Inrasara: Ngoại vi có thể làm được gì?

2014-4-Pleiku.07

Báo Nhân dân cuối tuần, 11-5-2014

Hội thảo “Thực trạng và những vấn đề của mối quan hệ văn hóa trung tâm – ngoại vi ở Việt Nam” diễn ra tại thành phố Pleiku (Gia Lai), do Viện Thông tin KHXH thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức, đã tiếp cận một trong những vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay. Thế nhưng, khái niệm trung tâm – ngoại vi mặc dù đã được các nhà lý luận bàn cãi nhiều, vẫn chưa thể thống nhất, gây không ít ngộ nhận và nhầm lẫn nơi các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc.

Chắc chắn câu chuyện chung quanh khái niệm và hiện trạng trung tâm – ngoại vi đang là vấn đề nóng hiện nay; nóng đến thành thời trang, để bất cứ người viết nào cũng có thể bàn về nó. Thời trang – nhưng đó vẫn là hiện trang bức thiết, từ hoạt động kinh tế cho đến sáng tác văn chương, từ tổ chức chính trị cho đến sinh hoạt thường ngày… tác động toàn diện đến đời sống nhân loại.

Không phải không nguyên do, khi từ hai thập niên qua, vấn đề đã được mổ xẻ và tìm giải pháp ở phạm vi toàn thế giới. Việt Nam không là ngoại lệ. Và nhất là Việt Nam, đất nước đa dân tộc và đa văn hóa, phần lớn trong số đó thuộc vùng ngoại vi đang đứng trước nguy cơ thất truyền, biến mất.

Ta vẫn nhận vô vàn tiện ích từ trung tâm hóa và toàn cầu hóa, đồng thời cũng chịu tác động bởi vô số xoáy lốc của nó và trong nó, không thoát ra được. Về kinh tế – chính trị – xã hội, toàn cầu hóa nguy cơ nhuộm nhân loại thành một màu đồng nhất. Riêng bình diện văn hóa, toàn cầu hóa làm cho nhân loại trên khắp thế giới trở nên giống nhau hay khác nhau hơn, là câu hỏi thường được đặt ra trong các cuộc trao đổi về toàn cầu hóa văn hóa.

Ngay ở đề dẫn Hội thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Dân, chủ nhiệm đề tài, đã phải minh định lại hàm nghĩa của khái niệm này. Qua đó, ông yêu cầu các tham luận đánh giá đúng hiện trạng các nền văn hóa ngoại vi. Bởi vì, cho dù hội thảo không đặt ra “giải pháp”, nhưng nếu chúng ta nhận diện đúng “thực trạng” và nêu đúng những “vấn đề”, là ta đã đi một phần lộ trình “giải pháp”.

Dẫu sao đi nữa, trung tâm hóa, thiệt thòi nhất vẫn thuộc về người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Toàn cầu hóa và trung tâm hóa khởi đầu làm mất mát, phân hủy từng mảng văn hóa truyền thống gần như là vô phương cứu chữa. Trước hết và nhanh nhất, qua đồng phục bắt buộc của các công ty, người công nhân dân tộc thiểu số cởi bỏ y phục quen thuộc. Ba năm thành lệ, chẳng bao lâu họ trở nên xa lạ với lối ăn mặc của ông bà tổ tiên, để cuối cùng họ thấy mình đuổi theo thời trang đương đại lúc nào không biết.

Tiếp đến là ngôn ngữ. Nếu mươi năm qua giới trí thức Việt Nam lo ngại nguy cơ tiếng Anh xâm lấn phần đất tiếng mẹ đẻ, thì người dân tộc thiểu số lo gấp bội phần. UNESCO cho biết, mỗi tháng nhân loại mất đi hai ngôn ngữ. Bốn trăm năm qua, hơn ngàn ngôn ngữ loài người bốc khói. Cơ quan quốc tế này còn cảnh báo, thế kỷ XXI, có đến 90% ngôn ngữ loài người sẽ biến mất! Ngôn ngữ biến mất, kéo theo lối nghĩ, lối sống biến mất và sau rốt, văn hóa biến mất.

Vấn đề đặt ra là nghiên cứu văn hóa truyền thống dân tộc để làm gì? Như sử thi Tây Nguyên chẳng hạn, chúng ta đã sưu tầm, dịch và in ra mấy mươi ấn phẩm sử thi, nhưng xin hỏi có gia đình có học nào người dân tộc ở Tây Nguyên sở hữu bộ sử thi ông bà mình chưa?Vậy làm sao có thể truyền bá văn hóa truyền thống tổ tiên?

Rồi, làm gì để tránh hiện tượng giả văn hóa dân tộc? Ở Gia Lai – như một số chuyên gia cho biết, đã có người bịa ra truyện cổ Jrai, Bana; hoặc có người trộn lẫn vào kho tàng tục ngữ Jrai không ít tục ngữ Việt, tại sao? Tham luận của Phạm Thị Hoàng Thương đề cập đến tổ chức gia đình mẫu hệ dân tộc Jrai, Bana. Vương Toàn đề cập đến việc thống nhất bộ chữ cho các dân tộc có chữ viết, như Thái có đến tám bộ chữ, Chăm: ba bộ chữ… Nhà văn Thu Loan nhấn về việc thay đổi cơ cấu sản xuất, ở đây là cây lúa, từ đó thay đổi văn hóa truyền thống. Nhà văn đề nghị phương cách hữu hiệu để cứu vãn những đặc trưng văn hóa dân tộc bằng sách ảnh… mang tính phổ thông.

Còn làm thế nào để phục dựng không gian văn hóa của và cho các dân tộc hiện cư trú ở cùng “ngoại vi”? Phạm Minh Khôi gây chú ý khi nêu ý kiến rằng Jrai và Bana là người bản địa ở Gia Lai, nhưng không có ai thuộc hai dân tộc ở hội thảo này, dù ở tỉnh này có không ít thạc sĩ là người dân tộc, đó là điều rất đáng tiếc. Có nhà văn còn cho rằng, các nền văn hóa dân tộc ít người mất mát là nguy cơ nhỡn tiền; điều quan trọng là chúng ta chớ góp phần đẩy nhanh sự méo mó, suy thoái và mất mát văn hóa truyền thống ấy. Ta cần có sự can thiệp đầy ý thức.

Như thế, Hội thảo vẫn chưa thể đưa ra “giải pháp” nào cụ thể, dù các tác giả mang nặng ưu tư và nhiệt huyết, mà chỉ là những gợi mở cần thiết – như TS Hồ Sỹ Quý tổng kết. Dẫu sao, khi ta nói cái gì đó là “ngoại vi” buộc ta đặt nó trước đối trọng nào đó: ngoại vi là ngoại vi đối với “trung tâm”. Chúng ta kêu “ngoại vi” khi (bộ phận) nền văn hóa nào đó có xu hướng bị hút về trung tâm nào đó. Sự hút vào trong này nguy cơ làm cho phía ngoại vi bị thoái hóa và biến mất.

Làm thế nào để “trung tâm nhỏ hóa” một nền văn hóa ngoại vi? Bởi ngoại vi vẫn có thể làm được điều gì đó sáng giá, nếu phía ngoại vi không phải mặc cảm, có ý thức văn hóa dân tộc mạnh để bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời biết thu thái cái bên ngoài để làm nên cái mới, từ đó khả thể hình thành một trung tâm nhỏ trong nhiều trung tâm khác. Chỉ khi nào đất nước hình cong chữ S này tạo ra được nhiều trung tâm văn hóa nhỏ, ta mới có thể nói đến sự giàu sang của nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam.

 

One thought on “Inrasara: Ngoại vi có thể làm được gì?

  1. Giữa ý thức hệ toàn cầu hóa và trung tâm hóa có thể làm gì cho ngoại vi, văn hóa dân tộc thiểu số để lại gì trong lòng người đọc tương lai? Hiện tượng giả văn hóa chỉ tồn tại khi ý thức ngoại vi tác động vào giới toàn cầu, nó đẩy mạnh tinh thần lạm dụng ra ngoài rìa xã hội. Những tác giả sáng tác văn chương, sưu tầm và dịch thuật nêu chức năng “ngoại vi” ra sao?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *