ngoài xã hội, một xã hội lâu nay mãi sống trong nếp nghĩ, nếp làm đầy phân biệt đối xử: Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng. “… Bố con biết tự sướng thân, vác cặc đi đụ tứ phương thiên hạ/ Còn lồn mẹ, cứ ủ kín để dành hiến dâng bố con đêm động phòng/ Đó là điều ngu nhất đời mẹ”. – Người mẹ hậu hiện đại đã “Trăn trối” với con gái thế!

Đã lâu quá rồi thế giới bị áp đặt bởi độc thoại của đàn ông. Nữ quyền không chấp nhận hiện trạng đó. Bắt tay với hậu hiện đại, nữ quyền luận quyết giải tinh thần xã hội xây dựng trên nền tảng ở đó người nam được coi là trung tâm, người nữ chỉ là giới tính hạng hai le deuxième sexe chuyên đóng vai phụ hoặc không vai trò gì cả.

Tại sao “đàn bà không quan trọng bằng đàn ông”? Ai bày đặt ra câu mênh lệnh cấp “đừng có học cái thói cãi lời chồng”? Nếp nghĩ thâm căn ngàn năm ấy cần phải bị lật trái và xét lại, ở mọi khía cạnh và cấp độ. “Không” phải là tiếng nói phản kháng đầu tiên.

Chúng ta đã thấy Nguyễn Thị Hoàng bắc phản biện “Đàn bà đái không qua ngọn cỏ” siêu thế nào rồi. Mượn cốt truyện “Anh phải sống” của Khái Hưng, Lê Thị Thấm Vân chế tác [đầy xuyên tạc] để lái câu chuyện sang hướng khác, phục vụ cho ý đồ bài thơ:

tôi muốn sống

… sao tôi không muốn sống?

… Anh phải sống

đó là lời hắn nói chứ không phải tôi đó nghe

                        (“Anh phải sống”)

 

Người con gái Việt Nam da vàng thời tiền chiến, thời chiến hay thời hậu chiến, cả người con gái Việt Nam thời bình, muôn đời vẫn thế. Họ đang trôi giạt Hàn Quốc, Đài Loan hay mắc kẹt “căn nhà thổ, trên đất Phnom Penh”. Họ bị mọi loại đàn ông đủ màu da sắc dân nằm phủ đè trên tấm thân quen chịu đựng. Họ chấp nhận chịu đựng với định đề muôn thuở: “Đàn bà không quan trọng bằng đàn ông”.

Tại sao?

Hết còn lưỡng lự thời Yellow Light, Thấm Vân sẵn sàng bày tỏ thân thể mình để nói lên tư tưởng bình đẳng giới. Sự nghịch với mấy sợi lông măng quanh vú hay chụp ảnh lỗ rốn, là một; lùng sục vào kho lưu trữ văn hóa đực tính để làm cuộc công phá: quan niệm về cái màn trinh hư ảo, phận mỏng cánh chuồn, là những.

Tiếng nói phản kháng lung linh trên đôi cánh thi ca không phải không đẹp và độc đáo ấy đã bay qua đại dương đến với chúng ta. Nó có xuyên được bức tường thành kiên cố và dày đặc của định kiến văn hóa cũ kĩ hay không, thì không ai biết được.

Nhưng đó chắc chắn là tin lành.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *