Lễ hội Ramưwan của dân tộc người Chăm trong thời hội nhập

2014-6-Ramuvan-Dien

Phùng Hoàng Anh thực hiện (bài phỏng vấn thực hiện vào Ramưwan 2013)

Báo Trí thức & Phát triển, 21-8-2014

Mỗi lần nhắc đến “tết Chăm”, ai ai cũng nghĩ đến lễ hội Katê. Điều đó không có gì sai cả, bởi đây là lễ hội lớn nhất của cả dân tộc Chăm, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng. Nhất là trong dịp Katê, đồng bào Chăm mở hội đón khách thập phương lên hành hương tháp Chàm nổi tiếng trong khu vực. Trước đó là lễ rước y trang thần được dân tộc Raglai anh em mang xuống rất long trọng. Thế nhưng, bên cạnh Katê, cộng đồng Chăm còn có lễ hội khác, mà nhiều khi dân gian gọi chệch đi là Tết Bà-ni. Đó là lễ Ramưwan. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuôc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hoá Chăm  Inrasara.

PVThưa nhà nghiên cứu văn hoá Chăm Inrasara, dân tộc ta bao gồm 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất Việt Nam, do đó mọi giá trị tinh thần của mỗi dân tộc, dù lớn dù nhỏ đều được dung nạp để trở thành di sản văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, bởi vậy lễ hội Ramưwan 2014 của người Chăm có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào trong đời sống tâm linh?

Inrasara: Ngoài người “Chăm Tây” theo tôn giáo Islam, và một số ít theo đạo Chúa… còn lại, đại đa số người Chăm ở Việt Nam hiện nay theo hai tôn giáo – tín ngưỡng chính là Bà-la-môn và Bà-ni. Đó là hai tôn giáo có mặt trong cộng đồng này từ rất lâu đời, làm thành nên bản sắc văn hóa của người Chăm. Nếu cộng đồng Chăm có lễ hội Katê được coi là truyền thống chung, thì bộ phận Chăm Bà-ni có lễ rất đặc thù. Đó là Ramưwan.

Ramưwan, tiếng Chăm có nguồn từ Ramadan, tức là tháng 9 chạy tịnh thuộc truyền thống Hồi giáo. Người Chăm đọc trại đi thành Ramưwan mà dân gian quen gọi là “Tết Chăm Bà-ni”. Gọi là “tết” không phải không có lí do của nó. Bởi khác với Hồi giáo chính thống, Hồi giáo Bà-ni đã được bản địa hóa, nên yếu tố gia đình mẫu hệ ảnh hưởng sâu đậm đến lễ hội của bộ phận người Chăm theo tôn giáo này. Hồi giáo chính thống được Chăm hóa thành Bà-ni. Từ đó Ramưwan cũng hết còn mang ý nghĩa “chay tịnh” mà đã thành Bbơng Muk Kei, tức “ăn” hay lễ Cúng Ông bà Tổ tiên.

2014-6-Ramuvan-12

* Photo Kiều Maily.

PV: Xin ông cho biết công việc chuẩn bị trước, trong và sau lễ hội Ramưwan, đối tượng tham gia lễ hội, không gian diễn ra lễ hội, thời gian tổ chức lễ hội hàng năm vào thời điểm nào?

Inrasara: Năm nay Ramưwan đến sớm hơn năm trước 12 ngày. Ngày 6-7 nhằm 29-3 lịch Chăm, bà con gồng gánh đi tảo mộ (Nau ghur) xa. Ngày tiếp theo: tảo mộ gần, sau đó liên tục là các lễ cúng khác nhau. Ngày 9-7 là buổi cúng cuối cùng để tối hôm đó các thầy Chan (Ong Acar) vào Sang Mưgik (Nhà Chùa Hồi giáo cũ). Các vị chức sắc Chăm Bà-ni này suốt cả tháng ròng sẽ chay tịnh trong nhà chùa cho đến ngày Mãn chay (Talaih ơk). Ở đó, các vị bàn về lịch pháp, về vấn đề của bổn đạo, về tất tần tật sự việc liên quan đến tín ngưỡng dân tộc Chăm.

PV: Quá trình diễn ra lễ hội thường có những hoạt động gì? Bản sắc văn hoá dân tộc Chăm còn được gìn giữ ở Lễ hội Ramưwan là gì? Yếu tố văn hoá mới được du nhập trong lễ hội là gì thưa ông?

Inrasara: Người Chăm có rất nhiều lễ hội, mà có lễ là có múa hát. Múa hát từ đầu thôn đến cuối xóm. Cả trên sân khấu nhà quê. Nhất là năm nay, khi làng Phước Nhơn – Pabblap – Ninh Thuận khánh thành Sang Mưgik mới, thì lễ hội hứa hẹn nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo hơn nữa. Gần như người Chăm vẫn còn giữ nguyên truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa, không có có yếu tố ngoại lai nào du nhập vào cả.

PV: Ông có thể tóm lược những nét đặc sắc về không gian diễn xướng, trang phục, dân ca, dân vũ, văn hoá ẩm thực có trong lễ hội Ramưwan?

Inrasara: Văn nghệ thường được tổ chức trên sân khấu ở trung tâm làng với các điệu dân ca, dân vũ quen thuộc hoặc có cải biên. Cũng có làng mời Đoàn Nghệ thuật tỉnh về trình diễn, chủ yếu vẫn là các điệu múa, bài hát truyền thống. Các món ăn phục vụ ngày lễ rất đặc trưng Chăm. Riêng bánh, người Chăm có Pei nung (bánh tét), Pei dalik (bánh ít), ginrong liya hay xakaya là các loại bánh riêng của người Chăm. Mỗi gia đình đều có các bữa tiệc đãi khách trong 3-4 ngày liên tục, chỉ sau tối thầy Acar (chức sắc Chăm Bà-ni) vào Nhà chùa chay tịnh, thì tất cả dân làng không còn giết mổ nữa.

PV: Ngày nay, sự quan tâm, tham gia của giới trẻ vào hoạt động lễ hội truyền thống này như thế nào thưa ông?

Inrasara: Vài chục năm qua, đại đa số thanh niên Chăm tỏa đi các thành phố lớn học hành, làm ăn và làm việc. Hầu như tất cả đều trở về làng palei để ăn “tết” Ramưwan. Chính thế hệ trẻ đã góp phần làm cho không khí lễ hội dân tộc thêm sinh động và tươi mới. Sinh động và tươi mới, bởi cha mẹ lâu ngày gặp con cái, đã xem họ như là khách từ phương xa trở về. Thêm bọn trẻ khi về đã rủ thêm cánh bạn đồng tộc làng xa hay khác tộc đến chung vui, góp thêm sự sôi động của lễ.

PV: Lễ hội Ramưwan của người Chăm được diễn ra hàng năm là do ý thức tự giác của nhân dân, hay là do sự chỉ đạo của ngành văn hoá nhằm mục đích duy trì, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập?

Inrasara: Hoàn toàn tự giác. Tuyệt đối không có tổ chức chính quyền nào dính vào cả. Các ban ngành văn hóa càng không có bất kì chỉ đạo nào. Bà con Chăm ý thức về lễ nghi tín ngưỡng và thờ cúng ông bà tổ tiên, đến cận ngày lễ là họ trở về nơi chôn nhau cắt rốn để hành lễ, gặp để chúc tụng nhau, và ca hát.

PV: Là một người con của dân tộc Chăm, đồng thời là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, ông đã có những đóng góp gì trong việc tuyên truyền, quảng bá, gìn giữ những phong tục, lễ hội, ẩm thực, trang phục của người Chăm trong đời sống hiện đại?

Inrasara: Tôi nghiên cứu văn học và ngôn ngữ là chính. Tôi đã có nhiều tác phẩm về lĩnh vực này. Ngoài ra, tôi và một số anh em trí thức ra đặc san Tagalau – Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm, tập trung được đông đảo lực lượng các cây bút trẻ từ nhiều vùng miền khác nhau góp mặt. Đây có thể xem là đặc san duy nhất của của dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay. Đến nay chúng tôi đã xuất bản được 14 số, mỗi số khoảng trên dưới 300 trang. Còn với tư cách nhà văn, tôi cổ xúy và truyền bá văn hóa dân tộc qua chính tác phẩm của mình.

PV: Hiện nay, ông đang tập trung nghiên cứu những đề tài gì về bản sắc văn hoá của dân tộc Chăm?

Inrasara: Tôi đang hoàn thành nốt bộ Văn học Chăm – 10 tập. Cạnh đó tôi kí hợp đồng với các nhà xuất bản (ưu tiên cho Kim Đồng) xuất bản các ẩn phẩm dành cho thiếu nhi Chăm. Sau cùng, tôi tập trung viết các cuốn tiểu thuyết nằm trong dự án sáng tác dài hạn của mình.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ thú vị và bổ ích của ông! 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *